Mẫu siêu xe hybrid lai xăng-điện đầu tiên của Bugatti là chiếc Tourbillon hiện đang được đưa đi trưng bày trên khắp thế giới và điểm dừng chân mới nhất là tại khu vực Đông Á, nơi mà Nhật Bản và Singapore có may mắn được chiêm ngưỡng siêu phẩm này đầu tiên trước khi đến lượt những quốc gia khác.
Bugatti Tourbillon, chiếc siêu xe đỉnh cao cả về khía cạnh kỹ thuật cũng như nghệ thuật, đã thu hút công chúng trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt vào tháng 6/2024 tại Château Saint Jean, quê hương của Bugatti ở Pháp. Với mục đích lan tỏa sức hấp dẫn của Tourbillon, Bugatti đã đưa mẫu xe tiên phong của kỷ nguyên mới này đến nhiều địa danh nổi tiếng, trải dài khắp Châu Âu, Châu Mỹ, Trung Đông trong một cuộc hành trình toàn cầu.
Điểm dừng mới nhất của Bugatti Tourbillon là tại khu vực Đông Á, với Nhật Bản và Singapore là những nơi đầu tiên được chiêm ngưỡng mẫu siêu xe đình đám này. Bugatti muốn nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa lịch sử lâu đời của hãng và truyền thống phong phú gắn liền với cả nền văn hóa Nhật Bản và Singapore.
Bugatti Tourbillon là siêu phẩm mới nhất của hãng xe Pháp, được tạo ra để thay thế trực tiếp cho Chiron, được sản xuất giới hạn 250 chiếc và có trị giá lên đến 4,1 triệu USD mỗi xe. Chiếc Tourbillon vận hành bằng động cơ đốt trong 986 mã lực kết hợp 2 mô-tơ điện ở cả 2 trục bánh xe để tạo ra tổng công suất 1.800 mã lực và có thể đi được 60 km chỉ bằng năng lượng điện.
Dữ liệu chính thức của Bugatti cho biết, hiệu năng vận hành của Tourbillon vượt trội hoàn toàn chiếc Chiron tiền nhiệm. Ở quãng đường thử nghiệm tiêu chuẩn 0-100 km/h, nếu như Chiron cần 2,4 giây để hoàn tất thì Tourbillon làm được trong đúng 2 giây chẵn. Tương tự như vậy, tại những mốc 0-200 km/h, 0-300 km/h và 0-400 km/h, Chiron lần lượt đi được trong 6,1 giây, 13,1 giây và 32,6 giây, thì Tourbillon hoàn thành trong “dưới 5 giây”, “dưới 10 giây” và “dưới 25 giây”.
Bất chấp việc động cơ V16 mới dài tới gần 1 mét, hơn hẳn so với máy W16 cũ và hệ thống hybrid tương đối cồng kềnh (riêng khối pin 25 kWh, đủ năng lượng cho xe đi được 60 km, đã nặng 200 kg) nhưng khối lượng của Tourbillon vẫn dưới 1.995 kg, nhẹ hơn cả Chiron trong khi có trục cơ sở chỉ dài hơn tính bằng mm. Điều phi thường này được tạo ra nhờ tối ưu cấu trúc sắp đặt khi khối pin 800V được xếp hình chữ T nằm gọn trong bệ trung tâm và một phần sau lưng 2 ghế, từng cell pin được làm mát trực tiếp bằng dung dịch điện môi thay vì sử dụng cơ chế làm mát chuyên dụng độc lập sẽ chiếm nhiều diện tích.
Bugatti không tiết lộ nhiều về thông số chi tiết của các mô-tơ điện, chỉ cho biết rằng chúng được thiết kế siêu gọn, có mật độ công suất 6 kw/kg, tích hợp luôn cả bộ biến tần và bánh răng giảm tỷ số truyền. Chiếc mô-tơ tại cầu sau cũng được tích hợp chung với bộ hộp số ly hợp kép 8 cấp, góp phần loại bỏ nhu cầu về việc phải trang bị hộp số giảm tốc động cơ chuyên dụng. Động cơ V16 mới cũng bù đắp cho khối lượng của hệ thống hybrid khi chỉ nặng khoảng 250 kg. Để so sánh, khối máy W16 với 4 tăng áp nặng hơn từ 3,5 tới gần 4 lần, tùy thuộc vào phiên bản Veyron hoặc Chiron.
Bộ pin nêu trên là một thành phần cấu trúc của sợi carbon liền khối, khung phụ phía trước và phía sau là nhôm đúc thành mỏng và nhiều thành phần khác của hệ thống treo đều là nhôm in 3D. Các chi tiết in 3D của hệ treo được Bugatti đặt Czinger thực hiện, không chỉ có công năng xuất sắc mà còn thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ ấn tượng. Siêu xe Tourbillon có tốc độ tối đa mặc định 380 km/h tương tự như Chiron, nhưng khi lắp ‘chìa khóa tốc độ’ thứ hai vào, giới hạn được nâng lên 445 km/h tức là vượt trội mức 420 km/h của Chiron.
Mối liên kết giữa siêu phẩm mới nhất của Bugatti với thế giới đồng hồ thượng lưu được thể hiện rõ bên trong khoang cabin, cụ thể là ở vị trí đặt bảng đồng hồ kim nằm phía sau vô-lăng. Cụm này có vỏ và các chi tiết kim loại làm bằng hợp kim titan, bên trong chứa hơn 600 bộ phận và đá quý như hồng ngọc và ngọc bích, được thiết kế và chế tác với dung sai chỉ từ 5 đến 50 micron do chính các nghệ nhân đồng hồ Thụy Sỹ tham gia thực hiện.
Đồng hồ lớn nhất ở trung tâm hiển thị tốc độ và chỉ báo vòng tua máy với mặt số chuyển động giống như kim đồng hồ cơ đeo tay, tích hợp thêm một màn hình kỹ thuật số nhỏ ở phía dưới, cho thấy tốc độ đang vận hành và cấp số hiện tại của hộp số. Đồng hồ phía bên phải báo mức công suất mà toàn bộ hệ truyền động đang sản sinh. Cuối cùng, cụm bên trái chứa 3 đồng hồ nhỏ hiển thị các thông số về nhiệt độ, mức xăng và lượng pin.
Bugatti đảm bảo người lái luôn có thể nhìn thấy đồng hồ đo bằng cách thiết kế vô-lăng với một trục cố định. Các chấu ở phía trên và dưới vô-lăng kéo dài ra phía sau cụm đồng hồ, giúp tầm nhìn hoàn toàn không bị cản trở. Mặt sau của cụm đồng hồ cũng rất tinh tế với một nẹp đỡ ở trung tâm. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và chắc chắn sẽ giữ nguyên giá trị thẩm mỹ ngay cả khi ngắm nhìn ở tương lai 100 năm sau, đúng với triết lý ”cơ học vượt thời gian” mà Bugatti muốn thể hiện.
Sau Nhật Bản và Singapore, địa điểm tiếp theo thuộc khu vực Đông Á sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt Bugatti Tourbillon sẽ là Thượng Hải, Trung Quốc.
Tham khảo Bugatti