Sau khi ra mắt tại Los Angeles vào cuối năm 2021, Porsche 718 Cayman GT4 RS và biến thể Clubsport vừa qua đã có dịp chinh phục đường đua băng GP Ice Race. Ngoài những tình huống đòi hỏi khả năng xử lý của những tay đua lành nghề trên điều kiện đường xá băng tuyết, những chiếc xe này còn gây chú ý với việc được chạy bằng nhiên liệu xăng tái tạo hiện đang được Porsche nghiên cứu, phát triển hướng tới mục tiêu bền vững trong tương lai.
Cho dù được sinh ra tại châu Âu nhưng đây mới là lần đầu tiên mẫu xe xuất hiện một cách công khai cũng như chinh phục những cung đường ở “Lục địa già” này. Mẫu xe đã có dịp đi trên đường đua tại Zell am See và chiếc xe đầu bảng của đại gia đình 718 đã thể hiện khả năng về xử lý, hiệu suất một cách ấn tượng, đồng thời đem tới sự chứng minh cho hiệu quả của nguồn nhiên liệu xăng tái tạo mà Porsche đang nghiên cứu với lượng khí thải CO₂ giảm đáng kể.
Nguồn nhiên liệu tái tạo có thể góp phần quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông. Trong trường hợp này, nhiên liệu này là xăng tái tạo dựa trên nhiên liệu sinh học tiên tiến làm từ phế phẩm thực phẩm. Trước đó, loại nhiên liệu này đã chứng minh sự phù hợp để sử dụng cho động cơ Porsche hiệu suất cao trong mùa giải Porsche Mobil 1 Supercup khi được sử dụng trong các xe 911 GT3 Cup của tất cả các đội đua trong mùa giải năm 2021.
Thành viên Hội đồng Quản trị Nghiên cứu và Phát triển của Porsche, Michael Steiner giải thích: “Số lượng phương tiện giao thông khổng lồ trên các con đường trên thế giới với khoảng 1,3 tỷ phương tiện theo số liệu mới nhất. Điều này có nghĩa là quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe chạy bằng điện không diễn ra đủ nhanh để đạt được các mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris. Ngoài ra, các khu vực khác nhau trên thế giới đang áp dụng việc điện hóa với các tiến độ khác nhau, điều này có nghĩa là các phương tiện có động cơ đốt trong sẽ vẫn hoạt động trong nhiều thập kỷ tới.”
Với nhiên liệu được sản xuất hầu như không chứa CO₂, các phương tiện hiện có vẫn có thể tự đóng góp vào việc giảm lượng khí CO₂ một cách nhanh chóng thay vì tiến trình điện hóa. Huyền thoại vận động Walter Röhrl nhấn mạnh: “Chúng tôi khẩn cấp cần một giải pháp cho hoạt động bền vững của các đội đua hiện tại.” Ông cũng cho biết thêm: “Mục tiêu này có thể đạt được với việc phát triển nguồn nhiên liệu xanh. Để tích cực thúc đẩy sự phát triển này, Porsche đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên để sản xuất eFuels.”
eFuels được sản xuất bằng cách sử dụng điện tạo ra từ năng lượng gió. Nước được phân hủy thành các thành phần của nhiên liệu, Hydro (H2) và Oxy (O2) thông qua quá trình điện phân. Sau đó, Hydro được xử lý với CO₂ chiết xuất từ không khí để sản xuất e-metanol. Bước tiếp theo chính là tổng hợp metanol thành xăng, từ đây nhiên liệu được biến thành xăng thô tổng hợp, sau đó được chế biến thành nhiên liệu xăng phù hợp tiêu chuẩn có thể được sử dụng trong tất cả các động cơ xăng.
Dự án Haru Oni với sự tham gia của Porsche, Siemens Energy và nhiều đối tác quốc tế khác đã xây dựng nhà máy thương mại tích hợp quy mô lớn đầu tiên trên thế giới sản xuất các loại nhiên liệu tổng hợp gần như không chứa carbon này. Nhà máy này nằm ở tỉnh Magallanes của miền nam Chile, tận dụng các điều kiện lý tưởng về mặt địa lý để tạo ra năng lượng gió và sẽ được sử dụng làm nguồn điện bền vững để sản xuất xăng tổng hợp.
Theo dự kiến kể từ năm 2022, nhà máy thử nghiệm sẽ sản xuất khoảng 130.000 lít eFuels mỗi năm. Porsche sẽ mua toàn bộ số lượng nhiên liệu này và ban đầu sẽ sử dụng nhiên liệu tổng hợp tái tạo chủ yếu trong các hoạt động đua xe của thương hiệu. Trong tương lai, Porsche sẽ sử dụng eFuels trong các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong của mình bao gồm cả xe cổ. Röhrl cho biết thêm: “Tôi hy vọng rằng trong tương lai tôi sẽ có thể lái những chiếc ô tô cũ mà không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường với eFuels. Tiếp nhiên liệu cho một chiếc xe 50 năm tuổi bằng eFuels, đây chính là sự bền vững thuần túy.”
Tham khảo: Porsche