Xuất hiện trong bài viết là chiếc Phantom thứ hai được đưa về nước ta, hãy cùng CarPassion.vn nhìn lại những bức ảnh tại thời điểm mới về nước và khám phá những đặc điểm thú vị của “tượng đài” làng xe sang Việt Nam.
Sau 5 tháng kể từ thời điểm chiếc Phantom đầu tiên về nước, chiếc Phantom thứ hai về nước có phần lặng lẽ hơn, tuy vậy xe lại được trang bị thêm hàng loạt những tùy chọn đắt giá hơn chiếc đầu tiên. Ngoài ra, chiếc Rolls-Royce này được mang về nước thông qua đường hàng không, khác biệt với phần lớn những mẫu xe đắt tiền về Việt Nam lúc bấy giờ.
Trên thực tế, Rolls-Royce Phantom là mẫu xe siêu sang thứ hai cập bến Việt Nam (sau chiếc Maybach 62), mẫu xe siêu sang Anh Quốc trong bài viết là chiếc Phantom EWB đầu tiên tại Việt Nam. Xe được nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam từ thị trường Mỹ, đây là chiếc Rolls-Royce Phantom mới hoàn toàn được nhập về để bàn giao cho một doanh nhân tại Sài Gòn, khác với chiếc Phantom màu bạc được mang về Việt Nam dưới dạng xe đã qua sử dụng.
Ở ngoại thất, xe sở hữu lớp sơn đen bóng khá mạnh mẽ, chiếc Phantom này thuộc thế hệ thứ 7 của dòng xe siêu sang huyền thoại đến từ nước Anh. Ra mắt lần đầu vào năm 2003, không lâu sau thời điểm hãng xe Đức BMW mua lại thương hiệu xe siêu sang Anh Quốc (năm 1998), Rolls-Royce Phantom VII sở hữu thiết kế pha trộn hài hòa giữa nét hoài cổ cùng với những đường nét cứng cáp. Cản trước của xe gây ấn tượng mạnh với lưới tản nhiệt bằng kim loại cỡ lớn, cụm đèn chiếu sáng halogen vuông kết hợp với cụm đèn sương mù hình tròn.
Điểm nhấn trên cản trước phải kể đến logo Spirit of Ecstasy (thiếu phụ bay), một chi tiết không thể thiếu trên những chiếc Rolls-Royce khi lăn bánh khỏi nhà máy tại Goodwood, Anh Quốc. Phantom sở hữu phần đầu xe khá dài, nắp ca-pô dập gân nổi mạnh mẽ với nẹp kim loại kéo dài từ kính lái đến phần lưới tản nhiệt.
Tương tự chiếc Phantom màu bạc, xe được trang bị với bộ mâm đa chấu mạ chrome có thiết kế sang trọng, đèn xi-nhan màu cam và đỏ là dấu hiệu nhận biết xe được nhập về Việt Nam từ thị trường Mỹ. Vì thuộc phiên bản EWB (Extended Wheelbase) nên trục cơ sở của xe được kéo dài hơn so với phiên bản tiêu chuẩn. Cụ thể, trục cơ sở của xe đã được kéo dài thêm 250 mm giúp cho chiều dài tổng thể của xe chạm mức 6.080 mm. Thân xe sở hữu thiết kế đậm chất quý tộc, tay nắm cửa và nẹp viền cửa sổ đều được mạ chrome.
Đuôi xe mang thiết kế đơn giản với cụm đèn hậu ôm trọn vào thân xe, ở vị trí trung tâm là phần ốp mạ chrome cho cốp xe cùng logo Rolls-Royce. Khác với những thế hệ sau, Phantom thế hệ thứ 7 được trang bị hệ thống ống xả đặt ẩn phía bên dưới gầm xe, tạo một nét đẹp đầy tinh tế cho mẫu xe siêu sang Anh Quốc.
Tiến vào bên trong, Phantom sở hữu hệ thống cửa mở ngược (Suicide door) trứ danh của Rolls-Royce, cất bên trong các cánh cửa là những cây dù khắc logo của hãng xe siêu sang. Bệ bước chân được ốp kim loại và thảm lót sàn bằng lông cừu thể hiện mức độ xa xỉ trên những sản phẩm của Rolls-Royce. Chủ nhân của xe đã tinh tế lựa chọn khoang nội thất với phối màu sáng, tương phản với lớp sơn đen trên thân xe.
Ở khu vực hàng ghế trước, bảng táp-lô trên xe được bọc da cao cấp và ốp gỗ quý, các nút bấm trên bảng táp-lô và khe làm mát bằng kim loại, màn hình điện tử ở khu vực trung tâm hiển thị một số các chức năng giải trí, thực chất chiếc màn hình này có khả năng chuyển đổi thành một chiếc đồng hồ cơ thông qua thao tác ấn mạnh vào bề mặt và ngược lại. Bên phía ghế phụ, bảng táp-lô khắc tên xe Phantom nổi bật trên nền gỗ quý. Rolls-Royce Phantom sở hữu phần vô-lăng 3 chấu nhỏ gọn, gợi nhớ đến vô-lăng trên những mẫu xe cổ điển trước thập niên 2000. Cần chuyển số đặt ngay phía sau vô-lăng, cụm đồng hồ trung tâm bao gồm các đồng hồ analog và hai màn hình điện tử cỡ nhỏ hiển thị tốc độ di chuyển, mức nhiên liệu trong bình và các thông tin vận hành.
Nếu như nhìn vào khoang nội thất, chúng ta có thể dễ dàng hiểu tại sao cái tên Rolls-Royce Phantom luôn được xướng lên khi bất kì ai đó đặt ra câu hỏi : “Đâu là mẫu xe siêu sang hấp dẫn bậc nhất thế giới ?”. Khoang nội thất được chế tác thủ công luôn là niềm tự hào của những người thợ lành nghề tại nhà máy Rolls-Royce, ghế ngồi trên xe được khâu tỉ mỉ bằng tay và bọc da cao cấp, tựa đầu ghế thêu logo của hãng xe siêu sang Anh Quốc, ngoài ra ghế ngồi còn được trang bị chức năng sưởi và massage. Hàng ghế sau có sự xuất hiện của bàn làm việc bằng gỗ và màn hình điều khiển, có thể gập gọn vào ghế trước, giữa hai ghế là bệ tì tay và tủ làm mát. Để tăng độ riêng tư cho khoang sau, Rolls-Royce bổ sung thêm rèm điện trên khung cửa sổ, giúp cho chủ nhân có thể thư giãn theo cách thoải mái nhất.
Bầu trời sao với 800 bóng đèn LED
Điểm nhấn trong khoang cabin chính là bầu trời sao được chế tác tinh xảo, đây là chiếc Rolls-Royce đầu tiên tại Việt Nam được trang bị bầu trời sao. Được giới thiệu lần đầu vào năm 2007, bầu trời sao trên Phantom là sự kết hợp của 800 bóng đèn LED khác nhau dành riêng cho hàng ghế “ông chủ”. Sau đó, Rolls-Royce đã nhanh chóng cập nhật thêm tùy chọn bầu trời sao kéo dài trên cả phần nóc xe với 1.340 bóng đèn LED. Bầu trời sao là bản giao hưởng hoàn hảo giữa việc chế tác thủ công của Rolls-Royce và những công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới. Thông thường, để hoàn thành một bầu trời sao mất 9 giờ đồng hồ, nhưng với hãng xe sở hữu riêng một bộ phận cá nhân hóa (Bespoke) như Rolls-Royce, các yêu cầu từ khách hàng rất khó trùng lặp với nhau, một bầu trời sao với những họa tiết “thửa riêng” có thể ngốn đến hơn 17 giờ làm việc của hai người thợ lành nghề tại nhà máy Goodwood, Anh Quốc.
Rolls-Royce Phantom sử dụng động cơ V12 có dung tích “khủng” 6.75 lít, sản sinh công suất tối đa 453 mã lực và mô men xoắn cực đại đạt mức 720 Nm. Mẫu xe siêu sang có khối lượng lên đến gần 2,5 tấn, tuy vậy, Phantom chỉ mất chưa đến 6 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h và tốc độ tối đa đạt 240 km/h.
Mức giá bán của chiếc Rolls-Royce Phantom EWB đầu tiên về Việt Nam hiện vẫn còn là một ẩn số nhưng với việc được trang bị nhiều tùy chọn đắt giá và đồng thời là một chiếc xe mới hoàn toàn tại thời điểm được nhập về, giá bán của xe chắc chắn sẽ vượt mức 1 triệu Đô-la.
Một số hình ảnh khác về chiếc Phantom EWB đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam :