Việt Nam hiện nay đã có hệ thống giao thông đường bộ phát triển, với nhiều tuyến kết nối giữa các tỉnh thành để mọi người có thể thoải mái tự lái xe đi du lịch thăm thú khắp mọi miền hoặc từ thành phố lớn về quê thăm gia đình và ngược lại…, nhưng vẫn cần lưu ý đến một số điều quan trọng để chuyến đi được an toàn và thuận lợi hơn.
Mỗi dịp nghỉ lễ, nhiều người chọn thực hiện những chuyến đi chơi xa cùng với gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Giờ đây phương án tự lái xe ô tô đã trở nên phổ biến và dễ dàng hơn rất nhiều, được ưa chuộng không kém gì việc đi bằng các phương tiện dịch vụ hay máy bay vì chủ động được thời gian cũng như có trải nghiệm thú vị.
Đặc biệt, đợt nghỉ lễ 2/9 năm 2024 diễn ra 4 ngày liên tiếp, mang đến cơ hội cho những chuyến đi chơi xa bằng xe tự lái được thuận tiện hơn. Tuy nhiên cả người lái lẫn chiếc xe cần được chuẩn bị kỹ càng để hành trình có thể diễn ra thoải mái, an toàn.
Kiểm tra, bảo dưỡng xe cẩn thận trước khi xuất phát
Ngay cả khi xe của bạn vẫn đang vận hành bình thường thì vẫn nên thực hiện những thao tác kiểm tra các thành phần thiết yếu nhất của xe. Quá trình này sẽ giúp phần nào hiểu rõ hơn về tình trạng xe của mình, đồng thời có thể kịp thời phát hiện ra vấn đề và nhanh chóng xử lý trước khi quá muộn.
Di chuyển liên tục trong nhiều ngày với quãng đường hàng trăm, thậm chí có thể lên đến hàng ngàn km buộc động cơ phải hoạt động “căng” hơn rất nhiều so với việc đi lại trong thành phố. Vì thế tốt nhất nên thực hiện kiểm tra và bảo dưỡng xe trước chuyến đi với các hạng mục như thay dầu động cơ, lọc gió động cơ, lọc gió khoang lái… Ngoài ra, nên kiểm tra kỹ phần lốp xe, đảm bảo áp suất lốp ở mức tối ưu, đảo lốp, cân chỉnh thước lái và nên cân nhắc thay thế nếu lốp đã hao mòn.
Chi phí cho việc kiểm tra, bảo dưỡng đơn giản dao động từ 1,5 triệu đồng tùy theo dòng xe. Dịp nghỉ lễ 2/9 chưa phải mùa cao điểm nên hầu hết garage hay cơ sở bảo dưỡng chưa đến mức quá đông khách như dịp lễ Tết, tuy nhiên chủ xe nên cân nhắc đặt lịch trước để chủ động hơn cũng như tránh mất thời gian.
Xem kỹ lộ trình trước khi xuất phát
Một khi đã quyết định lái xe đi chơi dịp nghỉ lễ, chắc hẳn bạn đã có sẵn kế hoạch đi đâu, làm gì, ăn uống ngủ nghỉ tại địa điểm nào… Tuy nhiên vẫn cần tìm hiểu xem những con đường dẫn đến đó hiện giờ ra sao, tình trạng thế nào hoặc có lối đi nào khác tốt hơn không? Các ứng dụng bản đồ trực tuyến sẽ giúp ích cho việc này, bên cạnh đó bạn hoàn toàn có thể hỏi trên các diễn đàn hoặc hội nhóm mạng xã hội để cập nhật thông tin mới nhất.
Sau khi đã xác định được lộ trình chính, nếu có nhiều hơn 1 con đường để di chuyển thì cũng nên tạo thêm lộ trình phụ mang tính dự phòng. Ngoài ra, nên đánh dấu và ghi nhớ những địa điểm có trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, garage sửa chữa, tiệm rửa xe… dọc theo hướng đi để tiện ghé vào khi cần đến.
Mang theo giấy tờ và dụng cụ hỗ trợ
Hãy chắc chắn rằng trên xe có đủ các giấy tờ quan trọng như giấy đăng ký xe (cà-vẹt), giấy chứng nhận kiểm định và bảo hiểm (nếu có). Cuốn sổ bảo hành cũng sẽ cần thiết nếu xe bạn đang tới gần mốc bảo dưỡng tiếp theo, hoặc cần phải ghé vào đại lý chính hãng để kiểm tra xe giữa chuyến đi. Bên cạnh đó, người nào lái xe cũng phải chuẩn bị bằng lái hợp lệ và còn hiệu lực.
Những số điện thoại hotline cứu hộ xe, hotline bảo hiểm cũng cần được tham khảo từ trước và lưu trữ lại, đặc biệt là thông tin tại những địa phương mà bạn sẽ đi qua. Nhờ đó, nếu chẳng may khi xe bị trục trặc thì có thể nhanh chóng tìm được phương án giải quyết kịp thời.
Về phần mình, để cho gọn nhẹ và chừa chỗ cho hành lý cá nhân thì bạn chỉ cần chuẩn bị một số công cụ đơn giản như bộ bơm lốp xe cầm tay, bộ kích nâng gầm, bộ pin dự phòng kiêm kích bình đa năng, dây câu điện bình, dây thừng cứu hộ, bộ dụng cụ sơ cứu y tế…
Chuẩn bị nước uống, thức ăn nhẹ
Nước uống luôn là thứ cần thiết cho con người nên cần để sẵn ít nhất một thùng nước suối trên xe. Không chỉ có tác dụng giải khát, nước sạch cũng có thể được dùng để người lái rửa mặt cho tỉnh táo. Nếu cơ thể rơi vào tình trạng khát nước quá lâu sẽ khiến người lái mất tập trung, tiềm ẩn nguy hiểm.
Trên đường đi luôn có nhiều các nhà hàng, quán ăn nên hầu như không lo bị đói. Tuy nhiên nếu bạn không muốn dừng nghỉ liên tục vì khiến cảm hứng lái xe bị ngắt quãng, có thể chuẩn bị sẵn một vài món ăn nhẹ như bánh snack, bánh chocolate dạng thanh năng lượng (energy bar) hoặc trái cây… Chúng sẽ đủ giúp bổ sung dưỡng chất cần thiết một cách nhanh chóng, gọn gàng. Vừa lái xe vừa ăn cũng được.
Đảm bảo tốc độ ổn định
Khi tham gia giao thông, cần lưu tâm tới khoảng cách an toàn giữa các phương tiện. Tại Việt Nam, các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ thường cho phép chạy tối đa 80-90 km/h ngoài khu dân cư hoặc 50-60 km/h trong khu đông dân cư. Đặc biệt, những đoạn cao tốc còn cho chạy 120 km/h tương đối nhanh.
Do đó, đảm bảo khoảng cách và duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp người lái kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ. Đáng chú ý, nếu cứ liên tục đạp thốc ga rồi phanh gấp, tài xế không chỉ làm xe bị giảm tuổi thọ mà còn khiến các hành khách có cảm giác nôn nao, bị “say” xe.
Ngoài ra, muốn chuyển làn đường, rẽ trái hoặc phải, người điều khiển phương tiện cần bật đèn báo hiệu, quan sát hai bên gương chiếu hậu trước khi thực hiện những thao tác kể trên.
Quan sát kỹ biển báo
Di chuyển qua các tỉnh, thành phố mới với những đoạn đường chưa từng đi qua cần phải quan sát kỹ các biển báo chỉ dẫn, điều này giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn cũng như tránh được việc vi phạm luật giao thông.
Thông thường, lái xe hay gặp phải các lỗi liên quan đến tốc độ, khu vực cho phép dừng/đỗ hay đi sai làn đường. Theo quy định, các biển báo được đặt ở đầu tuyến đường và có biển báo nhắc lại sau mỗi nút giao (trừ biển báo hiệu khu vực đô thị/ngoài đô thị). Nếu không có biển báo nhắc lại, biển báo đó sẽ hết tác dụng khi qua khỏi nút giao.
Hiện nay trên thị trường đã có ứng dụng bản đồ hỗ trợ nhận diện biển báo, người dùng có thể cân nhắc mua ứng dụng này để việc lái xe trở nên thoải mái và an toàn hơn. Việc chủ động quan sát biển báo kết hợp với thông tin do ứng dụng cung cấp sẽ tạo nên một trải nghiệm hoàn hảo.
Lưu ý sức khỏe, tránh lái xe quá lâu, nên nghỉ ngơi thường xuyên
Việc lái xe suốt một hành trình dài sẽ thường tiêu tốn của bạn khá nhiều sức lực, cộng với căng thẳng nên bạn sẽ hay bị mệt mỏi. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt trước mỗi hành trình dù ngắn hay dài. Nếu bạn đi một mình hoặc là người duy nhất có thể lái xe, nên cân nhắc nghỉ ngơi sau 3-4 giờ chạy xe liên tục, kết hợp với việc dừng đổ thêm nhiên liệu hoặc dừng chân tại địa điểm ăn uống để tối ưu lịch trình di chuyển.
Nếu đi theo nhóm và có từ 2 người biết lái xe trở lên, tốt nhất nên đổi lái cho nhau sau khoảng 2-3 giờ lái xe liên tục. Cách này sẽ giúp phân chia sức lực hài hòa, đảm bảo mỗi người đều có thời gian cầm lái và nghỉ ngơi phù hợp, giúp cho hành trình diễn ra thuận lợi, thậm chí có thể đến đích sớm hơn dự kiến.
Khi hành trình kéo dài nhiều ngày, thời gian dành cho việc di chuyển nên là tối đa 8 tiếng mỗi ngày, tương đương quãng đường 600-750 km nếu đi đúng tốc độ quy định tại mỗi cung đường.
Một điều ít người để ý là khi điều khiển ô tô, phần cơ đùi sau và cơ mông của người lái luôn phải “làm việc” cật lực để giữ chân ga, đạp phanh hoặc đạp côn (với xe số sàn). Nếu lái xe trong một thời gian dài, hai nhóm cơ kể trên sẽ bắt đầu mỏi nhức, có thể dẫn đến chuột rút, gây nguy hiểm khi đang tham gia giao thông. Vì vậy, cần tìm hiểu trước những bài tập thể dục ngắn gọn để thực hiện những lúc dừng nghỉ, nhằm duy trì thể trạng tốt nhất.
Cùng với đó, để giảm thiểu cảm giác mỏi nhức khi lái xe trong thời gian lâu, chúng ta nên nắm rõ tư thế lái xe đúng. Tài xế cần chú tâm tới các chi tiết như tầm nhìn, tư thế ngồi, chiều cao vô lăng và độ nghiêng của ghế để có trải nghiệm lái thoải mái nhất. Chú ý, tài xế nên dành thời gian nghỉ khoảng 20-30 phút sau 2 giờ lái xe liên tục.
Không uống rượu bia trước và trong suốt chuyến đi
Việc uống rượu bia trước khi lái xe là điều rất nguy hiểm vì nó khiến chúng ta mất đi sự tỉnh táo và nhanh nhậy trong việc điều khiển xe, từ đó rất dễ gây ra tai nạn.Vì vậy, dù ngày hôm sau chúng ta mới lái xe nhưng nếu đếm hôm trước mọi người uống quá nhiều bia rượu thì vẫn rất khó có thể tỉnh sau một đềm. Đồng thời, nếu gặp lực lượng chức năng và bị thổi nồng độ cồn vẫn có thể lên và bị xử lý theo quy định.
Cụ thể, căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng).
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Ngủ đủ giấc
Một số người thường phụ thuộc vào những chất kích thích như thuốc lá, cà phê hay nước tăng lực để tăng cường độ tập trung khi lái xe. Tuy nhiên, những chất kích thích này chỉ có thể giúp họ tỉnh táo trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí là chóng mặt. Vì vậy, ngủ đủ giấc mới là điều quan trọng nhất giúp bạn đủ tỉnh táo để vững tay lái.
Bên cạnh đó, nếu đang cảm cúm và cần phải uống thuốc kháng sinh, việc này sẽ tăng nguy cơ gây buồn ngủ và khả năng ngủ gật có thể gây ra những tình huống nguy hiểm không mong muốn. Do đó ai đang dùng thuốc tốt nhất không nên cầm lái và hãy nhường lại vô-lăng cho người khác, nếu có thể.
Những lưu ý cần nhớ để tránh vi phạm trên cao tốc
Lùi xe trên cao tốc: Trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định, Luật nghiêm cấm người điều khiển xe ô tô lùi trên cao tốc. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô đi lùi trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định thì bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5-7 tháng.
Đi vào làn khẩn cấp: Làn ngoài cùng bên phải trên cao tốc được thiết kế để phục vụ việc dừng khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, có rất nhiều tài xế không biết hoặc biết nhưng vẫn cố tình vi phạm quy định này. Họ lợi dụng làn đường này vì thông thoáng và không có xe lưu thông, sử dụng nó như một làn đường để vượt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt đề ra mức phạt cụ thể cho người vi phạm tại Điểm g Khoản 5 Điều 5. Theo đó, việc điều khiển xe chạy ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị tước bằng lái xe từ 1-3 tháng.
Vi phạm tốc độ trên cao tốc: Hành vi điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên đường cao tốc sẽ bị xử phạt theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, người điều khiển ô tô trên cao tốc chạy quá tốc độ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h; Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng nếu xe chạy quá tốc độ từ 10-20km/h. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20-35km/h, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Một số điều không nên làm khi lái xe đường dài
Sử dụng đèn pha-cốt không đúng cách: Nhiều người sử dụng đèn không đúng cách khi chỉ để ở pha hoặc cốt mà không tùy tình huống. Trong điều kiện đường tối, không có đèn đường cần giữ khoảng cách hợp lý với xe trước và sau. Để ở pha khi khoảng cách lớn, chuyển về cốt, nháy đèn nếu gặp xe ngược chiều… Tuyệt đối không sử dụng đèn pha trong khu vực đô thị, dân cư. Nên hạn chế sử dụng đèn pha trên đường cao tốc, chỉ bật khi thực sự cần thiết.
Chạy song song với xe tải, xe khách, xe container: Đi song song với những chiếc xe có kích thước khổng lồ, tốc độ di chuyển chậm chạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ là điều tối kỵ nếu không ở trong tình thế bắt buộc. Để tránh gặp tình huống này, nếu đi cùng làn bạn cần cố gắng vượt chúng ngay khi có cơ hội, không chần chừ làm ảnh hưởng thời gian cả cuộc hành trình, nhưng cũng không vội vã vì chỉ một sai lầm nhỏ sẽ trả giá lớn.
Giảm tốc ngay sau khi vượt xe: Nhiều người có thói quen lái xe nhấn mạnh ga vượt qua xe trước mặt rồi bất ngờ thả ga giảm tốc vì cho rằng đã vượt được là an toàn. Điều này là sai lầm, ít nhất tài xế cần duy trì tốc độ bằng với xe đã vượt để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Đổi làn tùy hứng không quan sát: Đường cao tốc, đường quốc lộ có nhiều xe di chuyển nên việc tùy tiện chuyển làn đường có thể khiến lái xe gặp phải những tai nạn không đáng có. Muốn chuyển làn thành công trước hết cần tuân thủ luật giao thông, chỉ chuyển làn ở nơi có vạch kẻ đường cho phép chuyển làn. Quan sát các xe di chuyển trước sau và bật xi nhan trước khi thực hiện chuyển làn. Nếu đường cao tốc có 3 làn đường trở lên, nên đi ở làn 2, để làn ngoài cùng cho các xe muốn vượt. Điều quan trọng là giữ tốc độ hợp lý, không đi vào điểm mù của xe trước.
Bám đuôi xe trước trong lúc trời mưa: Bám đuôi là điều không nên làm với một lái xe trên đường cao tốc, đặc biệt trong điều kiện trời mưa. Những tác động kéo theo như tầm nhìn giảm, đường trơn, vội vàng khiến việc điều khiển xe trở nên khó khăn hơn bình thường. Sẽ dễ dàng đâm đuôi xe trước nếu có sự cố bất ngờ phải phanh gấp. Để tránh tình trạng này, cần giữ khoảng cách đủ để phanh trong cơn mưa, từ từ giảm tốc nếu gặp chướng ngại vật phía trước chứ không đạp phanh gấp, dễ bị trượt bánh. Ngoài ra sử dụng cần gạt nước để tạo điều kiện quan sát tốt nhất.
Đột ngột dừng nghỉ: Trên đường cao tốc thường có những đoạn dừng nghỉ cho xe gặp sự cố hoặc người mệt mỏi muốn nghỉ ngơi. Không đột ngột tạt đầu loạt xe ở làn sát lề đường để đến nơi dừng chân. Cần định hình vị trí từ trước, sau đó quan sát tình hình giao thông xung quanh, bật xi-nhan và dần dần chuyển vào làn thích hợp nhất gần với nơi dừng chân.
Tổng hợp