Trang chủ » 8 thiết kế cánh gió đỉnh nhất thế giới

Chia sẻ bài đăng này

Quốc Tế

8 thiết kế cánh gió đỉnh nhất thế giới


8 thiết kế cánh gió đỉnh nhất thế giới

Để giúp xe tạo lực ép, tăng sự ổn định cho xe ở tốc độ cao, các nhà sản xuất thường trang bị cho sản phẩm của mình những bộ cánh gió ở phía đuôi xe. Bộ phận này có có vai trò đè nén đuôi xe, giúp chúng bám đường tốt hơn thông qua hiệu ứng mặt đất. Ngược lại, chúng sẽ tạo lực cản, vì thế xe sẽ chậm hơn các đoạn thẳng.

Chính điểm yếu này đã khiến các nhà sản xuất mang đến nhiều giải pháp để giúp xe nhanh hơn. Việc đưa ra các giải pháp cũng đồng thời làm cho chiếc xe trở nên hầm hố và ấn tượng hơn thông qua cách chi tiết này hoạt động trong lúc chiếc xe vận hành. Sau đây, hãy cùng điểm qua một số thiết kế cánh gió độc đáo nhất hiện tại.

Porsche Panamera Turbo


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-8.jpg

Với một chiếc sedan thể thao như Panamera, việc trang bị một bộ cánh gió lớn cho những phiên bản hiệu năng cao không phải là một điều gì đó dễ dàng, nhất là khi phải giữ lại vẻ ngoài thực dụng của chúng. Porsche đã giải quyết tình huống này bằng bộ cánh gió ba mảnh hai tầng độc đáo của phiên bản Turbo và Turbo S. Ở những bản Panamera khác, cánh gió sẽ chỉ là một mảnh nhưng ở hai bản hiệu năng cao này, cánh gió sau khi kích hoạt sẽ lập tức được chia ra và mở rộng sang hai bên. Bộ cánh gió này có thể được kích hoạt bằng nút bấm hoặc tự động ở tốc độ trên 128 km/h.

Koenigsegg One:1


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-7.jpg

One:1 là một trong những chiếc xe có thiết kế ấn tượng nhất của Koenigsegg và điều ấn tượng nhất có lẽ đến từ phía sau. Bộ cánh gió được làm hoàn toàn bằng sợi carbon của nó được gắn vào ngay phía sau khoang lái, trên nắp động cơ cỡ lớn đặc trưng của Koenigsegg. Bộ cánh gió này có thể tạo ra lực ép lên đến 610 kg ở tốc độ 280 km/h. Nó cũng có thể điều chỉnh hướng lên 25 độ để tạo lực cản gió khi phanh và hạ xuống 6 độ để giảm lực cản ở tốc độ cao. Toàn bộ cơ cấu vận hành thủy lực và bộ cánh gió được sử dụng thiết kế sợi carbon rỗng, nhờ đó nó chỉ nặng 9 kg.

Ford GT


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-1.jpg

Ở thế hệ thứ hai, Ford GT sở hữu nhiều tính năng của một chiếc siêu xe hơn so với đời trước, trong đó có bộ cánh gió chủ động của nó. Ở chế độ V-max và chạy phố bình thường, cánh gió sẽ hạ thấp để giảm lực cản. Ngược lại, ở chế Track, cánh gió nó sẽ được kích hoạt ở vị trí sẵn sàng. Nó sẽ nhô cao nhưng vẫn sẽ nằm phẳng, khi phanh, nó sẽ được dựng lên để tạo lực cản. Đặc biệt hơn, quá trình kích hoạt chế độ Track của Ford GT tốn chưa đầy ba giây.

McLaren Senna


8-bộ-cánh-gió-có-thiết-kế-đỉnh-nhất-thế-giới.jpg

Bộ cánh gió của Senna là một trong những bộ cánh gió có thiết kế đẹp và hiệu quả nhất trong giới siêu xe. Kết hợp với các chi tiết khí động học, bộ cánh gió này có thể giúp tạo ra đến 800 kg lực ép, cao hơn mẫu xe P1 trước đây 200 kg. Bộ cánh gió của Senna có thiết kế hai tầng để tối đa lực ép, đồng thời, nó cũng có thể hoạt động như một bộ cản gió khi phanh. Ở tốc độ cao, cánh gió sẽ ngả về phía sau, hoạt động như hệ thống giảm lực cản (DRS) trên xe đua Công thức 1.

Ferrari FXX-K


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-6.jpg

Khác với những mẫu xe ở đây, cánh gió của FXX-K được giấu ở bên dưới nắp động cơ và sẽ xuất hiện khi ôm cua và đạp phanh hết mức. Kết hợp cùng bộ cánh chủ động này là hai cánh “winglet” cố định đặt trên thân xe phía sau. Bộ chi tiết này có nhiệm vụ cân bằng thân xe. Cả hai chi tiết này khi kết hợp với nhau có thể tạo ra lực ép lên đến 500 kg. Bộ cánh gió cùng các hốc gió ở đầu xe được điều khiển bằng hệ thống máy tính tối tân, tính toán theo thời gian thực của xe để mang đến khả năng vận hành tốt nhất trên đường đua.

Lamborghini Huracán Performante / Aventador SVJ


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-5.jpg

Trên Huracán Performante, Lamborghini đã lần đầu giới thiệu đến thế giới thiết kế cánh gió rỗng, cho phép dẫn luồng khí bên trong để giảm lực ép khi chạy ở tốc độ cao hoặc tạo thêm lực ép khi vào cua. Hệ thống này được hãng gọi là ALA (Aerodinamica Lamborghini Attiva), nó hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với bộ cánh gió chủ động bên ngoài khi chỉ cần 0,1 giây để đóng/mở các cửa gió. Với hệ thống khí động học này, chiếc Huracán Performante lập được thành tích 6 phút 52 giây tại trường đua Nurburgring.


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-4.jpg

Ở Aventador SVJ, hệ thống ALA được nâng cấp lên thế hệ thứ hai với việc bổ sung thêm tính năng vector khí động học. Tính năng này cho phép mở hoặc đóng một bên cửa gió để tạo lực ép tối đa lên thân xe bên trong khi xe vào cua. Với sự nâng cấp này cùng động cơ V12 mạnh mẽ hơn, Aventador SVJ đã tạo kỷ lục 6 phút 44,97 giây tại Nurburgring trước khi bị lật đổ bởi Mercedes-AMG GT Black Series.

McLaren Speedtail


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-3.jpg

Với Speedtail, McLaren hướng đến thiết kế một chiếc xe có thể đạt vận tốc tối đa cao nhất có thể, chính vì thế, mọi chi tiết ngoại thất đều được tối giản để khiến luồng khí qua xe một cách thuận tiện nhất. Phía sau, bộ hai cánh gió độc đáo của Speedtail có thể hoạt động một cách chủ động hoàn toàn. Chúng không hẳn là hai cánh gió, thực chất, đây là hai miếng carbon có thể uốn cong, nhô cao để giúp tạo sự ổn định cho xe ở tốc độ hơn 400 km/h. Bộ cánh của Speedtail gây chú ý bởi đây là một phần của thân xe và nó có thể uốn nhưng không để lại nếp gấp và không có cơ cấp khiến nó rời khỏi thân xe.

Zenvo TSR-S


8-thiết-kế-cánh-gió-đỉnh-nhất-thế-giới-2.jpg

Cuối cùng, ta có bộ cánh gió độc đáo bậc nhất thế giới của chiếc Zenvo TSR-S đến từ Đan Mạch. Bộ cánh gió này sẽ điều chỉnh góc độ theo cả chiều ngang và chiều dọc của cánh gió phía trên bằng hai thanh thủy lực điện tử bên dưới. Khi xe chạy, bộ cánh này luôn hoạt động, tạo ra cảnh tượng khá thú vị ở phía sau của chiếc Zenvo.

Tham khảo CarBuzz

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận