Một số kinh nghiệm lái xe hữu ích rất nên lưu tâm (P2)

0
Tiếp nối phần đầu ở đây, xin chia sẻ thêm một số lưu ý các tài xế nên biết.

  1. Tuyệt đối không cắt đầu xe phía trước


catdauxe-1024x510.jpg

Thử hình dung một tình huống: bạn đang cần rẽ và chiếc xe cùng chiều ở phía trước có vẻ đi không nhanh lắm, bạn tự tin là có thể nhấn ga vọt lên để vượt qua và rẽ được. Vậy có nên không? Câu trả lời luôn luôn là KHÔNG. Cho dù bạn có lái cứng đến đâu đi chăng nữa thì hành vi cắt đầu xe phía trước luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không thể đoán trước được. Ngay cả khi bạn có vượt và rẽ thành công thì vẫn có khả năng người tài xế vừa bị vượt sẽ giật mình, đạp phanh gấp và gây ra nguy cơ va chạm liên hoàn đối với các xe phía sau.

Trước những tình huống như trên, điều cần làm là hãy bật xi nhan, giảm tốc độ để chiếc xe phía trước thoát đi hẳn rồi từ tốn rẽ khi đường đã thoáng.

  1. Đừng bao giờ vê côn


vecon-1024x682.jpg

“Vê côn” là thuật ngữ dùng để chỉ hành vi khi chạy xe số sàn: đỡ khoảng một nửa côn và đạp phanh sao cho cứ nhả phanh ra là xe chạy, đạp phanh lại thì xe dừng. Không ít người sử dụng cách chạy này khi đường đông và cho rằng như vậy là hiệu quả. Nhưng trên thực tế làm vậy rất hại xe.

Hành vi vê côn sẽ xảy ra trường hợp bộ côn cắt hoặc nối không hoàn toàn, đĩa côn (bằng vật liệu chuyên dùng) sẽ trượt giữa hai mặt đĩa ép và bánh đà gây nên hiện tượng mài mòn nhanh đĩa côn đồng thời có mùi khét, nặng nữa sẽ cháy và bốc khói mạnh. Đĩa ma sát sẽ nhanh hỏng và phải thay mới trước định kỳ. Do đó, hãy sử dụng côn đúng cách và thả chân khỏi bàn đạp côn hoàn toàn sau khi đã chuyển số xong.

  1. Để ý bật hoặc tắt xi-nhan hợp lý


batxinhan-1024x683.jpg

Ai cũng biết rằng đèn xi-nhan dùng để báo hiệu hướng di chuyển xe mình cho người khác thấy và thường thì chúng sẽ tự tắt khi bạn trả lái thẳng, nhưng đôi khi vẫn xảy ra trường hợp bạn đánh lái và trả lái chưa đủ để kích hoạt tắt xi-nhan, nên đèn tín hiệu vẫn sẽ bật sáng, gây khó hiểu cho những người xung quanh. Vì vậy, lưu ý để tắt xi-nhan không bao giờ là thừa.

Ngoài ra, cũng nên tránh sử dụng đèn hazard (hay bị gọi nhầm là “đèn ưu tiên”, thực chất nó chẳng đem đến sự “ưu tiên” nào cả) vô tội vạ. Đèn này dùng để báo hiệu khi xe bạn gặp trục trặc và cần dừng lại tìm kiếm sự trợ giúp, chứ không phải để báo hiệu đi thẳng qua ngã tư hay là mình “quan trọng” hơn các xe khác.

  1. Tránh gây tắc nghẽn tại các ngã tư


ketxenga4-1024x682.jpg

Nhiều lúc vào giờ cao điểm bạn sẽ gặp trường hợp: chiều bạn đi thẳng đang sáng đèn xanh và sắp chuyển sang đèn đỏ, nhưng dòng xe phía trước vẫn đang ùn tắc ở giữa ngã tư và chưa thoát kịp. Lúc này, nếu bạn tiếp tục di chuyển thì nhiều khả năng cũng sẽ phải dừng lại ở giữa ngã tư, trong khi 2 bên là những dòng xe vừa được bật đèn xanh sẽ lao tới và tất cả sẽ cùng mắc kẹt trong vô vọng.

Điều nên làm là hãy dừng lại trước ngã tư, chấp nhận đợi một lượt đèn đỏ và hy vọng rằng dòng xe phía trước có đủ thời gian tiếp tục di chuyển để tạo sự thông thoáng cho các xe từ 2 phía trái phải và góp phần tránh gây tắc nghẽn thêm.

  1. Đừng mở nhạc quá lớn


vanvolume-1024x684.jpg

Âm nhạc là thứ cần thiết để chúng ta giải trí khi lái xe nhưng nếu bật âm lượng quá lớn thì sẽ có nguy cơ bạn không nghe thấy tín hiệu cảnh báo từ còi xe khác. Đó là chưa kể rằng việc bật nhạc to dễ khiến người lái bị phấn khích và đưa ra những cách xử lý tình huống thiếu an toàn.

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcHành trình “xuyên lục địa” từ Anh Quốc đến Châu Phi với Porsche 944
Bài tiếp theoSiêu phẩm BAC Mono R cá nhân hóa đầu tiên được bàn giao