7 điều có thể bạn chưa biết về siêu xe Acura NSX huyền thoại

0
Honda đang kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Acura NSX, mẫu xe huyền thoại luôn được giới đam mê siêu xe biết đến như một biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và nổi tiếng khắp thế giới từ cuối những năm 1980.


acura_nsx_30thanniversary_00-1024x512.jpg

Acura NSX thế hệ đầu tiên là một chiếc xe mang tính chất đột phá vào thời điểm cuối những năm 1980, không chỉ với Honda mà còn khiến cho toàn thế giới phải sững sờ ngưỡng mộ. Trong quá trình phát triển NSX, các kỹ sư Honda đã tiên phong ứng dụng rất nhiều công nghệ mới, chưa từng hiện diện trên bất cứ mẫu xe đẳng cấp cao nào khác lúc bấy giờ.

Dưới đây là 7 điều làm nên sự đặc biệt cho Acura NSX.

Bám sát thiết kế của concept

Chúng ta đều biết rằng tuyệt đại đa số những chiếc xe khi đã hoàn thiện để đi vào sản xuất hàng loạt đều trở nên “nhàm chán” hơn so với bản concept. Đây là một thực tế không khó hiểu, bởi lẽ xe chỉ đẹp thôi là chưa đủ, mà còn phải xét đến đủ thứ khác như hiệu năng vận hành, hiệu suất sử dụng nhiên liệu, tính khả dụng và cả tính kinh tế nữa. Thế nhưng Acura NSX là một ngoại lệ.


acura_nsx_30thanniversary_01-1024x367.jpg

Nhằm hiện thực hóa ý tưởng về một mẫu xe thể thao có động cơ đặt giữa, Honda tìm đến studio thiết kế Pininfarina và đến năm 1984 thì bản concept mang tên Honda Pininfarina Xperimental (HP-X) đã được ra đời. Nó gây ấn tượng mạnh không chỉ nhờ việc vận hành bằng khối động cơ V8 lấy từ xe đua Formula 2 của Honda, mà còn bởi buồng lái có cấu trúc dựa theo máy bay phản lực và được làm từ một khối Perspex – chất liệu nhựa trong suốt – qua đó đạt hệ số cản gió rất thấp chỉ 0,25 Cd.

Trên thực tế, 3 chiếc xe concept đã được chế tạo và tất cả đều rất tương đồng gần với bản thảo gốc. Những nét đặc trưng nhất của NSX thậm chí đã hiện diện ngay từ rất sớm trên 2 chiếc concept đầu tiên, với khác biệt đáng kể duy nhất là phần tạo hình đèn hậu. Chiếc concept thứ 3 và cuối cùng được giới thiệu tại triển lãm ô tô Chicago 1989.

Là xe được sản xuất đại trà đầu tiên dùng khung gầm nhôm liền khối

Việc Honda/Acura sử dụng nền tảng khung gầm làm từ nhôm cho NSX được lấy cảm hứng từ tàu siêu tốc Shinkansen – được chế tạo từ kim loại khối lượng nhẹ. Khi xe không quá nặng, động cơ cũng sẽ không cần phải quá lớn để nó có thể vận hành một cách linh hoạt.


acura_nsx_30thanniversary_02-1024x682.jpg

Quá trình hoàn thiện nền tảng khung gầm này không hẳn hoàn toàn dễ dàng, một vấn đề lớn mà Honda đã phải đối mặt là những tấm bệ. Nhôm không phải là chất liệu có thể bẻ cong quá nhiều và chúng sẽ nứt khi vượt quá một ngưỡng nhất định. Vì vậy, để chế tạo các tấm bệ dày, Honda đã nung nhôm thô ở sức nóng 600 độ C và đổ ra khuôn để tạo nên cấu trúc tổ ong có độ cứng chắc cao.

Hiệu quả đạt được là thân xe rắn rỏi hơn 50% so với Porsche 911 và nhẹ hơn 200 kg so với thân xe bằng thép. Sau này, Honda thậm chí đã chế tạo một bản thử nghiệm của chiếc CR-X với thân xe bằng nhôm để củng cố thêm về mặt công nghệ.

Không phải chiếc xe Honda đầu tiên trang bị công nghệ VTEC tiên tiến

Một trong những điểm nhấn của NSX được Honda/Acura quảng bá rầm rộ là công nghệ đóng mở van biến thiên điện tử VTEC (Variable Valve Timing and Lift Electronic Control), nhưng nó không phải là mẫu xe đầu tiên ứng dụng công nghệ này. Ý tưởng bắt nguồn từ những năm 1980, khi Honda lắp đặt một hệ thống điều tiết van biến thiên có tên gọi HYPER VTEC cho mẫu xe mô tô CBR400. Dòng ô tô đầu tiên được áp dụng VTEC là Honda Integra XSi dành riêng cho thị trường nội địa Nhật Bản với động cơ mạnh 160 mã lực. Sau đó đến lượt thị trường châu Âu nhận được chiếc Honda CR-X 1.6i-VT 150 mã lực có trang bị VTEC.


acura_nsx_30thanniversary_03-1024x682.jpg

Trước buổi họp báo ra mắt concept của NSX, cựu CEO của Honda là ông Kume Tadashi đã bất ngờ khởi động mẫu động cơ thử nghiệm, một khối máy V6 lấy từ chiếc Honda Legend qua. Ông nhận ra xe không được trang bị VTEC và khi quay sang hỏi các kỹ sư về lý do thì nhận được câu trả lời rằng lúc đó VTEC mới chỉ có trên động cơ 4 xy lanh, muốn ứng dụng trên động cơ V6 thì cần thêm thời gian nghiên cứu. Thế là ông Kume lập tức đưa ra yêu cầu phải bổ sung công nghệ VTEC vào NSX.

Giới chơi xe độ lúc bấy giờ hay phàn nàn về việc công nghệ VTEC trên các mẫu Civic hoạt động không ổn định, phải gặp đúng điều kiện thì mới kích hoạt. Sự bất cập này được khắc phục hoàn toàn khi VTEC được trang bị cho NSX.

Động cơ sử dụng ống lót xy lanh có sợi carbon gia cường

Năm 1997, NSX sở hữu động cơ mới V6 3.2L với tên mã C32A – thực chất là một phiên bản được tinh chỉnh lại từ động cơ C30A 3.0L. Các kỹ sư Honda đã phải tăng kích thước xy lanh lớn thêm để phù hợp với lốc máy. Ống lót cũng được thay mới.


acura_nsx_30thanniversary_04-1024x683.jpg

Thay vì sử dụng ống lót thép tiêu chuẩn có kích thước lớn, Honda đã sử dụng ống lót được gia cường bằng sợi carbon oxit nhôm cho khả năng bôi trơn tốt hơn và tăng cường chống ăn mòn. Loại ống lót này sau đó đã được sử dụng trên Honda S2000.

Để tận dụng triệt để công nghệ VTEC, động cơ sẽ phải quay nhiều hơn mức tiêu chuẩn, lên đến ngưỡng tua 8.000 vòng/phút nhờ vào thanh nối làm từ titan – một chất liệu tuyệt vời có khối lượng nhẹ như nhôm nhưng cứng hơn thép – lần đầu tiên được sử dụng trên một chiếc xe thương mại.

Tay đua Senna đưa ra lời khuyên cho Acura để cải thiện NSX


acura_nsx_30thanniversary_05-1024x683.jpg

Trong quá trình phát triển NSX, một số tay đua đã được mời trải nghiệm NSX để đưa ra cảm nghĩ của họ. Tay đua F1 từng 3 lần vô địch thế giới Ayrton Senna cũng nằm trong số đó. NSX đã trải qua một cuộc thử nghiệm kéo dài 1 tháng tại trường đua Suzuka, trong khi Senna đang thử nghiệm xe đua F1 mới của Honda, anh cũng được mời lái thử NSX.

“Tôi không chắc là mình có thể đưa ra lời khuyên phù hợp cho một chiếc xe được sản xuất đại trà, nhưng tôi cảm thấy nó không được chắc chắn”, những lời này đã tác động đến các kỹ sư của Honda. Dựa theo lời góp ý của Senna và qua nhiều buổi thử nghiệm, Honda đã cải thiện cho khung gầm cứng hơn 50%.

Truyền cảm hứng cho McLaren F1

Nhà thiết kế của McLaren F1 Gordon Murray rất yêu thích NSX nên ông đã quyết định mua một chiếc và sử dụng trong khoảng 6 đến 7 năm, 75.000 km là quãng đường mà ông đã đi trên chiếc NSX của mình. Ông cũng đã lấy nó để làm nguồn cảm hứng cho chiếc McLaren F1 sau này.

“Trong thời gian cầm lái NSX, những chiếc xe tôi từng dùng để tham chiếu cho mẫu xe mới của mình như Ferrari, Porsche hay Lamborghini đều tự động biến mất khỏi tâm trí”, ông Murray cho biết. “Tất nhiên, chiếc xe mà chúng tôi sẽ tạo ra phải nhanh hơn NSX, nhưng chất lượng và trải nghiệm lái xe của NSX là mục tiêu thiết kế của chúng tôi”.


acura_nsx_30thanniversary_06-1024x661.jpg

Đặc biệt, Murray rất yêu thích hệ thống treo của NSX vì nó cho phép chiếc xe có thể được dùng để đi lại hàng ngày mà vẫn mang lại khả năng xử lý tuyệt vời khi được đưa vào đường đua. Murray cho biết, dù giới truyền thông khi đó ít khi nhắc đến hệ thống treo được cấu tạo bằng chất liệu nhôm của NSX vì chiếc xe có quá nhiều thứ hay ho khác, thành phần này thực sự tốt và gây ấn tượng mạnh đến nỗi nó đã truyền cảm hứng cho chính McLaren F1.

Murray rất yêu mến siêu xe của Acura, ông thậm chí đã đề nghị Honda chế tạo động cơ V10 và V12 để trang bị cho McLaren F1, nhưng lời đề nghị này của Murray đã không được chấp nhận. Ông đã phải chuyển sang sử dụng động cơ của BMW.

“Cho đến ngày hôm nay, NSX vẫn luôn là chiếc xe gần gũi và yêu quý đối với tôi”, nhà thiết kế McLaren F1 cho biết.

Khiến Ferrari, Porsche và Lamborghini phải nghiêm túc trở lại

Vào cuối những năm 1980, cả Ferrari, Porsche và Lamborghini đều không tạo ra được sản phẩm nào thực sự đáng chú ý cho đến khi Acura NSX chính thức xuất hiện. Một chiếc siêu xe với giá cả phải chăng và sở hữu hàng loạt công nghệ tiên tiến đã khiến các “ông lớn” phải trầm trồ và tự nhủ cần phải nỗ lực nhiều hơn.

Những chiếc 308, 328 và 348 của Ferrari đã trở nên nhàm chán và không gây được tiếng vang như những gì NSX có được ngày hôm nay. Cho đến khi chiếc Ferrari 360 Modena ra đời, Ferrari mới thực sự có một mẫu xe có thể xứng tầm với Acura NSX.


acura_nsx_30thanniversary_07-1024x683.jpg

Porsche đã bị lâm vào thế bí khi những mẫu xe luôn mang một công thức cũ: động cơ đặt sau làm mát bằng gió. Mặc dù thương hiệu xứ Stuttgart đã thử rất nhiều biện pháp với 924, 944, 928 và 968, nhưng những mẫu xe này vẫn không mang đến một tín hiệu tốt đẹp cho công nghệ xe trong tương lai.

Lamborghini đã chế tạo hai mẫu xe vào cuối thập niên 1980, Jalpa trang bị động cơ V8 và Countach với khối động cơ V12 đồ sộ. Jalpa là chiếc xe duy nhất cạnh tranh với Acura NSX, và về cơ bản nó là sự tiếp nối của nền tảng được sử dụng lần đầu tiên trên chiếc Urraco đầu những năm 1970. Tuy Jalpa sử dụng động cơ đặt giữa với hệ dẫn động cầu sau, nhưng không có gì nổi trội về mặt công nghệ.

400 bằng sáng chế đã được nộp cho công nghệ được sử dụng trên NSX, vì vậy không khó để hiểu lý do vì sao chiếc xe này lại gây nên tiếng vang trong làng xe thế giới đến vậy.

Trong khi đó hai chiếc Countach và Testarossa nổi tiếng cũng trở nên lép vế với Acura NSX. Năm 1989, Porsche ra mắt chiếc 959, Ferrari với sự hiện diện của F40 và Lamborghini chuẩn bị ra mắt siêu xe Diablo. Cả 3 mẫu xe này đều là những bước tiến lớn từ những nỗ lực trước đây của họ trong việc sản xuất siêu xe.

Tổng hợp
NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcBán tải Isuzu D-Max tại Việt Nam giảm giá mạnh, chỉ còn 650 triệu đồng
Bài tiếp theoBộ sưu tập những chiếc Jaguar sáng giá nhất được rao bán