Xe hơi cần phải có nút bấm vật lý nếu muốn được chấm điểm 5 sao an toàn

0

Euro NCAP đưa ra quy chuẩn chấm điểm an toàn mới khuyến khích các nhà sản xuất ô tô chú ý hơn đến việc trang bị nút bấm vật lý tại khu vực điều khiển gần người lái, thay vì đưa hết mọi thao tác vào trong màn hình cảm ứng.

Euro NCAP, cơ quan đánh giá mức độ an toàn của xe mới tại khu vực châu Âu, dự kiến ban hành quy chuẩn mới với nhiều thay đổi đáng chú ý. Trong số đó có yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải trang bị cho xe nút điều khiển vật lý đối với các tính năng gồm cần gạt nước, xi-nhan, còi, đèn khẩn cấp và cuộc gọi khẩn cấp thì mới đủ điều kiện để được cấp chứng nhận an toàn 5 sao.

Mục đích của Euro NCAP với sự thay đổi quy chuẩn đánh giá này là nhằm khuyến khích các nhà sản xuất ô tô không quá lạm dụng việc “nhồi nhét” toàn bộ cơ chế điều khiển vào trong màn hình cảm ứng nữa. Tài xế sẽ bị xao nhãng, mất tập trung nhiều hơn nếu xe thiếu phần lớn các nút bấm vật lý và chỉ có màn hình cảm ứng. Điều này tăng nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Ông Matthew Avery, giám đốc phát triển chiến lược của Euro NCAP khẳng định rằng việc lạm dụng màn hình cảm ứng trên ô tô là một vấn đề của toàn ngành. “Gần như mọi hãng xe đang đưa các tính năng điều khiển chính lên màn hình cảm ứng trung tâm, buộc các tài xế phải rời mắt khỏi đường đi phía trước và tăng nguy cơ va chạm do mất tập trung”.

Tesla là hãng đi đầu trong xu hướng đưa mọi tính năng điều khiển vào trong màn hình cảm ứng và hầu hết các hãng khác cũng nhanh chóng “học hỏi” theo. Một chiếc xe có nội thất với nhiều màn hình tạo nên những bề mặt phẳng gọn gàng sạch sẽ, nhìn hiện đại, đậm chất công nghệ và rất bắt mắt trong những tấm ảnh chụp quảng cáo. Các hãng xe tin rằng điều này sẽ khiến sản phẩm của mình thu hút hơn, từ đó dễ bán được xe hơn.

Bên cạnh đó, việc chỉ trang bị màn hình cho nội thất xe cũng là một cách thức giúp giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất. Thay vì phải gắn nhiều loại nút bấm lên khu vực điều khiển và căn chỉnh sao cho chúng vừa tầm tay người sử dụng, giờ đây các hãng xe chỉ cần thiết kế chỗ lắp đặt màn hình vừa đủ để hành khách quan sát được, còn các khu vực khác thì tận dụng làm bệ đặt điện thoại sạc không dây hoặc thậm chí là hộc để đồ, vừa có vẻ tiện lợi vừa thêm tính năng để “khoe” với khách hàng.

Ông Richard Schram, giám đốc kỹ thuật của Euro NCAP, bình luận về kế hoạch vừa được công bố: “Euro NCAP thực sự khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị gốc phải bố trí sẵn các nút điều khiển vật lý thuận tiện, dễ sử dụng cho những tính năng lái chính như cần gạt nước, đèn cảnh báo và xi-nhan”.

Quy trình thử nghiệm và đánh giá theo tiêu chí mới sẽ bắt đầu được áp dụng kể từ năm 2026, với phần nút bấm vật lý sẽ chiếm “5 trên tổng số 100 điểm”. Như vậy, xe nào quá lạm dụng màn hình cảm ứng sẽ không bao giờ được điểm tối đa. Ví dụ tiêu biểu là mẫu xe điện Tesla Model 3 từng được Euro NCAP chấm 5 sao nhưng hiện đang dùng thiết kế dạng con lăn trên vô-lăng cho cần gạt nước và đèn xi-nhan. Với cách chấm điểm mới, mẫu xe này chắc chắn sẽ bị hạ điểm.

Ông Schram còn cho biết thêm, Euro NCAP sẽ liên tục cải tiến cơ chế chấm điểm và không chừa khả năng sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng điểm của phần nút bấm vật lý lên cao hơn nữa trong tương lai, tất cả vì mục tiêu đặt an toàn lên trên hết.

Việc áp dụng quy chuẩn mới sẽ không phải là yếu tố bắt buộc các nhà sản xuất ô tô phải thay đổi thiết kế quá nhiều, vì việc có xếp hạng Euro NCAP cao không phải là điều kiện bắt buộc để xe hơi lăn bánh trên đường phố tại châu Âu. Tuy nhiên, một chiếc xe được xếp hạng Euro NCAP 5 sao sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng vì được nhấn mạnh đến trong những bài đánh giá chuyên môn cũng như trong nội dung quảng cáo.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số hãng xe dường như đã nhận ra vấn đề của màn hình cảm ứng và tự giác dần dần đưa các loại nút bấm vật lý quay về trở lại. Dù rằng trước đó chính những hãng này đã chạy theo xu hướng tinh giản khu vực điều khiển, lược bớt nút vật lý để ưu tiên bề mặt cảm ứng nhằm tạo cảm giác “sang chảnh”.

Chẳng hạn như Volkswagen từng thừa nhận các phản hồi tiêu cực của khách hàng về cơ chế điều khiển cảm ứng trên vô-lăng khiến họ phải cúi xuống nhìn để sử dụng. Điều đó đồng nghĩa với rời mắt khỏi đường và tăng nguy cơ gặp tai nạn. Công ty cho biết sẽ tích hợp thêm nhiều nút vật lý cho xe điện trong tương lai.

Các nhà sản xuất ô tô khác cũng đã tuyên bố trên các phương tiện truyền thông về việc không chạy theo xu hướng tích hợp các nút chức năng lên màn hình cảm ứng. Hyundai và Honda cho biết vẫn sẽ giữ những phím bấm vật lý cho các chức năng cơ bản trong xe, nhằm giúp người lái tập trung và lái xe một cách an toàn hơn.

Một số nghiên cứu về sự nguy hiểm của màn hình cảm ứng đối với người lái đã được thực hiện. Nghiên cứu của hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) năm 2017 cho thấy, việc thực hiện tác vụ trên màn hình cảm ứng khi lái xe như điều hướng trên bản đồ, có thể khiến tài xế mất tập trung đến 40 giây. Nếu đi với tốc độ 40 km/h, tài xế có thể bị phân tâm một khoảng cách tương đương chiều dài 4 sân bóng đá mới có thể hoàn thành tác vụ nhập điểm đến trên bản đồ màn hình cảm ứng.

Nghiên cứu của đại học Drexel (tiểu bang Philadelphia, Mỹ) vào năm 2021 nêu rõ, hệ thống giải trí trên xe là một trong những tác nhân gây phân tâm khi lái xe cho người trẻ tuổi và người trung niên. Báo cáo từ trang Vi Bilägare từ Thụy Điển chỉ ra rằng, hoàn thành tác vụ đơn giản như điều chỉnh điều hòa hoặc radio bằng màn hình cảm ứng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với nút bấm vật lý.

Bên cạnh đó, độ bền của màn hình cảm ứng trên xe hơi cũng chưa được chứng thực như nút bấm vật lý. Khảo sát mới nhất từ J.D. Power về độ tin cậy trên các mẫu xe đời mới đã kết luận “hệ thống màn hình giải trí vẫn gây ra nhiều vấn đề” như lỗi kết nối Android Auto/Apple CarPlay, nhận diện giọng nói và độ nhạy của màn hình cảm ứng.

Tham khảo Euro NCAP

Le Hai
Author: Le Hai

Bài trướcAston Martin Vantage vừa ra mắt đã nhận nhiệm vụ xe an toàn FIA trong giải đấu F1 2024
Bài tiếp theoGSM ra mắt Xanh SM Platform – nền tảng công nghệ đa dịch vụ thuần điện đầu tiên tại Việt Nam