Tìm hiểu về 5 quy tắc thiết kế đường đua

0

f1_racing_epic.jpg

Theo chuyên gia của Apex Circuit Design, việc thiết kế một đường đua dành cho xe hơi thể thao không hề đơn giản và đòi hỏi nhiều yếu tố từ kiến thức chuyên môn, nghiên cứu khoa học cho đến kinh nghiệm thực tế…

Việc thiết kế một đường đua sẽ khó khăn như thế nào? Clive Bowen đã tự đặt ra câu hỏi này cho bản thân mình khi ông sáng lập công ty Apex Circuit Design vào năm 1997. Trong vòng 2 thập kỷ sau đó, công ty của ông đã góp phần tạo nên hơn 20 đường đua hoàn toàn mới trên khắp toàn cầu và giờ đây đang trong quá trình hoàn tất đường đua Miami Grand Prix cho bộ môn F1, dự kiến sẽ tổ chức chặng đua đầu tiên trong năm 2022.

Điều mà Clive Bowen từng thắc mắc cũng khiến nhiều người phải băn khoăn. Tại sao không phải đường đua nào cũng có thể đạt tới tầm cỡ như Spa-Francorchamps hay Suzuka? Tại sao các đường đua được thiết kế mới trong những năm gần đây đều có xu hướng tạo ra khu vực thoát hiểm (run-off) rộng rãi hơn, khiến cho thử thách đối với các tay đua bị giảm đi và việc vi phạm giới hạn đường đua vẫn là chủ đề gây tranh cãi bất tận?


spa-francorchamps.jpg

Đường đua Spa-Francorchamps lừng lẫy

Để giải đáp những câu hỏi này, chuyên gia Clive Bowen đưa ra một số quy tắc cơ bản trong việc thiết kế đường đua.

1. Đừng làm đường đua quá khó

Ông Bowen cho biết: "Chúng tôi quan niệm đường đua là một môi trường năng động để những chiếc xe đua được tung hoành, nên sẽ tránh không cho nó bị gò ép vào khuôn mẫu quá cứng nhắc. Mục đích sau cùng vẫn là để tạo ra thử thách cho xe và người lái, nhưng chỉ ở một vài khu vực chứ không phải toàn bộ đường đua. Nếu bạn thiết kế đường đua quá lắt léo, điều đó nghĩa là hoặc bạn sẽ phải lái với 100% năng lực và liên tục mắc sai lầm, hoặc tiết chế lại một chút để phạm ít sai lầm hơn nhưng vẫn rất căng thẳng. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, để trải nghiệm đua được tốt hơn thì chỉ nên đặt những khu vực ‘khiến tay đua dễ mắc lỗi’ tại vị trí nào thoạt nhìn tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây trượt xe, mất lái nếu không cẩn thận. Độ khó tại những điểm này cũng sẽ ảnh hưởng đến những phần khác diễn ra sau nó, nên cần phải cân đối sao cho phù hợp tổng thể."

2. Tránh làm đường đua quá đơn điệu

"Khi chúng tôi thiết kế đường đua, một trong những điều luôn luôn cần hướng đến là nó sẽ đáp ứng được nhiều phong cách đua khác nhau. Vì khi làm vậy thì các đội đua, bao gồm những nhóm kỹ sư và các tay đua riêng biệt, có thể lựa chọn tối ưu những chiếc xe của họ cho những phần khác nhau của đường đua, thay vì chỉ chăm chăm thể hiện tốt ở một hoặc vài khúc đua ít ỏi. Nó sẽ tạo nên sự phong phú, đa dạng và khiến cuộc đua thú vị hơn. Các tay đua cần nhiều kỹ năng chứ không phải chỉ biết dựa vào mỗi hệ thống DRS (giảm lực cản) để vượt nhau ở những đoạn thẳng."


Apex-Hampton Downs.jpg

Đường đua Hampton Downs do Apex thiết kế tại New Zealand

3. Khảo sát trắc địa là mấu chốt

"Thông thường, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện dựa trên những gì mình được giao, cho dù đó là xây dựng cơ sở mới hoàn toàn hoặc sửa lại nền tảng sẵn có. Tuy nhiên khi có bất cứ ai tìm đến chúng tôi với lời đề nghị ‘Có đất làm đường đua đây!’ thì điều đầu tiên chúng tôi hỏi sẽ luôn là ‘Nó trông như thế nào?’. Khu đất đó bằng phẳng, hay có ngọn đồi? Nền đất là loại gì? Có sông ngòi chạy qua không? Lý tưởng nhất vẫn sẽ là hoàn tất đường đua mà không phải phá hủy quá nhiều cảnh quan xung quanh. Một số thậm chí cũng giúp ích, chẳng hạn như nếu có ngọn đồi thì chúng tôi sẽ thiết kế được những khúc cua uốn lượn qua nó hoặc tạo ra những đoạn dốc lên/xuống rất tự nhiên."

4. Xác định rõ đường đua phục vụ cho đối tượng nào

"Mỗi khi có khách hàng muốn chúng tôi thiết kế đường đua F1, thay vì bắt tay vào làm luôn, chúng tôi sẽ hỏi ngược lại vì sao họ muốn như vậy. Có rất nhiều người cứ nghĩ rằng đua xe thì chỉ có mỗi F1, trong khi thực tế là còn nhiều cấp độ khác thấp hơn cả về quy mô lẫn chi phí thực hiện. Bằng cách giải thích rõ cho khách hàng, chúng tôi không chỉ giúp họ tiết kiệm tiền mà đôi khi nhờ đó mà có thể phát sinh thêm các cơ hội đầu tư khác đem đến lợi nhuận tốt hơn.


apex_bangsaen.jpg

Đường đua Bangsaen được Apex thiết kế tại Thái Lan

Tất nhiên, mọi thông số đường đua luôn phải tuân theo tiêu chuẩn do FIA (Liên đoàn Ô tô Quốc tế) đặt ra, nhưng tùy theo mong muốn của khách hàng mà chúng tôi có thể điều chỉnh theo hướng khó hơn hoặc dễ hơn. Chẳng hạn như nếu thiết kế đường đua theo chuẩn Grade 3 thì độ gắt của những khúc cua sẽ luôn ‘dễ thở’ hơn nhiều so với các cấp độ cao hơn nó là Grade 2 hoặc Grade 1. Việc đem chiếc Porsche 911 vào một đường đua Grade 3 sẽ mang lại trải nghiệm lái thú vị và thoải mái hơn so với khi chạy ở các đường đua dành cho xe F2 hoặc F1. Bởi lẽ, xe F1 với tiêu chuẩn cao nhất và khắt khe nhất, có thể làm được những điều mà các dòng xe ở cấp độ thấp hơn khó lòng thực hiện. Vậy nên nếu đã làm đường đua tối ưu cho F1 thì cũng sẽ khiến các tay đua phổ thông dễ bị ‘ngợp’, mất vui."

5. Khu vực run-off rải nhựa đang là xu thế, nhưng vẫn còn chỗ cho run-off rải sỏi truyền thống

"Khi chúng tôi xây dựng đường đua Dubai Autodrome vào năm 2004, đó là nơi đầu tiên hiện thực hóa mong muốn của FIA về một đường đua chỉ dùng nhựa đường cho khu vực run-off. Việc này đã làm đúng chức năng đảm bảo an toàn, không chỉ cho xe đua 4 bánh mà còn cho cả mô-tô 2 bánh. Nhưng cũng vì thế mà phát sinh tình trạng vi phạm giới hạn đua mà giờ đây đã trở thành một phần của văn hóa đua xe thể thao vì các tay đua luôn tìm cách lợi dụng nhiều hơn, gây tranh cãi suốt. Ngày trước, bạn phải rất cẩn thận vì nếu lao ra ngoài vạch đường đua sẽ chỉ có đất, sỏi hoặc cỏ và coi như hết cơ hội. Tuy nhiên giờ đây đã có cả một thế hệ các tay đua quen với khu vực run-off rải nhựa rộng rãi thênh thang, không hề gây khó khăn gì cả.


Apex-Dubai Autodrome-Motorcity.jpg

Đường đua Dubai Autodrome

Theo tôi, khi đã xây dựng một trường đua thì đó chính là một khoản đầu tư dài hạn. Bạn không chỉ tổ chức các giải đua hoành tráng mà còn phải duy trì đường chạy cho những khách thuê thông thường nữa. Vấn đề là, các tay lái phổ thông chưa chắc đã nắm rõ về những yếu tố như racing line tối ưu, khi nào nên phanh, v.v… Thử tưởng tượng, nếu như một chiếc siêu xe đắt tiền bị mất lái và văng ra ngoài nền sỏi thì kèm theo đó sẽ là chi phí sửa chữa khủng khiếp, nhưng nếu vùng run-off rải nhựa thì hầu hết trường hợp chiếc xe sẽ chẳng sao cả, chỉ mất chút thời gian dừng lại định thần và dễ dàng quay về đường đua nhanh chóng. Vì lẽ đó, nếu muốn hoàn vốn sớm nhất có thể thì cứ làm run-off rải nhựa thôi, cho lành.

Mặt khác, vẫn có người tin rằng vì đua xe là bộ môn thể thao nên phải có thử thách và làm run-off dễ quá sẽ không đúng với tinh thần trong quá khứ. Bạn kiểm soát tốc độ không tốt, ôm cua quá rộng thì phải có cơ chế trừng phạt và run-off rải sỏi là phù hợp nhất để thực hiện điều này. FIA cũng rất thực tế và đang cân nhắc sử dụng sỏi trở lại trong các thiết kế đường đua mới, tất nhiên chỉ ở những vị trí phù hợp nhằm không cho các tay đua lợi dụng quá nhiều."

Tham khảo Autocar Motorsport

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcMorgan Plus Four phiên bản giới hạn mừng 60 năm chiến thắng hạng tại giải đua Le Mans danh giá
Bài tiếp theoĐánh giá Hyundai Santa Fe “xe của năm – Car Awards 2021”: Đâu là yếu tố tạo nên thành công?