5 dòng xe JDM tuyệt vời bạn nên tìm mua ngay khi có thể

0
Xe thể thao Nhật Bản luôn có nét quyến rũ rất riêng và được nhiều người ưa chuộng, nhất là những chiếc xe nội địa JDM. Những năm gần đây, sự quan tâm của cộng đồng đam mê xe thể thao đối với xe Nhật đã bắt đầu sôi động trở lại sau khi hàng loạt tuyệt phẩm đầy hấp dẫn xuất hiện như Toyota GR Supra 2020 (A90), Acura NSX hay thậm chí là cả Suzuki Jimny với cá tính độc đáo.

Xe mới đã thú vị như vậy lại càng khiến xe cũ được chú ý đến, khiến cho giá thị trường của những chiếc xe JDM có nguồn gốc từ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước đang có xu hướng tăng dần lên. Nếu bạn yêu thích xe JDM mà không nhanh tay, sẽ khó còn deal tốt nữa! Thế nhưng giữa một rừng các lựa chọn vô cùng phong phú đa dạng, biết tậu chiếc nào chơi cho ngon lành? Hãy để chúng tôi thử đưa ra một vài phương án dưới đây xem sao nhé:

1. Toyota MR2 SW20 (1989 – 1999)

So với Supra hay thậm chí cả Celica thì MR2 có vẻ không được nổi tiếng bằng, dù rằng nó là mẫu xe sản xuất thương mại đầu tiên của Nhật Bản ứng dụng cấu trúc động cơ đặt giữa và được ra đời để cạnh tranh với các dòng xe thể thao châu Âu. Thiết kế của MR2 lấy cảm hứng chủ yếu từ Ferrari, khiến cho nó có kiểu dáng khá “lạc tông” khi so với những chiếc JDM Toyota khác ở cùng thời kỳ, nhưng lại đặc biệt cuốn hút nếu nhìn lại qua lăng kính của người hiện đại ngày nay.


toyota_mr2_sw20-1024x576.jpg

Tên gọi của MR2 hoàn toàn có thể dịch ra là viết tắt của “mid-engine, rear-wheel-drive, 2-seater” (động cơ đặt giữa, dẫn động cầu sau, 2 chỗ ngồi). Bản thế hệ thứ hai của MR2 mang tên mã SW20 thường được nhắc đến nhiều nhất, không chỉ vì nó đẹp hơn hẳn so với thế hệ đầu tiên mà còn bởi năng lực vận hành ấn tượng đến từ khối động cơ 2.0L mạnh mẽ.

Toyota từng xuất khẩu MR2 thế hệ thứ hai sang Mỹ dưới dạng xe chính hãng, chia làm 2 phiên bản là SW21 (động cơ 2.0L hút khí tự nhiên) và SW22 (động cơ 2.0L tăng áp). Lời khuyên đưa ra là bạn… không nên để ý đến những phiên bản này, vì công suất động cơ của chúng chỉ ở mức loanh quanh 200 mã lực. Thay vào đó, nếu muốn một chiếc MR2 tốt nhất thì hãy tập trung tìm bản JDM tên mã SW20, vì chỉ xe nội địa Nhật mới được ưu ái trang bị động cơ 2.0L tăng áp 3S-GTE có khả năng sản sinh công suất lên đến 221 mã lực.

2. Nissan Skyline C10 – R34 (1968-2002)

Dòng Skyline có lịch sử rất lâu đời và có rất nhiều phiên bản, tuy nhiên xét về tính kinh tế cũng như khả năng tìm được một chiếc còn “dùng được” ở thời điểm hiện tại thì chỉ nên cân nhắc tối thiểu là thế hệ C10 (Hakosuka) bắt đầu từ năm 1968 trở lại đây. Điều thú vị nhất khi chơi Skyline là bạn có thể lựa chọn đủ mọi kiểu dáng, từ cổ điển cho đến hiện đại hoặc thậm chí thể thao theo phong cách “đua bơi” với các bản cấu hình GT-R vốn đã quá nổi tiếng.


1999-nissan-skyline-gt-r-r34-1024x576.jpg

Lựa chọn dễ dàng nhất là những chiếc R34 với ngoại hình khá tân thời cùng hiệu năng rất ổn. Bản GT-R của thế hệ này vận hành bằng khối động cơ I6 tăng áp kép với tên mã RB26DETT, dung tích 2.6L, có khả năng sản sinh lượng công suất 327 mã lực nhờ đạt mô men xoắn cực đại 392 Nm. Bạn sẽ còn thấy trên thị trường thêm nhiều chiếc R34 GT-R gắn thêm các gói trang bị từ V·spec, M·spec hay cả NISMO, vô cùng phong phú đa dạng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây một bộ phận dân chơi JDM lại có xu hướng tìm về những chiếc Skyline từ R33 trở về trước, với lý do rằng xe càng cũ thì các hệ thống điện tử hỗ trợ càng thô sơ hoặc thậm chí là chẳng có gì, qua đó giảm bớt sự can thiệp vào cảm giác lái, mang đến trải nghiệm thuần chất hơn. Một trong những cái tên tiêu biểu đang “hot” là bản Skyline Coupe R31 cấu hình GTS-R. Bản này tuy không phải nhanh nhất (dùng động cơ I6 2.0L RB20DET-R công suất 190 mã lực, 240 Nm mô men xoắn) nhưng lại cực hiếm khi chỉ được sản xuất đúng 800 chiếc. Nếu khó quá thì lựa bản sedan cũng được!

3. Nissan Cedric Y31-Y32 (1987 – 1995)

Thế hệ thứ bảy Y31 của dòng xe Cedric được giới đam mê tốc độ chú ý đến vì ngoại hình mềm mại đậm chất khí động học chứ không quá vuông vức nhàm chán như những thế hệ trước đó. Tuy là dòng sedan 4 cửa sang trọng vốn thiết kế cho các ông chủ tận hưởng sự thoải mái ở hàng ghế sau, Cedric Y31 vẫn được nhiều tay lái tìm tòi nâng cao hiệu năng. Nói theo cách dễ hiểu thì ở thời kỳ này, BMW 5-Series như thế nào thì Nissan Cedric cũng như thế đối với người Nhật, nhưng hợp “gu” hơn và đương nhiên là rẻ hơn hẳn!


nissan_cedric_y32-1024x576.jpg

Đến năm 1991, Nissan cập nhật dòng Cedric lên thế hệ thứ tám mang tên mã Y32, ngoại hình gần như không đổi nhưng bên trong thân xe là hàng loạt cải tiến về cấu trúc lẫn năng lực vận hành. Nếu có điều kiện, hãy tìm những chiếc Cedric Y32 trang bị động cơ V6 3.0L với khả năng sản sinh công suất lên đến 255 mã lực kết hợp cùng hộp số tự động 5 cấp cùng hệ thống hỗ trợ điện tử rất tiên tiến.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử tìm những chiếc Nissan Gloria – thực chất chính là Cedric nhưng được tinh chỉnh lại đôi chút để thêm phần trẻ trung và thể thao hơn. Chúng chia sẻ tên mã nội bộ, nền tảng khung gầm, cấu trúc kỹ thuật và lựa chọn động cơ.

4. Mazda RX-7 FD3S (1992-2002)

Một khi đã đề cập đến xe JDM thì không thể không nhắc đến dòng Mazda RX-7, đặc biệt là thế hệ thứ ba (và cũng là cuối cùng của nó) mang tên mã FD3S. Mẫu xe này sở hữu một thân hình thon gọn, nền tảng khung gầm ứng dụng chất liệu có khối lượng nhẹ và đặc biệt nhất là động cơ tăng áp kép tuần tự (sequential), qua đó trở thành mẫu xe thương mại sản xuất hàng loạt đầu tiên của Nhật Bản được trang bị động cơ dạng này. Lúc đó Mazda vẫn còn đang tập trung phát triển động cơ xoay (rotary) và đương nhiên RX-7 cũng được sử dụng, càng khiến nó thêm phần độc đáo.


mazda-rx-7-fd3s-type-r-2001-1024x576.jpg

Các kỹ sư Mazda khéo léo đặt khối động cơ xoay này ở vị trí ngay phía sau cầu trước của RX-7, khiến cho xe đạt tỷ lệ phân bổ khối lượng ở mức 50/50 gần như hoàn hảo. Cộng với việc trọng tâm xe khá thấp, RX-7 có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h trong vòng 5,9 giây trước khi chạm đến ngưỡng vận tốc tối đa 249 km/h. Nhờ cách thức vận hành của cặp tăng áp kép tuần tự mà mô men xoắn được sản sinh ra đều đặn ở toàn bộ dải vòng tua máy, ai cầm lái RX-7 cũng cảm thấy dễ làm quen và rất sướng.

Không chỉ có vậy, RX-7 còn được coi là một trong những chiếc xe JDM nổi bật nhất vì yếu tố kinh tế. Khối động cơ có dung tích nhỏ hơn ngưỡng 1.5L nên không bị đánh thuế quá cao, giúp xe trở nên dễ tiếp cận hơn các lựa chọn khác, trong khi hiệu năng nhiều lúc còn tốt hơn!

5. Toyota Land Cruiser 80-Series J80 (1990 – 1997)

Tuy đây không phải là thế hệ Land Cruiser mới nhất, nhưng thế hệ J80 lại được ưa chuộng hơn cả bởi sự bền bỉ lên đến tầm huyền thoại. Nó có đầy đủ tất cả những gì cần thiết nhất của một mẫu SUV thực thụ: kiểu dáng hầm hố nam tính, khung gầm vững chắc, động cơ khỏe và đặc biệt là khả năng off-road ưu việt.


1990-HDJ80-Land-Cruiser-Turbo-Diesel-Left-Hand-Drive-Toyota-80-Series-1024x683.jpg

Hầu hết các xe Land Cruiser J80 phổ biến trên thị trường hiện nay đều là mẫu xuất khẩu đến thị trường Mỹ với tên mã FJ80 (dùng động cơ xăng I6 4.0L 3F-E mạnh 150 mã lực) hoặc FZJ80 (động cơ xăng I6 4.5L 1FZ-FE mạnh 212 mã lực). Nếu đã yêu thích dòng xe này và không ngại việc nó “uống” nhiên liệu như nước lã thì bạn có thể tìm mua được ở bất cứ nơi đâu.

Tuy nhiên, để chọn được một chiếc Land Cruiser J80 “hàng tuyển” JDM thì hãy tìm những chiếc có tên mã HDJ80 hoặc HZJ80. Điểm chung của chúng là đều vận hành bằng động cơ diesel I6 với dung tích 4.2L cho hiệu suất sử dụng nhiên liệu tối ưu cũng như sức kéo rất uy lực. Bản HZJ80 là loại hút khí tự nhiên, có khả năng sản sinh công suất 129 mã lực tại 4.000 vòng/phút nhờ đạt mô men xoắn cực đại 271 Nm tại 2.000 vòng/phút. Trong khi đó, bản HDJ80 trang bị thêm turbo tăng áp, nâng mức công suất sản sinh được lên 154 mã lực tại 3.600 vòng/phút cùng với mô men xoắn cực đại 357 Nm tại 1.800 vòng/phút.

Tổng hợp

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcKoenigsegg Jesko đã vượt qua các quy định khí thải như thế nào?
Bài tiếp theo[Monterey Car Week] Rolls-Royce giới thiệu bộ sưu tập màu Pastel độc đáo