100 km/h
Đầu thế kỷ 20, Ettore Bugatti cùng chiếc xe đầu tiên mà ông chế tạo – De Dietrich 60 CV Course Bugatti Type 5 đã có cho mình kỷ lục đầu tiên, đó là 100 km/h. Chiếc xe đó đã khiến cả thế giới “ngỡ ngàng” khi hầu hết các phương tiện lúc bấy giờ chỉ có tốc độ tối đa khoảng 30 km/h đến 40 km/h. Khi đó, mẫu xe này được trang bị khối động cơ chỉ bốn xy-lanh nhưng có dung tích lên đến 12,86 lít! Độ khủng chưa dùng lại ở đó, động cơ này có riêng mỗi xy-lanh một bô-bin đánh lửa, trục cam và xu-páp đặt trên đầu máy và làm mát bằng dung dịch. Động cơ có công suất cực đại 60 mã lực và có thể giúp xe đạt tốc độ lên đến 120 km/h.
Chỉ có hai chiếc Bugatti Type 5 được sản xuất trong vòng hai năm và cả hai đều là xe đua.
120 km/h
Không lâu sau đó, vào năm 1904, Ettore cùng Émile Mathis đã phát triển chiếc Bugatti Type 6 với hai mức công suất là 40 mã lực và 50 mã lực. Sức mạnh của Type 6 được cung cấp bởi khối động cơ bốn xy-lanh, dung tích 7,5 lít được sản xuất bởi công ty non trẻ khi đó là Hermes-Simplex. Nó đã được sản xuất tại nhà máy Société Alsacienne de Construction Mécanique in Graffenstaden (SACM), tham gia vào một vài các cuộc đua và đã có thể đạt được tốc độ hơn 120 km/h ở thời điểm đó.
130 km/h
Giữa các năm 1904 và 1906, Ettore tiếp tục phát triển mẫu xe với động cơ Hermes-Simplex của mình với công suất cực đại 50 mã lực và 60 mã lực. Sức mạnh này có được nhờ vào việc gia tăng dung tích lên thành 8,5 lít và gần 9 lít. Ngoài ra, khối động cơ dung tích hơn 12 lí của ông có thể mang đến cho chiếc Type 7 công suất 90 mã lực, giúp xe chạy được tốc độ tối đa 130 km/h.
140 km/h
Cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, Ettore chứng kiến Hermes-Simplex sụp đổ và sự chia tách với Émile Manthis đã khiến Ettore chuyển nhà máy Gasmotorenfabrik Deutz AG của mình đến Cologne vào năm 1906. Những năm sau đó chứng kiến việc ông cho ra đời nhiều nguyên mẫu khác nhau tại đây, bên cạnh dòng xe đua sử dụng động cơ dung tích nhỏ, chỉ 1,3 lít.
Đầu năm 1909, Ettore ra mắt chiếc Bugatti Deutz Prinz Heinrich Type 9C với đốc độ tối đa lên đến 140 km/h. Mẫu xe này được ra mắt công chúng lần đầu tại giải đua đường trường Prinz-Heinrich-Fahrt, dài 1.850km. Cuộc đua này được tạo ra bởi Prince Albert Wilhelm Heinrich của vùng Prussia, dành cho các mẫu xe đường trường bốn chỗ ngồi.
150 km/h
Cũng trong năm đó, Bugatti ra mắt thương hiệu xe riêng của mình trước khi trở lại cuộc đua đường trường kể trên một năm sau đó. Với động cơ 1,4 lít, bốn xy-lanh hoàn toàn mới vối bốn xu-páp mỗi xy-lanh, chiếc Bugatti Type 13 đã có thể đạt tốc độ tối đa hơn 150 km/h và tốc độ trung bình trên đường thẳng trong cuộc đua đạt 142,5 km/h.
Trở lại sau chiến tranh thế giới thứ 1, Bugatti tiếp tục sản xuất chiếc Type 13. Chiếc xe khi đó chỉ nặng khoảng 300 kg và gần như bất bại trong các cuộc đua mà nó tham gia. Đến cuối vòng đời của mình, có tổng cộng hơn 400 chiếc Type 13 được hãng xe của Ettore Bugatti xuất xưởng.
200 km/h
Vào năm 1929, Bugatti lần đầu đạt được tốc độ trên 250 km/h với chiếc xe đua Type 45. Khi đó, Ettore đã kết hợp hai khối động cơ 8 xy-lanh thẳng hàng, tạo nên động cơ 16 xy-lanh, dung tích 3,8 lít cho mẫu xe này. Khối động cơ của xe có khả năng tạo ra công suất cực đại 270 mã lực tại tua máy 5.000 vòng/phút.
Với Type 45, Bugatti chỉ đa phần sử dụng chúng ở các cuộc đua leo đèo, tính giờ ngắn vì lốp khi ở thời điểm đó không thể chịu đựng được áp lực cao của xe tạo ra trong thời gian dài. Đến cuối vòng đời của mình, Type 45 chỉ được sản xuất vỏn vẹn 2 chiếc.
300 km/h và hơn thế
Những ý tưởng đầu tiên về một chiếc xe dân dụng có thể chạy ở tốc độ lớn hơn 300 km/h đã được Ettore Bugatti lên ý tưởng lần đầu vào năm 1929. Những bản vẽ kỹ thuật và bản phác thảo khi đó đã miêu tả về một chiếc xe sử dụng động cơ I8 từ Type 41 Royale, kết hợp cùng hộp số của mẫu Type 50, nhờ đó có thể đạt được tốc độ mà ông đề ra. Tuy nhiên, ông đã không theo đuổi mục tiêu đó đến cùng cũng chỉ vì vấn đề tài chính.
Con số đó tiếp tục nằm trên giấy, cho đến khi Romano Artioli hồi sinh thương hiệu vào đầu những năm 90. Doanh nhân người Ý mua lại Bugatti vào năm 1987 trước khi ra mắt EB110 vào năm 1992. Chiếc xe khi đó đã đạt tốc độ lên đế 342 km/h và mau chóng trở thành chiếc xe nhanh nhất ở thời điểm đó, vượt qua đối thủ của mình là Jaguar XJ220. Mẫu xe này được trang bị động cơ V12, dung tích 3,5 lít với bốn bộ tăng áp, từ đó tạo ra 560 mã lực trên bản GT và 610 mã lực tên bản SS.
350 km/h
Đúng một năm sau, chính chiếc EB110 SS đã chạy được 342 km/h (số khung 008) đã tự mình phá vỡ kỷ lục với tốc độ mới 351 km/h. Bên cạnh đó, tốc độ trung bình hai chiều cũng được phá vỡ bởi một chiếc EB110 SS khác, đạt 344,7 km/h.
Trên 400 km/h
Bước vào thế kỷ mới, Bugatti liên tục tạo nên các kỷ lục tốc độ khác nhau. Đầu tiên là kỷ lục mà chiếc Veyron 16.4 lập được vào năm 2005 với tốc độ tối đa 408,47 km/h. Năm năm sau đó, Bugatti Veyron Super Sport lập nên kỷ lục mới, dạt 431,072 km/h dưới sự giám sát của sách kỷ lục Guinness thế giới và TUV của Đức. Cuối cùng, Bugatti Veyron 16.4 Gran Sport Vitesse trở thành chiếc siêu xe mui trần nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ 408,84 km/h, kết thúc vòng đời huy hoàng của mẫu xe này.
Bugatti trang bị cho Veyron khối động cơ W16 dung tích khủng 8.0 lít trang bị kèm bốn bộ tăng áp. Động cơ mạnh mẽ này cho ra công suất ở mức từ 1.001 mã lực và 1.200 mã lực ở các cấu hình khác nhau. Sức mạnh đó được truyền đến cả bốn bánh xe thông qua một hộp số ly hợp kép 7 cấp độ, nhờ đó, chiếc siêu xe hiện đại đầu tiên của Bugatti có thể tăng tốc lên 100 km/h trong vòng 2,5 giây.
490,48 km/h
Vào năm ngoái, Bugatti tiếp tục khiến cả thế giới “sửng sốt” khi bất ngờ tuyên bố chiếc Chiron Super Sport 300+ đã trở thành chiếc siêu xe thương mại đầu tiên đạt được tốc độ ngoài 300 mph. Phiên bản nâng cấp của Chiron sở hữu phần đuôi kéo dài và các chi tiết khí động học tinh giản nhằm giúp nó chạy nhanh hơn trên đường thẳng. Kết quả, xe đã đạt tốc độ tối đa 304,772 mph, tương đương 490,484 km/h.
Mục tiêu: ngoài 500 km/h
Không dừng lại ở con số trên, Bugatti tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành hãng siêu xe nhanh nhất thế giới. Gần đây nhất, nguyên mẫu Bolide, một chiếc được chế tác với mục đích chinh phục tốc độ, đã được hãng ra mắt. Mẫu xe này có được tỉ số khối lượng / công suất ở mức chỉ 0,67 kg cho mỗi mã lực nhờ vào động cơ mạnh 1.850 mã lực và khối lượng chỉ 1.240 kg. Theo tính toán trên lý thuyết, chiếc xe có thể dễ dàng vượt qua con số 500 km/h.
Không những thế, Bolide cũng sẽ trở thành một trong những chiếc xe siêu xe nhanh nhất trên đường đua khi có thể hoàn thành một vòng chạy tại Nurburgring trong 5 phút 23,1 giây và một vòng trường đua Circuit de la Sarthe trong 3 phút 7,1 giây.
Nguồn Bugatti