Giải mã 3 loại cabin khác nhau của xe bán tải pickup: cabin đơn, cabin nhỡ, cabin kép

Le Hai

Phụ Xế
Bài viết
498
truck-cabs.jpg


Trong những năm gần đây, xe bán tải pickup đã không còn chỉ là những phương tiện gắn với hình ảnh chở hàng thuần túy. Sự phát triển của công nghệ cũng như kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại đã góp phần tạo nên những chiếc xe bán tải pickup có nhiều tiện nghi không thua kém gì xe SUV gia đình.

Bản thân những chiếc xe bán tải pickup vốn đã được đa dạng hóa từ cách đây rất lâu tại nơi khai sinh ra chúng: thị trường Bắc Mỹ. Ở đây, cả 3 hãng xe nội địa là Ford, GM và Chrysler (nay đã trở thành một phần của Stellantis) đều cung cấp cho khách hàng nhiều phân khúc xe bán tải pickup để lựa chọn như heavy-duty (hạng nặng), full-size (cỡ lớn), mid-size (cỡ trung)… Mỗi phân khúc này khác biệt nhau về kích thước và các thông số liên quan đến tải trọng hoặc khả năng kéo, nhưng lại đều có chung 3 loại cabin để khách hàng có thể tùy biến theo nhu cầu, đó là: cabin đơn, cabin nhỡ, cabin kép.

tacoma-tundra.jpg


Trên thị trường toàn cầu, xe bán tải pickup phổ biến nhất là cỡ trung cabin kép, chẳng hạn như ở Việt Nam hiện tại đa số đều thuộc loại này. Tuy nhiên tùy vào thị trường mà các hãng xe cũng phân phối thêm các loại cabin đơn và cabin nhỡ cho xe bán tải pickup cỡ trung, hoặc thậm chí là cả những chiếc cỡ lớn cùng với đầy đủ 3 loại cabin để người tiêu dùng thoải mái mua sắm. Bên cạnh đó, các hãng khác như Toyota, Honda, Nissan, Isuzu, Hyundai, Kia, Volkswagen… cũng tham gia làm xe bán tải pickup ở nhiều phân khúc và kiểu loại khác nhau, càng làm tăng thêm sự phong phú.

Trước khi đi sâu vào chi tiết khác biệt giữa 3 loại cabin gồm cabin đơn, cabin nhỡ, cabin kép thì cần phải hiểu chính xác rằng cabin của xe bán tải pickup là gì.

Định nghĩa cabin của xe bán tải pickup​


Khi nói đến xe bán tải pickup, phần cabin được tính là khoang chở người nằm ở khoảng chính giữa của thân xe, được bao quanh bởi khu vực đầu xe nơi có khoang động cơ và khu vực phía sau xe là phần thùng hàng. Cabin là nơi mà người lái ngồi bên trong để điều khiển chiếc xe, cùng với chỗ ngồi cho bạn đồng hành. Cabin được gắn cửa để người dùng có thể ra-vào chiếc xe thuận tiện.

pickup-truck-cabs.jpg


Trong quá trình sản xuất xe bán tải pickup, các hãng có thể làm ra nhiều kiểu cabin khác nhau về kích cỡ, qua đó dẫn đến những khác biệt về không gian bên trong cabin, khác biệt về số chỗ ngồi và khác biệt về số lượng cửa ra-vào cũng như kiểu loại của những cánh cửa. Tương tự như vậy, phần thùng hàng cũng có thể được thiết kế với nhiều kích cỡ khác nhau và việc lắp đặt cabin cỡ nào sẽ ảnh hưởng đến chiều dài tối đa của phần thùng hàng.

Cùng một dòng xe bán tải pickup của một hãng, sẽ có chiếc với cabin chỉ ngồi được 2 người và có thùng hàng dài, trong khi chiếc khác lại sở hữu cabin đủ không gian rộng rãi ngồi được 5 người lớn nhưng thùng hàng ngắn hơn đáng kể. Thêm vào đó, mỗi chiếc còn có lượng tiện nghi, tính năng, công nghệ, động cơ, hộp số… khác nhau.

pickup-truck-identification__26345.1640188000.jpg


Cách dễ nhất để nhận biết một chiếc xe bán tải pickup thuộc loại cabin nào là nhìn vào số lượng cửa sổ bên hông ở trên thân xe. Nếu chỉ có 2 cửa sổ hông (tức là 1 cửa ở mỗi bên thân xe), nó là loại cabin đơn. Nếu có 4 cửa sổ hông (2 cửa ở mỗi bên thân xe) nhưng cửa sổ phía trước lớn hơn hẳn so với cửa sổ phía sau, nó là loại cabin nhỡ. Cuối cùng, nếu vẫn có 4 cửa sổ hông và tất cả các cửa sổ này to xấp xỉ nhau, nó là loại cabin kép.

Tất nhiên đây chỉ là quy luật chung. Tùy vào từng nhà sản xuất mà có thể sẽ biến tấu thêm cho phù hợp với bản sắc riêng, hoặc có những khác biệt nhất định tùy theo mẫu xe bán tải pickup đó thuộc phân khúc cỡ trung hay là xe cỡ lớn.

Cabin đơn​


2014-Ram-1500-EcoDiesel-Tradesman-Regular-Cab.jpg


Cabin đơn còn được gọi là “regular cab”. Đây là loại cabin có kích cỡ nhỏ nhất, chỉ được thiết kế vừa đủ cho 1 hàng ghế để người lái ngồi cùng với 1 hoặc 2 người bạn đồng hành. Xe bán tải pickup cỡ trung cabin đơn sẽ chỉ có 2 ghế ngồi, nên ngồi được tối đa 2 người.

isuzu-dmax-singlecab.jpg


Tuy nhiên kể từ phân khúc cỡ lớn trở lên, nhà sản xuất có thể lắp đặt dạng ghế băng liền, ngồi được tối đa 3 người. Đối với dạng ghế băng liền này, một số loại cũng cho phép gập phần lưng ghế ở vị trí chính giữa xuống, để trở thành miếng tựa tay khi chỉ có 2 người ngồi.

GMC-Sierra-3500-HD-Regular-Cab.jpg


Do kích cỡ nhỏ nên bên trong cabin đơn sẽ không có chỗ để nhiều hàng hóa. Mọi công năng chở hàng đều do phần thùng sau đảm nhiệm. Chính vì vậy, hãng xe luôn cho phép kết hợp cabin đơn với kiểu thùng dài nhất mà họ cung cấp.

2009-mazda-b-series.jpg


Cabin đơn chính là hình ảnh tiêu biểu nhất của kiểu xe bán tải pickup thuần túy phục vụ công việc nên thường được bán với tầm giá khá thấp, cùng với đó là lượng tiện nghi ở mức rất cơ bản, góp phần giảm thiểu chi phí.

next-gen-ranger-single-cab-gallery-image-5.jpg


Các lựa chọn về hệ truyền động cũng không quá phong phú, thường thì sẽ không thể chọn loại động cơ mạnh nhất mà hãng đang có (để dành cho những phiên bản cabin kép cao cấp) còn hộp số hầu như sẽ là số sàn tiêu chuẩn, với tùy chọn số tự động.

Cabin nhỡ​


extended-truck-cab.jpg.jpg


Cabin nhỡ còn được gọi là “extended cab” – “cabin mở rộng”, nghĩa là mở rộng thêm về chiều dài so với cabin đơn. Nhìn từ bên ngoài, dễ dàng nhận thấy kích thước phần cabin nhỡ lớn hơn cabin đơn và có 4 cửa sổ thay vì chỉ 2 cửa sổ. Phần không gian tăng thêm này được dùng để lắp đặt ghế ngồi, cho phép chở thêm hành khách. Nếu không chở người thì có thể gập ghế lại, tạo thành khoang chứa hàng hóa tiện lợi bên trong cabin, dễ tiếp cận hơn ngay trong lúc sử dụng xe thay vì phải để ở sau thùng hàng.

Ford-Ranger-extended-cab.jpg


Tuy xe cabin nhỡ có cả cửa phía trước và cửa phía sau, nhưng phần cửa sau có kích thước nhỏ hơn cửa trước rõ rệt, nhận thấy được bằng mắt thường và mở ra bằng bản lề ở phía sát thùng hàng. Điều này có nghĩa là xe bán tải pickup cabin nhỡ không có cột B. Thường thì khi muốn ra-vào hàng ghế phía sau, bắt buộc phải mở cánh cửa ở hàng ghế đầu tiên trước, rồi mới có thể tiếp cận phần chốt dành cho cửa sau được đặt ở phía trong cabin. Hầu hết những xe cabin nhỡ dạng này chỉ có tay nắm cửa cho hàng ghế phía trên.

f-150-extended-cab.jpg


Vẫn có một số ngoại lệ, chẳng hạn như các loại xe cabin nhỡ của Dodge Ram (trước đây) và Ram 1500 (sau này), có đủ 4 tay nắm cửa phía bên ngoài, nhưng vẫn mở ra theo 2 hướng riêng biệt và không có cột B. Chevrolet Silverado từ đời 2014 đã trang bị tay nắm cửa bên ngoài cho phần cửa sau của loại cabin nhỡ và thậm chí còn lắp đầy đủ cột B cùng bản lề giống như xe cabin kép, nên hãng gọi với tên riêng là “Double Cab”.

RAM-Trucks-1500-Quad-Cab.jpg


Loại cabin nhỡ đa năng hơn so với cabin đơn, nhưng đổi lại là chi phí cao hơn và phần chiều dài thùng hàng tối đa có thể không bằng được cabin đơn, tùy vào mẫu xe. Mặc dù có thêm hàng ghế thứ hai nhưng khu vực này chật chội, không phù hợp để người lớn ngồi lâu khi đi hành trình dài nên thường chỉ nên cho trẻ em ngồi hoặc dùng để chở người trong các tình huống khẩn cấp quãng ngắn. Ngoài ra, vì thiếu cột B nên các cánh cửa được làm nặng hơn để đảm nhận thêm nhiệm vụ chịu tải, có thể gây ra những khó khăn trong lúc sử dụng.

tacoma-Access-cab.jpg


Trong danh mục sản phẩm của các hãng xe, những phiên bản cabin nhỡ nằm ở tầm giữa về mọi khía cạnh, từ giá cả cho đến lượng trang bị tiện nghi và lựa chọn hệ truyền động. Do đó, loại cabin nhỡ sẽ là giải pháp hợp lý cho những khách hàng cần nhiều hơn những gì cabin đơn có thể đáp ứng, nhưng không thể mua được loại cabin kép.

Cabin kép​


silverado-2019-1440p.jpg


Cabin kép còn được gọi là “crew cab” – ám chỉ việc có thể chở được một đội ngũ công nhân nhiều người di chuyển trên thực địa. Kích thước cabin kép là lớn nhất trong số các lựa chọn về loại cabin, với 2 hàng ghế có độ rộng rãi ngang ngửa nhau và 4 cánh cửa tương đồng nhau, cùng mở về một hướng. Thực chất cabin kép của xe bán tải pickup không khác mấy so với SUV thông thường, tính từ hàng ghế đầu tiên đến hết hàng ghế thứ hai. Chính vì thế nên kiểu loại cabin này là phổ biến nhất trên khắp thế giới.

2024-honda-ridgeline.jpg


Các hãng xe khi giới thiệu thông tin về sản phẩm xe bán tải pickup của mình hầu như sẽ luôn đem loại cabin kép ra làm ví dụ minh họa. Tất cả những tùy chọn tốt nhất về mọi khía cạnh từ ngoại thất, nội thất, công nghệ cho đến hệ truyền động, đều được áp dụng cho loại cabin kép. Khách hàng mua cabin kép cũng thường ưu tiên sự tiện lợi để dùng như xe gia đình, thỉnh thoảng tận dụng thùng hàng khi phát sinh nhu cầu. Vậy nên tầm giá của cabin kép luôn cao hơn so với cabin nhỡ.

ford-f150-supercrew-interior.jpg


Nhược điểm của xe bán tải pickup cabin kép là do kích thước lớn nên khả năng xoay trở trong không gian hẹp sẽ không thể dễ dàng bằng những loại cabin nhỏ hơn. Phần thùng hàng sẽ còn trở nên giới hạn hơn nữa và chắc chắn không thể kết hợp cùng lựa chọn thùng hàng dài nhất. Chi phí sử dụng, nhiên liệu hay bảo dưỡng cũng sẽ ở mức cao, nhất là khi so với cabin đơn.

Đặc biệt: cabin ngoại hạng (MegaCab)​


ram-2500-crew-cab-2019-ram-2500-mega-cab-2019-oem.jpg


Dodge (và Ram, sau khi mảng xe tải tách ra vào năm 2009) đã từng có thời điểm cho rằng loại cabin kép vẫn chưa đủ lớn, nên họ cung cấp một lựa chọn thậm chí còn rộng rãi hơn nữa, để người dùng thực sự muốn tận hưởng không gian thoải mái nhất trên xe bán tải. Kể từ năm 2006, Ram 1500 có tùy chọn cabin mang tên “MegaCab”, với không gian nội thất lớn nhất hiện có trong thế giới cabin xe bán tải.

Tên gọi các loại cabin xe bán tải pickup của các hãng khác nhau​


supercab-supercrew.jpg


Với 3 loại cabin truyền thống dành cho xe bán tải, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tên gọi khác nhau. Tất cả điều này tùy thuộc vào các nhà sản xuất khi họ cố gắng tạo ra bản sắc riêng trên thị trường. Ví dụ, cả Chevrolet, Ford và Ram đều sản xuất những kích cỡ cabin xêm xêm nhau nhưng mỗi hãng sử dụng tên gọi riêng, dẫn đến 3 tên khác nhau cho cùng một kiểu loại cabin.

Mẫu xe bán tải pickupCabin đơnCabin nhỡCabin kép
Chevrolet Colorado
GMC Canyon
Regular cabExtended cabCrew cab
Chevrolet S-10
GMC Sonoma
Regular cabExtended cabCrew cab
Chevrolet Silverado
GMC Sierra
Regular cabExtended cab (trước 2004)
Double cab (2014 – nay)
Crew cab
Dodge DakotaRegular cabClub cab (trước 2008)
Extended cab (2008 – 2010)
Quad cab (trước 2008)
Crew cab (2008 – 2010)
Dodge Ram
(trước khi tách riêng thành Ram)
Regular cabClub cab (1995 – 2001)
Quad cab (1998 – 2010)
Mega cab (2006 – 2008)
Crew cab (2009 – 2010)
Ford Explorer Sport TracCrew cab
Ford F-150Regular cabSuperCabSuperCrew
Ford MaverickCrew cab
Ford Super DutyRegular cabSuperCabCrew cab
Ford RangerRegular cabSuperCabSuperCrew
Honda RidgelineCrew cab
Isuzu I-SeriesRegular cabExtended cabCrew cab
Jeep GladiatorCrew cab
Mazda B-SeriesRegular cabCab Plus (1992 – 2004)
Extended cab (2005 – 2009)
Mitsubishi RaiderExtended cabDouble cab
Nissan FrontierRegular cabKing cabCrew cab
Nissan TitanKing cabCrew cab
Ram 1500Regular cabQuad cabCrew cab
Ram 2500 & 3500Regular cabCrew cab
& Mega cab
Toyota T100Regular cabXtraCab
Toyota TacomaRegular cabXtraCab (1995 – 2004)
Access cab (2005 – nay)
Double cab
Toyota TundraRegular cabAccess cab (2000 – 2006)
Double cab (2007 – nay)
Double cab (2004 – 2006)
CrewMax (2007 – nay)

Tổng hợp
 

Thành viên trực tuyến

Tin trong nước

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top