NguyenNam
Đam Mê Xe
- Bài viết
- 4,245
Là mẫu SUV mang tính biểu tượng và được cả thế giới ca ngợi, Suzuki Jimny thể hiện tốt nhất trên những địa hình hiểm trở và còn có thể kết hợp làm xe đi phố thuận tiện, nhỏ gọn.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng của thương hiệu Suzuki tại thị trường Việt Nam khi lần đầu tiên phân phối chính hãng Jimny – dòng xe rất nổi tiếng trên toàn thế giới, có truyền thống lịch sử lâu đời bắt nguồn từ thập niên 70 thế kỷ trước.
Suốt hơn 50 năm qua, các thế hệ Jimny được yêu mến bởi kích thước nhỏ nhắn gọn gàng và chi phí cần để sở hữu cũng như vận hành không cao, nhưng năng lực off-road lại vô cùng đáng nể, ngang ngửa hoặc thậm chí vượt trội những mẫu xe đắt tiền hơn nó nhiều lần.
Jimny dành cho thị trường Việt Nam lần này thuộc thế hệ thứ 4 mới nhất hiện nay, từng ra mắt ở phạm vi toàn cầu vào năm 2018. Xe trang bị động cơ xăng 1.5L hút khí tự nhiên, hộp số tự động 4 cấp, hệ dẫn động hai cầu bán thời gian AllGrip Pro với hộp số phụ.
Nội dung chính
VIDEO ĐÁNH GIÁ SUZUKI JIMNY TẠI VIỆT NAM
TRẢI NGHIỆM OFF-ROAD VỚI SUZUKI JIMNY: NHƯ CÁ GẶP NƯỚC
Sau nhiều ngày cùng Jimny vượt qua vô số loại địa hình khác nhau, chúng tôi nhận ra sự thật thú vị: chiếc xe này vận hành thoải mái nhất khi gặp đường… không đẹp. Đường càng khó đối với xe thông thường thì Jimny càng thích, cảm giác có thể đi bất cứ đâu mà không bị ngăn cản.Để hiểu được điều này, cần phải nhớ rằng Jimny vốn được tạo ra để làm xe đi off-road. Mọi khía cạnh của xe, từ kiểu khung gầm, hệ thống truyền động cho đến thiết kế ngoại thất và trang bị bên trong nội thất, đều được tuyển chọn kỹ càng để phục vụ mục đích này. Những chuyện khác chỉ là phụ.
Khung gầm của Jimny xưa nay luôn là loại chassis rời dạng bậc thang, giải pháp tối ưu nhất đối với các xe chuyên off-road nhờ đặc tính mạnh mẽ, bền bỉ, linh hoạt. Khác với những xe phổ thông với khung gầm unibody (liền khối) dễ gặp tình trạng vặn xoắn toàn bộ thân xe khi đi đường gập ghềnh mà nếu quá nặng sẽ dẫn đến không thể đóng/mở cửa, Jimny hoàn toàn miễn nhiễm với những vấn đề đó.
Phần hiển thị thông tin thú vị nhất trên màn hình trung tâm, cho thấy các thông số về góc nghiêng của toàn bộ thân xe, hướng di chuyển theo la bàn, độ cao so với mực nước biển của vị trí hiện tại, áp suất không khí của môi trường xung quanh…
Một trong những đặc điểm truyền thống khác của Jimny là hệ thống treo phụ thuộc với trục cứng 3 liên kết, kết nối trực tiếp 2 bánh xe trái-phải ở mỗi cầu trước-sau, đảm bảo khả năng tiếp xúc với mặt đường tốt hơn trên những con đường không bằng phẳng so với hệ thống treo độc lập của xe du lịch thông thường. Cấu trúc mạnh mẽ đem lại độ tin cậy cao, chịu được môi trường hoạt động khắc nghiệt.
Cơ cấu lái bi tuần hoàn của Jimny cũng là loại tối ưu cho off-road, đặc biệt phù hợp các địa hình mấp mô, gồ ghề. Tuy nhiên độ chính xác tuyệt đối khi vận hành trên đường nhựa sẽ không bằng được cơ cấu lái bánh răng và thanh răng của đại đa số các xe hiện đại ngày nay. Bù lại, van điều tiết tay lái được trang bị giúp giảm hiện tượng giật ngược khi vô-lăng bị kẹt trên mặt đường không bằng phẳng, đồng thời triệt tiêu bớt hiện tượng rung và lắc lái khi xe chạy nhanh.
Khoảng sáng gầm xe đạt 210 mm. Góc tới 37 độ, góc vượt đỉnh dốc 28 độ và góc thoát 49 độ là những thông số sẵn sàng cho việc “leo trèo” vượt sông suối hay địa hình hiểm trở. Trên cát – địa hình “khó nhằn” bậc nhất – mà cũng Jimny dễ dàng chinh phục, như thể đây là môi trường tự nhiên của chiếc xe này vậy.
Với khối lượng thân xe rất nhẹ chỉ 1.105 kg, Jimny rất khó để bị mắc kẹt, cho dù bạn có chủ ý muốn làm điều này. Mà ngay cả trong những trường hợp hãn hữu nhất có lỡ mắc kẹt thật thì chỉ việc vận dụng đến chức năng gài cầu, chuyển qua chế độ hai cầu chậm (4L) nhằm dồn mô-men xoắn tối đa để tăng độ bám, là sẽ vượt qua được hết.
Là mẫu xe với hệ dẫn động hai cầu bán thời gian, Jimny không có vi sai trung tâm (liên trục). Tác dụng tích cực của thiết kế này là phải cần đến tối thiểu 2 bánh xe ở 2 trục khác nhau cùng bị mất độ bám đường thì toàn bộ chiếc xe mới mất độ bám theo. Do đó, có thể đảm bảo rằng một khi đã gài cầu sang các chế độ hai cầu (4H hoặc 4L) thì Jimny sẽ luôn vận hành ổn định, đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến đặc điểm của cơ chế này là không được sử dụng các chế độ hai cầu trên bất kỳ bề mặt nào không trơn trượt, đặc biệt nếu phải đánh lái nhiều và gắt. Nói cách khác, chế độ hai cầu chỉ nên được sử dụng trên các loại địa hình cát, bùn, sỏi rời, cỏ ướt và băng, tuyết. Đường nhựa ướt, bê tông ướt và sỏi cứng không được coi là đủ trơn.
TRẢI NGHIỆM ĐI PHỐ VỚI SUZUKI JIMNY: ĐÚNG CHUẨN KEI-CAR
Kể từ thế hệ đầu tiên đến nay, dòng xe Jimny luôn được thiết kế trước tiên để làm xe kei-car phục vụ thị trường nội địa Nhật, rồi sau đó mới được chỉnh sửa lại về ngoại hình và lắp động cơ lớn hơn để xuất khẩu đi các quốc gia khác.Ở thế hệ thứ 4, Jimny được Suzuki chia ra 2 phiên bản với tên mã nội bộ riêng biệt: JB64 là bản xe với kích thước phù hợp quy chuẩn kei-car dùng cho thị trường nội địa Nhật Bản, còn JB74 là bản “thông thường”, không bị giới hạn thông số kỹ thuật và bán rộng rãi khắp thế giới.
|