Kỹ năng lái xe an toàn: Cách thức sử dụng hộp số đúng cách

0

sudung_hopso_00.jpg

Để vận hành một chiếc xe ô tô hiệu quả và hợp lý nhất, mọi tay lái đều nên biết làm chủ kỹ năng chuyển số, dù là hộp số sàn hay hộp số tự động.

Tóm tắt
– Sử dụng đúng cấp số của hộp số là yêu cầu cơ bản của việc lái xe nâng cao
– Với hộp số sàn, thao tác chuyển số nên được thực hiện trơn tru và chính xác để các hành khách đi cùng không nhận ra
– Với hộp số sàn, khi giảm tốc độ trên đường bằng hãy dùng phanh chân chứ không nên xuống số từng cấp một. Ngoại lệ là khi xuống dốc, hãy vận dụng số thấp để phanh bằng động cơ
– Hộp số tự động khiến mọi thứ nhàn hạ hơn rất nhiều, nhưng đôi lúc cũng nên chủ động sang số thủ công để kiểm soát tốt hơn

Nguyên lý cơ bản của việc hiểu hộp số sàn


sudung_hopso_01.jpg

Lái xe số tự động thì đơn giản, hầu như ai cũng làm được, nhưng để hiểu tốt hơn về chiếc xe ô tô thì bạn cũng nên thành thạo về hộp số sàn. Một khi đã hiểu rõ, bạn có thể thực hiện các thao tác liên quan đến hộp số một cách nhanh chóng, trơn tru và chính xác. Điều này không chỉ tốt cho chiếc xe mà còn góp phần khiến bạn dần cải thiện kỹ năng và cảm giác lái.

Thay đổi cấp số

Khi lái xe số sàn, côn xe phải được cắt hoàn toàn, nghĩa là lúc này phải đạp hết côn. Nếu bạn cảm thấy việc vào số rất nặng và khó nhọc, đó là do chân côn của xe chưa đạp hết cỡ.

Để xe lăn bánh, cần đạp côn, vào số, nhả côn và tăng ga, xe sẽ từ từ di chuyển. Khi chuyển số lên cấp số cao hơn, bạn hãy nhả hết chân ga và chỉ nhấn lại khi đã nhả côn hoàn toàn. Việc thực hiện thuần thục thao tác này giúp côn tránh bị hỏng, máy khỏe và không bị ì, xe vận hành mượt mà.


sudung_hopso_03.jpg

Tuy nhiên, khi chuyển số xuống cấp số thấp hơn, bạn nên duy trì một chút áp lực lên chân ga để tốc độ động cơ khớp với vận tốc xe đang di chuyển sau khi nhả côn. Ngày nay, các hộp số sàn đều đã có bộ đồng tốc để hỗ trợ đảm bảo sự êm ái lúc chuyển số.

Khi thực hiện một cách khéo léo, tất cả các thao tác chuyển số lên và xuống đều sẽ diễn ra trơn tru và các hành khách đi cùng bạn sẽ không cảm thấy gì bất thường cả. Chẳng ai muốn ngồi trong chiếc xe giật cục, khựng lên khựng xuống.

Dùng đúng cấp số theo từng trường hợp

Từ vị trí đứng yên, bạn hãy luôn luôn cho xe lăn bánh bằng cách vào số 1, ngay cả khi bạn biết rằng chiếc xe của mình có đủ sức để lăn bánh từ số 2. Bắt đầu lăn bánh bằng số 2 sẽ khiến mòn ly hợp nhanh hơn vì bạn phải gài nó chậm hơn và để nó trượt nhiều hơn. Không chỉ có vậy, lúc đó cú tăng tốc ban đầu của bạn sẽ không được nhanh và dứt khoát như với số 1, đồng thời cũng có nguy cơ gây tắt máy cao hơn.


sudung_hopso_04.jpg

Bạn cần biết tốc độ tối đa mà xe của bạn có thể đi được tối ưu nhất ở mỗi cấp số cụ thể. Trên các dòng xe đời cũ, chúng thường được đánh dấu nhỏ ngay trên đồng hồ tốc độ (xe đời mới hầu như không còn), hoặc được liệt kê trong sổ tay hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Thường thì không nên để động cơ vượt quá những giới hạn này mà hãy mau chóng chuyển sang cấp số tiếp theo ngay, bạn sẽ biết khi tiếng động cơ gào rú ầm ĩ.

Để ý đồng hồ vòng tua máy

Đây là một công cụ rất hữu ích, mặc dù nếu bạn là người mới biết lái xe thì cũng đừng nên nhầm lẫn nó với đồng hồ tốc độ. Khi nhìn vào đồng hồ tua máy, bạn sẽ thấy một khu vực màu cam để cảnh báo khi bạn đang gần đến giới hạn của động cơ và một khu vực màu đỏ để chỉ ra chính xác vùng giới hạn đó.

Ngoài việc hiển thị cho bạn giới hạn của động cơ, đồng hồ đo vòng tua máy cũng có thể hữu ích trong việc tận dụng tối đa đặc tính công suất của động cơ. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy động cơ đạt sức kéo mạnh nhất trong khoảng 3.500 vòng/phút đến 5.000 vòng/phút, đồng hồ vòng tua có thể giúp bạn quyết định cấp số nào là cần dùng đến khi cần vượt xe khác.


sudung_hopso_05.jpg

Đồng hồ vòng tua máy cũng hữu ích để giúp bạn nhận ra đặc tính của động cơ, chẳng hạn như việc các loại động cơ xăng trên xe phổ thông hầu như khó có thể tăng tốc tốt khi vòng tua dưới mức 2.000 vòng/phút, vì vậy bạn nên lưu ý những ngưỡng này để xe vận hành trơn tru. Đây là một nguồn cung cấp thông tin khác, bên cạnh âm thanh của động cơ khi nó cố sức để tăng tốc ở cấp số không phù hợp.

Chọn cấp số nào ở tốc độ nào?

Để trả lời câu hỏi này, bạn cần nhận biết sự cân bằng giữa tính kinh tế, hiệu năng và cả giới hạn của chiếc xe bạn đang lái. Một số người có xu hướng để xe vận hành ở cấp số cao nhất có thể, số khác lại hay lừng khừng ở các cấp số ở tầm giữa và dẫn đến việc vòng tua máy hay bị vọt lên cao. Cách tiếp cận của bạn phải hợp lý, nằm giữa những thái cực này.

Theo nguyên tắc đi trên đường bằng phẳng, vận tốc nào thì đi số đó: số 1 đi chậm trong khoảng 0-15 km/h, số 2 từ 15-25 km/h, số 3 từ 25-35 km/h, số 4 từ 40-55 km/h… Tất nhiên trên thực tế sẽ còn tùy thuộc vào loại xe bạn dùng, sức mạnh động cơ và việc hộp số của xe đó có mấy cấp.


sudung_hopso_02.jpg

Một số trường hợp đặc biệt như khi vượt dốc, leo dốc sẽ tốt hơn khi bạn chủ động chọn số thấp để tăng sức vọt cho xe; còn ngược lại khi đổ dốc thì số thấp cũng là lựa chọn tốt để tận dụng khả năng phanh bằng động cơ.

Xuống số hay phanh?

Như trên đã đề cập, việc sử dụng cấp số thấp để kìm hãm tốc độ xe chỉ nên dùng khi xuống dốc, chứ không phải trên đường giao thông bình thường. Một số tài xế có thể hay dùng cách này vì chịu ảnh hưởng từ thời xa xưa, khi hệ thống phanh ô tô lúc đó còn sơ khai. Hiện giờ mọi thứ đã khác, trên những chiếc ô tô ngày nay đó là một sự phức tạp không cần thiết (trừ khi bạn phải đối mặt với lỗi phanh) sẽ làm giảm tuổi thọ của ly hợp và hộp số của bạn. Xét cho cùng, một bộ má phanh chỉ bằng một phần nhỏ chi phí của một hộp số mới.


sudung_hopso_07.jpg

Bạn luôn luôn nên giảm tốc độ bằng phanh và chỉ chuyển xuống số thấp hơn khi biết có dấu hiệu xe cần dừng lại (gặp đèn đỏ, đến chỗ đỗ xe…). Ngoài ra, nếu như đến đoạn đường đông đúc như giao lộ, bùng binh cần giảm tốc độ tạm thời thì có thể không cần xuống số lần lượt mà xuống hẳn một cấp số đảm bảo nhiều sức kéo (ví dụ như đang từ số 5 xuống số 3) để mau chóng tăng tốc trở lại.

Sử dụng hộp số tự động

Hộp số tự động khiến cho việc lái xe trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, người lái chẳng còn cần phải bận tâm suy nghĩ đến chân côn hay cấp số. Cứ gài "D" là chạy, "P" là dừng/đỗ, "R" là lùi… quá đơn giản! Cấp số nào ở tốc độ nào, hộp số tự động cũng làm thay cho người lái hết cả.


sudung_hopso_06.jpg

Nhưng đôi khi vẫn phát sinh những trường hợp mà bạn, người lái, cần chủ động kiểm soát cấp số. Đó là những lúc leo dốc hay đổ dốc, hoặc bạn cần vượt xe phía trước và biết rằng cấp số nào là tốt nhất để thực hiện cú vượt theo cách hiệu quả nhất. Các xe trang bị hộp số tự động cung cấp quyền sử dụng số tay chủ động theo nhiều cách, có thể là gạt sang "M", "+/-" hoặc thông qua cặp lẫy chuyển số sau vô-lăng.

Một số lưu ý khác khi dùng hộp số tự động: nếu bạn muốn dừng lại nhiều hơn vài chục giây như khi dừng đèn đỏ thì có thể bỏ chân khỏi chân ga, chuyển số về "N" và để hờ chân ở phanh; nếu chỉ dừng không quá lâu thì không cần chuyển số mà chỉ cần giữ phanh là đủ. Ngoài ra, không bao giờ được sử dụng chân trái của bạn trên phanh chỉ vì cảm thấy nó "lạc lõng". Lái xe số tự động bằng 2 chân là vô cùng nguy hiểm.

Tổng hợp

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trước“SUV bán chạy” KIA Telluride 2022 trình làng: Diện mạo hầm hố được sửa đổi cùng nhiều trang bị công nghệ hiện đại
Bài tiếp theoPorsche giới thiệu Hệ thống quản lý liên lạc PCM 6.0 với hàng loạt tính năng mới