Trang chủ » Trên toàn thế giới, chỉ có duy nhất 1 mẫu xe có đủ cả 3 tùy chọn dẫn động FWD, RWD và AWD

Chia sẻ bài đăng này

Bảo Dưỡng & Kỹ Thuật Ô Tô / Xe Điện - EV

Trên toàn thế giới, chỉ có duy nhất 1 mẫu xe có đủ cả 3 tùy chọn dẫn động FWD, RWD và AWD

Trên toàn thế giới, chỉ có duy nhất 1 mẫu xe có đủ cả 3 tùy chọn dẫn động FWD, RWD và AWD

Khi không còn phải chịu những giới hạn về mặt kỹ thuật như đối với xe sử dụng động cơ đốt trong, việc chế tạo xe thuần điện lăn bánh thông qua các mô-tơ đã cho phép nhà sản xuất thêm tự do sáng tạo, từ đó dẫn đến sự ra đời của mẫu xe hỗ trợ đầy đủ cả 3 kiểu dẫn động FWD, RWD và AWD để khách hàng thoải mái lựa chọn tùy theo nhu cầu.

Trong thế giới xe cộ, các kiểu dẫn động bao gồm FWD (cầu trước), RWD (cầu sau) và AWD (dẫn động 4 bánh) bấy lâu nay vẫn thường là yếu tố nói lên cách thức vận hành, cũng như xác lập đẳng cấp của mẫu xe. Theo quan niệm phổ biến, xe FWD hầu hết có giá bán dễ tiếp cận số đông, trong khi xe RWD thiên về vận hành thể thao và thuộc về những tầm giá cao hơn. AWD đảm bảo độ bám đường khi đi trên bề mặt trơn trượt nên thường xuất hiện trong những phiên bản cao cấp nhất của một dòng xe, hoặc là tiêu chuẩn trên những loại xe crossover và SUV mang phong cách off-road dạng nhẹ.

Về lý thuyết, đối với xe động cơ đốt trong truyền thống, các hãng sản xuất vẫn có thể chuyển đổi một dòng xe nhất định qua lại giữa các kiểu dẫn động. Lấy ví dụ trường hợp của dòng Toyota Corolla thế hệ thứ 5, khi bán ra ở trạng thái thân coupe 2 cửa thì là xe RWD, nhưng với các hình dáng phổ thông còn lại như sedan hay hatchback thì vẫn dẫn động FWD. Hoặc như mẫu xe sang Aston Martin Cygnet, lúc ban đầu khi đổi tên từ Toyota iQ vẫn giữ nguyên là xe FWD, nhưng sau này hãng vẫn có thể tạo ra một độc bản dùng động cơ V8 và dẫn động RWD theo yêu cầu của khách hàng đặc biệt. Nhìn chung là làm được, nhưng rất hãn hữu vì phức tạp, tốn nhiều công sức, không đáng để triển khai khi sản xuất hàng loạt.

Chính vì những rào cản về kỹ thuật liên quan đến nền tảng khung gầm và dây chuyền lắp ráp trong nhà máy nên hầu hết các dòng xe chỉ được bán ra với nhiều nhất là 2 tùy chọn kiểu dẫn động. Chẳng hạn như Mazda CX-5 là xe FWD ở trạng thái tiêu chuẩn và có thêm tùy chọn AWD, hoặc BMW X3 được thiết kế ngay từ ban đầu là xe AWD (xDrive) đồng thời cũng có cấu hình RWD (sDrive) với chi phí rẻ hơn. Trên thị trường hiện tại, việc một dòng xe nào đó cung cấp cả 3 tùy chọn dẫn động FWD, RWD và AWD cùng lúc có thể xem là chuyện viễn tưởng.

Ấy vậy mà điều tưởng chừng không thể đó lại trở thành hiện thực bởi hãng xe Chevrolet và thực chất họ đã tuyên bố công khai về chuyện này từ tận năm 2022. Đó là thời điểm hãng Mỹ cho giới thiệu chiếc xe thuần điện Blazer EV, một trong những sản phẩm đầu tiên được ra đời từ quá trình phát triển nền tảng BEV3 với kiến trúc pin Ultium tân tiến. Chevrolet đã hứa hẹn rằng khách hàng sẽ có thể đặt mua Blazer EV ở dạng FWD, RWD hoặc AWD tùy ý muốn, chỉ cần đáp ứng đúng mức giá là được.

Với người Mỹ và những ai quan tâm đến nhãn hiệu Chevrolet thì cái tên Blazer không hề xa lạ. Lịch sử của nó bắt nguồn từ thời kỳ sơ khai của dòng xe cơ bắp khi chiếc K5 Blazer được giới thiệu vào năm 1969, sau đó đến năm 1992 đổi tên thành Blazer và tiếp tục thay đổi để trở thành chiếc Tahoe vào năm 1995. Tên gọi Blazer cũng xuất hiện trên chiếc S-10 Blazer từ 1983 đén 2012 trong suốt quá trình mẫu xe này biến đổi từ cỡ nhỏ sang cỡ trung. Năm 2019, Chevrolet cũng tái sử dụng cái tên này cho chiếc crossover Blazer chạy xăng.

Mẫu xe thuần điện Blazer EV chính thức được bán ra thị trường Mỹ vào năm 2023 với 2 cấu hình bao gồm RS dẫn động RWD và LT dẫn động AWD. Bản dẫn động FWD cũng có tên LT chỉ vừa được hãng bổ sung thêm trong năm 2024 (cùng với bản SS AWD hiệu năng cao). Điều đó đã khiến Blazer EV trở thành mẫu xe duy nhất hiện nay trên toàn thế giới cung cấp cả 3 kiểu dẫn động FWD, RWD và AWD cho khách hàng, đem lại sự thoải mái tối đa trong việc chọn mua chiếc xe phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng.

Sở dĩ chiếc Blazer EV có được nét độc đáo rất riêng này chính là nhờ vào kiến trúc pin và mô-tơ điện độc quyền của tập đoàn GM mang tên Ultium. Với thiết kế dạng mô-đun và thuần điện, Ultium cho phép nhà sản xuất xe hơi có thể đặt mô-tơ điện ở bất cứ vị trí nào trên khung sườn của sản phẩm. Nếu chỉ đặt ở trục trước, xe sẽ vận hành như một chiếc FWD phổ thông. Chỉ đặt mô-tơ tại trục sau sẽ tạo thành xe RWD. Còn khi đặt mô-tơ tại cả 2 trục bánh xe thì sẽ là cơ chế dẫn động 4 bánh mà GM và Chevrolet gọi là “eAWD”.

Kiến trúc Ultium từng được GM công bố lần đầu vào năm 2020 và được hãng ứng dụng cho nhiều dòng sản phẩm khác nhau, bên cạnh Blazer EV còn có thêm các mẫu Chevrolet khác như Equinox EV và Silverado EV; cùng với Cadillac Lyriq, Optiq và Celestiq, Buick Electra E4 và E5, GMC Hummer EV và Sierra EV. GM cũng cho Honda tiếp cận kiến trúc này để sử dụng trên Honda Prologue và Acura ZDX. Trong tương lai còn có thêm Escalade IQ, Bolt thế hệ mới hoặc chiếc xe van BrightDrop Zevo. Tháng 10/2024 vừa qua, GM tuyên bố không sử dụng tên “Ultium” nữa, nhưng vẫn kế thừa các công nghệ về pin và mô-tơ điện, tiếp tục duy trì phát triển.

Theo Chevrolet, mỗi kiểu dẫn động của Blazer EV tương ứng với dung lượng pin và công suất mô-tơ khác nhau. Cấu hình LT FWD được định vị là phiên bản cơ sở, có giá bán dễ tiếp cận nhất vì năng lực vận hành được giới hạn ở mức “vừa đủ”, chỉ trang bị mô-tơ đơn đặt tại cầu trước với thông số 220 mã lực (164 kW) và mô-men xoắn cực đại 329 Nm. Bản này sử dụng pin lithium-ion có dung lượng 85 kWh, không tiết lộ thông tin về tầm di chuyển.

Cấu hình LT dẫn động AWD trang bị cơ chế mô-tơ kép, mỗi mô-tơ đặt tại một trục bánh xe với tổng công suất toàn hệ thống đạt 300 mã lực (224 kW) và mô-men xoắn cực đại 481 Nm. Bản này cũng sử dụng pin lithium-ion dung lượng 85 kWh giống như LT FWD, nhưng được hãng cho biết có thể đi được quãng đường lên đến 455 km sau mỗi lần sạc đầy pin.

Cấu hình RS dẫn động RWD thì được coi là phiên bản thể thao nên sử dụng mô-tơ điện có công suất 365 mã lực (272 kW) và mô-men xoắn cực đại 440 Nm đặt tại cầu sau, đồng thời trang bị pin lithium-ion dung lượng 102 kWh nên có tầm di chuyển lên đến 538 km. Cuối cùng là cấu hình SS cao cấp nhất với mô-tơ kép tạo thành hệ dẫn động AWD hiệu năng cao, có tổng công suất 595 mã lực (444 kW) và mô-men xoắn cực đại 874 Nm, cho phép xe tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 3,4 giây. Cấu hình SS cũng dùng pin 102 kWh nhưng chưa được hãng công bố phạm vi quãng đường.

Chính sự đơn giản của hệ thống truyền động thuần điện đã giúp các nhà sản xuất ô tô, như ở đây là GM và Chevrolet, có thể tạo ra các nền tảng xe điện chạy bằng pin cực kỳ linh hoạt mà không bị bó buộc bởi bất kỳ thiết lập dẫn động cụ thể nào như các xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống. Điều khiến một kiến trúc như Ultium trở nên thú vị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cả 3 kiểu dẫn động FWD, RWD và AWD cho khách hàng, mà còn giúp giảm đáng kể thời gian phát triển cũng như chi phí sản xuất cho hãng.

Có một thực tế khác là hệ thống truyền động thuần điện đang mở ra viễn cảnh xuất hiện nhiều xe RWD hơn so với thời kỳ trước đây. Từ những chiếc SUV chạy điện phổ thông như Volkswagen ID.4, những chiếc sedan hạng sang như Lucid Air hay những mẫu xe cỡ trung như Mustang Mach-E, chúng đều góp phần mở rộng thị trường cho xe dẫn động cầu sau đến mọi phân khúc và mọi tầm giá. Mọi thứ đã thay đổi nhiều so với khi các loại xe động cơ đốt trong với FWD chiếm đa số, vì lúc đó nền tảng hỗ trợ kiểu dẫn động này rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất.

Những nhược điểm truyền thống của hệ dẫn động cầu sau RWD sẽ biến mất khi chúng ta xét đến những phương tiện chạy bằng pin điện, vốn không đốt bất kỳ nhiên liệu nào ngay từ đầu và, với nền tảng phù hợp, có thể được điều chỉnh cấu trúc dễ dàng ở kiểu dẫn động FWD, RWD hay AWD.

Tham khảo Chevrolet

Chia sẻ bài đăng này

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.