Những chiếc xe JDM “đỉnh” nhất thập niên 90

0
Japanese Domestic Market – JDM là thuật ngữ dùng để chỉ hàng tiêu dùng nội địa Nhật Bản nói chung, nhưng được sử dụng nhiều nhất khi đề cập đến xe hơi và linh kiện sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản.

Giới mê xe thường có cùng một nhận định: những năm 90 của thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của các mẫu xe JDM. Lúc bấy giờ, xe chạy điện vẫn là điều gì đó quá xa vời, nên những sản phẩm hiệu năng cao nhất được ra lò từ các nhà máy ở Nhật đều là tinh hoa của ngành cơ khí.

Bối cảnh đất nước Nhật Bản vào thời điểm ấy cũng góp phần củng cố cho việc hàng loạt siêu phẩm xe hơi xuất hiện. Nền kinh tế của xứ sở “mặt trời mọc” đang vào đà tăng trưởng, thu nhập người dân liên tục được cải thiện và những ai đã dư dả sẵn lại càng có nhiều tiền để vung vãi hơn. Bởi vậy, các chủ xe không còn quá quan tâm đến việc sử dụng xe sao cho bền bỉ lâu dài nữa, thay vào đó họ chú trọng đến những phương thức nâng cao hiệu năng vận hành, sao cho “xế cưng” của mình phát huy được tối đa tiềm năng vốn có.

Nhật Bản cũng là một trong số ít những quốc gia luôn luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng bản địa lên hàng đầu. Chính vì thế, xe hơi Nhật sản xuất ra cho thị trường nội địa luôn được ứng dụng công nghệ tân tiến sớm nhất, mãi sau đó mới đến lượt các thị trường quốc tế. Tất cả những yếu tố kể trên kết hợp lại để tạo điều kiện cho vô số tuyệt phẩm JDM ra đời và vang danh đến tận ngày nay.

Mazda RX-7 FD

  • Sản xuất từ 1991 đến 2002
  • Động cơ 1.3L tăng áp kép
  • Công suất động cơ từ 252 – 276 mã lực
  • Dẫn động cầu sau


mazda_rx7_fd-1024x683.jpg

FD là tên mã của thế hệ RX-7 thứ ba, được giới đam mê xe JDM yêu thích bởi nó hội tụ được 2 tiêu chí vô cùng quan trọng khi xét đến xe thể thao: hiệu năng vận hành cực ấn tượng và kiểu dáng quyến rũ đến mê hoặc lòng người!

RX-7 sở hữu một thân hình thon gọn, nền tảng khung gầm ứng dụng chất liệu có khối lượng nhẹ và đặc biệt nhất là động cơ tăng áp kép tuần tự (sequential), qua đó trở thành mẫu xe thương mại sản xuất hàng loạt đầu tiên của Nhật Bản được trang bị động cơ dạng này. Lúc đó Mazda vẫn còn đang tập trung phát triển động cơ xoay (rotary) và đương nhiên RX-7 cũng được sử dụng, càng khiến nó thêm phần độc đáo.

Các kỹ sư Mazda khéo léo đặt khối động cơ xoay này ở vị trí ngay phía sau cầu trước của RX-7, khiến cho xe đạt tỷ lệ phân bổ khối lượng ở mức 50/50 gần như hoàn hảo. Cộng với việc trọng tâm xe khá thấp, RX-7 có thể tăng tốc từ 0 – 100 km/h trong vòng 5,9 giây trước khi chạm đến ngưỡng vận tốc tối đa 249 km/h. Nhờ cách thức vận hành của cặp tăng áp kép tuần tự mà mô men xoắn được sản sinh ra đều đặn ở toàn bộ dải vòng tua máy, ai cầm lái RX-7 cũng cảm thấy dễ làm quen và rất sướng.

Không chỉ có vậy, RX-7 còn được coi là một trong những chiếc xe JDM nổi bật nhất vì yếu tố kinh tế. Khối động cơ có dung tích nhỏ hơn ngưỡng 1.5L nên không bị đánh thuế quá cao, giúp xe trở nên dễ tiếp cận hơn các lựa chọn khác, trong khi hiệu năng nhiều lúc còn tốt hơn!

Honda NSX

  • Sản xuất từ 1990 đến 2005
  • Động cơ 3.0L
  • Công suất động cơ từ 270 – 290 mã lực
  • Dẫn động cầu sau


acura_nsx_30thanniversary_00-1024x512.jpg

Có quá nhiều điều tuyệt vời để nói về Honda NSX – chiếc xe đầu tiên của Nhật Bản đạt đến đẳng cấp siêu xe, được ra đời nhằm cạnh tranh trực tiếp với Ferrari và thay đổi quan niệm rằng xe JDM chỉ có hàng phổ thông rẻ tiền. NSX cũng là cách để Honda quảng bá những công nghệ ưu việt, phần lớn trong số đó được đơn vị phụ trách xe đua F1 của họ sáng tạo nên.

Ở thời điểm đó, Honda đã làm được điều tưởng chừng là chuyện viễn tưởng: tạo ra chiếc xe 2 cửa/2 chỗ ngồi với động cơ đặt giữa và hiệu năng vận hành vượt trội hơn cả các “ông lớn” Italia như Ferrari và Lamborghini, trong khi giá lại rẻ hơn! Bí quyết nằm ở khối động cơ V6 mạnh mẽ với 24 van, dung tích 3.0L và ứng dụng công nghệ đóng mở van biến thiên điện tử cực kỳ tiên tiến mang tên VTEC (Variable Valve Timing and Lift Electronic Control).

Để tận dụng triệt để công nghệ VTEC, động cơ sẽ phải quay nhiều hơn mức thông thường: lên đến ngưỡng tua 8.000 vòng/phút! Các kỹ sư Honda đã phải dùng đến thanh nối làm từ titan – một chất liệu tuyệt vời có khối lượng nhẹ như nhôm nhưng cứng hơn thép – lần đầu tiên được sử dụng trên một chiếc xe thương mại. NSX có thể tăng tốc 0 – 100 km/h trong 5,7 giây, vận tốc tối đa 270 km/h.

Honda NSX còn là chiếc xe sản xuất thương mại đầu tiên có khung gầm hoàn toàn bằng nhôm và ứng dụng chất liệu nhôm ở các thành phần thuộc hệ thống treo, qua đó tiết kiệm được tổng cộng 220 kg so với những chất liệu truyền thống như thép. Một số đặc điểm khác như việc sở hữu hệ thống chống bó cứng phanh ABS và cơ cấu trợ lực lái bằng điện mang đến thêm giá trị cho NSX.

Toyota Supra Mk. IV (A80)

  • Sản xuất từ 1993 đến 2002
  • Động cơ 3.0L
  • Công suất động cơ từ 276 – 326 mã lực
  • Dẫn động cầu sau


toyota-supra-a80-1024x682.jpg

Thế hệ Toyota Supra thứ tư khác biệt gần như hoàn toàn so với tiền nhiệm của nó, khi kiểu dáng vuông vức đã biến mất, thay vào đó là những đường cong đầy quyến rũ và sự hiện diện của cánh lướt gió thể thao kích thước lớn nằm phía sau đuôi. Để thêm phần hấp dẫn, Supra Mk. IV còn sở hữu khối động cơ tăng áp kép tuần tự 2JZ-GTE huyền thoại, mang đến cho xe khả năng tăng tốc từ 0 – 100 km/h chỉ trong 5,1 giây cùng vận tốc tối đa 251 km/h.

Bên cạnh sức mạnh động cơ, việc cắt giảm khối lượng cũng là một yếu tố quan trọng để Supra A80 đạt được hiệu năng ấn tượng. Các kỹ sư Toyota đã vận dụng đủ mọi thủ thuật có thể nghĩ ra vào thời điểm đó, từ ứng dụng chất liệu nhôm ở nhiều thành phần của khung gầm và thân vỏ cho đến trang bị vô-lăng làm từ hợp kim nhôm, ống xả chỉ là dạng đơn thay vì kép, sợi vải của thảm sàn là loại rỗng ruột… để tinh giản khối lượng xe bớt đi tận 91 kg so với Supra thế hệ thứ ba.

Lẽ ra mẫu xe này còn có thể nhẹ hơn nữa, nếu như Toyota chọn phương án giữ nguyên tính năng như cũ và không trang bị cho nó những thứ hữu ích như túi khí đôi, phanh hiệu năng cao với đĩa kích thước lớn và hệ thống kiểm soát lực kéo Traction Control – “hàng hiếm” thời bấy giờ. Loại lốp tiêu chuẩn và mâm của Supra Mk. IV cũng lớn hơn thế hệ tiền nhiệm.

Ảnh hưởng của Supra Mk. IV A80 không chỉ gói gọn trong cộng đồng chơi xe JDM mà còn lan rộng khắp văn hóa đại chúng khi xuất hiện trong series phim nổi tiếng Fast and Furious, cũng như được đưa vào các tựa game lừng danh Need for Speed hay Gran Turismo. Ngày nay, nó thậm chí còn được yêu mến và đánh giá cao hơn cả Supra thế hệ thứ 5 vừa ra mắt cách đây chưa lâu vì vẫn là “xe Toyota thuần túy”, không phải “BMW Z4 đổi tên” như kẻ hậu bối.

Nissan Skyline GT-R

  • Sản xuất từ 1989 đến 2002
  • Động cơ 2.6L
  • Công suất động cơ 276 mã lực
  • Dẫn động bốn bánh AWD


001_1989-Nissan-Skyline-GT-R-1024x683.jpg

Với tham vọng chinh phục bộ môn đua xe thể thao, vào năm 1989 Nissan đã “hồi sinh” cái tên Skyline GT-R vốn dĩ từng chấm dứt năm 1973 để thay thế cho mẫu Skyline GTS-R R31 đã cũ kỹ. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử, không ai là không biết đến những chiếc Skyline GT-R R32 hiệu năng cao đầu bảng của nhà Nissan khi mang đến cho hãng xe này tận 29 danh hiệu vô địch phân hạng Group A của giải Japanese Touring Car Championship trong giai đoạn 1989 – 1993.

Ngoài vinh quang, Skyline GT-R còn được sử dụng làm “bệ phóng” để Nissan phô diễn các công nghệ tiên tiến nhất của họ như hệ dẫn động bốn bánh AWD mang tên ATTESA E-TS hay cơ cấu đánh lái cả bốn bánh Super-HICAS. Hiệu năng vận hành của Skyline G-TR R32 ấn tượng đến mức tạp chí Wheels (Australia) từng đặt cho nó biệt danh “Godzilla” và ca ngợi hết lời, để rồi tên gọi này cũng gắn liền luôn với các thế hệ kế tiếp gồm R33 và R34.

So với dòng Skyline tiêu chuẩn, điểm đặc biệt của Skyline GT-R là nó chưa bao giờ được sản xuất ở bất kỳ nơi đâu ngoài biên giới Nhật Bản và chỉ được xuất khẩu theo diện chính hãng đến một vài thị trường gồm Hồng Kông, Australia, New Zealand và Vương Quốc Anh. Thế nhưng theo thời gian, niềm đam mê đã giúp những người yêu thích Skyline GT-R tìm cách đưa nó đi khắp nơi trên thế giới, tham gia vào hầu hết mọi giải đua và các cuộc chơi tốc độ. Skyline GT-R cũng trở thành “ngôi sao điện ảnh” và được đông đảo công chúng biết đến.

Subaru Impreza WRX STi

  • Sản xuất từ 1993 đến 2000
  • Động cơ 2.0L tăng áp
  • Công suất động cơ từ 247 – 276 mã lực
  • Dẫn động bốn bánh AWD


1998-subaru-impreza-22b-sti-1024x576.jpg

Một huyền thoại xe đua thể thao khác của người Nhật. Nếu như Nissan Skyline GT-R được biết đến ở thể loại đua touring, thì Subaru Impreza WRX STi gây dựng tên tuổi trong các giải đua rally, đúng như tên gọi của nó (WRX viết tắt từ World Rally eXperimental). Bản cấu hình STi như đề cập ở đây là cao cấp nhất trong danh mục sản phẩm, xếp trên Impreza và Impreza WRX về hiệu năng vận hành, được đơn vị phụ trách xe đua Subaru Tecnica International tạo ra dành riêng cho thị trường Nhật Bản.

So với Impreza WRX, những chiếc Impreza WRX STi ở một đẳng cấp cao hơn hẳn với động cơ được tinh chỉnh thủ công, hộp số được tối ưu cho phù hợp với năng lực vận hành cực đại và hệ thống treo gia cố lại để thêm phần bền bỉ. Bên cạnh đó là hệ dẫn động bốn bánh AWD và sau này có thêm hệ thống vi sai trung tâm Driver Controlled Center Differential trên phiên bản Impreza WRX Type RA STi.

Thành công của Impreza WRX STi trong các giải đua World Rally Championship (WRC) cộng với việc được giới đua xe đường phố yêu thích đã khiến cho danh tiếng dòng xe này vang xa khắp năm châu bốn bể.

Mitsubishi Lancer Evolution VI

  • Sản xuất từ 1999 đến 2001
  • Động cơ 2.0L tăng áp
  • Công suất động cơ 276 mã lực
  • Dẫn động bốn bánh AWD


mitsu_lancer_evo_vi_special-1024x577.jpg

Đã nhắc đến Subaru Impreza WRX STi thì cũng không thể không đề cập đến đối thủ truyền kiếp của nó đến từ Mitsubishi. Tương tự như nhiều dòng xe JDM nổi tiếng khác cùng thời kỳ, Lancer Evolution VI được phát triển dựa trên nền tảng dòng xe du lịch dân dụng Lancer và được tối ưu hiệu năng lên mức cao nhất có thể trong phạm vi giới hạn công nghệ lúc đó.

So với thế hệ Evo V, Lancer Evo VI được cải thiện cơ chế tản nhiệt nhằm tăng độ bền bỉ cho động cơ. Ngoài ra, phần bodykit được tinh chỉnh lại cho đẹp mắt hơn, trong khi cụm đèn sương mù được giảm kích cỡ và dịch chuyển ra các góc, tạo diều kiện cho đội ngũ thiết kế mở rộng khe hút gió, càng khiến động cơ thêm mát mẻ khi vận hành.

Thế hệ Lancer Evo này còn nổi tiếng khi có phiên bản đặc biệt Tommi Mäkinen – đặt theo tên của tay đua người Phần Lan từng mang về 4 chiến thắng ở giải WRC cho đội Mitsubishi. Nó sở hữu cản trước đặc trưng, mâm Enkei 17 inch, ghế thể thao Recaro, vô-lăng Momo bọc da, độ cao thân xe giảm xuống sát mặt đất hơn (mang lại hiệu quả khí động học tốt hơn) và hệ thống trợ lực lái được tinh chỉnh để có tỷ lệ đánh lái mau lẹ hơn – khiến cho giới sưu tầm xe JDM rất ưa chuộng.

Honda Integra Type R DC2

  • Sản xuất từ 1995 đến 2001
  • Động cơ 1.8L
  • Công suất động cơ 200 mã lực
  • Dẫn động cầu trước


honda_integra_typer_dc2-1024x679.jpg

Được mệnh danh là một trong số những chiếc xe cầu trước tuyệt vời nhất mọi thời đại, phiên bản xe này đạt đến cực đỉnh giới hạn của dòng Integra về tất cả các khía cạnh từ động cơ, hộp số, hệ thống treo, phanh, nội thất… và đặc biệt là sự hiện diện của vi sai hạn chế trượt Helical. Công nghệ VTEC được ứng dụng, cho phép động cơ đạt redline ở 8.500 vòng/phút, tức là còn hơn cả siêu xe NSX.

So với Integra tiêu chuẩn, bản Type R chú trọng vào tinh giản khối lượng trong khi vẫn đảm bảo sự vững chắc của toàn bộ thân xe khi vận hành ở tốc độ cao. Tất cả những gì “không cần thiết cho chạy đường đua” như cửa sổ trời moonroof, gương trang điểm trong các tấm che nắng, tính năng ga tự động cruise control hay thậm chí ngay cả gạt mưa kính sau… đều bị loại bỏ. Hệ thống điều hòa cũng bị cắt nhưng vẫn được cung cấp dưới dạng tùy chọn lắp thêm.

Với Integra Type R DC2, Honda còn thể hiện “độ chịu chơi” khi tuyên bố rằng họ không thu được 1 xu lợi nhuận nào từ tất cả những phiên bản xe hiệu năng cao này. Chi phí sản xuất chúng quá cao, chủ yếu đến từ công lắp ráp và tinh chỉnh bằng tay của đội ngũ kỹ sư, qua đó cũng nâng tầm Integra Type R DC2 lên huyền thoại trong giới JDM.

Nissan Silvia

  • Sản xuất từ 1989 đến 2002
  • Động cơ 2.0L
  • Công suất động cơ từ 133 – 247 mã lực
  • Dẫn động cầu sau


nissan-s14-240sx-silvia-ccw-white-lm5t-5-spoke-deep-dish-wheels-a-1024x576.jpg

Dòng Silvia có lịch sử rất lâu đời, nhưng phải đến thế hệ mang tên mã S13 thì nó mới thực sự gây tiếng vang. Ngay trong năm ra mắt đầu tiên, Nissan Silvia S13 đã được bầu chọn là Xe của năm (Car of The Year) tại quê nhà Nhật Bản. Chiếc coupe 2 cửa này rất được ưa chuộng trong giới mê chơi drift vì một số phiên bản có trang bị sẵn vi sai hạn chế trượt, ngoài ra Silvia còn đặc biệt phổ biến trong bộ môn đua đường đèo núi Touge.

Trong một thời kỳ mà Nissan giới thiệu nhiều mẫu xe đến mức các mẫu đời mới được bán song song với xe đời tiền nhiệm, khách hàng chỉ cần quan tâm đến việc mình có dư dả hay không để chọn giữa Silvia S13 với động cơ CA18 1.8L hoặc các bản S14 và S15 tân tiến hơn với động cơ SR20 2.0L. Cả 2 loại động cơ này đều được chia thành phiên bản hút khí tự nhiên hoặc kết hợp với turbo tăng áp, bên cạnh đó là 2 lựa chọn hộp số gồm số sàn 5 cấp và số tự động 4 cấp (sau này S15 có thêm số sàn 6 cấp nữa).

Tuy được định vị là dòng xe thể thao giá rẻ, Silvia vẫn được Nissan ưu ái khi là một trong những sản phẩm đầu tiên ứng dụng hệ thống treo sau dạng đa liên kết. Hệ thống đánh lái cả bốn bánh Super-HICAS cũng xuất hiện trên Silvia dưới tên ban đầu là HICAS-II, đem đến sự thích thú cho cộng đồng JDM khi không cần bỏ ra nhiều chi phí mà vẫn “tậu” được chiếc xe đầy ắp “đồ chơi”.

Nissan 300ZX Z32

  • Sản xuất từ 1989 đến 2000
  • Động cơ 3.0L
  • Công suất động cơ 300 mã lực
  • Dẫn động cầu sau


nissan_300zx_twin_turbo_2_2_t-top_1-1024x768.jpeg

Mẫu xe thể thao thuộc dòng Fairlady Z này nổi bật nhờ phần ngoại hình khác biệt triệt để so với thế hệ Z31 tiền nhiệm khi thay thế hầu hết những đường thẳng góc cạnh tẻ nhạt bằng thân hình cong tròn mỹ miều. Nissan từng quảng cáo rằng hãng đã phải vận dụng đến năng lực tính toán của siêu máy vi tính Cray-2 (rất khủng vào thời đó) và một phần mềm thiết kế CAD chuyên nghiệp để tạo ra 300ZX Z32 “hút hồn” bao người, cũng như đạt hiệu quả khí động học tốt hơn.

Động cơ V6 3.0L lấy từ thế hệ cũ qua được các kỹ sư Nissan nâng cấp thành DOHC và bổ sung công nghệ van biến thiên N-VCT, qua đó cải thiện hiệu năng vận hành đáng kể. 300ZX Z32 có khả năng tăng tốc 0 – 100 km/h chỉ trong vòng 5 giây trước khi đạt vận tốc tối đa 250 km/h, khiến nó trở thành một trong những mẫu xe thể thao Nhật Bản nhanh nhất ở thời điểm ra mắt.

Điểm đặc trưng của xe Nissan thời kỳ thập niên 1990 là được cung cấp ra thị trường với nhiều phiên bản cấu hình và tích cực ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng được thể hiện đầy đủ trên 300ZX Z32. Mẫu xe này có Super-HICAS trên những bản cấu hình cao cấp với động cơ tăng áp kép, ngoài ra nhà sản xuất cũng sẵn lòng bán ra bản động cơ hút khí tự nhiên cho những ai có nhu cầu. Khách hàng còn có thể lựa chọn dạng thân mui cứng hoặc mui mở tùy thích.

Honda Civic Type R EK9

  • Sản xuất từ 1997 đến 2001
  • Động cơ 1.6L
  • Công suất động cơ 182 mã lực
  • Dẫn động cầu trước


honda-civic-ek9-typer-1024x682.jpg

Đây là phiên bản cấu hình cao cấp nhất của dòng Civic thế hệ thứ 6 (EK9) ở thời bấy giờ và cũng là lần đầu tiên dòng Civic có phiên bản Type R. Được phát triển dựa trên thân hình Civic hatchback tiêu chuẩn, bản Type R được tinh giản khối lượng, gia tăng độ cứng chắc thân xe, nâng cấp hệ thống phanh và động cơ. Mẫu xe này cũng chia sẻ nhiều đặc điểm với Integra Type R DC2, bao gồm cả vi sai hạn chế trượt Helical, hộp số sàn 5 cấp có tỷ số truyền đóng (close-ratio).

Để phân biệt với Civic tiêu chuẩn, Civic Type R mang nhãn màu đỏ nổi bật, nội thất cũng có nhiều chi tiết tông đỏ, trong khi vô-lăng được bọc da rất kiểu cách. Về sau, Honda còn cho ra mắt thêm bản đặc biệt Motor Sports theo phong cách xe đua thể thao tối ưu hiệu năng khi lược bỏ hết những thứ không cần thiết như hệ thống điều hòa, radio FM, cơ cấu chỉnh điện cửa sổ và mâm thì chuyển thành loại bằng thép cơ bản.

Động cơ hút khí tự nhiên B16B của Civic Type R EK9 đạt tỷ lệ sản sinh công suất/dung tích xy lanh thuộc hàng cao nhất mọi thời đại khi có thông số 182 mã lực tại 8.200 vòng/phút và đạt mô men xoắn cực đại 160 Nm tại 7.500 vòng/phút. Xe có thể tăng tốc 0 – 100 km/h trong vòng 6,7 giây, thành tích đáng nể với một mẫu xe dùng động cơ dưới 2 “chấm”.

Nissan Pulsar GTI-R N14

  • Sản xuất từ 1990 đến 1994
  • Động cơ 2.0L
  • Công suất động cơ từ 186 – 227 mã lực
  • Dẫn động bốn bánh AWD


Nissan-Pulsar-GTI-R-N14-1024x576.jpg

Mẫu Pulsar thế hệ thứ tư được hưởng lợi từ những cải tiến dành cho Skyline GT-R, có thể kể đến hệ dẫn động AWD ATTESA và động cơ tăng áp SR20 mạnh mẽ. Chính vì thế, một bộ phận các tay chơi JDM chú trọng đến trải nghiệm lái phấn khích vẫn tìm đến mẫu xe này và chấp nhận tặc lưỡi bỏ qua phần ngoại hình vốn dĩ không được bắt mắt cho lắm.

Nissan không quảng bá nhiều về Pulsar GTI-R khi họ chỉ đơn thuần tạo ra mẫu xe này nhằm tham dự phân hạng Group A của giải đua rally WRC. Tuy nhiên do màn thể hiện của Pulsar GTI-R quá ấn tượng, tiếng lành đồn xa dẫn đến việc nhiều người tìm mua lại để sử dụng trên đường phố hàng ngày. Nhà sản xuất cũng chia xe ra nhiều phiên bản, từ GTI-RA tiêu chuẩn cho đến GTI-RB tinh giản tối đa phục vụ mục đích “đua bơi”.

Lịch sử ghi nhận mẫu xe này đạt hiệu năng tốt nhất với thành tích tăng tốc 0 – 100 km/h trong 5,4 giâu và đạt vận tốc tối đa 232 km/h. Có thể nói, Pulsar GTI-R N14 chính là hiện thân không thể nào chính xác hơn của “sleeper car” – những mẫu xe có ngoại hình bình thường nhưng sở hữu nội lực vô cùng đáng nể.

Tổng hợp

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcBMW M1 Art Car lộng lẫy trong dịp sinh nhật lần thứ 40
Bài tiếp theoKhám phá hàng hiếm Porsche 911 Turbo S Cabriolet Exclusive Series