Thường thì giá của những mẫu xe siêu sang châu Âu khi đưa sang châu Á sẽ tăng lên rất nhiều do bị áp đủ loại thuế và chi phí vận chuyển. Trường hợp của Rolls-Royce Cullinan cũng vậy. Nếu như ở châu Âu mẫu xe này có giá khởi điểm từ 256.000 bảng Anh, tương đương 325.000 USD và 9,6 tỷ đồng, thì khi cập bến Thái Lan nhà phân phối đã đưa ra mức giá 33 triệu baht (23,6 tỷ đồng), còn giá ở Hồng Kông cũng xêm xêm mức đó: 7,5 triệu HKD (22,3 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhà phân phối chính hãng xe Rolls-Royce tại thị trường Việt Nam là đơn vị Rolls-Royce Motor Cars Hanoi từng công bố giá khởi điểm cho Cullinan ở mức lên tới 41 tỷ đồng. Xem ra, giá Rolls-Royce Cullinan ở Việt Nam sẽ thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất châu Á, thậm chí là hơn cả Singapore vốn nổi danh đánh thuế ô tô rất ác liệt cũng chỉ định giá Cullinan ở mức 1.268.888 SGD, tức là tương đương 21,5 tỷ đồng.
Tên gọi của Cullinan được Rolls-Royce đặt theo viên kim cương thô 3.106 carat lớn nhất thế giới từng được khai thác vào năm 1905, mệnh danh “Ngôi sao Nam Phi” và từng được định giá lên đến hơn 2 tỷ USD. Tuy Cullinan được đông đảo cộng đồng chuyên gia ô tô và giới hâm mộ coi là mẫu SUV đầu tiên của thương hiệu Rolls-Royce, bản thân hãng xe gốc Anh Quốc lại cho rằng nó là “xe siêu sang gầm cao”, với thiết kế “three-box” gồm khoang động cơ, khoang cabin và khoang hành lý được ngăn cách rõ ràng tương tự như sedan truyền thống, chứ không phải “two-box” như tuyệt đại đa số SUV và crossover trên thị trường.
Có thể hiểu rằng quan điểm của Rolls-Royce là hãng không muốn bị mọi người đánh đồng với các nhà sản xuất xe thể thao và siêu xe đã cuốn theo “trào lưu SUV” như Porsche, Jaguar, Maserati, Lamborghini hay sắp tới sẽ có thêm Aston Martin, Ferrari và Bugatti tham gia. Việc không coi Cullinan là SUV cũng cho thấy sự ngạo nghễ của Rolls-Royce, rằng thương hiệu gốc Anh Quốc này tự đặt mình cao hơn đối thủ Bentley, vốn đã phải “chiều lòng” khách hàng khi tạo ra chiếc Bentayga.
Thiết kế đặc sắc của Cullinan thể hiện qua các cụm đèn, các góc hút gió được đặt chìm vào bên trong thân xe, còn lưới tản nhiệt được làm bằng thép không gỉ được đánh bóng hoàn toàn bằng tay, được đặt cao hơn và nhô về phía trước so với phần còn lại của thân xe. Logo Rolls-Royce và biểu tượng Spirit of Ecstasy đặc trưng cũng được tôn cao hơn trước một cách độc đáo.
Đúng theo phong cách cá nhân hóa tối đa “bespoke” do Rolls-Royce đặt ra, sẽ không có một chiếc Cullinan nào hoàn toàn giống hệt nhau vì hầu hết mọi thành phần từ ngoại thất bên ngoài đến nội thất bên trong đều có thể được tùy biến theo sở thích khách hàng. Ở Hồng Kông, cả 2 chiếc Cullinan được đưa đến vùng đất này đều là bản nội thất 4 chỗ ngồi, với hàng ghế sau là 2 ghế độc lập, ngăn cách bởi tủ lạnh và ngăn đựng ly được đặt sau bệ tựa tay. Bên cạnh đó là bộ ghế phụ đặt phía sau khoang hành lý mang tên View Suite, để khách hàng luôn có chỗ ngồi “VIP” dù đi đến bất kỳ đâu.
Tuy là xe siêu sang được thiết kế cho giới thượng lưu nhưng chỉ cần nhìn vào cách bố trí vô-lăng dày và nhỏ hơn thông thường là có thể đoán ra rằng Rolls-Royce Cullinan là một chiếc xe dành cho người lái. Ghế lái được đặt ở một vị trí tối ưu, cho phép người điều khiển dễ dàng vận hành và quan sát mọi thiết bị công nghệ trên xe. Thông tin quan trọng liên quan tới vận hành được hiển thị trên cụm công tơ mét điện tử tân tiến nhất với kim đồng hồ ảo đẹp mắt và các viền ngoài được thiết kế đẹp như một món đồ trang sức.
Cullinan được trang bị màn hình hiển thị trung tâm cảm ứng – lần đầu tiên xuất hiện trong một dòng xe Rolls-Royce, cho phép người lái có thể nhanh chóng lựa chọn các chức năng khác nhau, bao gồm chế độ hiển thị bản đồ, thiết lập cài đặt ngay cả khi xe đang di chuyển. Toàn bộ các chức năng này được tích hợp vào núm điều khiển Spirit of Ecstasy, đặt một cách duyên dáng trên bảng điều khiển trung tâm, với nút kích hoạt chế độ off- road, nút hỗ trợ đổ đèo và nút điều khiển nâng hạ gầm xe.
Cụm trung tâm được bo viền bởi các cột kim loại đánh bóng thủ công kế nối phần trên của táp-lô với cụm điều khiển trung tâm ở giữa giúp cho khoang lái mạnh mẽ và oai vệ. Mặt trên của táp-lô được phủ một loại da có tên là ‘Box Grain’, một loại da hoàn toàn mới có thể chống thấm và độ bền tương tự với các loại da được dung trong các thiết kế túi xách cao cấp của Ý. Tấm da này khiến táp-lô rộng hơn, đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp của đồng hồ và các hốc thông gió. Điểm nhấn của phần trên táp-lô là tấm gỗ được uốn 3 chiều, chạy từ giữa táp-lô sang hai bên, nổi bật trên các phần bọc da khác của táp-lô. Tạo hình này vô cùng thời trang, khoẻ khoắn và gợi nhớ đến khoang lái trên máy bay.
Cullinan còn được coi là chiếc xe siêu sang hiện đại nhất thế giới với hàng loạt trang bị như camera quan sát ban đêm; khả năng nhận biết và cảnh báo người, động vật vào ban ngày cũng như ban đêm; hỗ trợ chống ngủ gật; hệ thống 4 camera xung quanh xe với tầm nhìn panorama; khả năng quan sát 360 độ, góc quan sat từ trên xuống mô phỏng góc nhìn trực thăng; kiểm soát hành trình chủ động; cảnh báo va chạm sau; cảnh báo làn đường và chuyển làn; khả năng chiếu thông tin lên một diện tích 7 x 3 inch; bộ định tuyến Wi-Fi; hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống giải trí tiên tiến bậc nhất.
Rolls-Royce Cullinan được trang bị khối động cơ xăng V12 tăng áp kép có dung tích 6,75L, sản sinh được lượng công suất tối đa lên đến 563 mã lực và mô men xoắn cực đại 850 Nm, kết hợp cùng hộp số tự động ZF 8 cấp, hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian và cơ chế đánh lái cả 4 bánh tương tự xe thể thao Porsche. Xe có thể lội nước sâu tới 540 mm và có khả năng off-road ấn tượng nhờ được trang bị chế độ điều phối mô men xoắn đặc biệt, tối ưu cho mọi tình huống vận hành.
Hiện Rolls-Royce tại Hồng Kông đã cho khách hàng đặt cọc mua SUV siêu sang Cullinan và dự kiến sẽ giao chiếc đầu tiên cho chủ sở hữu sớm nhất vào cuối quý I năm 2019. Chưa có nhiều thông tin về thời điểm Rolls-Royce Cullinan được giới thiệu ở Việt Nam.
Hình ảnh chi tiết Rolls-Royce Cullinan tại Hồng Kông: