Cùng Hyundai Tucson 2025 đua Rally trên cung đường Trường Sơn huyền thoại

NguyenNam

Đam Mê Xe
Bài viết
4,245



Gần 50 nhà báo, phóng viên, những người làm trong lĩnh vực truyền thông ngành xe… đã cùng nhau vượt qua hàng loạt thử thách theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của bộ môn Rally Motorsport, trên 12 chiếc Hyundai Tucson 2025 vừa mới xuất xưởng và nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc trong 4 ngày 3 đêm thực hiện hành trình hơn 300 km từ Quảng Bình qua Khe Sanh – Quảng Trị đến Quảng Nam, để lại ấn tượng sâu đậm không thể nào quên trong lòng tất cả những ai may mắn được tham dự.

Nội dung chính

Một trải nghiệm hoàn toàn mới


Có lịch sử hào hùng lên đến nhiều thập kỷ, bộ môn đua xe thể thao Rally Motorsport vang danh khắp thế giới thông qua vô số những giải đua cao quý, hội tụ không ít những tên tuổi lớn góp mặt tranh tài. Với đặc trưng diễn ra trên địa hình tự nhiên và không gian mở, khác hẳn kiểu đua trong đường chạy cố định quen thuộc đã tạo cho Rally nét hấp dẫn rất riêng đồng thời cũng ẩn chứa những thử thách khó lường, càng khiến cuộc chơi thêm phần thú vị, lôi cuốn.

Đáng tiếc là tại Việt Nam, bộ môn Rally Motorsport vẫn là điều gì đó rất xa lạ. Từ việc chưa có nhiều thời gian hình thành và tích lũy văn hóa sử dụng xe như các quốc gia khác, số lượng người thực sự đam mê và đủ điều kiện tài chính để tiếp cận còn quá ít ỏi, cho đến sự thiếu thiện cảm của phần đông dư luận mỗi khi nhắc tới 2 chữ “đua xe”. Tìm được đồng đội chung chí hướng để cùng thưởng thức cái hay của Rally đã khó, nhận được sự ủng hộ khách quan từ phía xã hội lại càng không phải chuyện đơn giản.





Muốn phát triển, luôn cần những bước đi đầu tiên từ những kẻ tiên phong dũng cảm. Việt Nam đã chính thức có đại diện tham gia đua Rally quốc tế kể từ năm 2019, khai mở sự quan tâm đến bộ môn này và kéo theo các hoạt động liên quan trong những năm gần đây. Các đội đua mới dần xuất hiện, một số giải đua nhỏ lẻ diễn ra rải rác tại vài nơi góp phần thiết lập nền móng cơ bản cho phong trào…

Tuy nhiên, cú hích mạnh mẽ thực sự cho Rally tại Việt Nam chỉ đến khi Hyundai Thành Công tổ chức chương trình mang tên “New Tucson chinh phục huyền thoại Trường Sơn” vào giữa tháng 10 vừa qua. Đó vừa là sự kiện ra mắt mẫu xe Tucson 2025 đời mới sở hữu hàng loạt cải tiến ưu việt, vừa là dịp không thể tốt hơn để phổ biến bộ môn Rally Motorsport đến cho các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Thử xe kiểu Motorsport đúng chuẩn quốc tế


Đáp chuyến bay sáng sớm đến Đồng Hới (Quảng Bình), gần 50 người chúng tôi ít nhiều đều hồi hộp, không hề hay biết những gì đang đón chờ mình trong những ngày sắp tới. Lịch trình sơ bộ được ban tổ chức gửi đi chỉ cho thấy thời gian biểu với 4 ngày 3 đêm, các điểm dừng nghỉ cuối mỗi ngày tại Quảng Trị và Quảng Nam, nhưng đường đi cụ thể và cách thức di chuyển vẫn là bí ẩn.





Đáng chú ý, ngày thứ 2 của chuyến đi mới là lúc thực sự bắt đầu hành trình, tuy nhiên chúng tôi đã được tập trung sớm hẳn 1 ngày và có nguyên một buổi chiều chỉ để “họp chuyên môn”. Điều này khiến không ít người bày tỏ sự lo ngại rằng đây không phải là một cuộc dạo chơi thông thường như bấy lâu nay vẫn quen thuộc.

