Như hầu hết các dòng xe có xuất xứ Trung Quốc khác, thương hiệu Zotye nói chung và mẫu xe Z8 nói riêng được đưa về Việt Nam bởi một đơn vị kinh doanh có trụ sở tại Hải Phòng. Kể từ khi mới xuất hiện vào đầu năm 2018, sản phẩm này đã gần như ngay lập tức “làm mưa làm gió” tại khu vực miền Bắc, trở thành “cơn sốt” thực sự khi quy tụ hơn 50.000 thành viên quan tâm trên mạng xã hội ở các hội nhóm bàn luận về xe Trung Quốc. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng lượng Zotye Z8 lăn bánh trên đường phố Hà Nội là khá nhiều, thể hiện qua những hình ảnh xe đã ra biển số được chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội bởi chính chủ nhân của chúng.
Đại lý phân phối dòng xe Zotye Z8 tại khu vực miền Nam cho biết kể từ khi bắt đầu nhận đặt mua vào tháng 9/2018 đến nay, hầu như tháng nào cũng có khách hàng tìm đến. Lượng đơn đặt hàng dồn lại nhiều đến nỗi hiện nay đại lý chỉ còn vài xe mẫu trưng bày với màu sơn ngoại thất ít được chuộng, còn các bản xe có màu “hot” phải đợi đến tháng 3/2019 mới có để tiếp tục giao khách.
Có thể tạm thời khẳng định, sức hút của Zotye Z8 đối với người Việt Nam là có thật. Vậy điều gì đã khiến những khách hàng Việt Nam, vốn dĩ có sự e ngại nhất định đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc – nhất là sản phẩm có giá trị lớn và hàm lượng công nghệ cao như ô tô – chấp nhận bỏ tiền ra để được sở hữu Zotye Z8? Chỉ còn cách tìm hiểu thực tế.
Trước hết, cần biết rằng bản thân Zotye tuy chưa phải là một thương hiệu ô tô lớn ở Trung Quốc nhưng lại rất có tham vọng. Vào tháng 11/2018, họ từng đưa ra tuyên bố sẽ trở thành “nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên bán xe tại Mỹ bằng thương hiệu của chính mình”, thông qua một công ty con của đối tác HAAH Automotive Holdings có trụ sở tại Lake Forest, bang California. Hàng loạt nhân sự cấp cao, có kinh nghiệm trong ngành ô tô Mỹ được tuyển mộ nhằm chuẩn bị cho kế hoạch bán xe Zotye tại đây dự kiến vào năm 2020.
Vấn đề là Zotye suốt nhiều năm qua thường bị lấy ra làm mục tiêu cợt nhả của chính người Mỹ cũng như cộng đồng sử dụng ô tô khắp thế giới và trong đó có cả Việt Nam, bởi thương hiệu này thường sao chép rất lộ liễu các mẫu xe danh tiếng trên thế giới. Có thể kể ra ví dụ tiêu biểu như mẫu T600 có nhiều nét giống với sản phẩm của Audi và Volkswagen. Lượng xe Zotye xuất khẩu sang các khu vực đang phát triển như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ cũng chưa nhiều lắm.
Tuy nhiên, có vẻ như hiểu rõ vị thế của mình trong mắt người tiêu dùng nên Zotye có những chiến lược thâm nhập thị trường từng quốc gia rất cụ thể, trong đó điểm nhấn là tập trung vào lợi ích khách hàng. Đơn cử như ở Việt Nam, mẫu xe này sử dụng tên gọi Z8 với lý do “không có bất cứ nơi nào khác gọi thế này, chỉ Việt Nam mà thôi” nhằm tạo cho người mua một cảm xúc đặc biệt, độc đáo, như thể mình là “thượng đế” được phục vụ kỹ càng.
Cách thức tạo nên sản phẩm của Zotye cũng cho thấy họ nhắm đến một nhóm đối tượng khách hàng đặc thù: đó phải là những người thích xe ô tô có kiểu dáng thời thượng bắt mắt, sở hữu thật nhiều trang bị tiện nghi, trong khi công nghệ nền tảng phải đến từ những nhà cung cấp tương đối có uy tín, và giá bán phải ở mức vừa đủ thấp để dễ dàng chấp nhận – nhưng không được quá thấp vì sẽ bị coi là “kém chất lượng”. Mẫu Z8 đáp ứng được hết những tiêu chí này.
Hãy nhìn vào kích thước của Z8: nó dài 4.748 mm (trong đó chiều dài cơ sở 2.850 mm), rộng 1.933 mm và cao 1.697 mm – những thông số ở tầm tương đương với các dòng crossover hạng trung như Mazda CX-5, Honda CR-V, Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander hay Hyundai Tucson. Thế nhưng giá bán của Zotye Z8 lại chỉ có 728 triệu đồng và được đại lý cho biết là “đã bao gồm luôn lệ phí trước bạ”, đồng nghĩa với không cần quá 760 triệu đồng để hoàn tất thủ tục lăn bánh. Đây là số tiền chỉ vừa đủ mua được một vài dòng crossover cỡ nhỏ của các thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay.
Kiểu dáng Zotye Z8 vẫn phảng phất đâu đó đường nét phỏng theo Range Rover, nhất là khi nhìn từ bên hông, nhưng phải khẳng định là so với những mẫu xe trước đó của Zotye thì chiếc này “học hỏi” theo cách đỡ lộ liễu hơn. Mặt trước xe gọn gàng với các chi tiết sắc sảo, không quá cầu kỳ. Phía sau, thiết kế đèn hậu rõ ràng là bắt chước Jaguar F-Pace, dù chưa tinh xảo bằng nhưng cũng khá bắt mắt. Nhà sản xuất không hề giấu giếm rằng họ nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm “giống xe sang” với chi phí thấp.
Lô xe Zotye Z8 mới nhập về Việt Nam gần đây thậm chí còn thay đổi bộ mâm khác, vẫn có kích thước 19 inch nhưng chuyển đổi phong cách thiết kế sang kiểu lịch lãm, khá giống với bộ mâm đa chấu đang được sử dụng trên Mercedes-Benz GLC 250 tại Việt Nam. Trước đây, Zotye Z8 từng trang bị bộ mâm đúc với thiết kế 5 cánh kép thể thao, nên việc đổi sang loại mâm trang nhã sẽ giúp xe tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Bộ lốp theo xe đến từ thương hiệu nội địa LingLong.
Trên thị trường ô tô nói chung, mọi người hay nhắc đến yếu tố “nhiều option” như một đặc trưng của xe Hàn Quốc. Nhưng giờ đây có lẽ ngay cả Hyundai và Kia cũng phải “chào thua” trước số lượng tiện ích mà Zotye nhồi nhét vào mẫu xe Z8 này. Về ngoại thất, có thể kể ra sơ sơ những món như đèn chiếu sáng LED có chức năng điều chỉnh pha/cos tự động, đèn chờ dẫn đường, đèn gầm, bậc bước điện có đèn, cốp sau mở điện tích hợp đá cốp rảnh tay, cửa hít khi đóng, gương chiếu hậu gập tự động, gạt mưa tự động hay thậm chí là cả cửa sổ trời toàn cảnh panorama đóng/mở điện.
Bước vào bên trong khoang cabin sẽ khiến bất cứ ai cũng phải choáng ngợp. Đầu tiên là màn hình cảm ứng 10 inch đặt dọc ở trung tâm táp-lô, lập tức gợi đến sự liên tưởng với Tesla, Volvo hay cả… VinFast nữa! Qua màn hình này có thể điều khiển gần như mọi thứ trong xe, từ dàn âm thanh 8 loa hỗ trợ phát nhạc từ USB/AUX/Bluetooth kết nối điện thoại hay Radio FM/AM, hoặc quan sát hình ảnh hiển thị từ camera 360 độ.
Ngay phía dưới là hàng nút điều khiển hệ thống điều hòa tự động 2 vùng độc lập (kèm bộ lọc không khí ion và lọc bụi trôi nổi PM 2.5 có hại) được cách điệu như… phím đàn piano!
Tiếp đến là núm chuyển số hình tròn có thể thò thụt y hệt như trên xe Jaguar Land Rover, được bao quanh bởi hàng nút như thể được lấy từ các xe Porsche thế hệ trước, có thể thực hiện đủ mọi chức năng như chuyển trạng thái màn hình trung tâm từ giải trí sang định vị hay tắt/bật các hệ thống an toàn, cảm biến lùi… Dường như hai hàng nút này có tác dụng thực hiện một số chức năng thiết yếu nhất khi màn hình cảm ứng trung tâm không hoạt động.
Vô-lăng 3 chấu bọc da rõ ràng lấy cảm hứng từ Audi hoặc Porsche, thể hiện qua cách bố trí 2 con lăn dùng để chuyển chế độ điều khiển. Phía sau vô-lăng còn có cặp lẫy chuyển số và lẫy điều khiển ga tự động cruise control. Bảng đồng hồ cũng đáng chú ý khi là một màn hình kỹ thuật số hoàn toàn, cho phép người sử dụng thoải mái chuyển đổi giữa 5 kiểu giao diện khác nhau, tất cả đều phỏng theo những thiết kế bảng đồng hồ của các dòng xe sang Đức và Anh.
