Nước sơn của xe Công thức 1 đặc biệt đến thế nào?

0

F1-Paint-Workshop.jpg

Xe đua Công thức 1 là những cỗ máy trên mặt đất nhanh nhất thế giới, vì thế, từng chi tiết cấu thành chúng đều được nghiên cứu một cách tỉ mỉ bởi đội ngũ kỹ sư trong thời gian dài. Tuy nhiên, không phải các công nghệ nào trên xe cũng được mang ra ánh sáng. Một trong những thứ dễ dàng nhìn thấy nhất trên những chiếc xe đua đó là màu sơn và tem của các nhà tài trợ. Giống với những bộ phận khác, chúng cũng được nghiên cứu hết sức kỹ càng.


mercedes-amg-petronas-w12.jpg

Đầu tiên, nói về vấn đề cân nặng. Để nhanh nhất trên đường đua, không chỉ chiếc xe cần phải nhẹ nhất mà tay đua cũng phải có cân nặng tối ưu để tranh tài. Để tiết kiệm từng gram, các đội đua không ngần ngại bỏ nhiều tiền ra để sử dụng các vật liệu như titan, Inconel, sợi carbon,… để giảm khối lượng. Màu sơn bên ngoài cũng vậy, chúng cũng được nghiên cứu để nhẹ nhất có thể.


aston-martin-amr21-detail-1 (3).jpg

Ví dụ như Aston Martin Cognizant F1 Team, họ đã phải tốn đến một năm để nghiên cứu phát triển màu sơn sao cho tốt nhất. Trong thời gian đó, các kỹ sư của đội đua này đã phải tính toán độ dày lớp sơn sao cho nó mỏng nhất nhưng vẫn thể hiện được đúng màu sắc được tính toán từ ban đầu. Cùng với đó, các hạt ánh kim cũng được nghiên cứu mật độ để mang lại vẻ đẹp cần thiết nhưng vẫn đạt yêu cầu về khối lượng. Cuối cùng, với những đội đua như Mercedes-AMG Petronas, Scuderia Ferrari, McLaren hay Aston Martin Cognizant lại cần phải nghiên cứu kỹ hơn về màu sơn để chúng có thể phù hợp và đồng đều giữa cả xe đua và xe thương mại.


McLaren-MCL35M.jpg

Tiếp đến đó là vấn đề về khí động học. Màu sơn không chỉ tạo sự khác biệt giữa các đội đua mà còn là một lớp ngăn cách giúp chiếc xe tối ưu khí động học. Lớp sơn của các đội đua Công thức 1 phải đủ “mượt” để luồng gió qua xe ở tốc độ cao không bị gián đoạn và làm chậm chiếc xe. Mặc dù độ cản gió của lớp sơn không nhiều nhưng đó luôn là một tiêu chí mà các đội đua tập trung phát triển, đơn giản là vì không ai muốn bị bỏ lại phía sau quá xa.

Bên cạnh đó, lớp sơn của những chiếc xe cũng cần phải đủ chắc chắn để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong lúc những chiếc xe Công thức 1 đang phô diễn sức mạnh trước cả thế giới. Cùng với đó, lượng nhiệt tỏa ra từ động cơ của xe F1 là cực lớn, vì thế, lớp sơn cũng phải chịu được nhiệt độ cao trong suốt cuộc đua, khoảng gần hai giờ đồng hồ.


aston-martin-amr21-detail-1.jpg

Để hoàn thiện tất cả các vấn đề trên, quá trình phát triển màu sơn và chi phí cho việc này là cực kỳ tốn kém. Chính vì vậy, mỗi đội đua đã giải quyết vấn đề chi phí bằng cách tìm kiếm các hãng sơn dưới dạng nhà tài trợ. Theo đó, các hãng sản xuất sơn này sẽ phát triển chất lượng và nước sơn cho xe đua, cung cấp nó cho các đội đua thay vì phải trả tiền để xuất hiện thương hiệu trên những chiếc xe đua đắt giá này. Một số ví dụ cho trường hợp này là Mercedes-AMG Petronas sử dụng sơn do Axalta cung cấp, McLaren dùng sơn của AkzoNobel còn với Ferrari là PPG Industries.

Việc sử dụng một bên khác cung cấp sơn cho xe cũng sẽ giảm được “kha khá” tiền mà các đội đua đầu tư vào phát triển cỗ máy của mình, nhất là khi chi phí đầu tư cho một chiếc xe đua Công thức 1 sẽ bị giới hạn ở mức 175 triệu USD, bắt đầu từ mùa giải 2021. Quy định mới này được ban hành nhằm giúp giảm thiểu sự chênh lệch chi phí đầu tư xe giữa những đội đau top đầu và các đội tầm trung để có thể mang tính cạnh tranh trở lại với giải đua này. Không chỉ nước sơn, nhiều thành phần khác trên xe như hệ thống phanh, động cơ, hộp số, hệ thống điện,… cũng thường được sản xuất bởi bên khác hoặc nhà tài trợ.


Scuderia-Ferrari-SF1000.jpg

Có thể thấy, những chiếc xe đua Công thức 1 được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, bao gồm cả màu sơn để chúng có thể vận hành tối ưu nhất trên đường đua.

Tổng hợp

VNB
Author: VNB

Bài trướcPorsche ra mắt phiên bản Cross Turismo cho xe điện Taycan
Bài tiếp theoAston Martin Vantage và DBX trở thành xe an toàn và xe y tế cho giải đua Công thức 1