BMW 5-Series G30
Theo ông Trần Bá Dương, các dòng xe du lịch mang thương hiệu BMW sẽ được lắp ráp tại Việt Nam trong thời gian tới để phân phối ra thị trường, thay vì chỉ đơn thuần nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu (cùng với MINI – thương hiệu thuộc sở hữu của BMW) như hiện nay. Mặc dù thời điểm bắt đầu quá trình lắp ráp chưa được tiết lộ, có thể hy vọng về viễn cảnh người Việt sớm được sử dụng xe Đức “hàng hiệu” lắp ráp trong nước, sau những cái tên như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản) và Peugeot (Pháp).
Trước đó, vào ngày 16/12/2018, UBND tỉnh Quảng Nam và THACO đã chính thức công bố điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam với 3 dự án gồm Dự án mở rộng khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco Chu Lai với diện tích 126 ha, tổng vốn đầu tư 5.830 tỷ đồng; dự án khu công nghiệp chuyên nông – lâm nghiệp, diện tích 450 ha, tổng vốn đầu tư 13.800 tỷ đồng; và dự án cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Nhiều khả năng khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai – Trường Hải với quy mô hơn 400 ha sẽ là nơi đặt dây chuyền lắp ráp xe BMW tại Việt Nam. Bên cạnh đó, THACO còn cho biết trong thời gian tới sẽ ký kết với Mercedes-Benz và Volvo để sản xuất và bán xe buýt tại Việt Nam. Những chiếc xe buýt Mercedes-Benz và Volvo sẽ có tỷ lệ nội địa hoá ít nhất 40%, đồng thời sẽ được xuất khẩu ra thị trường khác trong ASEAN, nhằm tận dụng thuế suất nhập khẩu 0%.
Ông Trần Bá Dương cho biết, những phụ tùng có kích thước lớn, ít công nghệ trước tiên sẽ được sản xuất bởi THACO, sau đó chuyển giao một phần cho các doanh nghiệp nhỏ. Cụm linh kiện hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài để trao đổi các chi tiết và chia sẻ chi phí để phát triển công nghệ. Nhờ đó, giá thành tạo nên chiếc xe sẽ giảm, dẫn đến giá bán giảm theo.
“Hiện nay tại Chu Lai, trong thời gian qua, chúng tôi đã làm được tổ hợp cơ khí có cả từ vật liệu thép, cho đến các nhà máy gia công khuôn cho đến gia công các máy móc thiết bị hiện đại, kể cả khâu nhiệt luyện. Ngoài các chi tiết phụ tùng ô tô, chúng tôi cũng làm được cho rất nhiều các doanh nghiệp khác, ví dụ như Doosan Hyundai, Jenro Electric, Microtech (Nhật Bản)… Các công ty của Việt Nam đã đến Chu Lai vì chúng tôi có hạ tầng công nghiệp, máy móc, các trung tâm vật liệu,” ông Dương chia sẻ thêm về khả năng của khu tổ hợp Chu Lai – Trường Hải.
Như vậy, việc lắp ráp xe du lịch BMW, xe buýt Mercedes-Benz và Volvo nằm trong kế hoạch tương lai của THACO để Việt Nam trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp ô tô tại khu vực Đông Nam Á, có đủ khả năng cung cấp sản phẩm cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu trong nội khối ASEAN.
Trước mắt, việc THACO lắp ráp xe con BMW trong nước sẽ giúp thương hiệu Đức này tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thuế nhập khẩu ô tô mới từ châu Âu đang là 74% với xe con dung tích xy-lanh trên 3.000 cc và 78% với xe dưới 3.000 cc. Đổi sang lắp ráp trong nước, những chiếc xe BMW chỉ phải chịu thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng thay vì nguyên chiếc xe như trước.