Ngày 28 và 29 đoàn tiếp tuc khám phá 2 thành phố cổ Bukhara & Khiva . Do cung đường khá xấu nên các xe chủ động chạy Rally vượt qua các bão cát xa mạc và địa hình hoang sơ tại Uzbekistan.
Ngày 28 đoàn chia tay thành phố Samarkand và đến Bukhara, lộ trình 300 km. Sau hai ngày nghỉ ngơi và trải nghiệm nơi đây đã mang đến những điều tuyệt vời nhất cho các thành viên.
Đây cũng là ngày thứ 4 anh em có mặt tại đất nước Uzbekistan, dự kiến sẽ có 7 ngày ở quốc gia này. Điểm ấn tượng với giao thông đường bộ tại quốc gia này là đường sá rộng rãi và không hề có trạm thu phí. Cảnh sát cũng bắn tốc độ như các nước khác, thiết bị ghi hình tốc độ cách xa 5-10 km và khi tới từng trạm sẽ kiểm tra. Các trạm giao thông xây cố định tương tự như trạm thu phí, cảnh sát đứng hai bên để kiểm tra.
Đường quốc lộ ở đây không quá xấu, nhưng vẫn có ổ gà, xe vấn bị xóc và nhẩy khi di chuyển. Đối với các mẫu xe thể thao thì sẽ gây sự khó chịu.
“Hên là trước khi đi chiếc xe của mình đã được nâng cấp lên bộ phuộc BP51 nên đường có xấu đi nữa cũng không gây sự khó chịu“.
Để tìm kiếm trạm xăng ở đây cũng khá khó quy mô cũng không lớn, trong khi đó những trạm nạp ga được đầu tư bài bản, cách tầm 5-10 km là có một điểm. Bởi đa phần phương tiện di chuyển của người dân tại Uzbekistan sử dụng khí ga.
“Vậy nên lưu ý khi lái xe tại Uzbekistan, bạn cần đổ đầy nhiên liệu (xăng hoặc dầu) trước khi ra khỏi trung tâm thành phố“.
Lưu thông trên đường quốc lộ của Uzbekistan, không có nhiều khác biệt so với Việt Nam, đường hai làn ô tô và một làn nhỏ sát bên trong; hai bên là nhà cửa, các điểm bán tạp hoá. Uzbekistan đô thị hoá hơn và cảnh quan thua xa so với thảo nguyên Kyrgyzstan.
Sau khi di chuyển 300 km, cả đoàn có mặt tại Bukhara vào buổi chiều và dùng bữa tối với các món được làm từ cá.
Thành phố cổ Bukhara nằm ở trung tâm Uzbekistan, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên Con đường Tơ lụa huyền thoại. Với lịch sử hơn 2.500 năm, Bukhara là một bảo tàng sống động về kiến trúc, văn hóa và tôn giáo, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Thành phố Bukhara từng là một trung tâm thương mại, học thuật và tôn giáo quan trọng trên Con đường Tơ lụa. Nơi đây đã chứng kiến sự thăng trầm của nhiều triều đại và đế chế, từ thời Ba Tư cổ đại đến thời kỳ Hồi giáo vàng son.
Văn hóa Bukhara là sự pha trộn độc đáo giữa các yếu tố Trung Á, Ba Tư và Hồi giáo. Điều này được thể hiện rõ nét qua kiến trúc, ẩm thực, âm nhạc và phong tục tập quán của người dân địa phương.
Bukhara được ví là công chúa giữa sa mạc, nơi đây lưu giữ được kết cấu đô thị trung cổ nguyên vẹn với hơn 140 công trình cổ được UNESCO xếp là thành phố di sản thế giới.
Đến ngày 29, cả nhóm tiếp tục lên đường di chuyển từ Bukhara đến thành phố Khiva, dự kiến 450 km.
Khiva là một thành phố nổi tiếng trên Con đường tơ lụa. Xưa kia, các đoàn thương nhân luôn dừng chân ở đây trước khi băng qua sa mạc Karakum để đến xứ Ba Tư. Khiva có lịch sử hơn 2.000 năm và có thời kỳ phát triển rất rực rỡ, được coi là kinh đô của nhiều vương triều hùng mạnh. Nơi đây cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách khi du lịch Trung Á, đặc biệt là khi du lịch Uzbekistan.
Thành cổ Khiva tồn tại từ thế kỷ thứ 8, trong giai đoạn phát triển của Con đường tơ lụa, Khiva trở thành thị trường buôn bán nô lệ từ bộ lạc Turkmen ở sa mạc Karakum, đến các bộ lạc Kazakh trên các thảo nguyên phía bắc (ngày nay là Kazakhstan). Thị trường nộ lệ cực kì phát triển, kéo theo một Khiva thịnh vượng và giàu có.
Thành phố được chia thành hai phần: thị trấn bên ngoài, gọi là “Dichan Kala”, trước đây được bảo vệ bởi một bức tường với 11 cửa; khu phố cổ bên trong gọi là “Itchan Kala” bao quanh bởi những bức tường gạch đồ sộ (dày 5 đến 6 mét) xây dựng vào thế kỷ thứ X.
Khiva từng là cố đô của Khwarezm và Hãn quốc Khiva. Itchan Kala tại Khiva là địa điểm đầu tiên của Uzbekistan được đưa vào danh sách Di sản Thế giới (1991).
Trở lại chuyến đi này, trước đó khi cả nhóm còn di chuyển tại Trung Quốc thì cần đi đúng thời gian vì liên quan đến các thủ tục và cần có giấy của công ty du lịch địa phương. Từ khi nhập cảnh vào các nước Trung Á, mọi thứ diễn ra suông sẻ hơn.
Thay vì chờ nhau xuất phát cùng lúc thì các thành viên sẽ chủ động thời gian di chuyển từ điểm A đến B thông qua bản đồ online. “Anh em nào dậy sớm đi sớm, dậy trễ đi trễ; miễn sao trưa hoặc tối gặp nhau“.
Để chuyến đi trở nên an toàn, các bạn nên tự chủ động trang bị các phụ kiện căn bản để kiểm tra xe hoặc khắc phục sự cố như là bộ bơm lốp kích bình, bộ keo vá, bộ kích điện (nếu có). Đồng thời bạn cũng cần học cách thay lốp xe, kiểm tra lốp…
Trên đường đi, các thành viên được trải nghiệm gió sa mạc. Đường đi khá là vắng, đi xuyên qua những sa mạc mạc khá thú vị. Nếu như trước đó, đoàn đi theo hình thức caravan thì từ Bukhara, các xe sẽ tự do di chuyển theo lộ trình có sẵn, mục đích cho các thành viên thoải mái hơn và cũng làm quen với việc chủ động di chuyển; bởi khi đến châu Âu sẽ rất khó trong việc đi đoàn dài.
Điểm dừng chân của ngày 29 là khu phố cổ Itchan Kala, nằm bên trong tường thành Khiva. Từ năm 1990, Itchan Kala được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, lưu giữ hơn 50 di tích lịch sử và 250 ngôi nhà cổ, có niên đại chủ yếu từ thế kỷ thứ 18 hoặc 19.
Chẳng hạn, nhà thờ Hồi giáo Djuma thành lập niên đại thế kỷ 10 và được xây dựng lại từ năm 1788 đến 1789, mặc dù đại sảnh có cột đỡ trần nổi tiếng của nó vẫn lưu giữ 112 cột đá được lấy từ các cấu trúc cổ xưa khác.
Các tính năng ngoạn mục nhất của Ichan Kala là những bức tường gạch có lỗ châu mai và 4 cổng, mỗi bên là một pháo đài hình chữ nhật. Mặc dù các nền móng được cho là đã có từ thế kỷ thứ 10, những bức tường cao 10 mét đã được dựng lên chủ yếu vào cuối thế kỷ 17 và sau đó được sửa chữa lại trong các giai đoạn sau đó.
Saigon to Paris 2024 là chuyến hành trình caravan xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đến “kinh đô ánh sáng” Paris trong thời gian hơn 60 ngày, qua 20 quốc gia từ Việt Nam đến Trung Á, vượt qua “Con đường tơ lụa” cổ xưa đến châu Âu; với quãng đường 22.000 km. |
>>> Còn Tiếp