Xe bán tải tại Việt Nam trước viễn cảnh tăng giá thêm cả chục triệu đồng

0
Nghị định số 20/2019/NĐ-CP vừa mới ban hành đã chính thức điều chỉnh lại mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với các dòng xe tải van và xe bán tải (pick-up) tại Việt Nam. Theo quy định, những dòng xe này được coi là “xe 5 chỗ ngồi trở xuống và có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg”, thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% mức thu của ô tô con, tức là sẽ dao động từ 6 – 9% tùy địa phương và tối thiểu là cao gấp 3 lần so với mức cũ.


pickuptips_colorado-1-1024x576.jpg

Suốt nhiều năm nay, các dòng xe tải van và xe bán tải tại Việt Nam sở hữu ưu thế so với ô tô con khi chỉ chịu mức lệ phí trước bạ cố định 2% thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt lần đầu hay lần sau. Mức phí này khi áp dụng lần đầu cho các dòng ô tô con thì lại cao hơn nhiều, từ 10% ở TP.HCM cho đến 12% ở Hà Nội, Hải Phòng hay Đà Nẵng…, sau đó kể từ lần thứ 2 trở đi mới trở thành 2%.

Sự chênh lệch này khiến cho việc mua sắm một chiếc xe bán tải không tốn kém nhiều tiền bạc như khi mua một chiếc ô tô con ở cùng tầm giá. Chi phí cần để lăn bánh xe bán tải thấp hơn hẳn, cộng với nhiều yếu tố khác như mẫu mã đa dạng, công năng vừa chở người vừa chở hàng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng, kiểu dáng nam tính mạnh mẽ, thân vỏ cao ráo không ngán ngại đường ngập nước, các đời xe mới gần đây đều được cập nhật vô số tiện ích hiện đại… đã góp phần tạo nên trào lưu chơi xe bán tải ở Việt Nam, thúc đẩy doanh số tăng trưởng.


pickuptips_nissan_navara_00-1024x683.jpg

Theo một số nghiên cứu thống kê, trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, phân khúc xe bán tải tại Việt Nam phát triển vượt bậc khi doanh số tăng đến 8,7 lần. Năm 2015, doanh số vượt mốc 10.000 xe để đạt mức 16.741 xe. Đến năm 2016, các hãng xe tại Việt Nam bán ra tới 23.099 chiếc và tăng lên ổn định ở mức 24.373 xe vào năm 2017. Năm 2018 vừa qua, tuy gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh nhập khẩu xe nhưng lượng bán tải vẫn kịp đạt con số 18.491 chiếc, tức là chỉ giảm 22% so với 2017. Tất cả nói lên rằng nhu cầu mua sắm xe bán tải của người tiêu dùng Việt Nam là rất lớn.

Năm 2017, các nhà sản xuất – lắp ráp xe ô tô trong nước đã từng kiến nghị về sự “bất công”, khi xe bán tải được áp dụng các chế độ quản lý và lưu thông như các loại xe ô tô con thông thường, nhưng mức tính lệ phí trước bạ lại như xe tải. Từ đó, Bộ Công thương đã kiến nghị giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ đối với các dòng xe bán tải. Tháng 9/2018, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất và đến nay được cụ thể hóa với Nghị định số 20/2019/NĐ-CP.


2019-Ford-Ranger-1024x680.jpg

Tác động của sự thay đổi này được dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến việc kinh doanh xe bán tải. Chẳng hạn như mẫu Ford Ranger Wildtrak 2.0L 4×4 AT đang có giá cao nhất phân khúc hiện nay ở mức 918 triệu đồng, nếu tính phí trước bạ lần đầu theo mức cũ 2% thì chỉ là 18,36 triệu đồng. Tuy nhiên nếu áp dụng theo Nghị định mới, người mua ở TP.HCM cần bỏ ra tới 55 triệu đồng, còn ở Hà Nội sẽ phải chi đến 66 triệu đồng riêng cho phần lệ phí trước bạ, tức là tăng thêm từ 3 đến 3,6 lần.

Một ví dụ khác, lần này là mẫu rẻ nhất phân khúc hiện nay: Mitsubishi Triton 2.5L 4×2 MT (đời chưa facelift) có giá bán chỉ 556 triệu đồng. Bấy lâu nay, khách hàng chỉ phải bỏ ra số tiền phí trước bạ lần đầu 2% tương đương 11,12 triệu đồng. Khi Nghị định mới có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2019 sắp tới, người mua ở TP.HCM phải tốn 33,36 triệu đồng, còn ở Hà Nội là 40 triệu đồng để đóng phí trước bạ và hoàn tất thủ tục cho xe lăn bánh hợp pháp.


vms2018_tritonathlete_01-1024x682.jpg

Khi chi phí ban đầu cần bỏ ra để được sở hữu xe tăng thêm, lúc này lợi thế của dòng xe bán tải so với ô tô con sẽ dần bị lu mờ trong mắt người tiêu dùng. Những ai thực sự cần xe bán tải chắc chắn sẽ phải chịu tốn kém thêm, còn khách hàng nào đang cân nhắc giữa nhiều thể loại xe khác nhau cũng sẽ bớt mặn mà với xe bán tải và có thể chuyển hướng quan tâm đến những dòng xe du lịch truyền thống với ưu điểm nhỏ gọn, linh hoạt trong phố đông. Từ đó, việc kinh doanh của các đại lý sẽ có sự thay đổi, dẫn đến những điều chỉnh ở tầm vĩ mô trong chiến lược của nhà phân phối và nhập khẩu. Toàn bộ thị trường sẽ xáo trộn.

Một chi tiết đáng quan tâm khác, xe bán tải tại Việt Nam vẫn phải chịu bất lợi về niên hạn sử dụng khống chế trong vòng 25 năm, trong khi ô tô con dưới 9 chỗ được phép lưu hành vô thời hạn. Đây cũng là điều khá bất công, khi phần lớn xe bán tải hiện nay về bản chất kỹ thuật đều chẳng khác gì xe SUV 7 chỗ lược bỏ đi khu vực hàng ghế thứ 3 để thay phần thùng hàng vào, tức là chúng có cùng công năng chở người với xe ô tô con du lịch. Nếu như đã tính lệ phí trước bạ cho xe bán tải gần tương đương ô tô con thì cũng nên cởi bỏ quy định về niên hạn sử dụng, sẽ hợp lý hơn nhiều.

Tổng hợp
NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcAlfa Romeo ra mắt loạt sản phẩm sản xuất giới hạn mới sẽ được trưng bày tại Geneva Motorshow
Bài tiếp theoMercedes-Benz tạm biệt SLC bằng biến thể Final Edition