Ngoại thất
Sở hữu nhiều đường nét sắc cạnh thay vì bo tròn như các đối thủ cùng phân khúc như Kia Morning, Hyundai i10, phong cách thiết kế của Wigo mang dáng vẻ trẻ trung và năng động hơn nhiều.
Ở phần đầu xe vẫn là lưới tản nhiệt cỡ lớn hình thang ngược đặc trưng của Toyota, kèm theo đó là hốc gió trước được tạo hình giọt nước tích hợp với đèn sương mù. Sau hơn 1 năm sử dụng, màu sơn và các chi tiết mạ bạc cũng bị mài mòn nhẹ và xuất hiện các vết xước dăm do các yếu tố bên ngoài tác động. Hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị chỉ là 1 dải đèn LED định vị ban ngày và hệ thống đèn pha Halogen dạng Projector, đèn chiếu xa phản xạ đa hướng.
Ở phía sau, Wigo còn được hãng trang bị thêm bộ cánh gió tích hợp sẵn đèn báo phanh ở chính giữa, đây có lẽ chính là điểm cộng dành cho thiết kế trẻ trung này.
Điểm đáng tiếc nhất trên mẫu xe này tôi nhận thấy có lẽ là hệ thống gương chiếu hậu. Tuy được điều chỉnh điện nhưng vẫn gập cơ nên cũng khá bất tiện khi mỗi lần dừng xe đều phải xuống gập lại gương cho gọn gàng và bảo vệ.
Wigo sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 3.660 x 1.600 x 1.250 (mm), chiều dài cơ sở của xe 2.455mm và khoảng sáng gầm 160mm. Sở hữu chiều dài cơ sở khá hơn các đối thủ cùng phân khúc là Kia Morning (2.385 mm) và Hyundai Grand i10 (2.425 mm), điều này giúp Wigo có lợi thế hơn về diện tích sử dụng bên trong và thật vậy, cảm giác ngồi bên trong xe rộng rãi và thoải mái hơn rất nhiều so với 2 đối thủ trên.
Điểm trừ lớn nhất trên thân xe chính là tay nắm cửa được thiết kế như trên những mẫu xe từ… 10 năm trước, khá lạc hậu so với thời đại ngày nay, khi các đối thủ khác đang dần đổi qua những tay nắm cửa hiện đại và tích hợp mở khoá ngay trên tay nắm. Đây có lẽ là điều mà Toyota nên xem xét và nâng cấp thêm cho các phiên bản sau này.
Nội thất
Nếu như ở ngoại thất, Wigo làm tôi ấn tượng bao nhiêu thì nội thất khá làm tôi thất vọng. Trước hết là khu vực táp-lô. Chất liệu ở khu vực này hoàn toàn bằng nhựa cứng, trung tâm là hệ thống đầu giải trí cảm ứng cơ bản. Hệ thống điều hoà trên xe cũng chỉ được chỉnh cơ hoàn toàn và thiết kế quá đơn giản và chưa thật sự thẩm mỹ cho lắm.
Ghế lái của Wigo chỉ hỗ trợ chỉnh tay và không hỗ trợ chỉnh cao/thấp. Nhưng bù lại, ghế được bọc nỉ và kiểu dáng thể thao khá trẻ trung. Về thiết kế vô-lăng, chất liệu ở khu vực này mà thương hiệu Nhật Bản trang bị cho Toyota Wigo hoàn toàn là nhựa, nhưng điểm cộng đến từ phím bấm âm lượng, chuyển bài hát đã được tích hợp. Với trang bị trên, tay lái của Toyota Wigo không hoàn toàn trống trơn như thiết kế của một số mẫu xe đối thủ.
Phía sau, màn hình đa thông tin trên Toyota Wigo bản số tự động 1.2 AT là dạng đơn sắc nhưng hiển thị cũng khá rõ ràng. Trung tâm là đồng hồ tốc độ thiết kế to bản mang đến điểm nhấn cho xe và giúp cảnh báo tài xế thuận tiện hơn.
Hàng ghế sau của Wigo cũng là một điểm trừ đáng chú ý. Tuy có khoảng trống để chân khá rộng và ngồi rất thoải mái nhưng khi gập lại để bỏ thêm hành lý ở phía sau, ghế chỉ gập được theo tỷ lệ 4:3 chứ không gập xuống hoàn toàn như các đối thủ cùng phân khúc.
Vận hành
Wigo 2019 được trang bị khối động cơ 3NR-VE, dung tích 1.2L, 4 xy-lanh cho công suất tới 86 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 107 Nm tại 4.200 vòng/phút. Kết hợp với đó là hộp số tự động 4 cấp. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước. Trong khi đó, đối thủ i10 của Hyundai chỉ đạt được công suất tối đa 83 mã lực, vẫn chưa bằng được Wigo. Đây có lẽ là điểm nổi bật của mẫu xe này giúp vượt mặt các đối thủ cùng phân khúc.
Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của Wigo theo thực tế rơi vào khoảng 6.5 – 7 lít cho quãng đường 100km, không khác biệt mấy so với các đối thủ i10, Morning nhưng bù lại, khối động cơ của Toyota lại bền bỉ qua năm tháng.
Vô-lăng của Wigo khá nhẹ nhàng khi di chuyển trong phố bởi được trợ lực điện, nhưng không quá lạc nhịp khi chạy đường cao tốc. Có nghĩa là khi chạy tốc độ cao, Toyota Wigo vẫn đáp ứng khá tốt những trải nghiệm cầm lái của người dùng, tương đối đầm chắc, ở phân khúc này tôi đánh giá đây là chiếc xe có cảm giác lái ổn định nhưng khi ở dải tốc độ trên 100km/h, người ngồi sau sẽ có cảm giác khá bồng bềnh và choáng nhẹ.
Và điểm trừ lớn nhất cũng là vấn đề muôn thủa của phân khúc xe hạng A đó chính là khả năng cách âm tệ. Toyota Wigo không phải ngoại lệ khi mẫu hatchback này luôn ồn ào dù đi ở đường nào. Trên đường bê tông thì tiếng lốp là nghe rõ nhất, đường đô thị sẽ là tiếng động cơ dù phần máy khá êm còn trên đường cao tốc chắc chắn là tiếng gió, độ ồn khi lốp tiếp xúc với mặt đường.
Kết luận
Với giá thành rẻ, trang bị theo xe đơn giản như trên, Wigo xứng đáng là sự lựa chọn hợp lý cho việc kinh doanh dịch vụ. Đối với khách hàng cá nhân thì những giá trị cốt lõi, phong cách dùng xe thân thiện, không phức tạp sẽ là điểm cộng bù lại cho dải trang bị ít ỏi trên xe.