Tìm hiểu về các chế độ lái trên ô tô hiện đại

Le Hai

Phụ Xế
Bài viết
498
car-drive-mode-00-1024x683.jpg


Các chế độ lái có thể tùy chỉnh được trên xe hơi đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm lái, không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu năng của xe mà còn đem lại sự linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện đường sá, thời tiết và nhu cầu sử dụng. Từ chế độ lái tiết kiệm nhiên liệu cho đến các chế độ thể thao giúp tăng cường khả năng vận hành, mỗi chế độ đều có những đặc điểm và ứng dụng riêng.

Nếu chiếc xe của bạn là loại được sản xuất trong khoảng thời gian hơn chục năm trở lại đây, gần như chắc chắn nó được trang bị các chế độ lái khác nhau, chẳng hạn như “Eco” và “Sport”. Một số xe thông thường sẽ cung cấp từ 3 đến 4 chế độ lái để người điều khiển lựa chọn, những dòng xe cao cấp hơn sẽ có nhiều chế độ lái hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với những chiếc SUV gầm cao, vốn được bổ sung thêm những chế độ riêng để dùng cho việc vượt qua các loại địa hình khác nhau ngoài đường nhựa.

car-drive-mode-03.jpg


Trong trường hợp xe hybrid có yếu tố điện hóa, các chế độ lái còn được mở rộng thêm chức năng khi cho phép người lái quản lý cách thức hoạt động của loại hệ thống truyền động phức tạp hơn này, khi nào dùng xăng và khi nào dùng điện, nhằm tận dụng tối đa công nghệ tiên tiến trên xe.

Lịch sử của các chế độ lái trên ô tô​


Mặc dù ngày nay, việc ô tô có nhiều chế độ lái khác nhau có thể xem là điều bình thường, dễ dàng bắt gặp ở nhiều hãng xe cũng như nhiều dòng sản phẩm từ thấp đến cao, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Khái niệm về các chế độ lái chủ yếu bắt nguồn từ các dòng xe SUV được tạo ra với mục đích đi địa hình khó, chẳng hạn như Land Rover đời đầu, cho phép người lái truy cập các cấu hình hệ thống truyền động khác nhau như đi số thấp bằng cách sử dụng một cần số phụ. Sau này, vào thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 20 và thế kỷ 21, việc chuyển đổi chế độ lái thông qua nút bấm, núm xoay hoặc menu điện tử mới bắt đầu xuất hiện. Một ví dụ tiêu biểu là chế độ “Sport” của BMW, khi kích hoạt sẽ thay đổi cách thức hoạt động của hộp số, hệ thống treo và cơ cấu lái để khiến chiếc xe trở nên “mạnh bạo” hơn, phản ứng mau lẹ hơn và từ đó đem đến cảm giác rằng xe nhanh hơn so với trạng thái nguyên bản.

car-drive-mode-07.jpg


Trong vòng 10-15 năm qua, các tùy chọn chế độ lái trên ô tô đã trở nên phổ biến hơn hẳn, bắt đầu từ những chiếc xe hiệu năng cao và xe sang, sau đó dần dần được đưa xuống những phân khúc thấp hơn. Đến nay, ngay cả những dòng xe được thiết kế chủ yếu làm phương tiện di chuyển hàng ngày, có giá cả phải chăng đến từ những thương hiệu phổ thông cũng trang bị chức năng chọn chế độ lái. Ngoài các chế độ Sport/Eco/Comfort truyền thống – những chế độ phổ biến nhất được tìm thấy trên các mẫu xe phổ thông – các chế độ lái cải tiến khác có thể được tìm thấy trong nhiều ví dụ đặc sắc của thế giới ô tô. Chẳng hạn, Fiat 500 được trang bị nút “City” giúp vô-lăng trở nên cực kỳ nhẹ nhờ cơ cấu trợ lực được tăng lên mức tối đa, cho phép người lái điều khiển xe vào những vị trí đậu/đỗ chật hẹp nhất mà không cần tốn quá nhiều công sức. Tính năng này đã là một nét đặc trưng của xe nhỏ Fiat ở Châu Âu trong ít nhất 20 năm qua. Trong khi đó, mẫu xe hatchback hiệu năng cao thuần điện mới ra mắt gần đây của Alpine là chiếc A290 lại được trang bị nút “Overtake” trên vô-lăng, có tác dụng cởi bỏ mọi giới hạn về công suất và mô-men xoắn để xe phát huy tối đa hiệu năng trong vòng 10 giây, phần nào gợi nhớ đến chức năng “Attack Mode” trên các mẫu xe đua Formula E.

car-drive-mode-04.jpg


Trong những năm gần đây, các chế độ lái trên xe hơi đã trở thành một trong những xu hướng phát triển được đầu tư nhiều về công nghệ, từ mục đích tối ưu hóa hiệu năng xe một cách nhanh chóng và tiện dụng cho đến trở thành tính năng định hình “phong cách sống” sao cho phù hợp với tầm đẳng cấp của thương hiệu và mẫu xe cụ thể, giúp thay đổi triệt để trải nghiệm sử dụng xe. Những hãng như MINI thậm chí còn đi xa hơn, khi các tùy chọn chế độ lái không chỉ điều chỉnh khả năng vận hành của xe mà còn thay đổi luôn màu sắc đèn nền nội thất và các tín hiệu âm thanh, đem lại không gian khác biệt đáng kể với mỗi lựa chọn.

Giải thích các chế độ lái trên ô tô​


car-drive-mode-09.jpg


Mỗi hãng xe có cách gọi riêng về các chế độ lái trên xe của họ và cách thức hoạt động của chúng không hẳn giống nhau tuyệt đối. Chẳng hạn, chế độ mặc định của hãng A có tên “Comfort” còn hãng B dùng chữ “Standard”, nhưng chúng đem lại cảm giác vận hành na ná nhau. Tương tự, “Sport Plus” trên hãng này và “Track” của hãng khác có thể gợi lên ấn tượng như nhau, nhưng mỗi chế độ lại điều chỉnh những thông số khác nhau. Số lượng hệ thống có thể được thay đổi tùy thuộc vào từng loại xe nhưng đa phần bao gồm động cơ, hệ thống lái, hệ thống treo, ống xả, phanh, kiểm soát lực kéo và cân bằng điện tử.

  • Normal/Comfort/Standard: Thường là chế độ mặc định trên đại đa số các mẫu xe thời nay, chúng cung cấp thiết lập tương đối cân bằng giữa hiệu năng vận hành và sử dụng nhiên liệu hiệu quả, phù hợp với nhu cầu lái xe hàng ngày. Những xe dùng chữ “Comfort” sẽ thiên về sự êm ái hơn so với các chế độ còn lại, đồng nghĩa với tiết chế hiệu năng và kích hoạt hết toàn bộ các hệ thống đảm bảo an toàn. Vô-lăng sẽ được trợ lực nhiều nhất có thể và hệ thống treo hoạt động “nhẹ nhàng” nhất có thể.

car-drive-mode-01.jpg


  • Eco/Eco Pro/ECON: Đây là những chế độ đặt yếu tố tiết kiệm nhiên liệu làm ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện được điều đó, chúng sẽ giới hạn hiệu năng của xe, không cho động cơ đạt công suất hay mô-men xoắn tối đa, đồng thời làm giảm độ nhạy bướm ga. Chẳng hạn, nếu như một mẫu xe có thể đạt tới 80% hiệu năng khi đạp nửa hành trình ga với chế độ “Comfort”, thì chỉ được khoảng 50% nếu kích hoạt “Eco”. Xe sẽ có cảm giác “ì ạch” hơn và hộp số cũng được điều chỉnh lại để có xu hướng tự chuyển lên các cấp số cao sớm hơn. Chính vì thế nên kiểu chế độ lái này thường không xuất hiện trên siêu xe hoặc các loại xe thể thao hiệu năng cao.

car-drive-mode-06.jpg


  • Sport/Power: Với chế độ này, xe sẽ ưu tiên cảm giác vận hành năng động, tạo sự phấn khích cho người lái bằng nhiều cách. Động cơ được cho phép phát huy tối đa sức mạnh, độ nhạy của vô-lăng và bàn đạp ga/phanh trở nên rõ rệt hơn, hộp số sẽ có xu hướng tự chuyển lên các cấp số cao muộn hơn (để vòng tua máy đạt mức cao hơn so với thông thường rồi mới chuyển tiếp), kèm theo đó là hệ thống treo giảm bớt độ nhún để giữ thân xe ổn định hơn (nhưng đổi lại là khiến hành khách cảm thấy “cứng” hơn, kém thoải mái hơn), hệ thống ống xả phát ra âm thanh “thú vị” hơn, v.v… Tất nhiên, mức độ tiêu hao nhiên liệu cũng sẽ nhiều hơn.

car-drive-mode-02.jpg


  • Sport Plus/Track/Corsa: Đây có thể coi như phiên bản “cực đoan” của chế độ Sport. Mục đích không chỉ dừng lại ở việc mang đến cảm giác lái thể thao, mà còn trao cho người lái nhiều quyền kiểm soát chiếc xe hơn bằng cách giảm bớt mức độ hỗ trợ của các hệ thống đảm bảo an toàn. Từ cơ chế trợ lực vô-lăng, các biện pháp giới hạn công suất động cơ, mức độ giảm chấn của hệ thống treo cho đến các tính năng kiểu như phanh ABS, kiểm soát lực kéo hay cân bằng điện tử, tất cả đều có thể giảm đi rất nhiều hoặc thậm chí tắt hoàn toàn. Nhờ đó, người lái có thể thực hiện những pha xử lý kỹ thuật như làm quăng đuôi xe hay drift vòng tròn, vốn là những điều khó có thể làm được nếu các hệ thống an toàn được kích hoạt. Hầu như mọi hãng xe đều khuyến cáo rằng chỉ nên chuyển sang Sport Plus/Track/Corsa nếu bạn là người dày dạn kinh nghiệm và hiểu rõ mình đang làm gì. Đối với những tay lái còn non, nếu sử dụng chế độ “cực đoan” này trên đường phố thông thường sẽ rất dễ gây tai nạn vì không thể kiểm soát được chiếc xe.

car-drive-mode-08.jpg


  • Custom/Individual: Đây là chế độ “tùy chỉnh” hoặc “cá nhân hóa”, cho phép chỉnh sửa chi tiết các thành phần có thể thay đổi thiết lập để chọn ra kiểu vận hành phù hợp nhất. Chẳng hạn, bạn có thể cài đặt động cơ và hộp số ở “Comfort” để xe vận hành êm ái và chuyển số mượt mà, nhưng lại muốn phần trợ lực vô-lăng theo kiểu “Sport” để có cảm giác đánh lái “chân thực” hơn. Cũng sẽ có người thích để hệ thống treo “mềm mại” cho đỡ đau lưng mỏi vai, nhưng muốn phần truyền động phản ứng “năng động”, mau lẹ hơn thông thường.

Các chế độ lái off-road trên xe gầm cao​


car-drive-mode-suv.jpg


Các mẫu xe SUV và bán tải thường được trang bị thêm phần chọn chế độ lái off-road để đáp ứng nhu cầu đi địa hình khó, với các tùy chọn phổ biến như:

  • Đi đường tuyết/đường trơn ướt
  • Đi đường bùn đất
  • Đi trên bề mặt nhiều đá tảng
  • Đi trên cát mềm

car-drive-mode-05.jpg


Cách thức hoạt động của những chế độ này xoay quanh kiểm soát sức mạnh của động cơ và khả năng phân bổ lực kéo đến các bánh xe, đồng thời phối hợp cùng với các hệ thống an toàn, nhằm giúp cho xe duy trì độ bám tốt trên các loại địa hình khó, hạn chế nguy cơ xảy ra các hiện tượng trượt bánh và mất kiểm soát hướng đi.

car-drive-mode-10.jpg


Những chế độ này cũng có thể được xếp vào dạng “nâng cao”, vì đòi hỏi người điều khiển phải có kiến thức mới sử dụng hợp lý. Chúng không phải giải pháp toàn vẹn để các tay lái non phụ thuộc và ỷ lại. Chẳng hạn nếu xe đi vào khu vực nhiều sình lầy có nguy cơ mắc kẹt cao, sẽ cần phải sử dụng thêm những tính năng như gài cầu hoặc khóa vi sai để vượt qua, vốn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các chế độ lái.

Các chế độ lái trên xe hybrid​


ev-mode-hybrid-car1.jpg


Việc ứng dụng các yếu tố điện hóa trên ô tô hiện đại đã dẫn đến sự ra đời của các dòng xe hybrid, trong đó có những loại vừa sử dụng động cơ đốt trong, vừa sử dụng năng lượng điện để vận hành. Do tính chất linh hoạt của chúng, xe hybrid có thể được trang bị nhiều chế độ lái khác nhau, cho phép chúng thích ứng với các kiểu hành trình có quãng đường khác nhau.

  • Normal (chế độ kết hợp): Đây sẽ là chế độ mặc định khi khởi động xe. ECU trên xe sẽ tự động quyết định sử dụng động cơ xăng hay động cơ điện, tùy thuộc vào điều kiện vận hành nhưng đa phần sẽ thiên về dùng xăng nhiều hơn và chỉ dùng điện trong một vài trường hợp nhất định.

car-drive-mode-11.jpg


  • EV (chế độ thuần điện): Chỉ sử dụng năng lượng điện cho đến khi hết pin, khi đó xe sẽ tự quay về chế độ Normal. Đây là chế độ thường được các hãng nhấn mạnh đối với dòng xe hybrid sạc điện PHEV vì dung lượng pin tương đối lớn, mang lại quãng đường di chuyển thuần điện khá hữu dụng trong khoảng 50 – 100 km liên tục.
  • ECO (chế độ tiết kiệm): Chế độ này sẽ cố gắng không sử dụng đến phần động cơ điện để tiết kiệm pin, đồng thời hạn chế công suất tối đa của động cơ xăng để tránh hao tốn nhiên liệu. Một số xe có khả năng tối ưu hơn nữa bằng cách can thiệp vào các thành phần khác, chẳng hạn như giảm bớt chức năng điều hòa.

ev-mode-hybrid-car2.jpg


  • Sport (chế độ thể thao): Cách hoạt động giống như Normal, nhưng sẽ thường xuyên kích hoạt động cơ điện để hỗ trợ thêm cho động cơ xăng mỗi khi cần tăng tốc, đem lại cảm giác “phấn khích” hơn. Chỉ sử dụng được nếu năng lượng trong pin còn nhiều.

Tổng hợp
 

Thành viên trực tuyến

No members online now.

Tin trong nước

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top