Bộ ghế của Zotye Z8 được bọc da toàn bộ, với tên thương hiệu thêu nổi bật trên phần thân ghế. Ghế lái chỉnh điện 6 hướng, ghế phụ chỉnh điện 4 hướng còn 2 ghế ở hàng thứ hai có thể chỉnh cơ 4 hướng. Xe còn được trang bị chức năng khởi động qua nút Start/Stop và chìa khóa thông minh, kính 4 cửa sổ điều khiển bằng điện và chống rung, sấy kính, cửa gió riêng cho hàng ghế sau, đèn cảnh báo mở cửa, bệ sạc điện thoại không dây. Cũng không thể không chú ý đến hệ thống đèn viền nội thất, có thể nhấp nháy và đổi màu theo tiếng nhạc xập xình…
Tất nhiên, tất cả những món “đồ chơi” kể trên sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chiếc xe không được phát triển từ một nền tảng công nghệ có thể tạo nên sự yên tâm cho người sử dụng. Zotye nắm được tâm lý đó nên luôn cố gắng công bố thông tin về những nhà cung ứng linh kiện cho xe Z8. Đó là động cơ và khung gầm dẫn động cầu trước của Mitsubishi (Nhật Bản), hộp số 8 cấp của ZF (Đức), hệ thống chống bó cứng phanh ABS của Bosch (Đức); cửa sổ trời Webasto (Đức), hệ thống phun nhiên liệu Delphi (Anh), điều hòa Visteon (Mỹ) hay các thiết bị điện tử Controls (Mỹ)…
Khối động cơ xăng tăng áp dung tích 2.0L có mã hiệu 4G63S4T đúng là ứng dụng công nghệ từ Mitsubishi, giống với dòng động cơ 4G63 được sử dụng rộng rãi cho nhiều dòng xe trong quá khứ, từ Delica 1985 – 1998, Eclipse 1990 – 1999, Lancer Evolution 1992 – 2007, Pajero 1993 – 1998 hay thậm chí cả Hyundai Sonata từ 1992 – 2005 và một cơ số các mẫu xe Trung Quốc khác như Brilliance BS4/BS6, Landwind X6/X7…
Đây là động cơ 4 xy lanh thẳng hàng, DOHC và theo Zotye thì nó đạt tiêu chuẩn khí thải Euro V. Động cơ này đạt công suất tối đa 190 mã lực tại 5.500 vòng/phút và mô men xoắn cực đại 250 Nm từ 2.400 – 4.000 vòng/phút. Theo bảng thông số kỹ thuật chính thức thì xe chỉ có thể đạt đến tốc độ tối đa 185 km/h. Điểm tích cực là khoang động cơ được che chắn kỹ lưỡng.
Khả năng vận hành của Zotye Z8 còn được nhấn mạnh với chức năng chuyển đổi giữa các chế độ hộp số Economy (tiết kiệm) và Sport (thể thao). Các công nghệ hỗ trợ an toàn được liệt kê rất đầy đủ với hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh BA, cân bằng điện tử ESP, trợ lực lái HPS, chống trơn trượt TSC, hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA, 6 túi khí an toàn SRS, phanh tay điện tử EPB và tự động giữ phanh Auto-Hold.
Ngay cả khi chừng đó tính năng vẫn chưa đủ thuyết phục khách hàng tiềm năng, các đại lý kinh doanh xe Zotye Z8 ở Việt Nam còn khẳng định chính sách hậu mãi rất chu đáo với chế độ bảo hành 3 năm hoặc 100.000 km, cùng với chi phí bảo dưỡng thay thế linh kiện được giới thiệu là “siêu tiết kiệm”. Tất nhiên, do hầu hết các xe Zotye Z8 lăn bánh ở Việt Nam hiện nay lâu nhất cũng chỉ mới được khoảng 1 năm, nên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng độ bền sản phẩm.
Zotye Z8 thực sự gây bất ngờ vì các yếu tố hấp dẫn người Việt được thể hiện khá hài hòa, mang đến cho nó sự nổi bật mà từ trước đến nay chưa hề có mẫu xe Trung Quốc nào làm được ở mức độ tương đương. Bên cạnh đó, Z8 tuy không phải mẫu xe Trung Quốc đầu tiên tạo được sự chú ý lớn ở Việt Nam, nhưng chắc chắn cũng sẽ không phải là mẫu xe cuối cùng. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đúng là đã gặt hái được những thành tựu nhất định. Một mẫu xe ra mắt lần đầu năm 2016 như Z8 mà đã thế này, thì những sản phẩm nối tiếp nó sẽ còn thế nào nữa, hẳn ai cũng mường tượng được…
Một số hình ảnh khác về Zotye Z8 tại Việt Nam: