Tesla Autopilot đã ra mắt công chúng từ năm 2014, nhưng đến nay dường như không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ và chắc chắn về những gì công nghệ này có thể làm được. Việc bổ sung thêm công nghệ Full Self-Driving từ năm 2020 càng khiến những chiếc Tesla có vẻ hấp dẫn hơn trong mắt những ai thích xe hiện đại “như đến từ tương lai”, nhưng lại là cơn ác mộng với người muốn nắm bắt bản chất thực sự đằng sau những thuật ngữ hoa mỹ đó.
Hiện nay, các mẫu xe được tích hợp công nghệ hỗ trợ lái có khả năng tự lái một phần đã xuất hiện nhiều hơn trên đường phố. Tesla được biết đến là hãng xe đi tiên phong trong lĩnh vực này, tạo nên ấn tượng tốt trong mắt khách hàng. Nhờ có một loạt camera, cảm biến và công nghệ AI, hầu hết các mẫu xe điện Tesla đều có khả năng tự lái ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người lái có thể chợp mắt sau vô-lăng. Trên thực tế, hiện không có bất cứ một loại xe nào có thể tự lái thoải mái nếu không có sự giám sát của người ngồi tại vị trí ghế lái, kèm theo đó là hàng loạt hạn chế nghiêm trọng đối với công nghệ.
Thuật ngữ “Autopilot” vốn được sử dụng chủ yếu trong ngành hàng không. Hệ thống tự động dành cho máy bay ra đời năm 1912, được phát triển bởi Sperry Corporation. Kể từ đó, theo thời gian nó càng trở nên phức tạp hơn và có độ tin cậy cao hơn, tuy nhiên nguyên lý vận hành vẫn chỉ là đảm bảo máy bay đi đúng hướng trên không trung theo cách hoàn toàn tự động. Phi công chỉ thực hiện thủ công các thao tác cất cánh và hạ cánh. Chính vì thế, khi lần đầu giới thiệu công nghệ hỗ trợ lái vào năm 2014, Tesla muốn truyền tải ý nghĩa của “Autopilot” đến cho những chiếc xe của họ để người tiêu dùng bình thường thấy được sự liên quan giữa máy bay và ô tô: đều là phương tiện di chuyển nên đều có thể tự vận hành được.
Nhưng khi đi vào thực tế, cái được Tesla gọi là “Autopilot” đã dẫn đến nhiều sự hiểu nhầm, cả từ phía khách hàng cũng như những người chỉ trích. Hóa ra công nghệ này không hẳn là “lái tự động” như mọi người hay nghĩ. Xe có tự lái hay không? Mục đích sử dụng là gì? Đúng ra thì bạn chỉ cần lên trang web của Tesla là sẽ thấy câu trả lời đầy đủ, chúng cũng có trong sách hướng dẫn sử dụng của mọi chiếc Tesla. Vấn đề là hầu như khách mua xe chẳng bao giờ đọc quyển sách đó, còn những người không sở hữu Tesla thì cũng không bắt buộc phải có trách nhiệm tìm hiểu về những chiếc xe mà họ không được lái.
Tesla hiện cung cấp 2 gói tính năng với tên gọi là Tesla Autopilot và Tesla Full Self-Driving. Nhưng sự khác biệt giữa những công nghệ này là gì? Cái này có đáng tin cậy hơn cái kia không? Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết về công nghệ Autopilot và Full Self-Driving của Tesla.
Tesla Autopilot
Autopilot là chế độ hỗ trợ lái đầu tiên của Tesla. Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2014, đến nay Autopilot đang được cung cấp miễn phí trên tất cả các xe Tesla mới. Về mặt chức năng, nó thuộc dạng cơ bản nhất nên thường được coi là “món quà tặng kèm” đối với các khách hàng mua xe Tesla.
Mặc dù có tên gọi nghe rất “oách” nhưng trên thực tế, Autopilot được thiết kế để sử dụng với sự giám sát đầy đủ của người lái. Về bản chất, Autopilot chính là một dạng nâng cao của hệ thống kiểm soát ga tự động Cruise Control – một tính năng ADAS hết sức phổ biến. Nó bao gồm tính năng ga tự động thích ứng Traffic-Aware Cruise Control kết hợp với tính năng định tâm làn đường và tự đánh lái Autosteer.
Khi kích hoạt Autopilot, chiếc xe Tesla sẽ tự động điều khiển vô-lăng để đánh lái và căn giữa trong làn đường, vừa tự động di chuyển theo mức vận tốc đã được người điều khiển xe thiết lập từ trước và tự biết duy trì khoảng cách nhất quán so với phương tiện đang đi ở phía trước. Hệ thống sẽ tự điều chỉnh tốc độ xe mà không cần người lái nhấn vào chân ga và bàn đạp phanh, nhưng người lái vẫn cần chú ý đến tình hình xung quanh và hoàn toàn có thể giành lại quyền kiểm soát bất cứ lúc nào.
Những tính năng như thế này đều xuất hiện trên xe của hầu như mọi hãng khác dưới dạng công nghệ hỗ trợ lái thuộc nhóm ADAS, chứ không phải là công nghệ độc quyền của Tesla.
Tesla Enhance Autopilot
Đây là một phiên bản cao cấp hơn, “xịn xò” hơn của Autopilot khi bổ sung thêm một số tính năng trên nền những gì sẵn có. Gói này cũng không miễn phí, khách hàng muốn có sẽ phải trả thêm 6.000 USD (khoảng 150 triệu đồng).
Enhance Autopilot cho phép chiếc xe Tesla có thêm tính năng tự động chuyển làn khi người lái gạt xi-nhan và khi xe tự nhận thấy đủ điều kiện an toàn để thực hiện. Nó cũng liên kết chặt chẽ với tính năng “Navigate on Autopilot”, cho phép xe tự di chuyển từ đoạn đường nối lên cao tốc cho đến khi rời khỏi cao tốc ở một đoạn đường nối khác. Về mặt lý thuyết, những tính năng này không cần sự can thiệp của người lái nhưng vẫn phải để ý.
Bên cạnh đó, gói này cũng bổ sung cho xe tính năng tự di chuyển vào chỗ đỗ (chỗ đậu) và sau đó có thể tự tìm đường quay lại đến vị trí của người cầm chìa khóa thông qua các công nghệ Summon và Smart Summon.
Đối với Enhance Autopilot, Tesla có thể tự hào vì một số tính năng trong gói này thực sự chỉ có ở xe của họ, không thể tìm thấy trên hầu hết các dòng xe phổ thông khác. Mặc dù vậy công nghệ xe đang phát triển từng ngày và một số chức năng như tự chuyển làn đang bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Tháng 4/2024, Tesla không còn cung cấp gói Enhance Autopilot nữa. Khách hàng chỉ có thể chọn giữa Autopilot (ít tính năng) và Full Self-Driving (đầy đủ tính năng).
Tesla Full Self-Driving
Full Self-Driving (FSD) được Tesla giới thiệu lần đầu vào năm 2020 dưới dạng “bản cập nhật beta” và đến tận bây giờ vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “beta”, dù hãng liên tục cải tiến và sửa lỗi. Nó là gói công nghệ có nhiều tính năng hiện đại nhất mà Tesla có thể cung cấp cho khách hàng đồng thời cũng có giá cao nhất khi từng lên đến 15.000 USD (khoảng 375 triệu đồng) trả hết 1 lần hoặc 200 USD (5 triệu đồng)/tháng trả theo thuê bao ở thời điểm tháng 9/2022. Theo thời gian, mức giá giảm dần xuống 12.000 USD và kể từ tháng 4/2024 chỉ còn 8.000 USD (200 triệu đồng).
FSD có hết mọi tính năng trong Autopilot và Enhance Autopilot, cộng thêm một tính năng cực kỳ đáng giá là cho phép xe tự dừng khi thấy biển báo “Stop” và tự dừng rồi tự di chuyển trở lại ở các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông khi thấy tín hiệu đèn phù hợp. Ngoài ra, xe cũng có khả năng nhận biết chướng ngại vật và tự đánh lái né tránh, được biết đến với tên gọi “Autosteer for city streets”.
Tesla muốn FSD trở thành một dạng công nghệ tự lái hoàn toàn (ngay từ cách đặt tên đã cho thấy ý định của hãng), để người sử dụng yên tâm phó mặc cho chiếc xe đi từ điểm A đến điểm B mà không cần phải “động tay động chân” gì cả. Tuy nhiên, muốn là một chuyện, thực tế là chuyện khác và FSD vẫn chưa đạt tới mức độ tự động hóa cao như thế.
Chính vì vậy nên vào đầu năm 2024, sau hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng Autopilot và đặc biệt là FSD không đúng cách, Tesla đã phải đổi tên công nghệ này khi bổ sung thêm từ “Supervised” (có giám sát) vào sau cụm từ “Full Self-Driving”. Đây là cách mà Tesla tỏ ra có trách nhiệm hơn, góp phần giảm bớt sự hiểu nhầm và kỳ vọng quá cao của khách hàng đối với công nghệ của hãng.
Trên website của Tesla, ở phần lý giải về cách thức hoạt động của Autopilot và FSD Supervised, hãng cũng ghi rất rõ rằng những công nghệ này được thiết kế để sử dụng với người lái xe hoàn toàn tập trung, để sẵn tay trên vô-lăng và sẵn sàng điều khiển bất cứ lúc nào. Mặc dù các tính năng này được thiết kế để hoạt động tốt hơn theo thời gian nhưng các tính năng hiện được kích hoạt không giúp cho xe có thể tự lái hoàn toàn.
Danh sách các tính năng thuộc nhóm “công nghệ hỗ trợ lái” của Tesla
- Cập nhật không dây OTA: bắt đầu có từ 2014, bao gồm các cập nhật tính năng phần mềm cho hệ thống điều khiển và các công nghệ liên quan đến Autopilot
- Tính năng an toàn cơ bản: bắt đầu có từ 2014, nếu Autopilot nhận thấy nguy cơ va chạm phía trước hoặc bên hông với chướng ngại vật (ô tô, xe đạp hoặc người đi bộ) trong khoảng cách tối đa lên đến 160 mét, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo. Ngoài ra còn có tính năng tự động phanh khẩn cấp, nhận diện vật thể có nguy cơ va chạm với xe và tiến hành tự phanh, đồng thời tự đánh lái xe né tránh.
- Hiển thị hình ảnh: bắt đầu có từ 2014, màn hình trung tâm trên xe có thể hiển thị ở dạng đồ họa những gì mà camera ghi nhận được, bao gồm làn đường và những phương tiện khác đang di chuyển hoặc hiện diện xung quanh xe. Nó cũng có thể hiển thị các vạch kẻ đường và thông tin giới hạn tốc độ, dựa trên camera quan sát hoặc dữ liệu bản đồ. Kể từ phần cứng HW3, có thể hiển thị thêm biển báo “Stop” và đèn tín hiệu giao thông. Nó có thể phân biệt được giữa người đi bộ, người lái xe 2 bánh, xe hơi cỡ nhỏ, xe SUV, xe bán tải, xe buýt và các loại xe tải cỡ lớn.
- Hỗ trợ nhận biết giới hạn tốc độ: bắt đầu có từ 2014, hệ thống camera đặt ở đầu xe có thể lấy thông tin từ biển báo giới hạn tốc độ quan sát được trên đường thực tế và hiển thị thông tin này trên màn hình trung tâm, hoặc lấy từ dữ liệu bản đồ nếu trên đường không có biển báo.
- Traffic-Aware Cruise Control: bắt đầu có từ 2014, hoạt động như tính năng kiểm soát ga tự động thích ứng của mọi hãng xe khác, có thể kích hoạt trong khoảng vận tốc từ 0 – 145 km/h. Nếu nhận thấy điều kiện đường thay đổi và không còn phù hợp để tự lái, hệ thống tự ngắt và phát tín hiệu cảnh báo bằng cả âm thanh lẫn hình ảnh để người lái chủ động kiểm soát trở lại.
- Autosteer: bắt đầu có từ 2014, hoạt động như tính năng định tâm làn đường của mọi hãng xe khác. Nếu người lái 3 lần phớt lờ tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh về việc đặt tay lên vô-lăng trong vòng 1 tiếng đồng hồ, Autopilot sẽ ngắt hoàn toàn cho đến khi một hành trình mới được bắt đầu (tắt máy xe và khởi động trở lại).
- Automatic Lane Change: bắt đầu có từ 2014, hệ thống tự chuyển làn mà không cần người lái thao tác.
- Lane Departure Warning: bắt đầu có từ 2014, hệ thống phát tín hiệu cảnh báo nếu xe có dấu hiệu chệch khỏi làn đang di chuyển.
- Lane Departure Avoidance: bắt đầu có từ 2019, hệ thống tự giữ cho xe không bị chệch khỏi làn đang di chuyển.
- Emergency Lane Departure Avoidance: bắt đầu có từ 2019, nếu xe tự chuyển làn mà hệ thống phát hiện phát sinh nguy cơ xảy ra va chạm thì sẽ tự đánh lái để quay trở lại làn ban đầu.
- Obstacle Aware Acceleration: bắt đầu có từ 2018, hệ thống có thể nhận biết chướng ngại vật phía trước xe và tự động giảm tốc độ khi đang di chuyển ở dải vận tốc thấp.
- Blind spot monitoring: bắt đầu có từ 2019, hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi nhận thấy có chướng ngại vật lúc xe đang chuyển làn.
- Autopark: bắt đầu có từ 2015 và cần từ Enhance Autopilot trở lên, tự thực hiện thao tác đậu/đỗ xe theo kiểu vuông góc hoặc song song ở hai bên đường, tự lùi xe vào chỗ trống. Kể từ năm 2024, Autopark có thêm khả năng nhận diện dựa theo tầm nhìn dành cho các xe hỗ trợ HW3.
- Navigate on Autopilot: bắt đầu có từ 2016 và cần từ Enhance Autopilot trở lên, là một bộ tính năng bao gồm tự động ‘định hướng qua các nút giao và lối ra của đường cao tốc’ bao gồm ‘chuyển làn trên một số đường nhất định’. Kể từ năm 2019, thêm khả năng tự di chuyển đầy đủ trên đường cao tốc từ lối vào đến lối ra, bao gồm cả việc chuyển làn đường tự động.
- Summon: bắt đầu có từ 2014 và cần từ Enhance Autopilot trở lên, dùng chìa khóa hoặc app Tesla để di chuyển xe theo hướng tiến hoặc lùi trong không gian hẹp mà không cần người lái ngồi trong xe.
- Smart Summon: bắt đầu có từ 2019 và cần từ Enhance Autopilot trở lên, dùng chìa khóa hoặc app Tesla để “triệu hồi” xe từ xa trong các bãi gửi xe với phạm vi tối đa lên đến 46 mét, hoạt động bằng cảm biến siêu âm nên yêu cầu người sử dụng duy trì tầm quan sát trực tiếp với chiếc xe.
- Traffic Signs Aware: bắt đầu có từ 2019 và cần có FSD, nhận diện các loại biển báo giao thông và đèn tín hiệu giao thông.
- Traffic Light and Stop Sign Control: bắt đầu có từ 2020 và cần có FSD, khi sử dụng Traffic-Aware Cruise Control hoặc Autosteer, xe sẽ có thể tự dừng lại khi thấy biển báo “Stop” hoặc đèn đỏ và tự di chuyển trở lại khi đèn xanh. Kể cả khi Autopilot không được kích hoạt, xe sẽ phát âm thanh cảnh báo khi đèn chuyển xanh.
- Autosteer on city streets: bắt đầu có từ 2023 và cần có FSD, cho phép di chuyển tự động trong môi trường đô thị bằng FSD.
- Actual Smart Summon: bắt đầu có từ 2024 và cần có FSD, dùng app Tesla để “triệu hồi” xe từ xa trong các bãi gửi xe với phạm vi tối đa lên đến 85 mét, hoạt động bằng hệ thống camera trên xe nên yêu cầu yêu cầu người sử dụng duy trì tầm quan sát trực tiếp với chiếc xe.
Tham khảo Tesla