NguyenNam
Đam Mê Xe
- Bài viết
- 4,245
- Loại bài
- Bài dịch
Lấy cảm hứng từ bản concept C 111 từng gây ấn tượng vào những năm 1970, Mercedes-Benz giới thiệu một phiên bản hiện đại hơn của mẫu ý tưởng này với hệ truyền động thuần điện, sẵn sàng cho tương lai.
Mercedes-Benz là một thương hiệu có bề dày lịch sử và đồng thời cũng luôn thể hiện tư tưởng tiến bộ, bằng cách đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ hiện đại trước các đối thủ của mình. Một trong những minh chứng rõ nhất cho điều này là chiếc hypercar chạy điện tuyệt đẹp mang tên Vision One-Eleven vừa được hãng xe Đức giới thiệu tại Trung tâm Thiết kế Quốc tế Carlsbad (California), cho thấy sự pha trộn hài hòa giữa các yếu tố của quá khứ và tương lai.
Mercedes C 111 (trái) và Vision One-Eleven
"Mục tiêu của chúng tôi tại Mercedes-Benz không phải là tạo kiểu dáng - mục tiêu của chúng tôi là tạo ra các biểu tượng," Gorden Wagener, Giám đốc thiết kế của Tập đoàn Mercedes-Benz giải thích. "Các biểu tượng thiết kế như Type 300 SL và C 111 - cả hai đều có cửa cánh chim - là một phần trong DNA của chúng tôi. Những chiếc xe huyền thoại này là nguồn cảm hứng chính cho thiết kế mang tính biểu tượng của Mercedes-Benz Vision One-Eleven."
Mercedes Vision One-Eleven
Mercedes C 111
Về cơ bản, chiếc Vision One-Eleven là sự kết hợp giữa kiểu dáng của bản concept C 111 trong quá khứ với ngôn ngữ thiết kế One-Bow mới từng được Mercedes-Benz triển khai bắt đầu từ mẫu EQS Sedan. Điểm đặc trưng của phong cách này là thiết kế thân xe chuyển tiếp vô cùng mượt mà, điều chỉ có thể thực hiện được khi chuyển sang điện hóa toàn bộ. Xe cũng mang trên mình màu cam giống với chiếc "tiền bối" nhưng đậm đà hơn, được pha với một chút ánh đồng. Màu sắc có thể thay đổi tùy thuộc vào ánh sáng và góc nhìn.
Ở đầu xe, khu vực vốn là lưới tản nhiệt nay thực chất là một màn hình kỹ thuật số với các bóng LED sắp xếp theo dạng điểm ảnh kích cỡ lớn, có thể sáng lên ở 2 góc để mô phỏng lại các cụm đèn chiếu sáng chính hoặc dùng để hiển thị "lời nhắn" đến các xe khác đang lưu thông bên cạnh khi đi đường. Dải màn hình này cũng được lặp lại ở phía sau đuôi xe với chức năng tương tự.
Vision One-Eleven thể hiện tính khí động học rất đậm nét bởi những chi tiết như các khe hút gió ở đầu xe đưa luồng không khí qua phần chắn bùn trước uốn cong, xuôi theo các tấm ốp lườn được sơn đen mờ đồng điệu với bộ khuếch tán cỡ lớn ở sau xe. Ngoài ra, một cánh lướt gió cỡ lớn nằm chìm trong đuôi xe và sẽ tự động mở ra khi đạt đến một mức vận tốc nhất định, hoặc có thể kích hoạt thủ công để "khoe dáng" bất cứ lúc nào. Toàn bộ chiếc xe ý tưởng này chỉ cao 1.170 mm.
Mercedes Vision One-Eleven
Mercedes C 111
Khi các cảnh cửa mở lên theo dạng cánh chim, khoang cabin của Vision One-Eleven lộ diện với tông màu trắng và bạc chủ đạo được điểm xuyết bởi các thành phần màu cam, tạo nên ấn tượng như một chiếc phi thuyền đến từ tương lai. 2 ghế ngồi đặt thấp với phần đệm ghế được tích hợp thẳng vào sàn, trang bị dây đai bốn điểm có màu cam và khóa được đánh bóng với logo ngôi sao 3 cánh. Chất liệu bọc ghế được làm từ polyester tái chế 100%, thân thiện với môi trường.
Vô-lăng hình chữ nhật kiểu xe đua với các nút bấm cỡ lớn để điều khiển các hệ thống khác nhau của Vision One-Eleven, trên một số nút còn có màn hình nhỏ. Kế bên vô-lăng là màn hình cảm ứng dùng để hiển thị giao diện giải trí, chỉnh điều hòa... Trong khi đó, các thông tin liên quan đến khả năng vận hành của xe được hiển thị ở dải màn hình dạng LED ma trận kéo dài hết bề rộng xe.
Mercedes khẳng định rằng, chiếc Vision One-Eleven này là mẫu xe thể thao đầu tiên có nội thất được thiết kế như một phòng nghỉ hạng thương gia. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy hướng đi trong tương lai của hãng xe Đức đối với xe tự lái, lúc đó hành khách bên trong chỉ việc thư giãn, mọi việc liên quan đến vận hành sẽ cho chiếc xe xử lý hết.
Ở trạng thái tiêu chuẩn là Lounge Mode, nội thất Vision One-Eleven tạo cho hành khách cảm giác thoải mái tối đa với lưng ghế ngả hết cỡ. Khi người lái muốn tự tay điều khiển, chỉ cần chuyển xe sang chế độ Race Mode, lúc đó lưng ghế sẽ dựng đứng trở lại và đệm ngồi nâng cao hơn, đồng thời giao diện màn hình đổi thành loại tập trung hiển thị các thông số lái quan trọng nhất.
Với những ai đang lo lắng rằng cách bố trí nội thất xe và đặc biệt là ghế ngồi đặt khá thấp sẽ gây khó khăn cho việc quan sát ra bên ngoài, Mercedes trấn an rằng họ đã tính hết cả rồi. Toàn bộ các tấm kính xe đều có thể trở nên gần như trong suốt hoàn toàn khi nhìn từ bên trong, nhưng vẫn đủ khả năng che chắn kín đáo khi nhìn từ bên ngoài vào. Ngoài ra, hãng xe Đức còn phát triển thêm phụ kiện kính thực tế ảo Magic Leap 2 để người lái sử dụng.
Giống như "tiền bối" C 111 là nền tảng thử nghiệm hệ thống truyền động "khác thường" như động cơ xoay Wankel vào những năm 1970, thì Vision One-Eleven thời nay cũng đang thử nghiệm kết hợp công nghệ mô-tơ điện hướng trục mới nhất do công ty YASA của Anh phát triển. Các mô-tơ điện của công ty con trực thuộc Mercedes-Benz AG này có khả năng tạo ra mã lực và mô-men xoắn cao trong khi cực kỳ nhẹ và nhỏ gọn, có kích thước bằng một rô-to phanh dày.
Công nghệ này sẽ cho phép Mercedes-Benz đặt các mô-tơ điện trực tiếp tại mỗi bánh xe, giúp giảm đáng kể năng lượng thất thoát và tăng hiệu quả sử dụng pin trên các mẫu xe điện trong tương lai. Theo Markus Schafer, Giám đốc kỹ thuật của Mercedes-Benz, mẫu xe concept Vision One-Eleven được trang bị tối đa 4 mô-tơ này, mỗi cái có thể sản sinh lượng công suất lên đến 480 mã lực và đạt mô-men xoắn cực đại 800 Nm, qua đó đạt tổng sức mạnh 1.920 mã lực và 3.200 Nm. Điều này làm cho động cơ hướng trục YASA trở nên lý tưởng cho các loại xe điện hiệu năng cao.
Giống như hầu hết các mẫu xe concept, Mercedes-Benz Vision One-Eleven có thể sẽ không được sản xuất chính thức. Tuy nhiên những đổi mới về thiết kế, công nghệ và kỹ thuật trên chiếc xe ý tưởng này chắc chắn sẽ được nhìn thấy trong các phương tiện thương mại trong tương lai của Mercedes-Benz.
Tham khảo Mercedes-Benz
Last edited: