Honda CR-V lắp ráp trong nước giá cao hơn xe nhập, Xpander nhập khẩu có giá bằng với xe lắp ráp hay mới đây Ford Ranger ra mắt phiên bản lắp ráp trong nước giá không đổi,… Đây là một điểm mâu thuẫn giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong thời gian qua.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã ra nhiều chính sách nhằm siết chặt ô tô nhập khẩu vào Việt Nam và ủng hộ xe lắp ráp nội địa. Thế nhưng các hãng xe vẫn không thật sự "mặn mòi" với việc lắp ráp trong nước, thay vào đó họ vẫn tìm cách tối ưu để xe nhập khẩu hoặc kết hợp phân phối cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp.
Số lượng xe nhập khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm 2021
Năm 2018, ngành ô tô Việt đã có nhiều thay đổi khi thuế xuất nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%. Lúc này để đảm bảo công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, đồng thời giảm sức ảnh hưởng của xe nhập khẩu vào thị trường, chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hay còn gọi là "rào cản" dành cho xe nhập khẩu.
Nghị định 116 là "rào cản" đầu tiên đối với xe nhập khẩu vì cần giấy chứng nhận chất lượng kiểu VTA, thời gian đầu khiến nhiều hãng xe phải đau đầu, xoay trở và mọi thứ ổn thỏa trong những tháng cuối năm. "Rào cản" tiếp theo là Nghị định 125, ưu đãi thuế nhập khẩu kinh kiện 0% đối với xe lắp ráp (nếu đáp ứng đủ về sản lượng) và tăng thuế ô tô nhập lướt.
Tiếp đến là vào năm 2020, Nghị định 57 được đưa ra tiếp tục ưu ái cho xe lắp ráp, cụ thể linh kiện trong nước chưa sản xuất được và doanh nghiệp phải nhập về cũng được hưởng thuế 0% và không cần điều kiện về sản lượng như Nghị định 125.
Cũng trong năm 2020, khi tình hình đại dịch diễn biến phức tạp và ngành xe cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn, chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 70, giảm 50% thuế trước bạ khi mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; xe nhập khẩu không được ưu đãi này.
Dù xe nhập khẩu có rất nhiều "rào cản" từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc theo thống kê của Tổng cục Hải Quan trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 81,107 xe. So với cùng kỳ 2020, con số này tăng 100,5%, trong đó, ô tô từ 9 chỗ trở xuống tăng 76% với 53.942 xe.
Nhìn vào các con số này sẽ thấy nửa đầu năm 2021, số lượng xe con nhập khẩu đã vượt qua doanh số cả năm 2018 và gấp đôi năm 2020. Các con số này cho thấy, thị trường xe không giảm mạnh như suy nghĩ nhiều người mà còn tăng lên đáng kể.
Các hãng xe lắp ráp trong nước vẫn phụ thuộc xe nhập khẩu
Sau khi chính phủ ban hành các chính sách ưu tiên dành cho xe lắp ráp trong nước, nhiều hãng xe đã chuyển những mẫu xe chiến lược sang lắp ráp trong nước. Đơn cử như Xpander từng được nhập khẩu từ Indonesia, tuy nhiên sau khi chiếc MPV này "soán ngôi" Toyota Innova, Mitsubishi đã chuyển hướng sang lắp ráp trong nước.
Trước đó, Toyota Fortuner cũng được nhập từ Indonesia và đã được chuyển về lắp ráp trong nước. Honda cũng lắp ráp nội địa CR-V sau thời gian nhập khẩu từ Thái Lan. Mới đây nhất là chiếc xe bán tải hot nhất thị trường Việt – Ford Ranger cũng được lắp ráp trong nước, nhưng chỉ một vài phiên bản.
Hàng loạt ưu đãi và vậy, thế nhưng số lượng xe nhập khẩu về nước vẫn tăng vì thực tế các hãng xe không thể đáp ứng được sản lượng và mục tiêu.
Có thể thấy, Corolla Cross chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan có doanh số cao của Toyota tại Việt Nam cũng chỉ là mẫu xe bù vào doanh số Fortuner lắp ráp từ tháng 6/2019 có doanh số giảm.
Ford Việt Nam vừa công bố lắp ráp Ranger, tuy nhiên phiên bản hot nhất XLS lại phản bán song song xe nhập và xe lắp ráp. Bên cạnh đó, Xpander cũng đang lắp ráp trong nước không đủ sản lượng vẫn phụ thuộc vào xe nhập khẩu thì sản lượng xe trong nước chỉ chiếm 5%, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, vẫn có nhiều hãng xe đang ưu tiên nhập khẩu xe hơn là lắp ráp như Mitsubishi Attrage, Suzuki thì có Ertiga và XL7, Mazda có Mazda2, CX-3 và CX-30 hay Subaru nhập khẩu Forester. Bên cạnh đó còn có các mẫu xe của Jeep và làn sóng xe Trung Quốc đang từng bước vào Việt Nam.
>>> Xem thêm: 10 xe bán chạy nhất tháng 6/2021: Fadil dẫn đầu, Accent đứng nhì, Vios về ba
Xe lắp ráp không hề rẻ so với xe nhập khẩu
Đã từng có nhiều suy đoán cho rằng "xe lắp ráp có mức giá rẻ hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc", điều này chưa đúng lắm. Dù là xe lắp ráp nhưng chi phí sản xuất tại Việt Nam vẫn cao hơn Indonesia hay Thái Lan.
Có thể lấy Toyota Fortuner là ví dụ điển hình, dù được lắp ráp trong nước (tháng 6/2019) nhưng giá xe lại cao hơn bản nhập Indonesia khoảng 2-7 triệu đồn; đến khi ưu đãi thuế 0% được áp dụng khi xe nhập từ ASEAN thì Fortuner bán song song bản lắp ráp và bản nhập.
Có thể thấy, dù xe lắp ráp trong nước thì giá bán vẫn không thay đổi hoặc thậm chí còn tăng vài triệu. Có chăng, người mua xe lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi 50% trước bạ nên giá xe lăn bánh sẽ rẻ hơn. Việc các hãng chấp nhận lắp ráp xe trong nước chỉ áp dụng với những mẫu xe chiến lược nhằm chủ động được nguồn cung.
Mặt khác, theo một chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, chi phí nhập bộ linh kiện hoàn chỉnh lắp ráp ô tô từ nhà cung ứng từ nước ngoài về Việt Nam cao hơn so với nhập một mẫu xe nhập khẩu (CBU) hoàn thiện. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện chỉ ở mức 7-10% chủ yếu là các thành phần như săm, lốp, ghế ngồi, bộ dây điện,… Ngành công nghiệp phụ trợ trong nước không chỉ yếu mà còn thiếu, nếu có được ưu đãi khi nhập khẩu linh kiện thì chi phí vận chuyển, lưu kho, thuế nhập khẩu,… cũng khiến chi phí sản xuất lắp ráp trong nước cao khoảng 15-20% so với các nước.
Đó còn chưa tính đến các yếu tố quy mô công suất sản xuất và sức tiêu thụ số lượng phải đủ lớn. Nếu như đạt dung lượng thị trường càng lớn thì cơ hội tăng sản lượng xe xuất xưởng cũng lớn và giá thành xe lúc này có thể giảm nhờ vào khấu hao sản lượng. Thế nhưng đến nay thị trường ô tô tại Việt Nam chưa thể làm như các nước.
Nói đơn giản, nếu cùng mức đầu tư, nhưng công suất sản lượng sản xuất của nước A cao hơn 2-3 lần nước B thì khấu hao sản phẩm trên mỗi xe sẽ thấp hơn giúp giá thành xe được giảm.
Vậy nên, thay vì các hãng ô tô phải đầu tư nhà máy, thiết bị lên đến vài triệu USD mà doanh số chưa như kỳ vọng thì bài toán cân nhắc kỹ lưỡng kết hợp xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước là sự lựa chọn phù hợp nhất.