Thường được gắn liền cùng với hình ảnh những người đang tận hưởng cuộc sống, xe mui trần chính là đại diện cho tinh thần tự do thuần khiết nhất trong thế giới của những chiếc ô tô 4 bánh. Tuy nhiên có khá nhiều thuật ngữ xoay quanh xe mui trần như Convertible, Roadster, Targa hay Cabriolet, Speedster và cả Spyder… Vậy chúng có ý nghĩa gì và làm sao để phân biệt?
Tất cả chúng ta đều biết mui (phần nóc) của một số mẫu xe nhất định có thể được tháo ra, trở thành “xe mui trần” (top-down). Tuy nhiên kiểu xe này không chỉ có một loại mà trên thực tế là có nhiều biến thể khác nhau, mỗi loại được gọi bằng tên khác nhau.
Không ít người từng có những thắc mắc như khác biệt giữa Convertible và Cabriolet là gì? Như thế nào được gọi là xe Targa? Hay thậm chí là tại sao nhiều mẫu xe mui trần lại có hậu tố Spider (nhện) ở phía sau và khi nào dùng từ này thì chính xác?
Nhiều lúc, các thuật ngữ này còn được sử dụng một cách lẫn lộn, thay thế cho nhau trên văn bản hoặc trên các kênh truyền thông, điều này chỉ làm cho sự nhầm lẫn trở nên tồi tệ hơn.
Phân loại xe mui trần
Trước tiên, chúng ta cần hiểu thuật ngữ nào trong số những thuật ngữ này là từ đồng nghĩa, cũng như ý nghĩa của từng thuật ngữ vì có nhiều loại xe mui trần khác nhau.
Convertible/Cabriolet
Các thuật ngữ Convertible và Cabriolet thực chất đều được dùng để chỉ cùng một loại xe mui trần phổ biến nhất, đó là kiểu xe được trang bị phần mui linh hoạt với 2 trạng thái “đóng” và “mở”. Lúc “đóng” là khi mui đang ở trạng thái “dựng lên” khiến xe không khác gì một chiếc mui kín bình thường. Khi “mở” tức là mui xe được “hạ xuống” để trở thành xe mui trần đúng nghĩa.
Nguồn gốc của các thuật ngữ này hơi khác biệt. Convertible nguyên bản mang nghĩa xe mui trần trong tiếng Anh trong khi Cabriolet có xuất xứ từ tiếng Pháp với ý nghĩa tương tự. Cụ thể hơn, Cabriolet là một từ được sử dụng để chỉ xe ngựa kéo có phần mui có thể đóng/mở từ thế kỷ 19. Khi ô tô bắt đầu được sử dụng để thay thế xe ngựa, từ Cabriolet cũng được chuyển đổi sang sử dụng cho loại hình phương tiện mới. Thường thì các hãng xe châu Âu thích dùng từ Cabriolet vì nghe “sang chảnh” hơn so với Convertible.
Phần mui của các xe mui trần có thể được làm bằng vải hoặc chất liệu composite nhiều lớp, nhưng dù làm bằng gì đi nữa thì nó sẽ được thiết kế để có thể co lại và thường được cất trong cốp xe, chiếm dụng một phần không gian của khoang chứa hành lý.
Các mẫu xe mui trần hiện đại thường có 2 cửa và 4 chỗ ngồi theo cấu trúc 2+2, trong đó hàng ghế phía sau thường khá nhỏ. Trước đây có một số mẫu xe mui trần 4 cửa, nhưng không dễ để làm cho cấu trúc của những chiếc xe này đủ chắc chắn và thị trường cũng không ưa chuộng, nên chúng dần bị lãng quên. Đó là lý do vì sao hiện nay hầu hết xe mui trần thực chất là biến thể song hành cùng với phiên bản mui kín của cùng một dòng xe coupe 2+2 thể thao, chẳng hạn như Maserati GranTurismo và GranCabrio giống nhau tới hơn 90%.
Roadster/Speedster
Khác với trường hợp của Convertible/Cabriolet là xe có 2 hàng ghế và 4 chỗ ngồi, Roadster thuộc dạng cực đoan hơn khi chỉ có duy nhất 1 hàng ghế, tức là chỉ đủ chỗ cho người lái và tối đa 1 người bạn đồng hành ngồi thoải mái. Có thể coi tất cả các xe Roadster đều là một phần của nhóm Convertible/Cabriolet, nhưng không phải chiếc Convertible/Cabriolet nào cũng có thể được tính là Roadster.
Một số nhà sản xuất châu Âu hay gọi kiểu xe Roadster là Spyder hoặc Spider – vốn dĩ là thuật ngữ được sử dụng trong quá khứ để chỉ những chiếc xe ngựa kéo không mui và khối lượng nhẹ, thiết kế cho các hoạt động giải trí ngoài trời. Việc chọn tên Spider là vì loại xe ngựa kéo này có bánh xe cao hơn nửa hông xe, cấu trúc tương đồng với chân loài nhện. Ý nghĩa của Spider và Spyder là như nhau, cách gọi trong tên xe tùy thuộc vào hãng, chẳng hạn như Ferrari dùng Spider nhưng Lamborghini và Maserati dùng Spyder.
Speedster là một trường hợp khác và có thể coi là biến thể thậm chí còn cực đoan hơn nữa của Roadster. Những chiếc Speedster luôn hướng đến mục tiêu tạo ra trải nghiệm tốc độ thuần khiết nhất nên chúng vừa không có mui, lại vừa không có luôn cả phần kính chắn gió, chẳng hạn như McLaren Elva.
Cấu trúc xe Speedster được làm đủ nhẹ để lướt đi nhanh, nhưng phải đủ chắc chắn để đảm bảo an toàn và bù trừ cho những thiếu sót ở phía trên, nên kiểu xe này không dễ để sản xuất, trên thực tế rất hiếm. Ý nghĩa của Speedster cũng thay đổi rất nhiều trong suốt lịch sử. Thời kỳ đầu cách đây khoảng 100 năm, những chiếc xe Speedster sơ khai “cởi mở” đến mức thậm chí không có cửa ra vào đúng nghĩa, để xe nhẹ nhất có thể.
Càng hiện đại, luật pháp càng chặt chẽ và nhiều quốc gia yêu cầu xe bắt buộc phải có kính chắn gió mới được lưu thông hợp lệ. Thế nên Speedster cũng phải thay đổi theo, với ví dụ tiêu biểu là những chiếc Porsche 911 Speedster thời nay thực ra không khác mấy so với phiên bản 911 Cabriolet nhưng được tinh chỉnh lại ở nhiều chi tiết nhỏ và phần mui cần phải được tháo-lắp thủ công.
Targa
Vào thời điểm cuối thập niên 1960, các mẫu xe mui trần Convertible/Cabriolet đều có cơ chế đóng-mở mui khá cồng kềnh, nặng nề và chậm chạp, do công nghệ mô-tơ và thủy lực lúc đó vẫn còn rất hạn chế. Việc những chiếc xe thể thao mui kín thông thường được “cải tạo” thành xe mui trần cũng khiến chúng bị thiệt thòi ở nhiều khía cạnh như nặng hơn, chậm hơn và cấu trúc tổng thể kém chắc chắn hơn. Một giải pháp cho vấn đề này được Porsche đưa ra với mẫu xe 911 Targa vào năm 1966.
Chất liệu mui vải gấp bị loại bỏ, thay thế bằng sự kết hợp giữa một tấm mui cứng có thể tháo rời nằm ở vị trí ngay phía trên của hàng ghế trước, cơ chế khung chống lật và vòm kính sau bao quanh người ngồi. Kiểu mui Targa đem lại trải nghiệm mui trần “một phần”, khác với kiểu mui trần “toàn bộ” của Convertible/Cabriolet. Bằng cách này, các hành khách trong xe vẫn có thể tận hưởng khí trời tự nhiên mà xe không phải hy sinh quá nhiều về các yếu tố như khối lượng, độ vững chắc của thân vỏ và khả năng bảo vệ người ngồi khi xe bị lật.
Tên gọi của kiểu mui này lấy cảm hứng từ Targa Florio, một cuộc đua theo phong cách rally với tính chất hoang dại và nguy hiểm đến mức nó sẽ gần như chắc chắn không thể được tổ chức ở thời hiện đại ngày nay. Phần lớn những chiếc xe đua tham gia Targa Florio đều là xe mui mở hoàn toàn kiểu Roadster để giảm bớt khối lượng. Porsche đã giành chiến thắng ở Targa Florio nhiều hơn bất cứ đội đua nào khác nên họ quyết định lấy cái tên này để đặt cho kiểu mui trần “một phần”.
Ngoài Porsche 911, nhiều mẫu xe khác cũng có biến thể với mui kiểu Targa như Toyota Supra, Ferrari F355 GTS, Acura NSX, Bentley Continental Sedanca Coupe, Chevrolet Corvette, Dodge Viper hay Lotus Elise, v.v…
Khác với những chiếc xe mui Targa thời kỳ sơ khai có phần mui tháo rời thủ công và phải được cất gọn trong khoang chứa đồ phía trước, những chiếc Targa hiện đại trong thời gian gần đây đã ứng dụng cơ chế đóng-mở mui tự động bằng điện, giống như Convertible/Cabriolet thông thường. Tuy nhiên các chi tiết đặc trưng như khung chống lật tích hợp và vòm kính sau vẫn sẽ luôn tồn tại để giúp phân biệt Targa với những kiểu xe mui trần khác.
Chất liệu mui: mềm hay cứng?
Xe mui trần kiểu Convertible/Cabriolet thường sẽ được cung cấp với một trong hai loại chất liệu mui – mềm hoặc cứng. Mui mềm thường nhẹ hơn, gấp nhanh hơn và chiếm ít không gian hơn để xếp gọn, nghĩa là xe sẽ còn lại nhiều không gian bên trong khoang hành lý hơn để sử dụng. Các nhược điểm bao gồm khả năng cách âm kém, tiếng ồn của gió sẽ làm phiền nhiều hơn và đặc biệt là chúng dễ bị phá hủy trong trường hợp có kẻ cố ý phá hoại.
Một chiếc mui trần với chất liệu mui cứng đương nhiên gập sẽ chậm hơn, nặng nề hơn nhiều, cơ cấu cũng phức tạp hơn đáng kể nên tốn nhiều không gian chứa đựng hơn và chi phí cũng tăng. Nhưng khi đóng lại, toàn bộ chiếc xe sẽ có sự tinh tế và an toàn của một chiếc coupe mui kín bình thường. Dù vậy, trên thị trường vẫn có những loại xe mui trần trang bị mui cứng nhưng nhẹ và xếp gọn nhanh, chẳng hạn như xe do Mazda và Ferrari sản xuất.
Các dòng xe mui mềm lâu năm thường yêu cầu phải thay thế bộ phận này, do chất liệu nhanh bị lão hóa. Các tiến bộ về công nghệ giúp cải thiện phần nào, nhưng đây không phải là vấn đề đối với xe mui cứng. Tuy nhiên sự phức tạp trong cơ cấu đóng-mở trên xe mui cứng có thể sẽ khiến chi phí sửa chữa đội lên khá nhiều nếu hỏng hóc bất ngờ xảy ra (đặc biệt là do các tình huống va chạm). Việc bạn chọn một chiếc xe mui trần chất liệu cứng hay mềm sẽ tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của bạn và cân nhắc những ưu và nhược điểm nêu trên.
Chức năng hạ mui: điện hay cơ?
Trên những mẫu mui mềm giá rẻ, các nhà sản xuất thường trang bị cơ chế đóng-mở rất đơn giản. Chúng yêu cầu người lái phải mở lẫy hoặc giật cáp để ra lệnh. Dĩ nhiên, hầu hết các xe đều có tuỳ chọn đóng mở điện nếu khách hàng chịu chi thêm một khoản.
Trong khi đó, trên các dòng hạng sang, cơ chế đóng mở tự động gần như đã trở thành tiêu chuẩn mặc định. Để thực hiện thao tác này, người lái chỉ cần nhấn một nút điều khiển mà thôi. Một điều đáng lưu ý là ngoại trừ Jeep Wrangler, toàn bộ các loại xe với mui cứng đều sử dụng cơ chế điện.
Lái xe mui trần khi hạ mui
Nhiều dòng xe mui trần mới đều được trang bị các bộ cản gió đặt sau hàng ghế trước nhằm giảm nhiễu động không khí xuống mức tối thiểu khi xe di chuyển ở chế độ hạ mui. Một số hãng xe có thể thiết kế bộ phận này đồng thời đóng vai trò kính trần sau trong khi số khác (như Mercedes-Benz trên dòng E) lại tích hợp riêng một bộ nhô lên từ đầu kính lái nhằm duy trì sự êm ái cho không gian nội thất.
Ngoài ra, để đảm bảo nhiệt độ cho hành khách khi hạ mui (không còn không gian kín), hầu hết các xe hiện tại đều có ghế tích hợp sưởi mặc định. Thậm chí, Mercedes-Benz hay Bentley còn giới thiệu hệ thống truyền khí nóng tới cổ và vai người ngồi qua các khe hở đặc biệt trên tựa đầu.
Độ an toàn
Do đặc thù thiết kế trần thường không vững chắc như các xe thông thường, các loại xe mui trần thường có những thanh chắn cố định hoặc có thể di động nhằm bảo vệ người ngồi trong khi có tình huống lật xe xảy ra.
Bên cạnh đó, túi khi bên hông cũng là mặc định trên các mẫu cao cấp (thường là tuỳ chọn trên các dòng mui trần phổ thông). Khác với xe mui kín, túi khí này trên xe mui trần thường có kích thước kéo dài lên cao – đủ để bảo vệ cả phần đầu của người ngồi trong xe.
Ngoài ra, do có kính sau rất nhỏ hoặc thậm chí bị che khuất do thiết kế ngoại hình, xe mui trần có điểm mù rất lớn đối với tài xế – điều khiến cho các trang bị như hệ thống cảnh báo điểm mù, cảm biến lùi, camera lùi… là những tính năng hỗ trợ bắt buộc phải có.
Kết luận
Các loại xe mui trần ngày nay đều mang đến cảm giác thú vị như trực tiếp tận hưởng gió thổi qua tóc, mang lại trải nghiệm lái xe thực tế hơn. So với xe sedan hay coupe cùng loại, xe mui trần hướng tới sự hưởng thụ nhiều hơn là các tính toán “cân, đo, đong, đếm” thường ngày và thực tế cũng không tốn kém thêm quá nhiều chi phí trong việc vận hành.
Tổng hợp