10 công nghệ đỉnh cao của Lamborghini Aventador

0

10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-4.jpg

Vào năm 2011, Lamborghini đã làm chấn động giới siêu xe khi ra mắt Aventador LP700-4 với tư cách là mẫu xe kế nhiệm Murciélago. Khi đó, ông Stephan Winkelmann, CEO kiêm chủ tịch của hãng đã nhấn mạnh: “Tương lai của những chiếc siêu xe của chúng tôi đã trở thành hiện thực với Aventador LP700-4”.

Đến nay, sau 10 năm 3 tháng có mặt trên thị trường, sức hút của chiếc siêu xe dùng động cơ V12 này vẫn không có dấu hiệu giảm và vẫn là một biểu tượng của giới siêu xe trong thập niên vừa qua. Bên cạnh sự thành công về mặt hiệu suất và hình ảnh, Aventador đã luôn mang trên mình những công nghệ đi đầu của hãng. Sau đây là 10 công nghệ nổi trội nhất được Lamborghini sử dụng trên mẫu xe này.

Sợi carbon


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-3.jpg

Aventador là chiếc siêu xe đầu tiên của Lamborghini được trang bị khung monocoque được làm bằng sợi carbon. Ngoài ra, đó cũng là lần đầu tiên hãng có thể tự sản xuất sợi carbon số lượng lớn ngay tại nhà máy. Khung monocoque bằng sợi carbon của Aventador LP700-4 là một khối có độ cứng cực cao, hết hợp cùng khung nhôm trước và sau tạo nên sự vững chắc cần thiết. Cả phần thân xe này chỉ nặng 229,5 kg.

Với các phiên bản mui trần Roadster, mui xe hai mảnh rời được làm hoàn toàn bằng sợi carbon có lợi thế lớn hơn so với phần mui mềm khung kim loại của Murcielago. Với công nghệ mới, cả hai mui xe này có trọng lượng chưa đến 6 kg.


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-7.jpg

Ở bản SuperVeloce trở về sau, Lamborghini giới thiệu thêm một loại sợi carbon tổng hợp (SCM) đặt biệt được sử dụng trong nội thất và ốp cửa, được gọi là Carbon Skin. Loại vật liệu tổng hợp này không chỉ nhẹ mà còn có bề mặt hoàn thiện đặc biệt, mềm, bền và thích hợp cho không gian nội thất hơn

Dẫn động bốn bánh


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-6.jpg

Để có thể kiểm soát sức mạnh của động cơ V12, Lamborghini trang bị cho Aventador hệ dẫn động bốn bánh ngay từ phiên bản đầu tiên. Hệ dẫn động này có được cơ chế phân bổ mô-men xoắn điện tử được phát triển bởi Haldex, một bộ khóa vi-sai tự động ở cầu sau và vi-sai trước hoạt động cùng hệ thống ESP của xe. Với thiết lập này, chiếc xe có thể nhanh chóng điều chỉnh mô-men xoắn đến cầu xe cần thiết trong vòng vài mili-giây và có thể truyền 60% mô-men xoắn tới cầu trước tùy vào chế đọ lái.

Hệ thống treo


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-2.jpg

Lamborghini trang bị cho Aventador hệ thống treo theo kiểu đũa đẩy thay vì hệ thống treo lò xo lồng cuộn như trên Murcielago trước đây. Loại treo này được lấy cảm hứng từ xe đua Công thức 1, đũa đẩy chính sẽ được nối từ tay đòn dưới của bánh xe, truyền lực lên bộ giảm chấn đặt ngang phía trên. Trên Aventador SV, bộ giảm chấn được nâng cấp và sử dụng loại MRS – giảm chấn từ tính với khả năng thích ứng với điều kiện đường xá và cách lái.

Hộp số ISR


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-1.jpg

Ra mắt vào năm 2011, Lamborghini Aventador được trang bị hộp số ly hợp đơn ISR 7 cấp và dòng xe này vẫn sử dụng loại hộp số này cho đến nay. Bên trong, hộp số sở hữu hai thanh chuyển số làm bằng sợi carbon, một dùng để bắt số và một để nhả số. Hệ thống này có thể giúp xe chuyển số trong chỉ 50 mili-giây, bằng thời gian của một cái nháy mắt.

Chế độ lái


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-11.jpg

Trên Aventador, Lamborghini trang bị cho xe ba chế độ lái cơ bản gồm Strada (đường phố), Sport (thể thao) và Corsa (đua). Tất cả các chế độ lái đều có thiết lập khác nhau mang lại cảm giác lái khác biệt. Chế độ Strada và Sport có thể hoạt động ở cả hai chế độ hộp số tự động và số tay trong khi chế độ Corsa chỉ đi với số tay. Từ Aventador S trở về sau, chế độ tùy biến Ego được thêm vào cho dòng xe này. Ego cho phép người dùng tùy biến cảm giác vô-lăng, hệ thống kiểm soát công suất và hệ thống treo theo các chế độ riêng biệt.

LDVA – Lamborghini Dinamica Veicolo Attiva


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-9.jpg

Công nghệ LDVA được Lamborghini sử dụng trên Aventador S trở về sau với vai trò can thiệp sâu hơn vào hệ thống kiểm soát lực kéo và kiểm soát sự linh hoạt của vô-lăng. LDVA như bộ não của xe, sử dụng tín hiệu đến từ tất cả các cảm biến trên xe để tạo ra các hệ thống chủ động, mang đến cảm giác lái tốt nhất ở bất kỳ điều kiện nào.

ALA 2.0 – Aerodinamica Lamborghini Attiva

Ta từng được chứng kiến Huracan Performante sử dụng ALA 1.0 để chinh phục Nurburgring, với Aventador SVJ, công nghệ này được phát triển lên thế hệ thứ 2, ALA 2.0. Ở phiên bản nâng cấp này, Lamborghini đã nghiên cứu thêm nhiều chi tiết như lỗ thoát khí trước mũi xe, các tấm hướng gió dưới gầm xe, khuếch tán sau nhằm tối ưu công dụng của luồng gió chạy qua xe. Những cải tiến nhỏ này mang lại hơn 40% hiệu quả khí động học so với Aventador SV tiêu chuẩn cũng như giảm thiểu lực kéo của luồng gió qua xe.

Các cửa gió của ALA 2.0 được triển khai trong vòng chỉ 0,5 giây, nhờ đó, nó có được khả năng hoạt động tối ưu hơn so với các bộ cánh gió chủ động của những chiếc siêu xe khác. Bên cạnh đó, công nghệ Aero Vectoring đi kèm giúp điều hướng luồng gió qua bên mất lực bám đường khi vào cua, mang lại độ bám tốt nhất cho Aventador SVJ.

Dẫn hướng bốn bánh


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-8.jpg

Từ Aventador S trở về sau, Lamborghini luôn trang bị cho chiếc siêu xe đầu bảng của mình công nghệ dẫn hướng bốn bánh (đánh lái bốn bánh) – Lamborghini Rear-wheel Steering. Kết hợp cùng hệ thống lái Lamborghini Dynamic Steering (LDS) ở cầu trước, công nghệ này mang đến phản hồi tay lái tốt hơn và giúp xe ôm cua tốt hơn so với thế hệ trước.

Ở dải tốc độ trung bình và thấp, trục bánh sau của mẫu xe này sẽ rẽ theo hướng ngược lại so với trục bánh trước nhằm giúp thay đổi hướng đi nhanh hơn. Còn ở dải tốc độ cao, trục bánh sau sẽ đánh theo cùng hướng với trục bánh trước nhằm giúp duy trì sự ổn định.

Dừng động cơ tạm thời


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-5.jpg

Từ lần đầu ra mắt, Aventador đã được trang bị kèm với công nghệ ngắt động cơ tạm thời. Công nghệ này được vận hành bởi một bộ siêu tụ giúp dự trữ năng lượng giúp khởi động lại xe một cách nhanh nhất, chỉ tốn 180 mili-giây. Hệ thống giúp khởi động lại cơ cũng khá nhẹ, chỉ 3 kg.

Ngắt xi-lanh


10-công-nghệ-đỉnh-cao-của-Lamborghini-Aventador-10.jpg

Bên cạnh việc tiết kiệm nhiên liệu thông qua công nghệ ngắt động cơ tạm thời, Aventador còn được Lamborghini trang bị kèm công nghệ ngắt xi-lanh (CDS). Công nghệ này sẽ tự động ngắt một bên động cơ, tương đương 6 xi-lanh khi xe hoạt động ở tải thấp và vận tốc dưới 135 km/h, biến nó thành một chiếc xe dùng động cơ I6. Hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ động cơ V12 ngay khi nhận được yêu cầu từ chân ga. Với công nghệ này, Lamborghini Aventador tiêu hao nhiên liệu ít hơn 7% ở điều kiện đường hỗn hợp và lên đến 20% ở tốc độ 130 km/h trên đường cao tốc.

Tham khảo Lamborghini

VNB
Author: VNB

Bài trướcToyota bắt đầu sản xuất phụ tùng cho mẫu xe thể thao huyền thoại Supra A70 và A80
Bài tiếp theoNguyên mẫu MINI Vision Urbanaut ra đời: Một bước tiến gần hơn tới tương lai