Quả đúng như vậy. Là người từng tham dự vô số sự kiện trải nghiệm xe cả trong nước lẫn ngoài nước, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một buổi briefing nào diễn ra trong không khí… “căng thẳng” đến thế! Tất cả đều im lặng, chăm chú lắng nghe từng lời của vị Trưởng ban trọng tài kiêm tay đua chuyên nghiệp Phan Triệu Dũng Tâm phổ biến kiến thức về bộ môn Rally.











Từ những khái niệm cơ bản, đôi nét lịch sử, các dẫn chứng về sự hấp dẫn của Rally trên phạm vi toàn cầu… cho đến những thuật ngữ, quy định cụ thể, cách thức sử dụng Roadbook (sách dẫn đường) và hàng loạt những điều cần lưu ý, mọi thứ đều quá đỗi mới mẻ! Chúng tôi như quay lại thời đi học, ngồi trong giảng đường cố gắng tiếp thu một lượng thông tin khổng lồ, tranh thủ ghi ghi chép chép những gì mình nghe được trong khi người thầy đứng lớp cứ thao thao bất tuyệt…











Theo đó, chúng tôi được chia làm 12 đội, mỗi đội có 4 người trên 1 xe Tucson và phần lớn hành trình vẫn sẽ diễn ra theo chuẩn caravan – đi theo đoàn, nối đuôi nhau, từ điểm A đến điểm B rất rõ ràng. Tuy nhiên, xen vào giữa sẽ là trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với những chặng Selective Section (viết tắt SS) đúng thể thức Rally. Tại đó, mỗi xe xuất phát cách nhau 2 phút, phải tự tìm đường theo những gì được ghi trong cuốn sách Roadbook thì mới có thể đến được nơi cần đến và được ghi nhận thành tích, xét thứ hạng chung cuộc để nhận những giải thưởng “rất có giá trị”.

Cả 3 chặng SS đều chứa đựng vô số thử thách khi chúng tôi không những phải đi đúng đường mà còn cần phải đi nhanh và cố gắng hạn chế phạm lỗi. Nếu đội nào đi lạc và không thể về đích trong thời gian cho phép, đội đó sẽ bị tính là Did Not Finish (DNF – không hoàn tất chặng đua). Nếu đi nhanh quá, hoàn toàn có thể dính lỗi vi phạm tốc độ giới hạn do ban tổ chức quy định, bị cộng thêm thời gian vào thành tích. Đường chạy cũng không phải khép kín mà vẫn là đường giao thông bình thường với đầy đủ biển báo, vạch kẻ, đèn tín hiệu, khu dân cư…, nên lại càng phải cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn chung.





“Đi xong chuyến này, tất cả các bạn sẽ đủ khả năng và kinh nghiệm để có thể tự tin tham gia mọi giải đua Rally trên khắp thế giới”, anh Tâm dõng dạc tuyên bố. Dù vậy, ngay cả khi đã trải qua một buổi “nghe giảng” và được cầm trên tay những cuốn Roadbook thực thụ sau bữa ăn tối, nhiều người trong chúng tôi vẫn hoang mang.

“Hay là mình cứ bấm Google Maps đến điểm ăn trưa cho xong, đi kiểu này làm gì lằng nhằng quá”, “Thôi bác ơi, làm thế bị DNF là khỏi lĩnh giải, phí lắm…”, các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi trong sự hồi hộp và háo hức. Không ít đội cùng nhau thức khuya chỉ để nghiên cứu đường đi và phân công vai trò, chẳng khác nào các tay đua chuẩn bị đấu giải World Rally Championship. Đến ban tổ chức cũng phải bất ngờ vì mọi người… quá nghiêm túc, hoàn toàn không có những lời rủ nhau đi nhậu như thường lệ!











Tất nhiên, không phải ai cũng xa lạ với Rally. Một vài người đã từng biết đến bộ môn này qua những lần đưa tin hoặc tìm hiểu về các cuộc đua nổi tiếng, thậm chí từng đi theo hỗ trợ đoàn Việt Nam ở những giải Asia Cross Country Rally (AXCR) khu vực Đông Nam Á. Nhưng đứng bên ngoài nhìn vào thì luôn khác xa so với việc trực tiếp tham gia.

Không lạc đường, không phải Rally




Bắt đầu đua!








Được xếp vào đội số 04, xe chúng tôi xuất phát ở vị trí thứ tư tại chặng SS1 mở đầu, tức là cách xe đầu tiên đúng 6 phút. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, những thử thách đúng chất Rally đã lập tức được thể hiện rõ.





Một trong những nét hấp dẫn đặc trưng của Rally là sự hiện diện của người lái phụ “Co-driver” bên cạnh người lái chính. Nếu như trong các thể thức đua quen thuộc chỉ có “1 người, 1 xe” tự chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, thì Rally đề cao tính đồng đội khi tầm quan trọng của lái phụ ngang ngửa lái chính, trong nhiều trường hợp còn mang tính chất quyết định vì nếu chỉ dẫn sai đường thì mọi nỗ lực vận hành xe có chuẩn đến mấy cũng sẽ “đổ sông đổ biển”.





Nhiệm vụ của “Co-driver” là đọc thông tin trong sách Roadbook và điều hướng cho lái chính. Thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng trong thực tế thì không hề dễ chút nào. Lý do: dưới áp lực ganh đua thành tích, người lái chính luôn cố chạy xe thật nhanh. Chế độ Sport trên chiếc Tucson được kích hoạt sẵn, cứ chỗ nào nhắm bứt tốc được là nhồi ga hết cỡ, miễn sao không vượt quá giới hạn quy định là ổn. Xe lao đi vun vút, số km quãng đường hiển thị trên thiết bị trip-meter cũng tăng theo vùn vụt, buộc mắt của “Co-driver” phải liên tục đảo qua đảo lại để đối chiếu thông tin.





Nội dung của một trang sách Roadbook thường tuân theo một bố cục nhất định, trong đó thông tin được chia làm 3 mục. Ngoài cùng bên trái cho biết quãng đường tổng thể và nơi gặp phải nội dung được miêu tả ở dạng con số với đơn vị km, chẳng hạn nếu thấy số “0,55” thì có nghĩa là “550 mét”, nếu là “1,73” thì diễn giải thành “1.730 mét”. Mục thứ 2 nằm ở giữa, cho biết hướng đi thay đổi như thế nào bằng hình vẽ chi tiết. Đi thẳng hay rẽ và rẽ hướng nào, có dấu hiệu nhận diện ra sao, đều được thể hiện tại đây. Mục thứ 3 ở ngoài cùng bên phải trang sách có tác dụng bổ sung thêm thông tin như tốc độ giới hạn, yếu tố nguy hiểm, địa hình mấp mô không bằng phẳng… và cả những ghi chú bằng từ ngữ ngắn gọn.





Mặc dù sách ghi mọi thứ rất logic, nhưng số lượng thông tin cần phải lưu ý là cực nhiều, hoàn toàn có thể gây choáng ngợp cho những ai không quen. Cộng thêm việc xe đang di chuyển nhanh và nhiều lúc còn lắc lư chao đảo khi gặp mặt đường xấu, rất dễ xảy ra các hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu hay thậm chí say xe… Sai sót là điều khó có thể tránh khỏi. Lúc bạn nhận thấy cảnh quan phía trước không còn khớp với những gì được mô tả trong sách Roadbook nữa, bạn đã lạc đường rồi đó.





Đội chúng tôi đã được chứng kiến tận mắt vài đội khác đi lạc ngay trong những phút giây đầu tiên của cuộc chơi. Chẳng đâu xa, chỉ mới di chuyển được khoảng 500 mét là có một ngã ba, hướng đi đúng là rẽ trái. Thế nhưng khi đến ngã ba đó, chúng tôi lại thấy một chiếc Tucson đang… lúi húi quay đầu ở hướng rẽ bên phải. Thì ra đội này đã quên mất lời dặn của ban tổ chức về việc thay đổi thông tin trong sách Roadbook, vốn dĩ đã được thông báo từ tối hôm trước.





Ít nhất thì họ vẫn đủ tỉnh táo, kịp thời nhận ra sai lầm và mau chóng sửa sai, không như những đội đi lạc mà tưởng rằng mình đi đúng. Đó là trường hợp của một đội xuất phát trước chúng tôi chỉ cách vài phút, nhưng chạy không quá nhanh nên để chúng tôi bắt kịp. Đến đoạn ngã ba ở km số 10, sách Roadbook chỉ đi thẳng, nhưng chiếc Tucson của họ lại… rẽ phải và đã thế còn phóng đi rất dứt khoát. Nhìn kỹ mới thấy, hóa ra đây là một “chiêu trò” của nhóm vẽ đường, thay vì để mũi tên hướng lên trên như các ô khác, đến ô này hình vẽ được xoay 90 độ theo chiều kim đồng hồ, ai không để ý thì chắc chắn sẽ “dính bẫy”.





Mà “cạm bẫy” được cài cắm ở khắp mọi nơi. Đang hí hửng vì loại được các đối thủ, đến lượt chúng tôi trở nên chủ quan và mắc lỗi. Sách ghi đi thẳng vào lối ra thứ 2 của một cái bùng binh, chúng tôi làm theo nhưng chạy được khoảng hơn 700 mét thì gặp một đụn cát rất to chắn ngang đường, không thể vượt qua được, chỉ còn cách quay đầu.





Đến khi quay trở lại chỗ bùng binh, chúng tôi mới vỡ lẽ. Hướng đi thì vẫn đúng, nhưng con đường đó là loại đường có 2 làn, được chia đôi bởi một dải phân cách cứng. Nhìn vào Roadbook thì thấy có dòng chữ “Keep left”, ngụ ý là cần đi vào làn đường bên trái thì mới tránh được chướng ngại vật. Thế đấy, mọi chỉ dấu thông tin đều có ý nghĩa quan trọng, không có gì là thừa thãi cả, lơ đễnh bỏ qua là “khóc hận” luôn. Vậy nên đội nào khôn khéo ở đoạn này sẽ giành được lợi thế khoảng 5 phút vô cùng quý giá.

















Sau cú sai sót đó, chúng tôi tự nhắc nhở lẫn nhau phải bình tĩnh hơn và đã kịp hoàn tất SS1 ở vị trí thứ nhì, khá suôn sẻ. Về đến điểm ăn trưa, hỏi chuyện các đội khác thì mới biết là hầu như tất cả đều “hóc xương” tại khúc vòng xoay đó, chỉ trừ duy nhất một đội không bị “dính” là vì… đi quá chậm, khi tới bùng binh đang chuẩn bị rẽ vào thì bắt gặp tận 3 xe khác quay ngược trở ra, thế là nhập đoàn, nối đuôi nhau rồi tà tà đi tiếp! Những đội trước đấy bị lạc thì may sao toàn đi vào… đường cụt, nên chỉ cần quay đầu lại là trở về đúng hướng, dù có hơi tốn thời gian.





Bất chấp những bỡ ngỡ ban đầu, không có đội nào bị DNF sau SS1 nên chúng tôi đều cảm thấy thoải mái hơn và sẵn sàng bước vào chặng SS2 buổi chiều cùng ngày với sự hưng phấn cao độ. Các tay lái chính đã quen xe, những “Co-driver” cũng nắm được cách đọc Roadbook nhanh chóng và chính xác, tưởng chừng mọi khó khăn đều có thể được giải quyết.





Ấy thế mà vẫn có đội tiếp tục đi lạc, mà lại còn là lạc xa tít tắp, ra đến tận sát biên giới, gặp cả lính biên phòng! Vài đội thì đi vòng vèo từ thị trấn này qua thị trấn khác, từ thôn này qua thôn nọ, loay hoay mãi mà chẳng thấy đường khớp với sách gì cả. Cực kỳ trớ trêu khi xung quanh vẫn có nhà cửa, trường học, công xưởng chứ không phải chốn núi rừng hoang vu, vẫn bắt được sóng điện thoại, vẫn có người dân địa phương đi lại tấp nập… nhưng chẳng thể nhờ cậy ai trợ giúp!





Về sau nghe kể mới biết, có đội kia cứ chạy tới chạy lui ngang qua giao lộ trung tâm bản làng, khiến cụ bà bán tạp hóa gần đó thấy lạ, vẫy tay kêu chiếc Tucson dừng lại để hỏi thăm. “Các cô cậu đi đâu đấy?” “Chúng cháu bị lạc rồi ạ!” “Thế muốn đi đâu?” “Chúng cháu… cũng không biết nữa!” Quả thực là vô cùng hài hước, cười ra nước mắt.











Tại điểm kết thúc của SS2 ngay giữa khu dự án điện gió Hướng Tân thuộc tỉnh Quảng Trị, chỉ một nửa số đội xe về đích tương đối đúng giờ, trong đó có đội 04 chúng tôi. Đến lúc này, mọi người mới “hoàn hồn” sau ngày dài di chuyển hơn 160 km từ Đồng Hới, có mệt mỏi nhưng tràn đầy sự thích thú vì được tận hưởng cung đường Tây Trường Sơn mà ít ai có dịp đi qua.

















Theo dấu lịch sử


Không phải ngẫu nhiên mà phía Hyundai Thành Công và đơn vị tổ chức sự kiện lần này lại lựa chọn lộ trình “băng rừng, vượt núi” như thế. Về khía cạnh kỹ thuật, sự đa dạng địa hình của cung đường từ Lệ Thủy, Quảng Bình lên đến Khe Sanh, Quảng Trị là hoàn hảo để thách thức mọi loại xe chứ không riêng gì Tucson, mẫu crossover khung sườn liền khối vốn chỉ gắn liền với hình ảnh xe gầm cao chạy phố.





Ở chặng SS1, dù phần nhiều mang tính chất “khởi động”, giúp mọi người làm quen với luật chơi Rally nhưng vẫn khá lắt léo. Không ít đoạn đường mòn chỉ vừa đủ đúng một thân xe di chuyển, xung quanh là cây cối um tùm, chẳng may đến khúc cần đổi hướng rẽ mà lỡ đi lố qua thì cũng… đành chịu. Bản thân tôi trong vai trò lái phụ chỉ đường cũng có mấy lần tự nghi ngờ chính mình khi sách thì bảo đi thẳng nhưng nhìn phía trước thấy hẹp quá, lo lắng không biết xe có chui lọt không hay lại lao vào bụi rậm rồi mắc kẹt trong đó? Giờ nghĩ lại mà vẫn… nổi da gà!





Qua đến SS2 là một câu chuyện khác, khi bắt đầu bằng đường vượt đèo Sa Mù uốn lượn với những khúc cua liên miên bất tận, xen lẫn những đoạn xuyên qua các khu dân cư đông đúc đồng thời phải kìm hãm chân ga để tuân thủ quy định giới hạn tốc độ, rồi tiến vào khu điện gió vừa kỳ vĩ vừa ẩn chứa nguy hiểm. Tại đây đường tràn ngập đá dăm sắc nhọn và nhiều cua gắt, bánh xe đôi chỗ rít lên chát chúa khi người lái chính duy trì vận tốc trên ngưỡng 80 km/h.





Chưa kể, dù thực tế chỉ có một hướng duy nhất để dẫn ra khỏi khu vực này nhưng nguy cơ nhầm lẫn với đường rẽ vào… chân trụ tuabin gió là rất cao, nếu có nhầm thì lúc quay ra lại càng dễ mất phương hướng, lạc trong “mê cung” lúc nào không hay.





Trước tất cả những thử thách đó, những gì Tucson 2025 thể hiện phải nói là cực kỳ xuất sắc. Nhìn bề ngoài bóng bẩy như một “công tử”, nhưng chiếc xe gốc gác Hàn Quốc này tỏ ra cứng cáp và rắn rỏi đến bất ngờ.





Khung vỏ ổn định, dàn treo chắc chắn đem lại sự yên tâm cho tất cả người ngồi trong xe. Hệ dẫn động 4 bánh HTRAC bám đường rất tốt, giữ cho thân xe luôn đúng hướng để tay lái chính xử lý chuẩn xác trong cự ly hẹp. Động cơ, hộp số và hệ thống phanh đáp ứng tức thì, như thể người điều khiển muốn thế nào thì xe tuân thủ liền mạch đúng ý, hầu như không có khoảng trễ đáng kể.





Cứ như vậy, 12 chiếc Tucson đời mới đưa chúng tôi an toàn đến với điểm dừng chân nghỉ ngơi tại di tích sân bay Tà Cơn, dù tất nhiên là không phải cùng một lúc vì có đến nửa số đội đi lạc, mò mẫm mãi mới ra lại được đường lớn.





Vừa trải qua cung đường nơi cha ông năm xưa anh dũng vượt đại ngàn để duy trì tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam, chúng tôi lại tiếp tục được thưởng thức một đêm tiệc nhẹ nhàng dưới cánh máy bay Lockheed C-130 rồi cắm trại ngủ lều giữa núi rừng, bên trên là trăng rằm treo đỉnh Trường Sơn vằng vặc sáng.











Hôm sau thức dậy thì được chứng kiến màn sương sớm mờ ảo dần tan biến, nhường chỗ cho ánh mặt trời rực rỡ trên nền trời xanh ngát và mây trắng lung linh… Thật sự là một trải nghiệm không thể nào quên.













Khu di tích lịch sử này được thiết kế như một bảo tàng ngoài trời, mở cửa đón khách thập phương ghé thăm và chiêm ngưỡng tận mắt những khí tài quân sự như máy bay, xe tăng mà quân đội Mỹ từng sử dụng tại chiến trường Khe Sanh năm xưa trước khi tháo chạy.





Mặt đất bị bom đạn cày nát trong quá khứ nay đã trở thành những thảm cỏ xanh mướt, di tích được bảo tồn để những người từng tham chiến có dịp trở lại, cũng như các thế hệ sau hiểu hơn về những năm tháng khốc liệt đã qua, thêm trân quý giá trị của hòa bình.





Vượt qua giới hạn – chiến thắng chính mình


Cuộc đua vẫn chưa kết thúc, vẫn còn một chặng SS3 nữa tại Huế cần phải được hoàn tất. Đến lúc này, mỗi đội đều phần nào hiểu được năng lực các thành viên cũng như của chiếc xe Tucson đã gắn bó suốt quãng đường vừa qua. Đội nào phối hợp tốt thì đã tạm thời được ghi nhận thứ hạng cao trong tốp dẫn đầu, nhưng để duy trì thành tích lại không phải chuyện dễ dàng, bởi bất ngờ vẫn còn ở phía trước.





“Rally cũng như đời thường, chọn sai là… đi bụi”, câu nói tếu táo của tay đua chuyên nghiệp Phan Triệu Dũng Tâm trong buổi họp cách đây 2 ngày vẫn ám ảnh chúng tôi, vì thực tế mọi thứ đã diễn ra đúng như vậy. Dư âm về những toan tính, những quyết định về hướng đi và ngã rẽ cũng như kết quả thu được càng thôi thúc cả đội phải làm tốt hơn nữa, phải chính xác và quyết đoán hơn.





Thế nên lúc ban tổ chức đột ngột đưa ra thêm một lối đi “dễ” cho SS3 (đường ngắn hơn khá nhiều so với ban đầu, nhưng cộng thêm 45 phút vào thành tích) ngay trước khi vào vị trí xuất phát chặng cuối này, đội chúng tôi không cần nhiều thời gian suy nghĩ, vẫn kiên định với lựa chọn đường “khó”. Sự kịch tính càng được đẩy lên qua những lời “hù dọa” từ nhóm vẽ đường: không cẩn thận sẽ rách lốp, bể mâm hoặc mắc lầy luôn đấy! Vậy mà 2/3 số đội vẫn chấp nhận đương đầu với rủi ro, dù biết rõ nguy cơ “nằm lại trong rừng” là có thật chứ không phải chuyện đùa.











SS3 quả đúng là chặng đua khó khăn nhất, với địa hình phức tạp nhất. Đang từ đường bê tông, đi theo sách chỉ dẫn ngoặt vào đường nhỏ là y như rằng gặp phải bề mặt đất đỏ ngập tràn sình lầy và các hố đọng nước liên tiếp nhau.





Điều đáng sợ là không thể biết được những hố này nông hay sâu, trong sách chỉ thấy toàn những dấu cảnh báo nguy hiểm “!!!” lặp đi lặp lại, thôi thì đành phó mặc hết cho tay lái chính xử lý, đến đâu hay đến đó, 3 người còn lại chỉ biết cầu nguyện…











Chính trong lúc này, khi bị ép vào cung đường thực sự “khó nhằn”, Tucson mới bộc lộ hết mọi phẩm chất. Mức độ thử thách được đẩy đến cực hạn góp phần cho thấy rõ khả năng vận hành quá tốt của chiếc xe, khiến tất cả chúng tôi phải kinh ngạc! Thân xe quá vững vàng và chắc chắn, lao phăm phăm qua hết hố này đến hố khác, xóc nảy liên hồi mà rốt cuộc chẳng hề hấn gì.





Tính năng khóa vi sai trung tâm nhằm hạn chế hiện tượng mất độ bám cũng phát huy trọn vẹn tác dụng, biến hệ thống dẫn động HTRAC AWD trở nên giống như kiểu dẫn động 4WD với tỷ lệ phân bổ lực kéo 50/50 giữa cầu trước và cầu sau. Đây là điều mà chỉ mới cách đây vài năm thôi chẳng ai dám nghĩ một chiếc xe Hàn Quốc có thể làm được, đủ cho thấy năng lực phát triển sản phẩm của Hyundai đã tiến bộ vượt bậc như thế nào.











Phần vì Tucson “ngon” đến vậy, mặt khác cũng do các tay lái “cứng cựa” cố gắng hết mình, nên toàn bộ các đội chọn đi đường “khó” đều hoàn thành chặng SS3 trong sự hân hoan, thở phào nhẹ nhõm khi cả người và xe đều còn nguyên vẹn, chỉ có bộ dạng chiếc xe thì lấm lem bùn đất cứ như vừa đi đánh trận trở về. Số ít đội chọn đường “dễ” lại tỏ ra tiếc nuối vì hóa ra đường “khó” cũng không đến nỗi quá khủng khiếp như họ mường tượng, vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát.











Chấp nhận thôi, vì quá tin lời ban tổ chức nên đã dính “đòn tâm lý”, để rồi vụt mất cơ hội bứt phá. Dẫu sao, tất cả về được đến đích an toàn và không bị DNF đã là một thành công lớn. Chứ lỡ như chẳng may có xe nào mắc kẹt thật, thì lại đau đầu!













Về đến khu nghỉ dưỡng tại Quảng Nam lúc chiều tối, những bất ngờ thú vị vẫn còn tiếp diễn ở màn công bố kết quả thi tài. Xét thuần túy về thời gian hoàn tất các chặng, đội số 04 chúng tôi đứng thứ nhì, bị đội đứng nhất bỏ xa tới hơn 7 phút. Thôi thế cũng được, chúng tôi bảo nhau, đội kia chạy dữ quá mình làm sao đọ nổi, nằm trong top 3 cũng là vui rồi.











Tuy nhiên, khi tính đến phần “penalty” – các lỗi vi phạm trong quá trình đua, hàng loạt xáo trộn xảy ra. Theo đó, những lỗi phạt nặng nhất gồm “Stop & Go” (bắt buộc xe dừng hẳn tại những đoạn giao lộ tiềm ẩn nguy hiểm), vượt quá giới hạn tốc độ 100 km/h trên toàn bộ đường chạy và giới hạn 40, 50, 60 hoặc 80 km/h tại một số khu vực nhất định, tất cả đều ghi rõ trong sách Roadbook. Đội nào càng vi phạm nhiều, lỗi cộng dồn lại khiến thành tích thực tế tăng thêm cả khúc.

Kết quả chung cuộc, đội đang đứng nhất bỗng tụt xuống hạng 3, để cho đội trước đó đang mấp mé đứng ngoài top 3 được vươn lên hạng nhì, còn đội chúng tôi thì giành được giải nhất. Cảm xúc vỡ òa, trong khoảnh khắc đó niềm vui ập đến thật sự khó tả, chỉ biết rằng thế là mọi nỗ lực trong những ngày quá đều đã được đền đáp xứng đáng!





Có thể khẳng định, thành công đến từ những nỗ lực, sự tích lũy kinh nghiệm không ngừng và nhất là tinh thần tập thể. Trong suốt quá trình, tôi cảm thấy may mắn vì các đồng đội xung quanh đều thể hiện được sự đồng lòng, đoàn kết, nhiệt tình hỗ trợ lẫn nhau và cùng quyết tâm vì mục tiêu chung. Đó có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, vì xét cho cùng mỗi cá nhân riêng lẻ trong đội chúng tôi đều không phải là những “ngôi sao” sáng giá và nổi trội như một số thành viên của những đội khác, nhưng khi kết hợp lại, từng người đã phát huy đúng vai trò được phân công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một chiến thắng vẻ vang cho chiếc Hyundai Tucson đời mới, đồng thời cũng giúp chúng tôi hiểu được mình có thể làm được gì khi vượt qua giới hạn của chính bản thân. Từ chỗ tham dự với tâm thế chỉ tìm hiểu xem bộ môn Rally ra sao, tất cả đã thu được những trải nghiệm quý báu, học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích, kết giao với những người bạn mới và nếm đủ mọi cung bậc cảm xúc từ hồi hộp lo lắng cho đến thăng hoa tột độ.

Một hành trình để đời






Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô vẫn đang liên tục tìm kiếm những cách thức mới mẻ để tiếp cận khách hàng, thể thức Rally Motorsport bỗng nổi lên như một giải pháp mang tính đột phá. Khác hẳn những chuyến thử xe truyền thống vốn đã quen thuộc tới mức nhàm chán, Rally đem lại những thách thức vừa chuyên sâu, đúng trọng tâm, nêu bật được đặc tính sản phẩm mà vẫn rất gần gũi, rất “đời thường”.

Hiểm nguy luôn rình rập trong môn thể thao tốc độ này, nên từ trước đến nay vẫn chưa có bất cứ hãng xe nào tại Việt Nam dám đưa bộ môn Rally vào các sự kiện chính thức. Hyundai Thành Công chính là đơn vị đầu tiên sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để tạo ra sự khác biệt và đã thu được “trái ngọt”. Gần 50 khách mời đặc biệt tham dự chương trình, dẫu cho trải nghiệm của từng người có những nét riêng, nhưng tất cả đều bày tỏ sự hài lòng sau những ngày đồng hành cùng 12 chiếc Tucson đời mới.



Góp công lớn vào kết quả mỹ mãn của hành trình là đội ngũ kỹ thuật và hậu cần Liên Minh LMT, đảm bảo cung đường hấp dẫn nhưng vẫn an toàn tuyệt đối


Niềm vui không chỉ đến với những người đạt được thành tích cao trong cuộc đua, mà còn mang lại sự thỏa mãn cho các đội xe “chẳng may” lạc đường vì đã được chiêm ngưỡng tận mắt những khung cảnh ngoạn mục, được đặt chân tới những vùng đất kỳ thú mà có lẽ rất lâu nữa họ mới có dịp quay trở lại. Bên cạnh yếu tố an toàn luôn là mục tiêu lớn nhất trong mỗi hành trình lái thử xe, “Chinh phục huyền thoại Trường Sơn” còn làm được nhiều hơn thế khi đã truyền tải trọn vẹn tinh thần Rally chân thực đến cho chúng tôi.

Những kỷ niệm đẹp, những câu chuyện thi vị trong chuyến đi vừa qua chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều, đơn giản vì ấn tượng để lại quá sâu đậm, không thể phai nhòa. Rồi từ đây, tiềm năng to lớn từ sự độc đáo của mô hình trải nghiệm theo phong cách Rally cũng chắc chắn sẽ thu hút các đơn vị khác trong ngành xe “học hỏi”, hứa hẹn tiếp tục lan tỏa sức hấp dẫn của bộ môn thể thao này đến cho đông đảo người Việt hơn nữa!
















































 
Last edited by a moderator:

Thành viên trực tuyến

No members online now.

Tin trong nước

Công Ty Cổ Phần Car Passion

460/6/11 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM,
Điện thoại: 083-8039939
Email: contact@carpassion.vn

Giấy phép MXH số 256/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 17/06/2020
Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Thị Phương Thảo

Kết nối với chúng tôi

Top