Chất liệu carbon hiện là một trong những nguyên vật liệu đang được sử dụng một cách rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô bởi những đặc tính vượt trội của chất liệu này như có trọng lượng nhẹ hơn, bền hơn, chắc chắn hơn đáng kể so với các vật liệu truyền thống. Là một trong những thương hiệu siêu xe hàng đầu, Lamborghini hiện vẫn là một thương hiệu siêu xe ưa chuộng vật liệu này với những phát triển vượt bậc, từ đây giúp tối ưu hóa các đặc tính của vật liệu này và tạo nên sự chắc chắn cho những chiếc siêu xe Ý.
Một điểm mạnh trong thiết kế và phát triển những mẫu siêu xe của Automobili Lamborghini là phát triển và ứng dụng vật liệu sợi carbon nhẹ. Việc duy trì, đẩy mạnh nghiên cứu và một cách tiếp cận sáng tạo đã giúp đưa Lamborghini đi đầu trong lĩnh vực phát triển chất liệu carbon trong hơn 35 năm qua. Dưới đây là 12 cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển cũng như quá trình ứng dụng của Lamborghini đối với vật liệu sáng tạo này:
1983: Năm đầu tiên đánh dấu cột mốc Lamborghini bắt đầu phát triển và sử dụng sợi carbon. Bộ phận ‘Esperienza Materiali Compositi’ mới (gọi tắt là E.Co), được thành lập nhờ những công nghệ về vật liệu được chuyển giao từ công ty Boeing với các thành phần sơi carbon và Kevlar từng được sử dụng trên máy bay Boeing 767. Phiên bản Concept đầu tiên sở hữu khung gầm sợi carbon được gọi là Countach Evoluzione. Đây là lần đầu tiên Lamborghini sử dụng vật liệu composite và cũng là một trong những mẫu xe đầu tiên được áp dụng vật liệu này.
2007: Thương hiệu Lamborghini xác nhận quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đại học Washington (UW), đây chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của vật liệu tổng hợp tại Lamborghini. Một số khía cạnh kỹ thuật khác của công nghệ ngoài nồi hấp RTM đã được giao cho trường Đại học Hoa Kỳ nghiên cứu và phát triển và về sau công nghệ này đã được ứng dụng chế tạo cho kết cấu khung liền khối của mẫu xe Aventador trong tương lai. Năm 2007, một bộ phận được thành lập trong Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển và hiện nay được gọi là “Trung tâm Phát triển Vật liệu tổng hợp”, để tập trung vào nghiên cứu các vật liệu sáng tạo và phát triển các công nghệ mới để tối ưu hóa vật liệu sợi carbon.
2008: Thỏa thuận hợp tác đầu tiên được ký kết với Boeing để nghiên cứu về lĩnh vực va chạm của vật liệu Composite và phát triển thân xe Aventador monocoque, Automobili Lamborghini đã bắt đầu triển khai các công nghệ, quy trình, phương pháp mô phỏng và mô phỏng vật liệu composite từ các ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ để ứng dụng cho những chiếc siêu xe của mình.
2010: Là kết quả của sự hợp tác với Boeing và Callaway, Lamborghini đã phát triển thành công công nghệ Forged Composites với sáng chế này đã được cấp bằng sáng chế. Chính từ cột mốc này, thương hiệu đã hình thành ý tưởng chế tạo siêu xe Sesto Elemento chỉ trong vài ngày. Cũng vào năm 2010, một nhà máy dành riêng để sản xuất các thành phần Composite được xây dựng tại trung tâm sản xuất của Lamborghini và về sau được sử dụng để sản xuất khung gầm monocoque của Lamborghini Aventador và cung cấp cả dây chuyền sản xuất tự động và kỹ thuật chế tác thủ công cẩn thận và đầy tỉ mỉ.
2011: Thương hiệu ra mắt Aventador LP 700-4 mới. Mẫu xe được trang bị bộ khung liền khối bằng sợi carbon sáng tạo được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Sant’Agata Bolognese. Phần khung xe được làm hoàn toàn bằng sợi carbon và được thiết kế với cấu trúc độc đáo, đảm bảo khung xe chỉ nặng 229,5 kg. Chính vì tính chất phức tạp và độc đáo của quy trình sản xuất vật liệu composite liền khối mà không nhà cung cấp nào có thể sản xuất ở thời điểm bấy giờ nên Lamborghini quyết định sản xuất hệ thống khung này tại chính nhà máy của thương hiệu. Hầu hết các bộ phận tạo nên hệ thống khung liền khối này đều được sản xuất bằng công nghệ “RTM-Lambo” đã được cấp bằng sáng chế của Lamborghini. Quy trình này giúp loại bỏ các bước cán và nồi hấp thủ công nhưng đồng thời cho phép sử dụng khuôn sợi carbon, giảm thời gian sản xuất và biến RTM-Lambo trở thành công nghệ sản xuất tiên tiến.
(Còn tiếp)…
Tham khảo: Lamborghini