Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2011 và suy thoái kinh tế châu Âu 2010-2013, ngành công nghiệp ô tô đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn đối với số lượng các thương hiệu trên thị trường.
Cuộc khủng hoảng đã có tác động trực tiếp đến doanh số bán hàng và làm cho dung lượng thị trường trở nên nhỏ hơn. Khi thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 dần phai nhạt, các hãng xe hiểu rằng họ buộc phải thu hẹp phạm vi hoạt động, đồng nghĩa với loại bỏ bớt những nhãn hiệu kinh doanh thiếu hiệu quả.
General Motors là nhà sản xuất ô tô hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vào cuối những năm 1990, họ nắm trong tay 9 thương hiệu xe khác nhau, phần lớn trong số đó bán ra trên toàn cầu. Giờ đây, GM chỉ còn lại 4 thương hiệu. Chrysler và Ford cũng đã loại bỏ một số thương hiệu của họ trong vòng 20 năm qua như Plymouth, Eagle hay Mercury. Ở châu Âu, các thương hiệu như Rover và Saab đã biến mất, trong khi có những thương hiệu như Lancia chỉ còn lại duy nhất 1 mẫu xe trong danh mục sản phẩm.
Trong khi đó ở Trung Quốc, tình hình diễn ra theo hướng ngược lại. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, thị trường Trung Quốc chỉ có khoảng 25 thương hiệu hoạt động. Vào thời điểm đó, quốc gia châu Á này chủ yếu sản xuất những mẫu xe nhái theo các dòng xe cũ của châu Âu và Nhật Bản để bán trong nước. Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2010, 14 thương hiệu xe hơi khác đã đến.
Trung Quốc bỗng trở thành nơi trú ẩn an toàn không chỉ cho các nhà sản xuất trong nước mà còn cho các thương hiệu phương Tây đang vật lộn với khủng hoảng kinh tế. Tính đến năm 2008, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc là lớn nhất toàn thế giới về lượng xe được sản xuất. Kể từ đó, quy mô tăng trưởng bùng nổ theo cấp số nhân.
Khi nhu cầu tiếp tục tăng và thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc tăng lên, ngành công nghiệp ô tô nội địa đã bắt đầu giới thiệu thêm sản phẩm bằng hàng loạt thương hiệu mới. Từ năm 2011 đến 2015, có tổng cộng 12 thương hiệu mới được tung ra thị trường nội địa Trung Quốc: Maxus, Beijing Auto, VGV, Haval, Xpeng, Nio, Cowin (hiện là Kaiyi), Hozon, Leap Motor, Weltmeister, Enovate và Li Auto.
Những năm gần đây, xe điện xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến tại Trung Quốc, một phần nhờ vào cam kết đầu tư mạnh mẽ của chính quyền trung ương để xe điện thành lĩnh vực mũi nhọn. Điều này lại càng tạo cơ hội cho nhiều thương hiệu xe ra đời thêm, thậm chí còn nhiều hơn cả giai đoạn trước đó.
Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 50 công ty ô tô mới xuất hiện tại Trung Quốc, qua đó cho phép người tiêu dùng được thoải mái lựa chọn trong tổng số 99 thương hiệu khác nhau. Lĩnh vực sản xuất ô tô của Trung Quốc hiện nay được đánh giá là vừa lớn vừa rất trẻ: 58% các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có tuổi đời dưới 10 năm.
Trung Quốc giờ đây đã trở thành thị trường ô tô con có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 25 triệu chiếc được bán ra hàng năm. Năm 2022, riêng Trung Quốc đã chiếm gần 32% doanh số bán ô tô toàn cầu, tương đương với tổng doanh số của các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức.
Bên cạnh yếu tố bùng nổ về xe điện, phần lớn sự tăng trưởng các thương hiệu ô tô Trung Quốc theo cấp số nhân này còn có thể được lý giải bởi quyết tâm đổi mới và sáng tạo của các tập đoàn ô tô địa phương. Bối cảnh này khá giống trường hợp của thị trường Mỹ trong những năm 70 và 80, với phương pháp thúc đẩy là đa dạng hóa sản phẩm với việc lập ra các thương hiệu con. Cơ hội dành cho tất cả mọi người.
99 thương hiệu hiện có tại Trung Quốc được tạo nên từ 40 hãng ô tô. Tuy nhiên, không phải tất cả đều thành công. Trong những năm gần đây, một số thương hiệu đã bị loại bỏ do doanh số thấp.
Sự năng động của thị trường ô tô Trung Quốc là yếu tố độc nhất. Nhu cầu nội địa lớn, sự ưu đãi mạnh mẽ của chính phủ và cam kết phát triển xe điện là môi trường hoàn hảo để giới thiệu các thương hiệu mới. Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, đã có thêm 6 thương hiệu mới được giới thiệu và 3 thương hiệu nữa dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào tháng 12.
Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể làm được điều tương tự. Trên thực tế, trong 8 năm qua, chỉ có một số thương hiệu được thành lập mới, được tái cơ cấu (tách ra từ hãng mẹ) hoặc "hồi sinh từ cõi chết" mà không phải thuộc Trung Quốc, bao gồm: Alpine, Polestar, Cupra, Jetta, Genesis, RAM và DS.
Tổng hợp