Sau khi sắm được một chiếc xe ô tô mới và trải qua quãng thời gian ban đầu được tận hưởng những niềm vui nó mang lại, việc tiếp theo cần phải lưu ý là quá trình chăm sóc, bảo dưỡng và thậm chí sửa chữa để giữ cho chiếc xe luôn ở trạng thái tốt nhất trong nhiều năm tới.
Cho dù bạn mua một chiếc xe mới hay đã qua sử dụng, và dù đó là chiếc xe đầu tiên hay chiếc thứ 5 của bạn, bạn nên quan tâm đến việc chăm sóc nó đúng cách để giữ cho chiếc xe của bạn hoạt động tốt trên đường trong nhiều năm tới. Ô tô hiện đại là những cỗ máy phức tạp và chúng cần được bảo trì và chăm sóc thường xuyên để luôn an toàn và đáng tin cậy. Các bộ phận bị mòn, mọi thứ trở nên bẩn, dầu cần thay và nếu bạn không quen với thời điểm và cách thực hiện bảo trì, về lâu dài bạn có thể phải trả giá đắt hơn cho những sửa chữa bất ngờ do chính bạn lơ là.
Bảo dưỡng lốp xe
Lốp chính là tính năng an toàn quan trọng nhất của một chiếc ô tô, bất kể là xe đời sâu hay đời mới. Ngay cả khi hiện nay đã có thêm nhiều công nghệ hỗ trợ an toàn bằng cơ chế điện tử, chúng vẫn không thể thay thế được chức năng cơ bản của bộ lốp xe. Những gì bạn cần là lốp đồng bộ cho tất cả các bánh xe, phù hợp với điều kiện sử dụng và để ý đến bề mặt lốp. Với lốp xe bị mòn, một cơn mưa đơn giản cũng có thể khiến bề mặt đường thành mối nguy hiểm vì gây mất độ bám đường cần thiết.
Nói chung, một bộ lốp sẽ có tuổi thọ từ 3 đến 6 năm và lên tới khoảng 130.000 km, nhưng nó rất khác nhau tùy thuộc vào cách bạn lái xe, số km bạn đi trong một năm và loại phương tiện bạn sử dụng. Cách tốt nhất ở đây là thường xuyên kiểm tra từng lốp xe và tìm kiếm dấu hiệu mòn quá mức, phồng rộp hoặc phồng lên ở thành bên. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số đó, hãy ưu tiên mua lốp mới thay thế.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô sẽ có khuyến nghị cụ thể trong sách hướng dẫn sử dụng của bạn về tần suất đảo lốp. Điều này có thể cần phải thực hiện mỗi năm một lần, cứ sau khoảng 15.000 km một lần, hoặc vào một khoảng thời gian cụ thể nào đó. Bạn có thể tự đặt ra lịch trình riêng, nhưng một khi làm thế hãy cố gắng duy trì đều đặn để lốp mòn đều nhất có thể. Lưu ý rằng không phải xe nào cũng cần đảo lốp. Chẳng hạn như các dòng xe thể thao hiệu năng cao sử dụng lốp trước và sau có kích thước khác nhau, không nên áp dụng lý thuyết đảo lốp thông thường với chúng.
Lốp xe chỉ hoạt động tốt khi bên trong chứa đủ lượng không khí để vận hành đúng với tiêu chuẩn thiết kế, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi áp suất của lốp. Hầu hết các xe đời mới đều có hệ thống giám sát áp suất lốp, cho phép bạn theo dõi thông số này của từng lốp theo thời gian thực. Một số có cơ chế đơn giản hơn, trong đó đèn cảnh báo sẽ sáng khi một hoặc nhiều lốp sắp hết hơi, để cho bạn tự suy luận xem cụ thể lốp nào gặp vấn đề. Nếu bạn cho rằng xe mình bị xẹp lốp, có một cách dễ dàng để kiểm tra và bạn chỉ cần một đồng hồ đo áp suất giá rẻ – một công cụ cần thiết trong hộc đồ của mỗi chủ xe.
Trước tiên, hãy kiểm tra nhãn dán bên trong khung cửa phía bên người lái để xem áp suất lốp khuyến nghị của nhà sản xuất dành cho xe của bạn. Thông số này sẽ được liệt kê với đơn vị PSI. Tiếp theo, tháo nắp nhựa bảo vệ khỏi thân van của lốp xe và ấn đồng hồ đo áp suất xuống đầu kim loại. Đồng hồ đo áp suất của bạn sẽ hiển thị chỉ số PSI của lốp. Nếu nó thấp hơn mức khuyến nghị thì đã đến lúc phải bơm thêm. Bạn nên chuẩn bị sẵn một máy bơm lốp di động để đề phòng những trường hợp như vậy. Nếu không có thì cần phải tìm tiệm sửa xe gần nhất. Nhưng hãy hết sức cẩn thận khi lái xe khi lốp thiếu hơi hoặc xẹp hẳn. Trong trường hợp sau, bạn không nên lái xe mà thay vào đó hãy gọi xe cứu hộ (xe thớt).
Kiểm tra dầu nhớt động cơ
Nếu xe của bạn có động cơ đốt trong, nó cần được duy trì bằng loại dầu nhớt bôi trơn chất lượng cao để các bộ phận chuyển động trơn tru. Hãy đảm bảo rằng dầu nhớt động cơ của xe bạn được thay thường xuyên theo định kỳ được đề xuất trong sách hướng dẫn sử dụng. Theo dõi mức dầu để đảm bảo dầu không bị rò rỉ hoặc cháy, để lại quá ít dầu trong bình chứa. Để thực hiện việc này, hãy mở mui xe và xác định vị trí que thăm. Kéo que ra và lau sạch bằng vải hoặc khăn giấy. Cắm que trở lại lỗ và đẩy hết cỡ vào ngăn chứa. Kéo nó ra và kiểm tra phần cuối để xem mức dầu có nằm trong phạm vi chấp nhận được ghi trên que hay không. Nếu nó thấp, hãy bổ sung thêm nhưng hãy đảm bảo bạn sử dụng loại phù hợp cho xe của mình.
Một số xe đời mới có tính năng thông báo mức nhớt bằng cảm biến kỹ thuật số. Trong trường hợp này, bạn sẽ muốn tham khảo sách hướng dẫn sử dụng để xác định công cụ này trong màn hình cụm đồng hồ hoặc thông tin giải trí trên xe của bạn.
Tùy thuộc vào loại xe bạn lái và cách bạn lái xe, tần suất thay dầu nhớt động cơ có thể khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ muốn tuân theo các khoảng thời gian được nêu trong sách hướng dẫn sử dụng. Có những xe yêu cầu thay dầu nhớt sau mỗi 8.000 km, nhưng cũng có những phương tiện khác có thể đề xuất khoảng thời gian lên đến 16.000 km.
Nếu bạn không lái xe nhiều và không đạt tới quãng đường khuyến cáo trong vòng 12 tháng, bạn vẫn nên thay dầu nhớt sau một năm vì dầu nhớt có thể xuống cấp sau khoảng thời gian đó và mất độ nhớt. Bạn nên theo dõi mức dầu giữa các lần thay và nếu nhận thấy dầu có màu sẫm hoặc có các hạt kim loại trong đó, bạn nên mang xe đi bảo dưỡng và hỏi ý kiến những người thợ có chuyên môn.
Dưới nắp ca-pô của hầu hết các mẫu xe đều phải có nhãn dán lưu ý về lượng dầu thích hợp, hoặc thậm chí nêu rõ một nhãn hiệu dầu nhớt cụ thể. Sách hướng dẫn sử dụng của xe bạn cũng có thông tin này. Dầu nhớt động cơ thông thường có dạng tổng hợp hoặc dạng khoáng, được cung cấp với nhiều độ đặc loãng khác nhau và được dán nhãn ghi rõ thông số. Ví dụ, bạn có thể thấy nội dung như “5W-20” được liệt kê, có nghĩa cấp độ nhớt là 5 (khá loãng) ở nhiệt độ lạnh và là 20 (đặc hơn) ở nhiệt độ hoạt động bình thường.
Tất nhiên, dầu nhớt động cơ chỉ là một trong nhiều loại dung dịch mà chiếc xe sử dụng. Dầu phanh, dầu hộp số, nước làm mát động cơ, dầu trợ lực lái và nước rửa kính chắn gió đều có thể cần phải kiểm tra và bổ sung khi cần thiết.
Kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng
Việc lái xe với hệ thống đèn không hoạt động vừa gây nguy hiểm, vừa còn có thể khiến bạn bị phạt. Không phải xe nào cũng có chức năng cảnh báo khi một trong số những cụm đèn gặp trục trặc. Tuy nhiên việc kiểm tra hệ thống đèn khá dễ dàng, bạn chỉ việc chuyển tất cả công tắc đèn sang trạng thái “bật” và đi vòng quanh xe để xem xét thực tế. Đèn phanh là khó nhất vì bạn sẽ cần 2 người cùng thao tác, trong đó 1 người giữ bàn đạp phanh và người còn lại kiểm tra bên ngoài, hoặc nếu chỉ có một mình thì bạn sẽ cần tìm một bề mặt nào gần đó giúp dễ dàng quan sát ánh đèn phanh khi nó sáng lên. Thực hiện kiểm tra lúc trời tối sẽ dễ hơn.
Kiểm tra và thay thế cần gạt nước kính chắn gió của bạn
Không có gì khó chịu hơn việc bật cần gạt nước trong cơn mưa và nhận ra chúng đã xuống cấp, không còn làm sạch hoàn toàn những giọt nước trên kính chắn gió. Nó cũng có thể khiến bạn lái xe không an toàn vì tầm nhìn của bạn có thể bị che khuất. Hãy chú ý đến cần gạt nước của bạn và nếu chúng trông không ổn thì đã đến lúc thay thế.
Tùy thuộc vào khí hậu nơi bạn sống, cần gạt nước trên xe bạn có thể phải thay thế hàng năm hoặc chúng có thể tồn tại trong một vài năm. Khí hậu nóng hơn, khô hơn có xu hướng làm giảm chất lượng cao su trong cần gạt nước nhanh hơn.
Bất cứ ai đã từng có dịp đến khu vực trưng bày các mẫu lưỡi gạt nước ở cửa hàng phụ tùng ô tô đều sẽ thấy “chóng mặt” trước vô số các lựa chọn về kích cỡ và nhãn hiệu khác nhau. Tùy vào mỗi loại xe mà cần gặt nước phải đáp ứng đúng kích thước cụ thể, đôi khi là kích thước khác nhau cho mỗi chiếc cần gạt nước phía trước. Thông tin này thường có sẵn trong sách hướng dẫn sử dụng. Nếu xe của bạn có cần gạt nước phía sau, bạn sẽ phải bổ sung thêm chi tiết này vào danh sách mua sắm của mình.
Kiểm tra lọc gió
Cũng giống như cơ thể con người, động cơ đốt trong cần có sự lưu thông không khí để vận hành tốt nhất. Chiếc xe cũng được lắp đặt nhiều bộ lọc gió để cho hệ thống điều hòa hoạt động đúng chức năng, nếu không việc sử dụng xe sẽ chẳng khác gì cực hình.
Bộ lọc có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau, nhưng hầu hết đều được làm từ vật liệu giống như giấy trắng có gioăng cao su xung quanh mép. Nếu bộ lọc trông có màu xám, bẩn hoặc bị tắc do các mảnh vụn như lá cây, thì đã đến lúc thay mới. Tần suất thay được ghi rõ trong lịch bảo dưỡng, nhưng bạn có thể yêu cầu thay sớm hơn nếu môi trường nhiều bụi bẩn.
Đối với bộ lọc không khí trong cabin, chúng giúp loại bỏ các chất gây dị ứng và chất ô nhiễm ra khỏi nội thất xe của bạn. Nếu bạn đột nhiên ngửi thấy mùi khó chịu khi mở điều hòa hoặc cảm thấy sức gió yếu hơn thông thường thì đây là dấu hiệu cho thấy cần phải thay thế.
Kiểm tra ắc-quy
Hầu hết tất cả các mẫu xe hiện đại đều dựa vào ắc-quy 12V hình chữ nhật để cung cấp năng lượng cho các bộ phận điện, bao gồm cả cơ chế khởi động xe. Ắc-quy 12V thường có tuổi thọ vài năm, một số loại lên đến hơn 5 năm nếu xe của bạn được bảo dưỡng đúng cách. Nếu xe của bạn khó khởi động hoặc thậm chí không thể khởi động được, đó là do ắc-quy 12V đã cạn và cần thay thế.
Bạn có thể tự kiểm tra điện áp của ắc-quy bằng đồng hồ vạn năng. Khi tắt khóa điện, chạm dây màu đỏ của đồng hồ vạn năng vào cực dương của ắc-quy và dây màu đen vào cực âm của ắc-quy. Nếu đồng hồ vạn năng hiển thị điện áp dưới 12,4 thì có thể cần phải thay ắc-quy.
Kiểm tra phanh
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tiếng kêu rít nào hoặc cảm thấy bất kỳ rung động nào khi phanh, điều đó có nghĩa rằng má phanh hoặc đĩa phanh của xe bạn cần được bảo dưỡng. Nếu tiếng kêu xuất hiện không quá lớn và không liên tục thì chủ xe chỉ cần vệ sinh hệ thống phanh để giải quyết vấn đề. Bởi lẽ, đây có thể là do đất cát, bụi bẩn hoặc rác thải đã rơi vào phía trong cơ cấu phanh. Tuy nhiên, nếu hệ thống phanh phát ra tiếng kêu lớn trong quá trình di chuyển, khả năng cao là phanh đã bị bào mòn và cần được thay thế.
Giữ cho xe sạch sẽ
Một chiếc xe sạch sẽ không chỉ mang lại cho bạn niềm tự hào khi sở hữu, mà còn góp phần duy trì tuổi thọ lâu dài hơn. Càng sử dụng xe nhiều thì càng nên rửa thường xuyên, chú ý cách thức thực hiện để không chà xát bụi bẩn dễ gây trầy xước lớp sơn, tốt nhất là nên mang xe đến những tiệm rửa xe chuyên dụng, nơi có đủ công cụ và các loại hóa chất tẩy rửa cần thiết. Bạn nên cân nhắc đánh bóng thân xe và dùng sáp bảo vệ lớp sơn tránh tác hại của ánh nắng mặt trời.
Đối với bên trong nội thất, cách dễ nhất để giữ vệ sinh là trang bị một máy hút bụi cầm tay. Nếu xe thường xuyên chở theo nhiều người hoặc hay vận hành ở những vùng có thời tiết phức tạp, có thể khiến các tác nhân môi trường gây ảnh hưởng nhiều hơn. Lúc đó, mang xe ra tiệm làm vệ sinh chuyên dụng sẽ là hợp lý nhất.
Tổng hợp