Koenigsegg Regera là mẫu xe hybrid đầu tiên của hãng siêu xe có trụ sở tại Angelholm, Thụy Điển. Động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 5.0 lít vẫn sẽ được trang bị cho xe, sản sinh công suất cực đại 1.100 mã lực, kết hợp cùng ba mô-tơ điện cho ra tổng công suất lên đến 1.500 mã lực. Koenigsegg đã phát triển cho Regera hộp số Direct Drive (KDD) với chỉ một cấp số duy nhất, nối trục khuỷu và hệ đẫn động.
Koenigsegg Regera hiện đang nắm giữ kỷ lục 0 – 400 – 0 km/h. Tại sân bay Rada, Thụy Điển, chiếc xe được điều khiển bởi tay lái thử Sonny Persson đã hoàn thành kỷ lục 0 – 400 – 0 km/h chỉ trong vòng 31,49 giây, nhanh hơn thời gian mà Koenigsegg Agera RS từng lập được tới 2 giây.
Là mẫu xe kế nhiệm Agera, Jesko vẫn sử dụng động cơ V8 tăng áp kép, sản sinh công suất 1.280 mã lực khi sử dụng xăng A95 nhưng khi sử dụng nhiên liệu sinh học E85, động cơ V8 tăng áp này tạo ra đến 1.600 mã lực. Mô-men xoắn cực đại đạt được là 1.500 Nm tại vòng tua máy 5.100 vòng/phút, mức mô-men xoắn 1.000 Nm sẽ được trải dài ở vòng tua từ 2.700 vòng/phút đến 6.170 vòng/phút.
Koenigsegg trang bị cho xe sử dụng hộp số 9 cấp mới và gọi đây là hộp số Lightning Speed Transmission. Hộp số này sử dụng nhiều côn hơn dựa trên nguyên lý hoạt động của hộp số ly hợp kép, cho phép chuyển số mà không cần theo thứ tự. Ví dụ, hộp số này có thể chuyển từ số 7 về số 4 ngay lập tức mà không cần phải qua số 6 và số 5.
Koenigsegg công bố họ chỉ sản xuất giới hạn 125 chiếc Jesko với giá bán khởi điểm ở mức 2,8 triệu USD mỗi chiếc.
Ra mắt vào năm 2016, Bugatti Chiron được ra mắt với sứ mệnh kế thừa chiếc siêu xe nhanh nhất đầu thế kỷ 21, Bugatti Veyron. Đến nay, 250 trên tổng số 500 chiếc Chiron đã xuất xưởng và đến tay người dùng. Kể từ khi ra mắt, Bugatti Chiron cũng đã được sử dụng để phát triển nhiều chiếc Bugatti khác, bao gồm Chiron SuperSport 300+, Chiron Pur Sport, Centodieci, Divo hay La Voiture Noire.
Bugatti Chiron được trang bị động cơ W16, dung tích 8 lít với 4 bộ tăng áp, sản sinh 1.500 mã lực cùng 1.500 Nm mô-men xoắn. Xe có khả năng tăng tốc 0 – 100 km/h trong 2,3 giây và đạt vận tốc tối đa có thể lên đến 440 km/h. Bugatti Chiron được bán với giá khởi điểm ở vào mức trên 2,4 triệu USD.
Chiếc Gemera của Koenigsegg sở hữu thiết kế lấy cảm hứng từ chính chiếc xe concept đầu tiên mà hãng ra mắt – Koenigsegg CC. Cùng với đó là những đường nét hiện đại của Jesko kết hợp cùng những chi tiết từ máy bay chiến đấu. Chiếc xe sở hữu chiều dài cơ sở lên đến hơn 3 mét, tạo cho không gian nội thất bên trong rộng rãi, thoải mái cho bốn người ngồi. Khoang hành lý phía trước và sau có thể đủ để chứa đồ cho cả bốn hành khách trên xe.
Cung cấp sức mạnh cho xe là động cơ 3 xylanh, dung tích chỉ 2.0 lít với bộ tăng áp kép và công nghệ xupap điện tử “Freevalve”. Động cơ nhỏ bé này có thể tạo ra công suất lên đến 600 mã lực và mô-men xoắn cực đại 600 Nm. Bổ sung sức mạnh cho động cơ của chiếc xe là hệ thống gồm ba mô-tơ điện, tạo ra công suất 1.100 mã lực, nâng tổng công suất của xe lên đến 1.700 mã lực và 3.600 Nm mô-men xoắn.
Koenigsegg sẽ chỉ sản xuất Gemera với số lượng 300 chiếc với giá bán khởi điểm từ 2 triệu USD.
Sau gần 10 năm ra mắt concept đầu tiên, đến năm nay, chiếc SSC Tuatara đầu tiên cuối cùng cũng đã được giao đến tay khách hàng. SSC ra mắt Tuatara dưới dạng concept vào năm 2010 để thay thế mẫu SSC Ultimate Aero trước đó. Sau nhiều lần hoãn vì lý do kinh tế, phiên bản thương mại cũng được trưng bày các đây 2 năm tại Pebble Beach.
SSC Tuatara được trang bị động cơ tăng áp kép V8 5,9 lít với giới hạn vòng tua máy ở 8.800 vòng/phút. Hãng xe Mỹ cũng cho biết, động cơ này sẽ sản sinh công suất 1.350 mã lực nếu sử dụng xăng 91 octane. Động cơ của SSC có thể sử dụng xăng E85 và với điều này, động cơ xe có thể sản sinh công suất tối đa lên tới 1,750 mã lực.
Venom F5 là siêu xe kế nhiệm Venom GT, cái tên F5 được lấy từ mức độ cao nhất trong thang đo lốc xoáy – F5 – thường dùng để đánh giá lốc xoáy có tốc độ từ 418 km/h – 512 km/h. Cái tên này phần nào minh chứng cho mục tiên phá kỷ lục 300 dặm/h ( 483 km/h ) mà Hennessey đặt ra cho siêu xe này.
Để có thể làm được điều này, Hennessey đã phát triển một động cơ V8 tăng áp kép có dung tích lên đến 7,4 lít. Chưa dừng lại ở đó, hãng cũng muốn nâng dung tích lên thành 8,0 lít và sử dụng bốn bộ tăng áp như Bugatti. Động cơ này được kỳ vọng sẽ sản sinh công suất cực đại 1.600 mã lực va 1.763 Nm mô-men xoắn. Xe sẽ sử dụng hệ dẫn động cầu sau với lốp Michelin Pilot Sport Cup 2. Hệ thống phanh sẽ do Brembo đảm trách, dầu bôi trơn sẽ sử dụng của Pennzoil và Shell.
Mở đầu cho kỷ nguyên xe thể thao chạy điện vào năm 2005, Tesla Roadster được hãng xe này mang trở lại vào năm 2017 để tiếp tục khẳng định vị thế của họ trên thị trường. Ở lần trở lại này, chiếc Roadster hào nhoáng hơn, đẹp hơn, rộng hơn và đặc biệt là rộng rãi hơn trước. Cùng với đó, chiếc xe được tích hợp những công nghệ hiện đại nhất của hãng, bao gồm cả chế độ tự hành.
Xe có khả năng tăng tốc 0 – 100 km/h trong 1,9 giây, đạt 160 km/h trong 4,2 giây, chạy quãng đường 1/4 dặm trong 8,8 giây, tốc độ tối đa trên 400 km/h. Động cơ điện sản sinh mô-men xoắn cực đại 10.000 Nm. Phạm vi hoạt động của xe lên đến gần 1000 km với gói pin 200 kW, sử dụng hệ dẫn động AWD. Tesla Roadster được bán với giả chỉ 250.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với những chiếc xe khác trong danh sách này.
Hãng siêu xe đến từ Croatia – Rimac, tính đến nay mới chỉ có hai chiếc siêu xe tuy nhiên, một trong số đó lại là concept. Với C_Two, hãng xe này mang đến cho thế giới cho thế giới một chiếc xe thể thao chạy điện mạnh mẽ, đẹp mắt cùng nhiều công nghệ đi kèm. Không những thế, Rimac còn nổi tiếng với việc cung cấp pin và hệ dẫn động cho những hãng xe khác, như Porsche và Pininfarina.
Rimac C_Two sở hữu công suất cực đại 1.914 mã lực và mô-men xoắn cực đại 2.300 Nm. Xe sở hữu khả năng tăng tốc lên 100 km/h trong chỉ 1,85 giây, tốc độ tối đa đạt 415 km/h. Chiếc xe có thể di chuyển quãng đường lên đến 650 km nếu vận hành ở chế độ thường và chỉ hơn 40 km khi ở chế độ đua.
Chiếc Battista được phát triển và thiết kế bởi chính studio Pininfarina nổi tiếng. Trước khi có riêng mẫu siêu xe cho mình, Pininfarina đã đúng sau nhiều siêu phẩm của Ferrari, Alfa Romeo, Lancia,…
Xe sử dụng bốn động cơ điện cho mỗi bánh xe, được cung cấp bởi bộ pin dung lượng 120 kWh được cung cấp bởi Rimac. Với sức mạnh này, Pininfarina Battista có khả năng tăng tốc 0 – 100 km/h chỉ trong chưa đầy hai giây và vận tốc tối đa mà xe có thể đạt được là 350 km/h. Theo Pininfarina, Battista có khả năng di chuyển trong phạm vi lên đến 450 km.
Được phát triển từ năm 2014 rồi ra mắt chính thức tại triển lãm Paris Motor Show 2018 dưới dạng xe trưng bày, đến nay siêu xe điện Aspark Owl vẫn đang trong quá trình chuẩn bị để sản xuất hàng loạt. Trước khi được bán ra rộng rãi, Aspark muốn siêu phẩm này có thể tạo nên dấu ấn nhất định để tăng niềm tin cho công chúng, với dự định sẽ phá kỷ lục chạy tại trường đua Nürburgring đối với một mẫu xe điện.
Cung cấp sức mạnh cho Aspark Owl là 4 động cơ điện sản sinh tổng cộng 1.150 mã lực và mô men xoắn cực đại 883 Nm. Nhờ vào khung xe liền khối và thân xe bằng carbon nên Aspark Owl chỉ nặng 1.460 kg. Aspark Owl với bộ lốp trơn chuyên dụng dùng cho xe đua chỉ cần 1,88 giây để tăng tốc 0 – 100 km/h trong một cuộc thử nghiệm bí mật ở Nhật. Theo hãng siêu xe này, thời gian sẽ tăng lên 1,99 giây khi sử dụng lốp dân dụng.
Lotus Evija là mẫu xe điện đầu tiên mà Lotus ra mắt. Nó cũng là chiếc xe thể thao mạnh mẽ nhất mà hãng xe này từng ra mắt. Để có thể lắp ráp 130 chiếc Evija, Lotus đã phải xây dựng thêm một nhà máy mới với các trang thiết bị hiện đại nhất thế giới. Ngay sau khi lắp ráp, chiếc xe sẽ được đưa đến đường thử ngay kế nhà máy để đảm bảo chiếc xe đạt chuẩn và sẵn sàng đến tay khách hàng.
Xe sở hữu bốn động cơ điện đặt tại bốn bánh xe, mỗi động cơ có thể tạo ra 493 mã lực, tổng công suất ở mức 1.972 mã lực. Sức mạnh này có thể giúp xe tăng tốc lên 100 km/h trong chỉ 3 giây, 200 km/h trong 6 giây và 300 km/h trong chưa đầy 10 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 360 km/h. Lotus cung cấp cho Evija năm chế độ lái khác nhau gồm: Range (đi xa), City (nội thành), Tour, Sport (thể thao), Track (chạy track).
Xe sử dụng pin dung lượng 2.000 kW có khả năng giúp xe di chuyển đến hơn 400 km ở điều kiện di chuyển bình thường. Viên pin này có thể được sạc đầy trong chỉ 9 phút nếu sử dụng bộ sạc 800 kW hoặc sạc 80% trong vòng 12 phút khi sử dụng bộ sạc nhanh công suất 350 kW.
Tham khảo New Atlas