NguyenNam
Đam Mê Xe
- Bài viết
- 4,245
Hình ảnh 4 dòng SUV Mazda thế hệ mới khác nhau nhìn như thể chỉ là 1 chiếc duy nhất được lặp lại 4 lần đã phần nào nói lên bản sắc đặc trưng của thương hiệu xe Nhật Bản này, nhưng để có được kết quả như vậy thì bản thân nội bộ hãng cũng trải qua nhiều lần tranh cãi gay gắt nhằm thỏa hiệp giữa những quan điểm trái ngược nhau.
Trong thời gian qua, Mazda đã cho giới thiệu hàng loạt mẫu xe SUV mới, đều có cách đặt tên là “CX-##” khác biệt so với lứa “CX-#” trước đây. Những cái tên tiêu biểu của nhóm xe mới này có thể kể đến CX-30, CX-50, CX-60, CX-70, CX-80 và CX-90, trong đó hiện nay chỉ mỗi CX-30 là đã xuất hiện ở Việt Nam, số còn lại vẫn đang dần dần được đưa đến các thị trường quốc tế.
Khi loạt xe này lần lượt được công bố, hầu hết ý kiến của dư luận chỉ xoay quanh việc thiết kế của các dòng cỡ lớn từ CX-60 trở lên quá giống nhau, bất chấp việc kết cấu khung gầm của chúng thực sự thú vị do ứng dụng nền tảng Large Product Group hoàn toàn mới của Mazda với động cơ nằm dọc và dẫn động cầu sau tiêu chuẩn, hỗ trợ tùy chọn dẫn động 4 bánh i-Activ AWD.
Giả sử như đặt cả 4 chiếc xe gồm CX-60, CX-70, CX-80 và CX-90 nằm cạnh nhau, không ít người sẽ nhầm tưởng rằng đó chỉ là 1 chiếc xe duy nhất được “copy và paste” ra làm 4 lần. Hóa ra, những điểm tương đồng đó không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên – chúng là kết quả của những cuộc tranh luận nội bộ gay gắt trong quá trình phát triển sản phẩm của hãng Nhật.
Một trong các kỹ sư Mazda tham gia dự án Large Product Group đã tiết lộ rằng, họ đã phải vật lộn với những quyết định khó khăn: mỗi mẫu xe nên có cá tính riêng biệt hay để cho tất cả cùng gắn bó với một ngôn ngữ thiết kế đồng bộ nhằm thể hiện hình ảnh “gia đình gắn kết” – yếu tố vốn đã định hình thương hiệu Mazda ngày nay, kể cả khi điều đó có gây ra cảm giác về sự lặp đi lặp lại và rập khuôn? Cuối cùng, hãng Nhật đã chọn phương án hướng đến sự thống nhất trên toàn bộ dòng xe SUV thế hệ mới của họ.
Dù vậy, khách hàng vẫn có thể bị “rối” ngay từ khi cố gắng hiểu cách định vị từng mẫu xe thuộc về phân khúc nào, bán tại thị trường nào trên thế giới. Đầu tiên, CX-60 đóng vai trò là sản phẩm “cơ bản” nhất với 2 hàng ghế/5 chỗ ngồi, được bán tại Nhật và những thị trường “lớn” như châu Âu hay Australia cùng nhiều quốc gia khác, nhưng không có tại Mỹ. CX-80 là biến thể lớn hơn của CX-60, được bổ sung thêm hàng ghế thứ 3 nâng sức chứa lên 7 chỗ ngồi, cũng được bán tại những thị trường tương tự như “đàn em”.
Mazda CX-60
Sau đó, Mazda giới thiệu mẫu CX-90 dành cho khu vực Bắc Mỹ với cấu trúc 3 hàng ghế và số chỗ ngồi linh hoạt khi có các lựa chọn 6 chỗ, 7 chỗ hoặc thậm chí 8 chỗ. Ngoài ra, mẫu này cũng được bán ở Australia và tại các nước Trung Đông. Cuối cùng, hãng Nhật cho ra mắt thêm biến thể 2 hàng ghế của CX-90 với tên gọi CX-70 và cũng sẽ hướng đến những thị trường tương tự như “đàn anh”.
Như vậy, có thể hiểu rằng CX-60 và CX-80 là một cặp, còn CX-70 và CX-90 tạo thành một cặp khác. Mỗi cặp có 1 chiếc “ít ghế” (số hiệu nhỏ hơn) và chiếc còn lại “nhiều ghế” (số hiệu lớn hơn), có sự tương đồng về trang thiết bị, tiện ích và tính năng cũng như có chung kế hoạch kinh doanh ở những địa điểm giống nhau.
Mazda CX-80
Tuy nhiên theo ông Kohei Shibata, giám đốc chương trình phát triển CX-60 và CX-80, Mazda đã từng cân nhắc về việc thiết kế các mẫu “ít ghế” theo phong cách coupe thể thao để tạo ra sự khác biệt so với các mẫu “nhiều ghế”. Bản thân Shibata cũng là người lên tiếng ủng hộ phong cách thẩm mỹ bắt mắt hơn cho những chiếc xe này.
Ông cho biết: “Phong cách coupe là điều mà chúng tôi đã tranh luận sôi nổi và cá nhân tôi muốn danh mục hãng có xe SUV kiểu coupe. Tôi nghĩ dáng xe đó sẽ rất nổi bật khi tham gia giao thông. Nhưng trên thực tế thì doanh số của chúng trên thị trường không cao lắm, nên nếu làm vậy sẽ hạn chế khả năng tiếp cận phần đông khách hàng. Vì vậy, chúng tôi quyết định giữ cho chúng đi theo phong cách SUV truyền thống với nội thất thoáng đãng và khoang hành lý rộng rãi, để bất cứ ai cũng có thể tìm thấy sự hữu dụng từ xe Mazda.”
Mazda CX-70
Nói cách khác, Mazda đã xem xét kỹ lưỡng thị trường và quyết định rằng những đường mui dốc mặc dù rất mỹ miều khi quan sát từ bên ngoài nhưng không đáng để hy sinh tính thực dụng. Suy cho cùng, những kiểu thiết kế hào nhoáng có thể khiến người đi đường phải ngoái nhìn và trầm trồ, nhưng lại không phải là yếu tố giúp thu hút người có nhu cầu mua xe đến với các đại lý.
Không dừng lại ở đó, phần chiều dài cơ sở cũng là chủ đề gây tranh cãi trong nội bộ Mazda. Ban đầu, Mazda dự định CX-70 sẽ có chiều dài cơ sở ngắn hơn CX-90, tương tự như trường hợp của cặp CX-60 và CX-80. Tuy nhiên, Mazda Bắc Mỹ đã quyết định rằng để cho cả hai mẫu xe này chia sẻ chung thông số chiều dài cơ sở ở mức 3.120mm sẽ là hợp lý hơn.
Ông Shibata nói về điều này: “Chúng tôi đã có cuộc tranh luận nội bộ rất sôi nổi về cách xử lý 4 mẫu xe này, xoay quanh nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng tại Mỹ đối với các hoạt động ngoài trời. Cuối cùng, đơn vị phụ trách thị trường Bắc Mỹ cho rằng việc để CX-70 và CX-90 có cùng chiều dài cơ sở sẽ là yếu tố thu hút người mua hơn, họ có tiếng nói quyết định vì đó là nơi họ chịu trách nhiệm kinh doanh.”
Mazda CX-90
Đặc biệt thú vị là chuyện lứa xe SUV thế hệ mới của Mazda cực kỳ dễ gây nhầm lẫn ở Australia, vì đây là thị trường lớn duy nhất trên toàn thế giới mà cả 4 dòng xe CX-60, CX-70, CX-80 và CX-90 đều được bán cùng nhau. Các đại lý bán xe Mazda tại nơi này đều đang đau đầu khi phải trưng bày 4 chiếc xe na ná nhau nhưng khác tên gọi trong cùng một không gian showroom và hết sức nỗ lực trong việc đào tạo nhân viên tư vấn, sao cho những người này có thể giải thích sự khác biệt cho khách hàng.
Giám đốc tiếp thị của Mazda Australia là ông Alastair Doak thì lại cho rằng điều này “thật tuyệt!”, vì đó là “cơ hội tốt để nhân viên bán hàng thể hiện kỹ năng”. Phải thừa nhận rằng vị này đang rất tự tin. Còn thực tế ra sao, có lẽ cần thêm chút thời gian để doanh số chứng minh…
Tham khảo Mazda