Chiếc 917 số 23 (Hans Hermann & Richard Attwood lái) giành chiến thắng Lemans 24 Hours lần đầu cho Porsche năm 1970
Porsche thực ra đã chiến thắng Lemans một lần vào năm 1951
(thắng class) với chiếc 356, tuy nhiên mục tiêu thật sự vẫn là chiến thắng tuyệt
đối Lemans. Vào cuối thập niên 60, một loạt các thay đổi trong các điều luật của
các hệ thống giải đua xe khiến Porsche bắt đầu xây dựng một chiếc xe đua hoàn
toàn mới, và thế là 917 ra đời. Được trang bị động cơ Type 912 12 xi-lanh với
dung tích máy 4.5, 4.9 hoặc 5 lít (công suất khoảng 600 mã lực) nên 917 có khả
năng tăng tốc từ 0-100km/h là 2,3 giây và tốc độ tối đa khoảng 390km/h, thật sự
là một con quái vật với những thông số kĩ thuật như trên. Lần đầu ra mắt năm
1969 tại triển lãm Geneva, giá xe vào khoảng 140,000 Mác Đức, gấp 10 lần giá một
chiếc Porsche 911 tại thời điểm ấy.
917 là kết tinh toàn bộ những gì tốt nhất từ Porsche thời ấy,
nhẹ nhưng đầy nghệ, cực kì mạnh mẽ và..khó điều khiển, do thiết kế phần đuôi
ban đầu nên khi chạy ở tốc độ cao hầu như khó ai có thể điều khiển 917 theo ý
mình, rất nhiều tay lái thời ấy đã từ chối lái khi được đề nghị lái 917 bởi vì
nó quá nguy hiểm, thậm chí đã có người tử vong khi lái 917 tại Lemans 24 Hours.
Tuy nhiên vào mùa thu 1970 thì sau những cải tiến khí động học
thì 917 đã trở nên ổn định và bắt đầu công cuộc chinh phạt danh hiệu của mình
và cuối cùng xứng đáng giành chiến thắng tuyệt đối cho Porsche tại Lemans 24
Hours vào năm 1970, và lặp lại kì tích này vào năm 1971. 1971 cũng là năm đánh
dấu nhiều thay đổi trong thiết kế cho 917, Lemans 24 Hours năm ấy xuất hiện bên
cạnh chiếc 917 số 22 – mà sau này là xe chiến thắng chung cuộc – là một chiếc
917 độc nhất với màu sơn hồng cùng thiết kế lạ mắt khiến nó có biệt danh là
“Pink Pig”.
Porsche 917 số 22 Martini Racing Team, vô địch Lemans 24 Hours năm 1971
Từ sau 1971 là thời kì thống trị tuyệt đối của 917, hầu như
những hãng xe như Ferrari hay Alfa-Romeo cũng không có xe đua nào đủ tốt như
917 để có thể cạnh tranh các danh hiệu, điều này dẫn đến một loạt sự thay đổi về
các điều luật của giải đua nhằm hạn chế sự độc tôn của Porsche, cụ thể là 917.
Và lúc này Porsche cũng hướng sự chú ý của mình sang bờ kia Đại Tây Dương, nước
Mỹ, nơi tổ chức giải đua Can-Am gần như không có ràng buộc về động cơ xe đua
hay dung tích. Khi Porsche tham gia với chiếc 917/30 năm 1973, họ đã tạo ra một
con quỷ với 12 xi-lanh siêu nạp, 1580 mã lực mà tới ngày nay nhiều người vẫn
xem đây là chiếc xe đua mạnh nhất từng được chế tạo. Một lần nữa 917 lại có đất
phô diễn sức mạnh của mình và lên ngôi vô địch Can-Am với thành tích không tưởng,
thắng tất cả trừ hai chặng đua. Can-Am trước đó do McLaren hoàn toàn thống trị
trong 5 năm với xe đua được trang bị máy V8 từ Chevrolet. Tuy nhiên điều ấy đã
chấm dứt khi Porsche mang 917 đến đây, và khiến McLaren phải rút khỏi Can-Am do
không thể cạnh tranh lại những chiếc 917. Nhưng trớ trêu thay, chính sự độc tôn
của Porsche cộng thêm hoàn cảnh thế giới tại thời điểm 1974 đã buộc SSCA, cơ
quan chủ quản của Can-Am thay đổi luật lệ khiến cho 917 không thể tranh tài được
nữa, và gần như đây cũng chính là dấu chấm hết cho thành tích lẫy lừng của
Porsche 917/30 tại nước Mỹ, bị cấm vì quá mạnh, nên cũng không ngoa khi người
ta gán cho nó biệt danh “Can-Am Killer”.
Porsche 917/30 “Can-Am Killer” – chiếc xe bị cấm vì quá mạnh
1981 là năm đánh dấu sự xuất hiện cuối cùng của 917 trên đường đua chuyên nghiệp, tuy nhiên đã không mang lại một kết quả khả quan nào do 917 cũng đã có tuổi đời hơn 10 năm và cũng đã có những đối thủ mới tốt hơn, 917 chính thức kết thúc vai trò của mình với tư cách là chiếc xe đua vĩ đại nhất của Porsche, là khởi đầu cho 19 chức vô địch Lemans 24 Hours tuyệt đối mà tới nay chưa có nhà sản xuất nào san bằng được.
Tổng hợp