Vi phạm những điều này sẽ khiến xe bị từ chối đăng kiểm

0

dangkiem-02.jpg

Tại Việt Nam, theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, ô tô chở người các loại (đến 9 chỗ) không kinh doanh vận tải có chu kỳ kiểm định như sau: 30 tháng với ô tô chưa qua sử dụng; 18 tháng đối với ô tô đã sản xuất 7 năm; 12 tháng đối với ô tô sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm; và 6 tháng đối với ô tô sản xuất trên 12 năm.

Những trường hợp bị từ chối đăng kiểm 2023​

Chưa nộp phí phạt nguội

Lái xe chưa nộp phí phạt nguội đã vi phạm trước đây sẽ bị từ chối đăng kiểm. Theo đó, lái xe phải hoàn tất việc đóng phí phạt nguội thì mới được quay trở lại trung tâm để làm thủ tục đăng kiểm.

Thay đổi hệ thống đèn

Theo văn bản số 6688/ĐKVN-VAR của Cục đăng kiểm Việt Nam đã được gửi đến các đơn vị đăng kiểm, tất cả những xe lắp đèn không đúng tiêu chuẩn sẽ không được đăng kiểm.

Đèn đúng tiêu chuẩn là: không có thêm đèn nào khác ngoài mẫu thiết kế của nhà sản xuất; đường cắt ánh sáng đạt chuẩn; không thay đổi cấu hình xe (thay đổi về mặt dưỡng).


dangkiem-04.jpg

Thay đổi màu sơn

Việc làm thay đổi màu sơn xe so với nguyên gốc bằng bất cứ phương thức nào, kể cả dán decal, cũng sẽ bị từ chối đăng kiểm. Ngoài ra, các chủ xe cũng cần lưu ý khi dán decal quảng cáo thì sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện (Khoản 2 Điều 32 Luật Quảng cáo).

Với lỗi này khi tham gia giao thông, chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2019).

Lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc

Chủ xe lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc vượt quá tỷ lệ tiêu chuẩn (DxRxC: 4x3x4 cm). Phía cơ quan đăng kiểm sẽ từ chối đăng kiểm do làm thay đổi kết cấu xe của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, lái xe sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng với cá nhân, từ 12.000.000 – 16.000.000 đồng với tổ chức nếu "Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;" (Điểm a Khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).


dangkiem-05.jpg

Lắp thêm ghế đối với xe van

Tại Việt Nam một số dòng xe được xếp loại là ô tô tải van với các đặc điểm: khoang chở hàng dạng kín liền khối với khoang người ngồi; có bố trí cửa xếp, dỡ hàng ở phía sau và có thể có thêm ở hai bên thành xe; ô tô tải Van có vách ngăn và/hoặc kết cấu rào chắn cố định để ngăn cách giữa khoang chở hàng và khoang người ngồi. Chủ xe lắp thêm ghế ngồi phía sau cho xe van sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Lỗi này cũng sẽ bị xử phạt tương tự như lỗi "Lắp thêm cản trước, cản sau, giá nóc" với mức 6.000.000 – 8.000.000 đồng với cá nhân, từ 12.000.000 – 16.000.000 đồng với tổ chức.

Thay đổi kết cấu xe

Cơi nới thùng hàng có chiều cao vượt quá thông số tiêu chuẩn (lỗi thường thấy ở xe tải chở hàng), thay đổi body kit, và sử dụng mâm lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc)… đều không được đăng kiểm.


dangkiem-03.jpg

Không lắp thiết bị camera giám sát hành trình

Theo Nghị định 91/2009, có 5 loại ô tô phải lắp camera hành trình gồm: Xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container. Theo đó, các loại phương tiện này không lắp camera giám sát hành trình thì sẽ bị từ chối đăng kiểm.

Mức phạt cho lỗi quá hạn đăng kiểm mới nhất 2023​

Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sử đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng: "Điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);".

Phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng: "Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);".

Bên cạnh đó, còn bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, có thể bị tạm giữ phương tiện không quá 7 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt hành chính.


dangkiem-01.jpg

Phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 – 12.000.000 đồng đối với tổ chức: Nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) tham gia giao thông (Điểm b Khoản 8 Điều 30, Nghị định 100);

Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 – 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô: Nếu đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc) tham gia giao thông (Điểm c Khoản 9 Điều 30).

Nếu vi phạm Điểm b Khoản 8 điều 30 và Điểm c Khoản 9 Điều 30 của Nghị định 100/2019 trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Tổng hợp

NguyenNam
Author: NguyenNam

Bài trướcVinFast tham dự triển lãm ô tô quốc tế Montreal 2023 tại Canada
Bài tiếp theoXe thể thao hybrid Chevrolet Corvette E-Ray 2024 chính thức ra mắt, tăng tốc 0-96km/h trong 2,5 giây