Trang chủ » Ford Ranger Raptor – xe bán tải nhưng ở Việt Nam được đăng ký như xe con

Chia sẻ bài đăng này

Trong Nước

Ford Ranger Raptor – xe bán tải nhưng ở Việt Nam được đăng ký như xe con

Kể từ khi chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối năm 2018, mẫu xe Ford Ranger Raptor đã thu hút người tiêu dùng với vị thế là sản phẩm “bán tải hiệu năng cao” đầu tiên được bán ra dưới dạng xe chính hãng, đồng thời có giá bán cao nhất (1,198 tỷ đồng). Không chỉ có vậy, Ranger Raptor còn thể hiện sự đặc biệt khi được tính các loại thuế, phí, cấp biển số như xe con và không bị áp niên hạn sử dụng như các mẫu xe bán tải khác.


Ford Ranger Raptor – xe bán tải nhưng ở Việt Nam được đăng ký như xe con

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, biển D dành cho xe tải van – được định nghĩa là loại xe van có thiết kế bên ngoài như xe con nhưng khoang sau dùng để chở đồ. Xe bán tải được quy định đeo biển C, nhưng khi biển C hết số thì tùy vào địa phương sẽ chuyển sang chữ cái khác. Ví dụ ở Hà Nội có không ít xe bán tải đeo biển H, trong khi tại TP.HCM nhiều mẫu xe bán tải đã mang biển D. Tuy nhiên, nhiều mẫu Ranger Raptor đang lưu hành trên đường phố đã mang những biển số có chữ cái F hoặc G – thuộc nhóm ký tự dành cho xe chở người dưới 9 chỗ.

Lý giải về điều này, đại diện Ford Việt Nam từng cho biết, dù có thiết kế tương tự dòng Ranger quen thuộc bấy lâu nay nhưng riêng mẫu Ranger Raptor được coi là xe con bởi không thỏa mãn các quy định về công năng của xe bán tải theo Cục đăng kiểm. Trong đó, lý do chính là tỷ lệ giữa tải trọng chở hàng với chở người yêu cầu phải đạt trên 80% nhưng của Ranger Raptor không đạt tới mà chỉ gần xấp xỉ mức này mà thôi.


vms2018_rangerraptor_05-1024x682.jpg

Một chuyên gia khác cho biết, tất cả các xe sau khi về cảng sẽ được đăng kiểm theo Bộ TCVN 7271:2010 của Bộ KHCN để xác định xem đó là loại xe gì để phân loại và nộp thuế theo quy định. Thông qua cách tính theo bộ quy chuẩn trên thì Ranger Raptor có tỷ lệ công năng cho phép chở người lớn hơn 80%, do đó được xác định là loại xe bán tải cabin kép chở người chứ không phải là xe bán tải cabin kép chở hàng. Tức là chỉ khác nhau đúng 1 chữ, về công năng sử dụng.

Với cách tính như vậy, Ranger Raptor không bị giới hạn niên hạn sử dụng ở mức 25 năm như tất cả các mẫu xe bán tải chính hãng khác trên thị trường Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Ranger Raptor phải nộp thuế, phí như xe con, cụ thể là đóng lệ phí trước bạ từ 10 – 15% (tùy địa phương) cũng như chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 40% dành cho động cơ 2.0L; trong khi những mẫu xe bán tải khác ở cùng tầm cấu hình chỉ phải đóng lệ phí trước bạ 2% và thuế TTĐB 15% (những mức vốn dĩ dành cho xe tải). Điều này cũng lý giải vì sao giá bán của Ranger Raptor lại cao đến thế.


vms2018_rangerraptor_06-1024x682.jpg

Trên thực tế, Ranger Raptor không phải trường hợp xe bán tải đầu tiên “được” mang biển xe con. Trước đây, những chiếc Ford F-150 nhập khẩu không chính hãng cũng thường đeo biển A, H (xe con) chứ không phải biển C (xe tải), tạo nên sự đặc biệt cho chúng. Giờ thì Ranger Raptor cũng qua đó mà trở nên tách biệt với phần còn lại của phân khúc xe bán tải hạng trung ở Việt Nam.

Giống như “đàn anh” F-150 Raptor, biến thể Ranger Raptor được ra đời để đáp ứng nhu cầu về hiệu năng vận hành cao và tối ưu off-road vượt địa hình, trong khi vẫn phần nào duy trì kiểu dáng không quá to lớn – đây là lẽ hiển nhiên, bởi không phải quốc gia nào cũng đủ điều kiện hạ tầng cơ sở như Mỹ để cho phép những chiếc bán tải full-size kềnh càng như F-150 hay Silverado tung hoành.


vms2018_rangerraptor_15-1024x682.jpg

Toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng vào lúc này, không hề có bất cứ một mẫu “bán tải hạng trung hiệu năng cao” nào khác ngoại trừ Ranger Raptor. Tính rộng ra trên phạm vi thế giới, vẫn có Chevrolet Colorado ZR2 và Toyota Tacoma TRD Pro là ngang cơ, nhưng đáng tiếc chúng chỉ được bán ở Mỹ.

Ranger Raptor được bộ phận nghiên cứu phát triển xe hiệu năng cao Ford Performance hoàn thiện dựa trên nền tảng Ranger T6 đương đại. Tuy nhiên, với hàng loạt cải tiến từ khung gầm, hệ thống treo, cơ cấu truyền động cho đến các trang bị tiện nghi bên trong nội thất, Ranger Raptor như thể là một sản phẩm hoàn toàn tách biệt, chứ không chỉ đơn thuần là một bản Ranger Wildtrak nâng cấp lên.


vms2018_rangerraptor_07-1024x682.jpg

Ranger Raptor có kích thước tổng thể to lớn hơn Ranger Wildtrak tiêu chuẩn đáng kể. Bên cạnh phần thông số cơ bản với chiều dài 5.398 mm (+ 35 mm), rộng 2.180 mm (+ 150 mm) và cao 1.873 mm (+ 13 mm), Ranger Raptor còn sở hữu khoảng sáng gầm lên tới 283 mm (+ 83 mm). Độ cao của xe còn đến từ việc chuyển sang dùng lốp đa địa hình (All-terrain) BF Goodrich kích thước 285/70.

Đặc biệt, hệ thống treo của Ranger Raptor là loại độc lập cả bốn bánh, liên kết đa điểm kết hợp với lò xo và giảm chấn thủy lực do Fox Racing Shox cung cấp, ứng dụng cảm biến vị trí Position Sensitive Damping (PSD) tiên tiến. So với loại nhíp lá và giảm chấn thủy lực thông thường trên Ranger cũng như các loại bán tải hạng trung khác, hệ thống này giúp giảm vặn xoắn, hạn chế văng đuôi, thích ứng với địa hình xấu tốt hơn. Tuy có ưu điểm vận hành êm ái nhưng lại không thể tải nặng như nhíp lá, phần nào khiến Ranger Raptor thiên về chở người hơn là chở hàng như hình ảnh truyền thống của xe bán tải.

Tổng hợp

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận