Từ nay đến đầu thập niên 30, hầu hết các hãng sản xuất xe hơi lớn nhỏ trên khắp thế giới sẽ điện hóa các mẫu xe của mình. Bắt đầu với những chiếc xe hybrid, sau đó là điện hoàn toàn. Trước giai đoạn đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải, động cơ hút khí tự nhiên cũng sẽ được dần thay thế bằng động cơ tăng áp. Trong lịch sử động cơ hút khí tự nhiên đương đại, đã có nhiều động cơ trở thành biểu tượng với khả năng vận hành mà nó mang lại cho chiếc xe và sau đây là 9 cái tên tiêu biểu nhất.
Động cơ F136 của Ferrari 458 Speciale
Là một trong những biểu tượng của làng xe thể thao, siêu xe cũng như đua xe thế giới, Ferrari luôn mang đến cho khách hàng của mình những động cơ tốt nhất, đó cũng là triết lý của nhà sáng lập thương hiệu, ông Enzo Ferrari. “Aerodynamics are for people can’t build engine” (tạm dịch: khí động học dành cho những người không thể chế tạo động cơ) là câu nói nổi tiếng của Enzo và nó cho thấy động cơ quan trọng đến thế nào với thương hiệu này.
Tiếp nối truyền thống đó, động cơ hút khí tự nhiên ấn tượng nhất của Ferrari trong thời gian gần đây có lẽ là động cơ F136 V8, hút khí tự nhiên dung tích 4,5 lít được sử dụng trên mẫu xe Ferrari 458 Speciale. Khối động cơ này có công suất cực đại 605 mã lực và 540 Nm mô-men xoắn ở biến thể F136 FL, đạt tỉ số công suất/dung tích ở mức 134.4 mã lực/lít, cao nhất trong số các loại động cơ hút khí tự nhiên. Động cơ V8 này cũng giành được đến 8 giải thưởng khác nhau tại “International Engine of the Year” trong khoảng thời gian nó được sản xuất.
Động cơ S54 của BMW M3 (E46) CSL
Động cơ S54 I6 của BMW M3 vốn đã rất xuất sắc nhưng BMW lại muốn mang nó lên một tầm cao mới khi ra mắt biến thể dành cho M3 (E46) CSL. Ở biến thể này, động cơ I6 hút khí tự nhiên, dung tích 3,2 lít này sản sinh 355 mã lực, biến nó thành một trong những động cơ mạnh nhất đầu thế kỷ 21.
Bên cạnh hiệu năng cực cao, âm thanh của S54 mang lại cũng ấn tượng không kém. Không giống với những triết lý âm thanh “càng to càng tốt”, âm thanh của M3 CSL mang trong nó cảm xúc và sự sống động, chất âm đặc trưng mỗi khi chạm “redline” và sang số.
Động cơ 1LR của Lexus LFA
1LR V10 là một trong những động cơ V10 ấn tượng nhất được sản xuất trong thời gian vừa qua và cũng là một trong những động cơ V10 cuối cùng, bên cạnh động cơ của Dodge Viper (cũng đã ngừng sản xuất) và động cơ của nhà Volkswagen (Audi R8 và Lamborghini Huracán). Khối động cơ V10 hút khí tự nhiên được Lexus dùng cho đúng dòng siêu xe LFA trứ danh của họ và biến nó thành tượng đài của giới siêu xe Nhật Bản.
Động cơ 1LR sở hữu công suất cực đại 553 mã lực tại tua máy 8.700 vòng/phút và có thể vận hành ở tốc độ lên đến 9.000 vòng/phút. Một trong những quyết định sử dụng động cơ V10 đó là nó nhẹ hơn V12 nhưng lại có thể quay với tốc độ cao hơn V8. Kết quả, động cơ V10 của LFA thậm chí còn nhẹ hơn động cơ V6 và âm thanh được động cơ này tạo ra là trên cả tuyệt vời.
Động cơ Busso của Alfa Romeo 147 GTA
Được đánh giá là một trong những động cơ V6 tốt nhất mọi thời đại, tuy không mạnh như những động cơ V6 khác nhưng Busso V6 của Alfa Romeo tên mẫu 147 GTA lại là động cơ mang lại nhiều cảm xúc nhất. Bởi vì, ít có hãng xe nào lại mang động cơ V6 có chất lượng tuyệt vời lên một chiếc xe cầu trước cả, chỉ có Alfa Romeo với chiếc hatchback ba cửa của họ. Điều đó khiến động cơ mang lại trải nghiệm đặc biệt khi chỉ phải vận hành một chiếc xe khá nhỏ, cùng với đó là âm thanh từ động cơ được chăm chút một cách tuyệt vời.
Động cơ M159 của Mercedes-Benz SLS AMG
Trái ngược với động cơ tăng áp được Mercedes-AMG sử dụng trong thời gian gần đây, khối động cơ V8 hút khí tự nhiên, dung tích 6,2 lít từng được sử dụng trên các mẫu xe hiệu năng cao của hãng cũng như siêu xe với bộ cửa mở theo kiểu cánh chim – SLS AMG lại được đánh giá rất cao. Một phần vì khối động cơ M159 dùng cơ cấu nạp khí tự nhiên nên âm thanh phấn khích hơn, phần khác, sự phản hồi của nó là trên cả tuyệt vời.
Với dung tích 6,2 lít, động cơ có thể tạo ra 620 mã lực ở phiên bản mạnh mẽ nhất của SLS AMG. Cùng với đó, âm thanh nó tạo ra là một tỏng những âm thanh tuyệt nhất mà động cơ V8 có thể có được. Trên những chiếc xe đua SLS GT3, âm thanh của chúng gần như khác xa đối thủ trên đường đua, mang âm hưởng đặc biệt hơn nhiều so với V8 của Corvette hay Ferrari 458.
Động cơ boxer 4.0 của Singer DLS
Khác với tất cả các động cơ ở đây, động cơ boxer của Singer Dynamics and Lightweighting Study có lẽ là đặc biệt hơn cả khi nó là động cơ làm mát bằng không khí. Khối động cơ có dung tích 4.0 lít này được sử dụng trên các phiên bản nâng cấp hiện đại của những chiếc Porsche cổ điển được làm bởi Singer.
Động cơ 6 xi-lanh, dung tích 4,0 lít có bốn xu-páp và hai kim phu mỗi xi-lanh. Thân máy được làm bằng titan, ma-giê và nguyên liệu Inconel cao cấp. Nó được phát triển bởi huyền thoại Porsche, ông Hans Mezgger và Norbert Singer dưới sự hợp tác với bộ phận kỹ thuật của đội đua Công thức 1 Williams.
Động cơ GM LS
Không quá nổi bật nhưng LS luôn là một dòng động cơ đặc trưng của GM nói riêng và xe Mỹ nói chung. Khối động cơ này không có trục cam trên đầu máy, không có bướm ga riêng cho từng xi-lanh nhưng nó vẫn có thể tạo ra được công suất ngang với những động cơ hút khí tự nhiên mạnh nhất trên thị trường. Bên cạnh sức mạnh, động cơ LS cũng phù hợp với nhiều loại xe, từ xe thể thao, cơ bắp đến những chiếc SUV hay sedan gia đình với giá bán bình dân.
Động cơ 980/01 của Porsche Carrera GT
Ban đầu, động cơ 980/1 của Porsche Carrera GT được phát triển để sử dụng cho xe đua Công thức 1. Tuy nhiên, nó lại không tiến đến được giải đua nhanh nhất hành tinh mà thay vào đó, động cơ được sử dụng trên chiếc xe đua LMP2000 Le Mans Prototype của Porsche.
Nguyên bản, động cơ V10 này được thiết kế với dung tích dung tích 5.5 lít nhưng được gia tăng lên thành 5.7 lít để tạo ra công suất 603 mã lực. Nhờ đó, chiếc Porsche Carrera GT đã có được khả năng tăng tốc lên 96 km/h trong 3,5 giây, hơn 200 km/h trong 8 giây và tạo ra âm thanh tuyệt vời.
Động cơ M297 của Pagani Zonda
Tuy không được chính Pagani sản xuất nhưng động cơ M297 của dòng xe Zonda vẫn là một biểu tượng của hãng. Động cơ này được Pagani mua của Mercedes-AMG để sử dụng trên những chiếc xe của mình. Từ một khối động cơ V12 có công suất chỉ 389 mã lực, hãng siêu xe Ý đã tinh chỉnh để giúp nó có công suất tối đa lên đến 789 mã lực ở biến thể mạnh mẽ nhất của dòng xe này.
Không chỉ có động cơ là tinh hoa, mỗi chiếc Zonda lăn bánh trên đường đều là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều được chế tác và lắp ráp hoàn toàn bằng tay, sử dụng những vật liệu cao cấp nhất trên thị trường. Bên cạnh những dòng xe thông thường, Pagani còn mang đến cho khách hàng của mình chương trình Zonda 760, biến những chiếc Zonda tiêu chuẩn thành những tác phẩm cá nhân hóa theo đúng yêu cầu mà chủ nhân nó đưa ra.
Tham khảo Top Gear