Trang chủ » [Kinh nghiệm] Mua xe ô tô ở Việt Nam, nên tránh dịp Tết!

Chia sẻ bài đăng này

Trong Nước

[Kinh nghiệm] Mua xe ô tô ở Việt Nam, nên tránh dịp Tết!

Theo các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh ô tô chính hãng ở Việt Nam, việc mua xe vào thời điểm cận Tết Nguyên đán (tức là vào tháng cuối cùng của một năm Âm lịch, chuẩn bị sang năm tiếp theo) chỉ đem lại nhiều phiền phức không đáng có chút nào. Người tiêu dùng nếu có nhu cầu mua xe thì cũng nên tránh dịp này, thay vào đó hãy đợi qua Tết hoặc tốt hơn hết là đến giữa năm rồi mới đưa ra quyết định.


[Kinh nghiệm] Mua xe ô tô ở Việt Nam, nên tránh dịp Tết!

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng đối với phần đông người Việt Nam nói chung, nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán là có thật và thường tăng cao hơn so với hầu hết các thời điểm khác trong một năm. Lý do cũng dễ hiểu: hầu hết đều muốn tự thưởng cho mình hoặc cho gia đình những tài sản vật chất mới mẻ sau khoảng thời gian dài làm việc, tích lũy tài chính. Với nhiều người, chỉ có lúc này họ mới được thảnh thơi để nghĩ đến việc mua sắm.

Ngày nay ô tô cũng không còn là thứ gì đó quá xa vời đối với người Việt. Kinh tế những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, trong khi thị trường xe càng lúc càng phong phú, số lượng hãng xe lẫn mẫu mã vô cùng đa dạng mang đến nhiều lựa chọn ở đủ mọi tầm giá từ phổ thông đến cao cấp, lại có thể sử dụng đa mục đích, từ phục vụ việc đi lại của cá nhân, gia đình cho đến đem kinh doanh chạy dịch vụ, hay chỉ đơn thuần là ghi dấu thành tích… Tất cả những điều này càng thôi thúc nhiều người mong muốn sở hữu xe để “du Xuân, chơi Tết”.


muaxediptet_01-1024x543.jpg

Dĩ nhiên, mong muốn đó rất chính đáng, nhưng thực tế lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bản thân ô tô là một chủng loại hàng hóa tương đối đặc biệt, chịu sự ràng buộc của nhiều yếu tố khách quan và các thủ tục xung quanh nó. Nếu không hiểu bản chất vấn đề, cứ nghĩ đơn giản rằng ô tô cũng giống các mặt hàng tiêu dùng bình thường, chỉ cần có đủ tiền là đến đại lý mua được rồi đem về nhà ngay, ắt sẽ gặp nhiều trở ngại và dẫn đến thất vọng, chán nản!

Mua xe dịp Tết – công đoạn cực kỳ tốn thời gian

Đối với các đại lý chuyên kinh doanh xe ô tô, để bán một chiếc cho người tiêu dùng tuy đây không phải chuyện gì quá phức tạp, nhưng thời gian cần để thực hiện lại không thể nhanh được. Đó là bởi vì quy trình mua – bán xe có sự liên quan của nhiều phía, chứ không đơn thuần giữa người mua và kẻ bán.

Đặt trường hợp lý tưởng: một khách hàng đã chốt được mẫu xe ưng ý và thanh toán đủ toàn bộ số tiền cần thiết cho đại lý, lúc này nhân viên kinh doanh sẽ phải hoàn tất các thủ tục, từ xuất hóa đơn, kiểm tra sản phẩm, gắn phụ kiện đầy đủ (nếu có), cũng như hỗ trợ người mua trong việc chuẩn bị hồ sơ, đóng lệ phí trước bạ cho đến đăng ký xe.


muaxediptet_06-1024x682.jpg

Mà trong số các thủ tục này, chỉ có một vài việc là thực hiện ngay được ở đại lý và xưởng dịch vụ trực thuộc, còn lại đều phải đi ra ngoài! Việc đóng lệ phí trước bạ cần thực hiện tại phòng thuế Quận/Huyện nơi chủ xe có hộ khẩu thường trú, hoặc đối với doanh nghiệp thì là tại phòng thuế Quận/Huyện nơi có giấy phép đăng ký kinh doanh mới nhất. Quá trình đăng ký xe và lấy biển số thì diễn ra tại phòng CSGT. Cuối cùng, để xe có thể lăn bánh hợp pháp thì phải đem đến Trạm đăng kiểm.

Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ: khách hàng chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ cần có trong hồ sơ, việc đóng phí trước bạ, đăng ký và đăng kiểm xe hoàn tất nhanh chóng, không mất nhiều thời gian chờ đợi… thì quá tốt, không còn gì để nói. Thế nhưng nếu chỉ một trong số các công đoạn này gặp trục trặc, cần thêm thời gian chờ đợi thì sao? Hẳn là khách hàng, nhất là những người mới mua xe lần đầu, sẽ không được vui cho lắm. Còn nếu việc mua xe diễn ra trong dịp cận Tết, khả năng rất cao là tất cả những công đoạn kể trên sẽ không thể thực hiện nhanh được.


muaxediptet_05-1024x683.jpg

Như đã đề cập, nhu cầu mua sắm của người Việt tăng mạnh dịp cận Tết. Khi sức cầu tăng, lại dồn hết vào một thời điểm nhất định, như một lẽ tất yếu nguồn cung sẽ phải rất dồi dào mới có thể đáp ứng được, nếu không thì chắc chắn những trở ngại sẽ phát sinh.

  • Khi lượng người đăng ký mua xe tăng, các phòng thuế Quận/Huyện, các phòng CSGT và các Trạm đăng kiểm đều tăng cường hoạt động và rất dễ dẫn đến nguy cơ quá tải. Chuyện này là thường gặp ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
  • Khâu thủ tục lăn bánh bị dồn ứ, dẫn đến lượng xe đại lý đã nhận tiền (phần lớn chỉ là đặt cọc) nhưng chưa giao được cho khách hàng tăng lên. Nhiều đại lý thậm chí vẫn để những xe này ở phòng trưng bày hoặc ở bãi xe, khiến người tiêu dùng tưởng rằng đại lý có sẵn hàng, tức là không nắm bắt được tình hình thực tế, từ đó phát sinh tâm lý ung dung, không cảm thấy cần phải đưa ra quyết định sớm.
  • Đến khi quyết định mua xe, mới biết rằng mẫu xe mình chọn đang khan hàng, không còn đúng màu ưa thích hoặc “hợp phong thủy”, hay là không còn đúng phiên bản cấu hình cần mua. Nhiều trường hợp xe thực sự hết hàng, muốn mua thì cũng phải đợi qua Tết, không thể có xe “đi chơi Tết” ngay được.

Đặt giả thiết khách hàng có sẵn tiền trong tay, đủ điều kiện tài chính một cách lý tưởng, nếu gặp những trở ngại như trên thì hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách chuyển hướng sang mua xe ở một khu vực khác, một đại lý khác, một dòng xe khác hoặc thậm chỉ là tìm đến một thương hiệu khác hẳn – nhằm tránh việc “xếp hàng” chờ đợi lâu.

Nhưng thực tế đâu phải lúc nào cũng lý tưởng như vậy được! Theo các nhân viên kinh doanh ô tô chuyên nghiệp, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam mua xe theo hình thức trả góp, lúc này công đoạn thủ tục còn phát sinh thêm sự tham gia của ngân hàng, càng khiến mọi thứ thêm phần rắc rối.


muaxediptet_00-1024x576.jpg

Có một khách hàng nọ, sau nhiều năm trời tích góp rốt cuộc cũng gom đủ tiền mua xe với dự tính dùng để kinh doanh chạy dịch vụ dịp Tết. Về phần mình, người này chuẩn bị đầy đủ hết mọi giấy tờ liên quan, các thủ tục lúc này chỉ còn phụ thuộc vào phía đại lý và ngân hàng. Khổ nỗi, giao dịch lại diễn ra vào đúng ngày làm việc cuối cùng của năm cũ, dù ngân hàng nơi người mua có tài khoản đã thực hiện lệnh chuyển tiền thành công nhưng hệ thống của Ngân hàng Nhà nước đã nghỉ nên số tiền này rơi vào trạng thái “treo lơ lửng”, đại lý chưa nhận được. Thế là khách hàng tuy trả đủ tiền nhưng vẫn phải đợi đến sau Tết mới có thể lấy xe. Đau lòng hơn, dự định dùng xe kinh doanh dịp Tết của người này không thành hiện thực, đành ăn Tết mà vừa không có tiền, vừa không có xe, vô cùng éo le.

Một trường hợp đáng tiếc khác, cũng mua xe dịp cận Tết, đã trả đủ tiền cho đại lý và đã lấy được xe về, tuy nhiên còn khâu đóng phí, thuế, đăng kiểm thì lại không lường trước. Do quá trình mua xe hoàn tất quá sát lịch nghỉ Tết, cộng thêm nơi đăng kiểm bị quá tải, không thể kịp làm xong thủ tục cấp biển số cho xe được. Kết quả là khách hàng này tuy có xe nhưng lại không thể đem ra đường chạy thoải mái như mong muốn, đành ngậm ngùi cất garage ngắm chơi suốt dịp Tết!

Mua xe sát Tết, rất dễ dính phải xe “đời cũ”

Vào thời điểm khoảng 2 tháng đầu tiên của 1 năm mới, thường thì toàn bộ những xe có ở đại lý vẫn là xe có date sản xuất của năm trước đó. Ví dụ, năm nay là 2019, nhưng xe sản xuất vào tháng 1/2019 chưa chắc đã xuất hiện ở đại lý, mà hầu hết vẫn là xe mang date 2018. Nếu mua đúng thời điểm “nhạy cảm” này, khả năng rất cao là người tiêu dùng chỉ có thể mua được xe date 2018 mà thôi. Trước đây trong quá khứ, hay sau này ở tương lai, thì năm nào cũng đều như vậy cả.


muaxediptet_02-1024x576.jpg

Nên lưu ý là ở đây mới chỉ nói đến yếu tố date sản xuất, chứ chưa đề cập gì đến chuyện thông số kỹ thuật của những đời xe khác nhau. Qua năm mới, mua phải xe có date sản xuất của năm cũ đã là chuyện khá dở. Nếu gặp trường hợp chỉ vài tháng sau (có thể là tháng 3, tháng 4 hay tháng 5…), mẫu xe đó được cập nhật phiên bản đời mới có thêm option, thêm tính năng hay thậm chí mang diện mạo mới… thì lại càng dở nữa! Như vậy, lẽ ra chỉ cần chờ đợi thêm chút là mua được xe mới hẳn rồi. Nôn nóng, muốn có xe sớm, thành ra chỉ nhận được xe phiên bản cũ, mau lỗi thời, nhanh mất giá!

Trên thực tế, các đại lý cũng hiểu điều này nên thường có chương trình khuyến mãi áp dụng cho xe có date sản xuất của năm trước đó, nhằm xả hàng nhanh, hạn chế việc phải giữ những chiếc xe này tồn kho quá lâu. Do đó, nếu xác định đúng là xe có date sản xuất của năm trước và cách thời điểm hiện tại chưa quá xa, lại còn được ưu đãi giảm giá hay tặng kèm phụ kiện tương đối nhiều, thì hoàn toàn có thể cân nhắc mua được. Chuyện này tự bản thân mỗi người phải tìm hiểu từ trước và tự tính toán, nhiều khi các nhân viên kinh doanh cũng khó đưa ra tư vấn khách quan được vì họ còn gặp áp lực về chỉ tiêu doanh số, muốn mau chóng bán được hàng để còn nhận thưởng Tết lớn!

Gặp “bia kèm lạc” thì phải làm sao?

Trong khoảng hơn một năm trở lại đây ở Việt Nam, hiện tượng “bia kèm lạc” nổi lên đối với một số dòng ô tô nhập khẩu ăn khách, rồi lan sang cả xe lắp ráp trong nước. Đây là tình trạng mà nhân viên kinh doanh đề nghị khách hàng chi thêm một khoản tiền nữa, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, để lắp thêm phụ kiện thì mới được nhận xe sớm, còn không thì dù đã trả đủ tiền cho giá trị niêm yết của xe nhưng vẫn sẽ phải đợi. Đối với một số dòng xe có nguồn cung hạn chế, việc trả thêm tiền thậm chí chỉ là để đổi lại “suất đợi xe”, chứ chưa hẳn đã đảm bảo được thời điểm nhận xe chính xác.


muaxediptet_03-1024x768.jpg

Toyota Fortuner thế hệ mới nhập khẩu là dòng xe khởi đầu cho trào lưu “bia kèm lạc” ở Việt Nam

Nếu gặp trường hợp này, người tiêu dùng hãy suy xét thật kỹ nhu cầu bản thân: có cần xe ngay lúc này không? Quan trọng hơn, có cần đúng mẫu xe này hay không? Hiện nay trên thị trường, trong cùng một phân khúc xe thường có khá nhiều lựa chọn, không hãng này thì có hãng khác, chỉ khác nhau về tên thương hiệu, mẫu mã và một số tiện ích, còn công năng sử dụng thực tế thì xêm xêm nhau cả. Về bản chất thì cũng chỉ là phương tiện giao thông, che nắng che mưa, đỡ phải hít khói bụi; cũng phải đóng thuế, phí trước bạ, lấy biển số, đi đăng kiểm… như nhau hết.

Do đó, chuyện khoản tiền bỏ ra thêm có đáng hay không, có hợp lý hay không thì khó xét đến vì có quá nhiều yếu tố xung quanh tác động vào. Nhưng nói đi nói lại, đối với nhiều người Việt thì ô tô vẫn là tài sản có giá trị lớn, cứ bớt được đồng nào thì hay đồng ấy! Khoản chi phí thay vì bỏ vào “lạc”, hòan toàn có thể dùng được cho nhiều việc khác có ích hơn.

Tóm lại, mua xe thì cứ tránh dịp Tết ra!

Càng đến gần Tết, nhu cầu mua sắm tăng cao nên ai cũng bận rộn, nhất là khối dịch vụ công. Vì vậy, nếu có nhu cầu mua xe trong dịp này, người tiêu dùng cần phải nhớ rõ những điều sau:

  • Nắm vững thủ tục, quy trình mua xe tại đại lý và quá trình đăng ký để xe lăn bánh hợp pháp. Cần xác định rằng tất cả đều mất thời gian, không thể vội được.
  • Xác định rõ mua hay không mua. Đã muốn mua ngay để có xe đi Tết thì phải quyết định thật nhanh.
  • Thích xe của hãng nào, lập tức liên hệ với nhân viên kinh doanh của một đại lý kinh doanh xe hãng đó. Đây là điều rất quan trọng, vì họ là người làm việc trực tiếp, nắm rõ tình hình thực tế liên quan đến dòng xe đó nhất.
  • Khi đã có đủ thông tin xe nào đang sẵn hàng, có màu nào, thời gian giao xe ra sao, mới đưa ra quyết định thanh toán.
  • Nếu đủ tiền để đặt cọc thì đặt ngay, đừng suy nghĩ kiểu “đợi thêm ít ngày gom đủ tiền sẽ đặt”. Chỉ cần đợi thêm chút thôi, chiếc xe bạn thích đã có thể bị người khác đặt mất rồi!


muaxediptet_07-1024x714.jpg

Tất nhiên, nếu cảm thấy tất cả những điều kể trên quá sức nhiêu khê, phức tạp, gây đau đầu… thì bạn hoàn toàn có thể hoãn việc mua xe lại và đợi qua Tết. Không mua lúc này thì mua lúc khác, bao nhiêu năm nay đã không có xe rồi, giờ chờ đợi thêm vài tháng cũng đâu có sao, phải không? Xe thì vẫn còn đầy ra đó, hết đợt hàng này thì sẽ có thêm đợt hàng khác, thêm mẫu mới, thêm màu mới, thậm chí có hẳn phiên bản mới tốt hơn… cứ từ từ mà mua, chẳng phải vội!

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận