Trang chủ » “Vua bán tải” Ranger Raptor mắc lầy ở Việt Nam: đừng quá tin quảng cáo

Chia sẻ bài đăng này

Trong Nước

“Vua bán tải” Ranger Raptor mắc lầy ở Việt Nam: đừng quá tin quảng cáo

Trên mạng xã hội những ngày gần đây đang lan truyền hình ảnh về một chiếc Ford Ranger Raptor bị mắc kẹt trong bãi bùn lầy. Dựa theo một số chi tiết như biển số xe, có thể khẳng định chắc chắn vụ việc này diễn ra ở Việt Nam, cụ thể hơn là một nơi nào đó thuộc khu vực miền Bắc.


“Vua bán tải” Ranger Raptor mắc lầy ở Việt Nam: đừng quá tin quảng cáo

Có vẻ như trong cơn phấn khích sau khi tậu được chiếc Ranger Raptor mới toanh và vừa mới hoàn tất thủ tục ra biển số, chủ nhân chiếc xe này đã đem xe đi “thử sức”. Tuy nhiên, bãi bùn ven sông lại tỏ ra là một bài test quá khó đối với Ranger Raptor, bất chấp việc mẫu xe này đang được ca ngợi là “vua bán tải” ở Việt Nam.

Tại triển lãm VMS 2018 diễn ra hồi cuối tháng 10, Ford Ranger Raptor chính thức ra mắt Việt Nam với giá bán lên đến 1,198 tỷ đồng, trở thành mẫu xe bán tải đắt nhất thị trường. Do Ford không phân phối mẫu F-150 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nên Ranger Raptor sẽ là biến thể Ranger cao cấp nhất mà khách hàng tại đây có thể mua được dưới dạng hàng chính hãng.

Ranger Raptor được Ford định vị là “bán tải hạng trung hiệu năng cao”, tương đương với Chevrolet Colorado ZR2 và Toyota Tacoma TRD Pro ở Mỹ, nhưng ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay thì chưa có đối thủ nào ngang tầm. So với Ranger tiêu chuẩn thì Ranger Raptor được nhà sản xuất quảng cáo là sở hữu nhiều tính năng vượt trội.


vms2018_rangerraptor_02-1024x682.jpg

Trong số các cải tiến mà Ranger Raptor nhận được, có thể kể đến: khung gầm tích hợp vật liệu thép siêu cứng HSLA; tăng khoảng sáng gầm thêm 83 mm; trang bị sẵn lốp đa địa hình (All-terrain) BF Goodrich kích thước 285/70; hệ thống treo độc lập cả bốn bánh, liên kết đa điểm kết hợp với lò xo và giảm chấn thủy lực do Fox Racing Shox cung cấp, ứng dụng cảm biến vị trí Position Sensitive Damping; hệ thống phanh đường kính 332 mm đi kèm 4 piston mỗi phanh; cơ chế bảo vệ gầm xe đặc biệt, v.v…

Động cơ sử dụng cho Ranger Raptor là máy dầu diesel EcoBlue có dung tích 2.0L và hai tăng áp, một nhỏ một lớn – loại nhỏ hoạt động khi vòng tua thấp và loại lớn vận hành khi động cơ cần đạt vận tốc cao, hứa hẹn cải thiện độ trễ tăng áp. Khối máy này có công suất 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500 Nm từ 1.750 – 2.000 vòng/phút. Xe cũng được trang bị hộp số tự động 10 cấp giống như trên F-150 Raptor, tất nhiên là được tinh chỉnh lại.

Hệ thống Quản lý địa hình Terrain Management System (TMS) từng xuất hiện trên F-150 Raptor nay cũng được đưa vào Ranger Raptor, với tổng cộng 6 chế độ vận hành khác nhau, trong đó chỉ có 2 chế độ Normal và Sport là tối ưu cho đường on-road, còn lại đều là các chế độ đi địa hình: Grass/Gravel/Snow (cỏ/sỏi nhỏ/tuyết), Mud/Sand (bùn/cát), Rock (đá lớn) và Baja (off-road tốc độ cao). Hệ thống gài cầu và khóa vi sai điện tử giống như trên Ranger Wildtrak.


ford_ranger_raptor_stuck_02-1024x768.jpg

Với tất cả những cải tiến này, Ford Ranger Raptor quả xứng danh “vua bán tải”, ít nhất là… trên giấy tờ. Còn thực tế đã cho thấy, xe dân dụng cũng chỉ là xe dân dụng, vẫn có những giới hạn nhất định.

Thực ra, việc chiếc Ranger Raptor mắc lầy trong bùn còn phụ thuộc vào kỹ năng người điều khiển, chứ không hẳn hoàn toàn do xe “không đủ khả năng”. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cho người tiêu dùng: hãy trang bị đủ kiến thức và biết tự lượng sức, cả của bản thân lẫn của phương tiện. Trên hết, đừng quá tin vào quảng cáo.

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận