10 mẫu xe bình thường nhưng trang bị động cơ phi thường

Le Hai

Phụ Xế
Bài viết
498
10xe-binhthuong-dongcosieuxe.jpg


Một trong những điều mang lại niềm vui thuần khiết nhất đối với những người yêu thích xe là khi bắt gặp những mẫu xe có ngoại hình “phổ thông” nhưng vẻ bề ngoài đó thực chất lại ẩn chứa những khối động cơ vô cùng mạnh mẽ, mang đến khả năng vận hành vượt trội so với quan niệm thông thường về chúng.

Những mẫu siêu xe và xe thể thao thiên về vận hành sẽ luôn bị chê bai nếu như không thể hiện được hiệu năng đúng với kỳ vọng. Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, nếu những chiếc xe ở phân khúc gia đình hoặc đô thị cỡ nhỏ mà được sở hữu động cơ “khủng” và các thành phần hiệu năng cao, thì sẽ nhận được những lời ca ngợi.

Danh sách dưới đây bao gồm những mẫu xe tiêu biểu trong nhóm “nhìn vậy mà không phải vậy”, ngoại hình rất bình thường nhưng động cơ của chúng thì lại vô cùng đáng nể. Cả xe bán hàng loạt thông thường và xe dạng thử nghiệm, ý tưởng đều được đề cập. Thứ tự xếp theo chữ cái alphabet.

Alfa Romeo 147 GTA 2000-2010​


alfaromeo-147gta.jpg


Mẫu 147 được hãng Ý cho ra đời để làm xe gia đình cỡ nhỏ, kích thước gọn gàng và dễ tiếp cận số đông, thế nên động cơ tiêu chuẩn của nó cũng không có gì quá ghê gớm. Tuy nhiên phiên bản 147 GTA lại là câu chuyện khác, khi trang bị động cơ V6 3.2L có công suất 250 mã lực và mô-men xoắn cực đại 300 Nm.

Chỉ riêng việc được lắp khối động cơ lớn này cũng đủ để khiến 147 GTA trở thành chiếc xe có khả năng tăng tốc rất mau lẹ từ 0-100 km/h trong 6,3 giây, kèm theo đó là tiếng máy rền vang ấn tượng. Tuy nhiên lượng sức kéo quá lớn truyền đến các bánh trước đã gây ra không ít khó khăn trong việc kiểm soát độ chính xác khi vừa đánh lái vừa tăng tốc.

Aston Martin Cygnet V8 2018​


aston-martin-cygnet-v8.jpg


Ban đầu, Cygnet là nỗ lực của hãng siêu xe Anh Quốc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải bằng cách đổi tên từ Toyota iQ (một trong những chiếc Toyota cỡ nhỏ sáng tạo nhất trong lịch sử), gắn lưới tản nhiệt kiểu khác, thêm thắt rất nhiều da bọc sang trọng rồi gọi đó là một chiếc Aston Martin. Bất chấp việc được quảng cáo là “giải pháp sang chảnh cho nhu cầu di chuyển trong đô thị”, giá mỗi chiếc Cygnet cao gấp 3 lần so với Toyota iQ mà chẳng có khác biệt gì về hệ truyền động, nên đối tượng khách hàng tiềm năng của Aston Martin đều không cảm thấy thuyết phục.

Tuy nhiên, một người hiếm hoi sở hữu Cygnet đã biến chiếc xe của mình thành Aston Martin thực thụ, khi yêu cầu hãng lắp động cơ V8 4.7L thay cho cục máy nguyên bản. Sự thay đổi này khiến chiếc xe đô thị cỡ nhỏ được tăng sức mạnh lên 430 mã lực và mô-men xoắn cực đại 490 Nm, có thể hoàn tất quãng đường 0-100 km/h trong 4,2 giây. Mặc dù rất thú vị, nhưng đến nay vẫn chỉ có 1 chiếc Cygnet V8 duy nhất tồn tại trên đời.

Audi Q7 V12 2007-2015​


audi-q7-v12.jpg


Giống như mọi chiếc SUV đồng hương cùng thời với nó, Audi Q7 thế hệ đầu tiên có diện mạo cục mịch và thô kệch. Bù lại, bên trong nội thất nhiều tiện ích, dồi dào công nghệ và các chất liệu sang trọng. Phần vận hành cũng được đảm bảo với các lựa chọn động cơ V6 và V8. Tuy nhiên hãng Đức vẫn tạo ra thêm một phiên bản đặc biệt hơn nữa, trang bị động cơ diesel V12 6.0L tăng áp kép.

Bản Q7 V12 này có sức mạnh đáng nể lên tới 493 mã lực và đạt mô-men xoắn cực đại 1.000 Nm, tức là thậm chí còn vượt qua một vài mẫu siêu xe cùng thời, mang đến khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 5,5 giây. Sở dĩ có chuyện này là do các mẫu xe đua thể thao của Audi với động cơ diesel đang thể hiện rất tốt vào đầu thập niên 2000, nên hãng cho rằng đây là cơ hội chứng minh sự vượt trội về công nghệ. Động cơ này cũng khá “tiết kiệm” so với kích cỡ của nó khi mức tiêu thụ hỗn hợp chỉ 9,4 lít/100 km.

BMW X5 V12 Le Mans 2001​


bmw-x5-v12-le-mans.jpg


Những chiếc BMW X5 với huy hiệu M đã tồn tại trên thị trường khá lâu, thậm chí giờ đây còn có một chiếc M gầm cao thực thụ là BMW XM, nhưng vào những năm đầu thập niên 2000 thì ý tưởng về xe SUV BMW được xem là điều quái đản. Để giúp cho tệp khách hàng cốt lõi dễ chấp nhận mẫu X5 khi đó vừa mới ra mắt, hãng Đức quyết định tạo ra một phiên bản đặc biệt, dùng động cơ V12 6.1L lấy trực tiếp từ chiếc McLaren F1 vừa thắng giải đua Le Mans.

Vì không phải chịu những ràng buộc như khi lắp đặt trên chiếc xe đua, khối động cơ này giúp X5 Le Mans trở thành SUV có sức mạnh đáng nể hơn 700 mã lực thay vì chỉ 580 mã lực như ban đầu, đồng thời có mô-men xoắn cực đại 720 Nm, tăng tốc 0-100 km/h trong 4,7 giây. Hệ thống treo và cơ chế phanh cải tiến cũng được trang bị để xe thể hiện tối đa năng lực và đã hoàn tất một vòng đường đua Nürburgring trong 7 phút 42,25 giây – một kỷ lục tồn tại gần 20 năm đối với xe SUV.

Ford Sierra XR8 5.0 V8 1984-1988​


ford-sapphire-xr8.jpg


Vào các thập niên 1970 và 1980, phong trào đua xe tại Nam Phi phát triển mạnh. Nhiều mẫu xe vốn được thiết kế cho nhu cầu sử dụng thông thường đã được các đội đua nghiên cứu chỉnh sửa thêm để thi đấu chuyên nghiệp, từ đó phát sinh những chiếc nổi tiếng như BMW 530 MLE, Alfa Romeo Giulietta Group 1 hay Fiat 131 2000 Racing. Đáng chú ý nhất là phiên bản XR8 của mẫu xe cỡ nhỏ Ford Sierra (còn được biết đến ở Nam Phi với tên Ford Sapphire dưới dạng sedan).

Khác với trạng thái tiêu chuẩn được trang bị động cơ V6 3.0L, bản XR8 chuyển qua sử dụng động cơ V8 4.9L có nguồn gốc từ mẫu xe thể thao cơ bắp Mustang, với công suất 216 mã lực và mô-men xoắn cực đại 374 Nm, giúp xe tăng tốc 0-100 km/h trong 8 giây. Rất nhiều sự điều chỉnh đối với khoang động cơ, bộ hộp số, vi sai và trục truyền động đã được áp dụng để đảm bảo không có gì phát nổ khi toàn bộ sức kéo đó được truyền tới các bánh sau. Chỉ có 252 chiếc được sản xuất, trong đó một số ít được xuất khẩu đi nơi khác.

Lancia Thema 8.32 1987-1992​


1987-lancia-thema.jpg


Đây là một mẫu xe gia đình kiểu châu Âu điển hình, với nền tảng khung gầm chia sẻ với Saab 9000 và Alfa Romeo 164. Nó có chất lượng khá tốt và hiệu năng cũng khá ấn tượng ở trạng thái nguyên bản với động cơ 2.0L tăng áp. Tuy nhiên, một mẫu xe Italia đúng nghĩa luôn cần phải được chỉnh sửa thêm với nhiều sáng tạo và hãng Lancia đã làm đúng như vậy khi tạo ra phiên bản Thema 8.32 dùng động cơ V8 3.2L mạnh mẽ.

Khối động cơ này từng được sử dụng cho xe thể thao Ferrari 328 nên cần phải sửa đổi lại đổi chút để phù hợp với sedan đi phố, nhưng vẫn giữ được năng lực đáng nể khi sản sinh công suất 212 mã lực và mô-men xoắn cực đại 285 Nm, tăng tốc 0-100 km/h trong 6,8 giây. Đây cũng là mẫu xe ô tô con đầu tiên được trang bị cánh lướt gió sau có thể đóng/mở tự động tùy theo tốc độ di chuyển.

Mercedes B55 AMG 2010​


mercedes-b55-amg.jpg


Chiếc xe mà bạn thấy ở đây là một chiếc Mercedes dẫn động cầu sau được trang bị động cơ V8 5.5L có sức mạnh 383 mã lực và mô-men xoắn cực đại 530 Nm, khả năng tăng tốc 0-100 km/h dưới 6 giây. Những thông số này có vẻ khá quen thuộc khi xét đến những mẫu AMG thể thao ngày nay, nhưng đối với trường hợp của B55 vào năm 2010 thì đó lại là chuyện chấn động.

Lý do là bởi mẫu xe hatchback cỡ nhỏ B-Class được ra đời với mục đích làm xe đô thị giá rẻ, chạy bằng động cơ diesel và dẫn động cầu trước. Một nhóm thực tập sinh làm việc ở Mercedes đã nảy ra ý tưởng tạo nên xe thể thao ở đẳng cấp AMG thực thụ dựa trên nền tảng đó và đã thành công. Đáng tiếc là dự án B55 không được triển khai sản xuất hàng loạt, nhưng nó vẫn truyền cảm hứng cho các thế hệ xe AMG cỡ nhỏ về sau này.

Nissan Juke-R 2011​


2011-nissan-juke-r.jpg


Dù chỉ là kết quả của một chương trình quảng cáo do Nissan thực hiện, nhưng chiếc Juke-R thực sự ấn tượng và thu hút nhiều sự chú ý. Nhìn từ bên ngoài, nó giống như thể một ai đó đã quyết định tiêu hết số tiền tiết kiệm vào bộ bodykit hầm hố nhất cho mẫu xe Juke. Phần động cơ còn tuyệt vời hơn khi kế thừa khối máy V6 3.8L tăng áp kép của Nissan GT-R, kèm theo bộ hộp số ly hợp kép và các thành phần truyền động liên quan.

Để làm cho tất cả vừa vặn là một công việc không hề đơn giản – trục chống đỡ phải được rút ngắn lại và thân xe được mở rộng để phù hợp với bánh xe và phanh của GT-R. Hàng ghế sau được loại bỏ để lắp lồng chống lật và ghế đua phía trước. Đã có 2 chiếc được chế tạo, sở hữu sức mạnh 485 mã lực và mô-men xoắn cực đại 588 Nm, được bán cho cùng 1 khách hàng và có thể sử dụng hợp pháp trên đường phố. Vài năm sau, Nissan lặp lại thủ thuật này với chiếc Juke-R 2.0 mạnh 600 mã lực, nhưng hiệu ứng truyền thông không sâu đậm như với chiếc đầu tiên.

Renault 5 Turbo 1980-1984​


renault-5-turbo.jpg


Hầu như tất cả những mẫu xe chạy phố hợp pháp được yêu thích nhất đều ra đời từ việc chỉnh sửa thay đổi chúng cho mục đích tham gia đua xe chuyên nghiệp. Chiếc Renault 5 Turbo chính là ví dụ tiêu biểu. Ban đầu, hãng Pháp trình làng dòng xe cỡ nhỏ dẫn động cầu trước Renault 5 năm 1972 hướng tới nhóm khách hàng thực dụng cần xe đô thị, dùng động cơ tiết kiệm với cỡ nhỏ nhất chỉ là 0.8L. Dù sau này có thêm phiên bản thể thao dưới tên Alpine Turbo dùng động cơ tăng áp 110 mã lực, nhưng khi cần xe thi đấu ở Group 3 giải World Rally Championship thì hãng lại quyết định chỉnh sửa từ phiên bản dân dụng để tạo nên Renault 5 Turbo.

Khối động cơ được lắp đặt là loại 4 xy-lanh thẳng hàng với dung tích 1.4L tăng áp, sản sinh công suất 158 mã lực và mô-men xoắn cực đại 221 Nm, đem đến khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 7 giây. Vị trí đặt động cơ được chuyển sang ngay phía sau người lái và truyền sức kéo đến các bánh sau, đồng thời bổ sung thêm nhiều thành phần được gia cố để phù hợp với lượng sức mạnh tăng cường. Renault cũng tạo ra một phiên bản “nhẹ nhàng” hơn có tên là Turbo 2.

Volkswagen Golf GTI W12-650 2007​


Volkswagen-GTI-W12-650.jpg


Được biết đến là hãng xe chuyên tạo ra những chiếc xe gia đình bền bỉ và đáng tin cậy, đôi khi Volkswagen cũng để cho đội ngũ sáng tạo của họ được thoải mái phát huy khả năng và kết quả thu được hầu như luôn xứng đáng, chẳng hạn như với trường hợp của chiếc Golf GTI W12-650. Đây là mẫu xe độc bản được thiết kế để làm tâm điểm trưng bày ở sự kiện lễ hội Volkswagen tại Worthersee năm 2007.

Dựa trên nền tảng chiếc Golf GTI Mk5, đội kỹ sư hãng Đức đã tiến hành thay đổi rất nhiều thành phần, chỉ giữ lại cửa xe, nắp ca-pô và hệ thống đèn chiếu sáng. Khối động cơ W12 6.0L tăng áp (641 mã lực, 750 Nm) được “mượn” từ Bentley Continental GT, kết hợp cùng hộp số vốn được dùng cho Volkswagen Phaeton, hệ thống phanh trước lấy từ Audi RS 4 còn phanh sau và trục truyền động cầu sau thì chung loại với Lamborghini Gallardo. Tất cả nằm gọn trong hình hài chiếc xe nhỏ được trang bị bộ bodykit hoành tráng. Xe có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 323 km/h.

Tổng hợp
 

Thành viên trực tuyến

Tin thế giới

Tin trong nước

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top