Nhìn lại lịch sử Porsche 911 – thế hệ thứ 2

0
911 G-series (1973 – 1989)

Cũng từ năm 1973, Porsche quyết định sẽ nâng cấp dòng xe chủ
lực của mình sau một thập kỉ có mặt trên thị trường, còn gọi là Series G, đây
là dòng 911 “sống dai” nhất với gần 200,000 chiếc được bán ra trong giai đoạn sản
xuất từ 1973 tới 1989. Bên cạnh hai bản Coupe và Targa, bản Cabriolet cũng được
Porsche giới thiệu sau đó.


S19_0162-8354b803-1-1024x683.jpg

Porsche 911 3.2 G-Series (Porsche-QR.de)

Rất nhiều thay đổi trên 911 sau một thập niên, dễ nhận biết
nhất là cản trước cao hơn với mặt ngoài bọc cao su nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thiết
kế va chạm của Mĩ, thiết kế này tốt đến mức Porsche duy trì nó tận 15 năm sau
đó. Phần sau của xe cũng có một số thay đổi nhất định, giữa hai đèn hậu là một
dải màu đỏ và logo Porsche chạy dài trên ấy, đỏ hoặc đen tùy model. Bên trong nội
thất, trang bị tiêu chuẩn gồm có dây an toàn ba điểm, ghế ngồi có tựa đầu tăng
sự thoải mái và an toàn cho người lái. Dung tích động cơ bản tiêu chuẩn tăng
lên thành 2.7 lít, vẫn là loại máy boxer 6 xi-lanh cho công suất 150 mã lực, bản
S vượt trội hơn khi cho ra tới 175 mã lực. Dòng G-series trải qua nhiều lần
nâng cấp động cơ trong vòng đời 16 năm của mình. Từ 2.7 lít lên 3.2 lít vào năm
1983 cho công suất 250 mã lực trên dòng 911 SC/ RS.

+ Porsche 911 Turbo (930 Turbo)


6-1-1024x576.jpg

Porsche 911 Turbo/ 930 Turbo (Porsche AG)

Nổi bật trong thế hệ này chính là chiếc 911 dùng máy tăng áp lần đầu ra mắt vào năm 1974. Tại Châu Âu thì đơn giản là 911 Turbo, còn tại Bắc Mĩ thì nó được quảng cáo là Porsche 930 (930 là số thiết kế nội bộ). Chiếc xe rất nổi bật với hốc bánh xe rất rộng để phù hợp với lốp béo, cánh đuôi sau khổng lồ mà trên thế hệ 930 đầu mà người ta gọi là ‘đuôi cá voi’, ‘khay trà’ cho những chiếc 930 về sau. Hộp số tay 4 số, động cơ 3 lít sản sinh công suất 260 mã lực và dần dần được đôn lên thành 3.3 lít với công suất 300 mã lực vào năm 1978. Thế hệ 930 Turbo đầu tiên để lại trong mỗi người lái ấn tượng mạnh mẽ về những cú tăng tốc khủng khiếp, khó điều khiển và hiện tượng turbo lag dữ dội. Trong năm cuối sản xuất vào năm 1989, 930 được Porsche trang bị hộp số 5 cấp, sự kết hợp độc đáo giữa phong cách ‘sang chảnh’ và khả năng vận hành ấn tượng, 930 Turbo chính là định nghĩa rõ ràng nhất cho thương hiệu Porsche thời ấy.


  • 5-1-1024x665.jpg

    1979 Porsche 930 Turbo (petrolicious)


  • 4-1-1024x576.jpg

    930 Turbo với cánh đuôi ‘cá voi’ phía sau (CARmagazine UK)

+ Porsche 934 &
934/5

400 chiếc 930 đầu tiên được sản xuất, Porsche đã đủ điều kiện
tham gia tranh tài tại hệ thống giải đua FIA Group 4. Phiên bản đua là Porsche
934 ra đời vào năm 1976, ngay lập tức chứng tỏ thành công khi Toine Hezemans
giành chiến thắng European GT Championship và George Follmer cũng trở thành
quán quân giải Trans-Am được tổ chức tại Mĩ. 934 có tốc độ tối đa vào khoảng
300km/h, tăng tốc đến từ 0-100 trong 3.9 giây. Động cơ có công suất 480 mã lực
lúc mới ra mắt, được đôn lên thành 550 mã lực vào năm 1977 nhờ một số cải tiến.


3-1.jpg

Porsche 934 với tem Jagermeister (Porsche Road and Race)

Năm 1977 đánh dấu sự ra đời của đứa “con lai” 934/5, với hệ thống chassis, động cơ của 934, bánh xe và cánh đuôi của 935, 934/5 được chế tạo nhằm tranh tài tại hệ thống giải IMSA (International Motor Sport Association). Vẫn là động cơ 6 máy phẳng 3 lít, kết hợp với 1 Turbo KKK sản sinh công suất 590 mã lực, tăng tốc 0-100 km/h trong 5.6 giây. Đi kèm với thông số ấn tượng là cánh gió sau khổng lồ khiến cho các tay đua rất khó điều khiển xe ở tốc độ cao, thân xe rộng phù hợp với lốp to. Nhìn tổng thể thì 934/5 như là một xe đua prototype sẵn sàng nuốt chửng mọi đối thủ ngáng đường nó. Porsche chỉ làm ra khoảng 10 chiếc 934/5 nên đây là một “của hiếm” cho giới sưu tập, một chiếc 934/5 từng được trả giá lên đến 1,375,000 USD tại buổi bán đấu giá Gooding Amelia Auction vào năm 2017.


2-1-1024x683.jpg

Porsche 934/5 với thân rộng và cánh đuôi ngoại cỡ (Ultimatecarpage.com)

+ Porsche 935

935 được giới thiệu vào năm 1976 cũng với tư cách là phiên bản
đua của 930 Turbo nhằm tranh tài tại hệ thống giải đua Group 5 của FIA. 935 là
một chiếc xe đua khá thành công khi không chỉ Porsche mà còn được rất nhiều đội
đua khác tin dùng. Tổng cộng 935 tranh tài tại khoảng 370 cuộc đua, 123 là con
số mà nó giành chiến thắng, cực kì ấn tượng khi mà trong đó có rất nhiều cuộc
đua đường trường danh tiếng như Sebring, Daytona, 1000 km Nurburgring và quan
trọng nhất, chiến thắng tuyệt đối tại Lemans 24h năm 1979.


1.jpg

Porsche 935 Kremer K3 – tranh tài tại Lemans 24h 1979 và giành chiến thắng (Project Cars)

Thông thường rất khó cho các đối thủ khác có thể đánh bại được
935 vì trung bình mỗi cuộc đua sẽ có ít nhất 5 chiếc 935 cùng tranh tài, hơn thế
nữa, sức mạnh và thiết kế vượt trội cũng khiến cho những đối thủ khác – dù được
trang bị động cơ lớn hơn – phải dè chừng khi phải đối đầu với 935. Một số chiến
thắng nổi bật của 935 có thể liệt kê dưới đây:

+ Vô địch 1979 Lemans 24h

+ 6 lần chiến thắng Sebring (1978 – 1982 và 1984)

+ 3 chiến thắng tại 1000 km Nurburgring (1977-1979)

+ 6 chiến thắng tại 24h Daytona (1978-1983)

Động cơ boxer 6 xi lanh dung tích từ 3 – 3.3 lít, hai turbo
cung cấp công suất có khi lên tới 845 mã lực tùy thuộc vào áp suất máy và hiện
tượng trễ turbo tại vòng tua thấp khá đặc trưng do có turbo lớn. Trong danh
sách những xe đua thành công của nhà Porsche chắc chắn không thể thiếu cái tên
935. Sức ảnh hưởng của 935 chỉ thật sự chấm dứt khi điều luật mới FIA có hiệu lực
vào năm 1982, hệ thống lại từ Group 1 tới Group 6 thành 3 Group mới là A,B và
C.

Tuy nhiên để nói kĩ về 935 thì phạm vi một bài tóm tắt thì
thật không đủ nên hi vọng trong thời gian tới có điều kiện mình sẽ làm một bài
rõ và chi tiết hơn.

+ Porsche 911 SC

Vào năm 1978, phiên bản 911 SC với dung tích máy 3 lít trở
thành bản 911 tiêu chuẩn. 911 SC còn được gọi là 911 S tại thị trường Mĩ và được
Porsche hạ công suất xuống còn 180 mã lực để phù hợp với một số tiêu chuẩn.
Trong khi đó tại các thị trường khác thì xe cho công suất 188 mã lực và nâng
lên thành 204 mã lực vào các năm sau đó và bản tại Mĩ vẫn giữ nguyên công suất
180 mã lực nhằm cho xe có thể dùng được các loại nhiên liệu có chỉ số octane thấp
hơn.


11-1024x683.jpg

1983 911 SC (Rennlist)

Porsche giới thiệu tới khách hàng bản 911 SC với gói nâng cấp
Weissach nổi tiếng vào năm 1980. Weissach là tên một thành phố tại Đức nơi
Porsche đặt trụ sở nghiên cứu của họ. Xe nổi bật với cách đuôi cá voi, bánh xe
5 chấu Fuchs đồng màu với thân xe và các tiện nghi khác. Tổng cộng có 408 xe được
sản xuất cho riêng thị trường Bắc Mĩ. Porsche một lần nữa giới thiệu thêm phiên
bản Ferry Porsche đặc biệt vào năm 1982 với tổng cộng 200 chiếc được bán ra. Bản
SC tại thị trường Anh đặc trưng bởi gói Sport Group Package với giảm xóc cứng
hơn, cánh gió sau và mâm xe Fuchs màu đen.


12-1024x576.jpg

1980 Porsche 911SC Weissach Edition (Mecum Auctions)

Porsche giới thiệu bản Cabriolet đầu tiên của dòng 911 vào
năm 1982, đây là chiếc Porsche Cabriolet đầu tiên kể từ chiếc 356 mui trần được
ra mắt vào giữa những năm 60 thế kỉ trước. Xe bán khá tốt với khoảng trên 4200 chiếc tới
tay khách hàng trong năm đầu tiên giới thiệu mặc dù mức giá hơi ‘chát’ – ngang
với bản Targa cao cấp thời ấy.


13.jpg

1986 Porsche 911 Carrera Cabriolet (Wikipedia)

Cũng trong khoảng thời gian này Porsche AG đã có quyết định
về tương lai lâu dài của 911. Họ dự định thay thế 911 bằng một model mới hơn –
928 – vào năm 1979. Tuy nhiên doanh số bán ra của 911 vẫn rất khả quan khiến
Porsche suy nghĩ lại chiến lược và quyết định sẽ ra tiếp các dòng 911 mới trong
tương lai. Tổng cộng đã có gần 59,000 chiếc 911 SC được bán ra khi nó kết thúc
sứ mệnh của mình.


14.jpg

Hai chiếc 911 bản 3.2 lít với phiên bản Targa và Cabriolet (Wikipedia)

Còn tiếp…

Tham khảo Wikipedia, TopGear, supercars.net

VNB
Author: VNB

Bài trướcSiêu SUV Urus sở hữu sức mạnh 800 mã lực sau khi qua tay Wheelsandmore
Bài tiếp theoFord Shelby GT350 sẽ sở hữu gói nâng cấp Heritage vào năm sau