12 lời khuyên hữu ích về bảo trì xe bạn cần theo để chăm sóc xe tốt nhất

0
Bảo dưỡng xe là một bước rất quan trọng mà mọi chủ sở hữu phải thực hiện theo để tăng tuổi thọ cho chiếc xe của họ. Nếu bạn làm theo lịch trình bảo trì chính xác xe sẽ luôn hoạt động tốt. Ngoài ra bạn có thể phát hiện sớm các hư hỏng để kịp thời sửa chữa, sẽ gặp ít trục trặc hơn và hiệu suất của xe cũng tốt hơn.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-1-01.jpg

Một chiếc xe đầu đời của tôi qua sử dụng hơn 13 năm trước và tuân theo một thói quen bảo trì thường xuyên. Bây giờ xe đã đi hơn 250.000 km và xe vẫn hoạt động tốt. Thay dầu, kiểm tra áp suất lốp, vệ sinh lọc gió, kiểm tra dung dịch và thay thế các bộ phận khi cần thiết có thể giúp bạn ngăn ngừa những hư hỏng lớn hơn và tiết kiệm chi phí trong thời gian dài. Bạn cũng có cảm giác luôn được đi chiếc xe mới.

1. Kiểm tra lọc gió​

Nhiều vấn đề trên xe ô tô do nguyên nhân lọc gió bị bám bụi và lão hóa gây nên. Định kỳ bạn nên thay lọc gió động cơ và lọc gió máy lạnh mỗi 12 tháng hoặc sau 20.000 km, tùy theo điều kiện nào đến trước. Bạn không nên bỏ qua việc này vì lọc gió động cơ có thể ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của động cơ và lọc gió máy lạnh ngoài việc lọc không khí trong xe kém đi còn có thể dẫn đến các vấn đề với hệ thống điều hòa.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-11.jpg

Bạn có thể thay thế lọc gió tại nhà chỉ trong 10 phút. Bằng
cách tự làm, bạn có thể không cần đi tới Garage sửa chữa và tiết kiệm được chi
phí. Đây là cách bạn làm:

– Xác định vị trí bộ lọc của bạn:

Lọc gió động cơ: nằm trong khoang động cơ, phía trước đường ống nạp gió. Bầu lọc gió này trông giống như một hình hộp màu đen, có kẹp kim loại trên thân hoặc có ốc vít để mở ra. Bạn sẽ nhìn thấy nó ngay khi mở nắp capo lên.

Lọc gió máy lạnh: Có thể nằm dưới nắp capo để lấy gió vào trong xe, cũng có thể có một cái bên trong cabin xe, đôi khi phía sau hộc đồ phụ phía hành khách.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-2-01.jpg

– Sau khi xác định được vị
trí, hãy tháo vỏ và xem lọc gió khớp với bên trong như thế nào. Điều quan trọng
bạn cần lưu ý các hướng lấy gió của bộ lọc.

– Sau khi tháo lọc ra, bạn cần mua một cái cùng loại và kích thước với nó. Lắp ráp lọc mới theo cùng hướng với lọc cũ và cần phải chính xác theo cách tương tự như cái cũ.

– Cuối cùng hãy bắt vỏ hộp lại và bắt các kẹp kim loại hoặc ốc vít giống như ban đầu. Bây giờ bạn đã hoàn thành công việc thay thế lọc gió. Bạn cũng có thể vệ sinh lọc gió nếu nó chưa đến kì thay nhưng đã bám bụi bẩn lên bằng cách sử dụng khí nén áp lực để thổi bay chúng đi. Điều này sẽ giúp không khí đi qua dễ dàng hơn, cải thiện tuổi thọ của bộ lọc.

2. Thường xuyên kiểm tra dung dịch và áp suất lốp

Đây là công việc mà bạn không nên bỏ qua hoặc trì hoãn thực hiện. Chúng là những thành phần chính và cơ bản nhất cần kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm hư hỏng, tránh kéo theo những hậu quả lớn hơn ảnh hưởng đến cả hệ thống. Công việc kiểm tra chỉ mất khoảng 10 phút.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-21.jpg

Bạn cần mở nắp capo lên khi động cơ chưa khởi động. Trước tiên cần tìm vị trí cây thăm nhớt máy, rút ty thăm lên, dùng khăn lau sạch và cắm nó lại như cũ. Tiếp theo rút cây ty lên lại bạn sẽ thấy được nhớt động cơ bám vào đó, bạn có thể thấy được khoảng chạy cho phép của mực nhớt. Bằng cách này bạn sẽ biết được khi nào cần thay thế nhớt máy. Ngoài ra nếu mực nhớt quá thấp bạn cần kiểm tra sự rò rỉ của nó trên động cơ để xử lý.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-10.jpg

Bạn có thể kiểm tra mực nhớt trợ lực lái, nước làm mát và dầu phanh (thắng) cũng bằng cách so với khoảng dung dịch được quy định trên cây thăm hoặc trên nắp đậy của các bình dung dịch đó. Lưu ý khi kiểm tra nước làm mát để an toàn bạn cần thực hiện khi động cơ nguội.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-09.jpg

Để kiểm tra nhớt hộp số tự động bạn cần thăm nhớt khi động cơ nóng và đang nổ cầm chừng. Một số xe có thể có cây thăm nhớt, cách thăm giống như bạn thực hiện với nhớt động cơ. Một số xe khác bạn cần kiểm tra bên dưới gầm bằng cách mở con bulon trên thân của hộp số.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-19.jpg

Đối với áp suất lốp bánh xe, bạn có thể kiểm tra bằng cách sử dụng đồng hồ đo và cần biết được thông số dành riêng cho xe bạn. Thực hiện việc kiểm tra thường xuyên để đảm bảo áp suất bánh xe luôn trong giới hạn cho phép.

3. Kiểm tra Ắc quy​

Nhiều người gặp sự cố bình ắc quy bị hư hỏng trong lúc họ cần sử dụng ô tô nhất. Chúng ta có thể sẽ ở trong hoàn cảnh một mình trên đường vào thời gian đêm tối với chỉ cây đèn hoặc điện thoại bên cạnh. Đây thực sự không phải là một cảm giác dễ chịu.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-08.jpg

Để tránh rơi vào hoàn cảnh như vậy bạn không bao giờ được bỏ qua dấu hiệu của bình điện đang đến thời kỳ hư hỏng và luôn kiểm tra chúng định kỳ. Kiểm tra sự sụt giảm điện áp của bình điện khi khởi động xe, hoặc khi bạn có cảm giác bộ đề quay yếu hơn bình thường. Ngoài ra kiểm tra những vệt teng màu trắng đục xung quanh hai đầu cọc bình. Vệ sinh nó với nước nóng và bàn chải khi cần thiết.

4. Kiểm tra Bugi​

Nếu bạn nhận thấy động cơ hoạt động không tốt có thể nguyên nhân từ bugi của xe. Sau thời gian sử dụng bugi có thể bị mòn hoặc bám muội than làm cho hiệu quả đánh lửa kém. Bạn nên kiểm tra và thay thế nếu cần sau mỗi 40.000 km. Quãng đường này có thể thay đổi tùy theo từng dòng xe và có ghi trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-13.jpg

Ngoài ra bạn có thể nhận biết được tình trạng của động cơ qua việc quan sát màu sắc trên đầu bugi. Động cơ đang hoạt động tốt, tỷ lệ hòa khí chính xác nếu như bugi có màu đỏ gạch hoặc vàng rơm và khô sạch.

5. Thực hiện đảo lốp và cân bằng động bánh xe​

Đây là cách đơn giản để hạn chế mòn lốp không đều và kéo dài thời gian sử dụng hơn. Đó là đảo lốp giữa các vị trí trên xe. Các lốp không mòn như nhau ở mỗi vị trí, xe dẫn động cầu trước hai lốp bánh trước mòn nhanh hơn và ngược lại đối với xe dẫn động cầu sau. Bạn cần đảo vị trí chúng trong sau quãng đường 8.000 – 12.000 km.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-15.jpg

Lốp xe quay với tốc độ cao nên cần được cân bằng động tốt bởi vì nếu không sẽ gây hiện tượng mất cân bằng khi chạy, nặng hơn bạn sẽ mất kiểm soát xe ở vận tốc cao.

6. Làm sạch kính chắn gió và thay thế cao su gạt mưa​

Kính chắn gió bẩn khi chúng không được vệ sinh thường xuyên có thể gây ra tầm nhìn kém và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bạn bạn phải có một tấm kính sạch và trong để đảm bảo an toàn trong khi lái xe. Nếu không thường xuyên vệ sinh bụi bẩn sẽ tích lại và sẽ khó khăn hơn khi bạn xử lý sau này.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-04.jpg

Khi mùa mưa đến hãy kiểm tra cao su gạt mưa và thay thế chúng nếu cần. Sử dụng gạt mưa hư hỏng sẽ không hiệu quả khi gạt nước, gây thiếu tầm nhìn ngoài ra còn có thể gây xước kính chắn gió của xe bạn.

7. Kiểm tra và thay thế dây curoa​


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-03.jpg

Cần kiểm tra kỹ các dây curoa của xe xem có bị sờn hay nứt không. Nếu dây curoa lỗi, nó có thể gây hư hỏng cho các hệ thống khác và bạn phải mất nhiều chi phí để sửa chữa. Bạn nên kiểm tra và thay thế dây curoa sau khi xe đạt ngưỡng 80.000 km đến 100.000 km, tuy nhiên cần tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng để có thêm được những thông tin chính xác cho riêng xe của mình.

8. Kiểm tra hệ thống làm mát​

Những ống dẫn nước làm mát động cơ có thể hư hỏng rất nhanh vì chúng vận chuyển nước có nhiệt độ và áp suất cao, vì thế dễ rò rỉ hoặc vỡ sau thời gian dài bị lão hóa hoặc có tác động vật lý từ bên ngoài. Những ống dẫn nước cho hệ thống sưởi dẫn nước làm mát vào trong cabin cũng đối mặt với tình trạng tương tự.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-3-01.jpg

Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ hư hỏng bất ngờ đó là kiểm tra thường xuyên và thay thế nếu cần thiết. Tại sao cần làm như vậy? Bởi vì khi bạn kiểm tra thấy các dấu hiệu của sự lão hóa hoặc rò rỉ nhẹ và thay thế chúng lập tức, bạn sẽ tránh được việc hư hỏng kéo theo của các hệ thống khác cũng như tránh được được tình trạng xe bị nằm đường.

9. Kiểm tra hệ thống phanh​

Bạn có thể đã xem phim có cảnh quay phanh xe bị hư hỏng dẫn đến tai nạn khi đang chạy. Chúng ta đều không muốn điều đó xảy ra ngoài đời thực, tuy nhiên vẫn có những rủi ro khi mọi người bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo từ phanh của họ. Và bạn cần xây dựng nên thói quen kiểm tra hệ thống phanh thường xuyên.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-8-01.jpg

Đầu tiên rất dễ dàng để kiểm tra dầu phanh. Mở nắp capo và tìm đến bình dầu phanh, kiểm tra mực dầu và quan sát màu sắc của nó. Nếu dầu phanh chuyển sang có màu đậm đó là dấu hiệu độ nhờn đã hết và trong hệ thống có nhiều bụi bẩn, bạn cần thay thế càng sớm càng tốt. Nếu dầu phanh quá thấp, nó có thể bị rò rỉ ở đâu đó.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-01.jpg

Ngoài ra bạn cần kiểm tra các bộ phận khác bao gồm má và đĩa phanh, kiểm tra độ mòn và bề mặt của chúng. Việc này không mất nhiều thời gian và bạn có thể tự làm lấy.

10. Giữ sạch xe của bạn​

Điều này nghe khá đơn giản, tuy nhiên để thực hiện đúng bạn cần tỉ mỉ và kỹ càng. Giữ sạch xe bên ngoài, nội thất bên trong, khoang động cơ và gầm xe. Những bụi bẩn nếu không được vệ sinh sẽ tích tụ lại lâu ngày và khó xử lý hơn. Chúng là nguyên nhân gây nên rỉ séc và lão hóa các bộ phận của xe. Ngoài ra vết bẩn còn gây khó khăn để bạn hoặc thợ sửa chữa nhận biết các dấu hiệu hư hỏng.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-6-01.jpg

Bạn có thể mua sắm một số dụng cụ chuyên dụng, bao gồm máy hút bụi, khăn lau, dung dịch vệ sinh, bao trùm, … Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế để xe ngoài trời tránh gió bụi và ánh nắng trực tiếp.

11. Lái xe đúng cách​

Cách bạn lái xe sẽ ảnh hưởng tới độ bền của nó. Nếu bạn lái xe hay tăng nhanh và đột ngột, các hệ thống của xe sẽ bị ảnh hưởng và hao mòn nhanh hơn. Thói quen đề pa nhanh và dùng phanh đột ngột thời gian dài có thể gây ra hư hỏng cho xe.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-4-01.jpg

Hãy luôn lái xe êm ái và quan sát xa hơn, việc này cũng giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm chi phí. Ngoài ra không sử dụng điện thoại hoặc bất kỳ thứ gì khác có thể gây phân tâm cho việc lái xe của bạn.

12. Những đồ nghề cần mang theo xe ô tô​

Một cách hữu ích để bảo dưỡng xe của bạn là sẵn sàng đối mặt với những sự cố xe thường gặp với đồ nghề bạn mang theo. Được trang bị các công cụ phù hợp bạn có thể tự giải quyết vấn đề thay vì chờ đợi ai đó hỗ trợ, khi đó bạn ngăn ngừa được những hư hỏng kéo theo. Một số thứ cần giữ trong xe là đèn pin, dây kích bình, keo vá lốp, bộ đồ nghề bao gồm khóa, tuýp và kìm, đồng hồ đo vạn năng, găng tay, dao và dây thừng. Với những công cụ này, bạn có thể chẩn đoán sự cố và tạm thời sửa chữa xe của bạn.


12-loi-khuyen-bao-duong-xe-5-01.jpg

Tất nhiên nếu xe của bạn bị mắc kẹt vì những lý do khác bạn cần phải có xe cứu hộ hỗ trợ. Sau đó bạn có thể sửa chữa ở nhà hoặc garage. Bạn cần trang bị kiến thức để chẩn đoán hiện tượng hư hỏng và nhận định được có thể sửa chữa tạm thời hoặc kéo xe về.

Lời kết​

Bảo trì xe không chỉ là kiểm
tra đèn hay thay dầu nhớt mà còn cả những hạng mục bên trên và còn thêm nữa. Bạn
không cần phải luôn đi vào sửa chữa như thợ chuyên nghiệp và chỉ cần thực hiện
những hạng mục nhỏ phù hợp với điều kiện của mình. Những công việc bên trên đơn
thuần là những mẹo nhỏ để bạn có thể tự chăm sóc xe của mình, tăng độ bền và
giá trị sử dụng hơn.

Le Hai
Author: Le Hai

Bài trướcLamborghini hợp tác cùng LEGO Technic ra mắt phiên bản thu nhỏ của Sián FKP 37
Bài tiếp theoXe cơ bắp Ford Mustang GT đọ dáng cùng bán tải F-150 Raptor tại Sài Gòn