Trang chủ » Nhiều mẫu xe Trung Quốc dùng công nghệ tiên tiến từ Đức, Nhật, Mỹ, Thụy Điển

Chia sẻ bài đăng này

Trong Nước

Nhiều mẫu xe Trung Quốc dùng công nghệ tiên tiến từ Đức, Nhật, Mỹ, Thụy Điển

Từ năm 1994, chính phủ Trung Quốc áp dụng quy định bắt buộc các hãng xe nước ngoài phải lập liên doanh với một công ty Trung Quốc mới được sản xuất ô tô tại đây, với lý do là để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Từ đó, quy định mang tính bảo hộ này đã sinh ra hàng chục công ty khác nhau, với tỷ lệ kiểm soát liên doanh giữa hãng nước ngoài và đơn vị nội địa là 50-50, tạo nên một thị trường vô cùng phức tạp.

Để được sản xuất xe tại Trung Quốc, các hãng nổi tiếng không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải tham gia liên doanh, dần dần giúp cho các công ty nội địa Trung Quốc nắm được rất nhiều công nghệ, dù là qua con đường chuyển giao chính thống hay chỉ đơn thuần “học lỏm”. Cảm thấy đã đủ, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ giới hạn quyền sở hữu của nhà sản xuất ô tô nước ngoài tại thị trường này kể từ năm 2020. Chừng đó thời gian đã cho phép các nhãn xe Trung Quốc tạo nên những sản phẩm như dưới đây.

BYD Denza 500


Nhiều mẫu xe Trung Quốc dùng công nghệ tiên tiến từ Đức, Nhật, Mỹ, Thụy Điển

Lần đầu ra mắt tại triển lãm Bắc Kinh 2012 dưới dạng concept, mẫu xe điện Denza 500 chính thức được sản xuất bởi công ty liên doanh giữa BYD Auto và Daimler AG vào năm 2014. Xe được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm của dòng Mercedes-Benz B-Class thế hệ thứ 2 (tên mã W246) nên thừa hưởng toàn bộ vóc dáng của mẫu xe Đức.


byd_denza500_01-1024x772.jpg

Nội thất trong xe cũng có cách bố trí rất giống với B-Class W246, đặc biệt là thiết kế vô-lăng và cụm điều khiển trung tâm. Denza 500 trang bị gói pin 70 kWh, cho tầm hoạt động lên đến 500 km khi sạc đầy. Cơ cấu truyền động vay mượn từ mẫu BYD e6 với công suất 184 mã lực và vận tốc tối đa lên đến 150 km/h. Xe có giá khởi điểm 298.800 nhân dân tệ (47.600 USD).

Brilliance V7


brilliance-v7-1-1024x703.jpg

Ra mắt lần đầu năm 2017 tại triển lãm ô tô Quảng Châu, chiếc Brilliance V7 được quảng bá là phiên bản lớn hơn và có 7 chỗ ngồi của chiếc Brilliance V6 tiền nhiệm, với giá bán khởi điểm từ 108.700 nhân dân tệ. Xe có thiết kế khá hiện đại và thời thượng, bên trong có vô lăng thể thao 3 chấu tích hợp nút bấm, màn hình giải trí thiết kế dọc “kiểu Tesla”, hiển thị kính lái HUD…


brilliance-v7-2-1024x536.jpg

Điểm nhấn đáng nói của Brilliance V7 là nó được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm của BMW X3 thế hệ thứ 2 (tên mã F25), đồng thời sử dụng động cơ N18 4 xy-lanh 1.6L của BMW cho công suất 280 mã lực. Sở dĩ có điều này là bởi BMW đã liên doanh với Brilliance để được kinh doanh xe BMW tại Trung Quốc, với tỷ lệ sở hữu cổ phần 50-50. Tuy nhiên sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ giới hạn, BMW đã đạt được thỏa thuận để sở hữu 75% cổ phần liên doanh trong tương lai gần.

Besturn B70


besturn_b70_00-1024x683.jpg

Đây là mẫu sedan cỡ trung do FAW sản xuất, được xây dựng trên nền tảng khung gầm Ford CD3 (vốn do Mazda thiết kế), nên có thể nói nó tương đương với Mazda6. Thế hệ đầu tiên của Besturn B70 trang bị động cơ 2.0L 108 mã lực hoặc động cơ 2.3L với 161 mã lực, cả 2 động cơ đều có nguồn gốc từ Mazda. Sau này, FAW đã “làm chủ công nghệ” và Besturn B70 thế hệ thứ 2 được quảng bá là sử dụng động cơ “do FAW tự sản xuất”, dù dung tích vẫn chỉ là 1.8L và 2.0L như thế hệ cũ.


besturn_b70_01-1024x564.jpg

Besturn B70 thế hệ thứ 2 được thiết kế bởi Giorgetto Giugiaro, trang bị hộp số tự động do Aisin cung cấp. Bên trong nội thất của Besturn B70 được thiết kế khá đơn giản: bảng taplo làm từ nhựa 2 màu tương phản kèm một số chi tiết ốp bằng kim loại. Màn hình giải trí khá nhỏ, cụm điều khiển vẫn dùng nhiều nút bấm vật lý. Ghế được bọc da. Mẫu xe này rất được ưa chuộng tại thị trường nội địa và từng được đem đến khu vực Trung Đông chào hàng.

GAC Trumpchi GS8


gac_trumpchi_gs8_01-1024x683.jpg

Đây là một mẫu SUV 7 chỗ có kích cỡ tương đương Toyota Highlander, được nhà sản xuất GAC Motor giới thiệu lần đầu năm 2016 rồi sau đó thậm chí còn được đưa sang Mỹ trưng bày trong khuôn khổ triển lãm ô tô Bắc Mỹ NAIAS ở Detroit.


gac_trumpchi_gs8_00-1024x623.jpg

Trumpchi GS8 được thiết kế bởi Fan Zeng, người có 8 năm làm việc tại trung tâm thiết kế Daimler, nên xe có nhiều đường nét giống với Mercedes-Benz GL-Class (sau này là GLS). Xe được phát triển từ nền tảng khung gầm do Fiat cung cấp, giống với các mẫu Lancia Thesis hay Alfa Romeo 166. Mẫu xe giá 150.000 nhân dân tệ này trang bị động cơ tăng áp 4 xy-lanh 2.0L với 198 mã lực, mô men xoắn 320 Nm, hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian.

Lynk & Co 01


lynk_co_01-00-1024x683.jpg

Lynk & Co là nhãn hiệu con mới được thành lập của hãng Geely, với sản phẩm đầu tiên mang tên Lynk & Co 01 được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm Compact Modular Architecture (CMA) chung với Volvo XC40 và thậm chí còn ra mắt trước cả mẫu xe Thụy Điển. Quá trình thiết kế và phát triển Lynk & Co 01 trên thực tế cũng diễn ra tại trung tâm Geely Design ở Thụy Điển do ông Peter Horbury đứng đầu.


lynk_co_01-01-1024x576.jpg

Nội thất nổi bật với hệ thống màn hình cảm ứng 10,1 inch với giao diện phần mềm được phát triển với sự hỗ trợ từ Microsoft và Alibaba, tích hợp Android Auto và Apple CarPlay. Xe có 2 phiên bản động cơ 3 xy-lanh 1.5L và 4 xy-lanh 2.0L của Volvo. Sau khi bán ra ở Trung Quốc (lúc mở bán lần đầu chỉ mất có 137 giây để bán tới 6.000 chiếc, trở thành “chiếc ô tô được bán nhanh nhất thế giới) với giá khởi điểm 165.000 nhân dân tệ, Lynk & Co 01 dự kiến sẽ xâm nhập thị trường Mỹ và châu Âu vào năm 2019.

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận