Trang chủ » E-diff cùng tính năng kiểm soát trượt bên: Những công nghệ hiện đại làm nên thương hiệu Ferrari

Chia sẻ bài đăng này

Thị Trường Xe

E-diff cùng tính năng kiểm soát trượt bên: Những công nghệ hiện đại làm nên thương hiệu Ferrari


E-diff cùng tính năng kiểm soát trượt bên: Những công nghệ hiện đại làm nên thương hiệu Ferrari

Qua nhiều năm “thực chiến” trên nhiều đấu trường tốc độ trên khắp thế giới, thương hiệu Ferrari đã từng được tận hưởng nhiều vinh quang, tuy nhiên cũng có lúc phải nếm trải mùi vị của thất bại. Dẫu vậy, những cuộc đua này đều là những trải nghiệm để giúp thương hiệu siêu xe lâu đời Ý đúc kết những kinh nghiệm, rút ra những bài học để có thể tiến xa hơn. Mặt khác, những cuộc đua là nơi lý tưởng nhất để thương hiệu Ferrari cũng như là các thương hiệu khác thử nghiệm các công nghệ hiện đại cũng như kiểm tra, đo lường khả năng vận hành của các trang bị công nghệ khi xe tham gia đua. Chính từ đây, nếu công nghệ này đem lại lợi ích cho việc vận hành của các mẫu xe khác thì hoàn toàn có thể sẽ được cân nhắc và đưa vào trang bị cho những mẫu xe sản xuất thương mại.

Hai tính năng E-diff (Điều chỉnh vi sai điện tử) và tính năng kiểm soát trượt (Side Slip Control) chính là tính năng được đúc kết và vận dụng vào những mẫu xe thương mại. Tính năng E-diff được ra mắt vào năm 2004 trên mẫu Ferrari F430 và đây chính là một ví dụ điển hình về công nghệ đã được chuyển hóa từ Formula One sang xe hơi sản xuất thương mại. Hệ thống E-diff giúp tăng cường khả năng bám đường của xe khi vận hành ở tốc độ cao bằng cách tối ưu hóa độ bám đường khi vào cua đồng thời giảm lực kéo của xe.


Ferrari SSC (1).jpg

Hệ thống E-diff hoạt động bằng cách phân phối mô-men xoắn giữa các bánh xe thông qua việc sử dụng hai bộ đĩa ma sát được điều khiển bởi bộ truyền động thủy lực, lượng mô-men xoắn được truyền phụ thuộc vào các biến số bao gồm góc đánh lái, đầu vào của bàn đạp ga, và độ nghiêng (chuyển động quay của xe quanh trục thẳng đứng).

Với những công nghệ tiên tiến ở thời điểm bấy giờ bao gồm E-diff, chiếc Ferrari F430 hoàn thành một vòng đua Fiorano nhanh hơn 3 giây so với người tiền nhiệm Ferrari Modena. Cũng chính mẫu xe này đã tạo tiền đề cho những mẫu xe sau này của Ferrari khi những thiết lập phần cứng thực sự được nâng tầm bởi phần mềm. Những chiếc xe được thiết kế hướng tới việc vận hành trên đường đua của Ferrari cũng dần trở thành những mẫu xe được trang bị các công nghệ mới nhất. Điển hình chính là mẫu xe hiệu năng cao Ferrari 430 Scuderia từng được ra mắt vào năm 2008, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mẫu xe vẫn được nhiều người hâm mộ và khách hàng ưa thích.


Ferrari SSC (5).jpg

Trong quá khứ, những tay đua như Michael Schumacher đã tham gia rất nhiều vào quá trình phát triển của những mẫu xe đường phố. Tuy nhiên càng về sau, hệ thống E-diff cũng đã được làm lại để phù hợp với hệ thống kiểm soát lực kéo F1-trac từ mẫu xe hàng đầu với động cơ đặt trước Ferrari 599 GTB. Trên thực tế, hệ thống này không kiểm soát lực kéo mà đúng hơn là "tối ưu hóa" lực kéo. Hệ thống này chiếm một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển xe đường phố của Ferrari. Hệ thống E-diff thế hệ tiếp theo được nâng cấp và trang bị trên mẫu xe 458 Speciale, chiếc Ferrari V8 với sức mạnh ấn tượng cùng DNA thừa hưởng một cách trực tiếp từ những mẫu xe đua.

Việc phát triển E-diff đã được đưa lên một tầm cao mới khi 458 Speciale cũng là dòng xe đầu tiên được trang bị SSC (Side Slip Angle Control) hay còn gọi là hệ thống kiểm soát trượt bên, hệ thống này hoạt động với thuật toá so sánh góc của xe với góc cua một cách hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa khả năng vận hành cùng lúc với E-diff và F1-trac. Hơn nữa, công nghệ này cũng đồng thời giúp cải thiện biên độ an toàn của xe, đồng thời hệ thống có thể giúp những “tay mơ” thực hiện một màn drift ấn tượng mà không bị ngắt quãng.


Ferrari SSC (4).jpg

Về sau này, các mẫu xe như 488 GTB, F12tdf và 488 Pista đều sử dụng các phiên bản cải tiến của hệ thống kiểm soát trượt bên. Mẫu xe 488 Pista cũng đã từng được bổ sung thêm công nghệ Ferrari Dynamic Enhancer, giúp mang lại hiệu quả cho hệ thống phanh. Hệ thống này dự đoán thời điểm xoay bánh xe dựa trên các thuật toán của SSC và hoạt động với ECU động lực học để xác định áp suất phanh cần thiết ở mỗi bánh xe.

Sau 488 Pista, hệ thống này tiếp tục được phát triển và đưa lên một tầm cao mới với mẫu siêu xe Hybrid Ferrari SF90. Hệ thống trên SF90 gồm có bộ điều khiển hệ thống điện áp cao (bao gồm MGUK, pin và biến tần) cùng trang bị eSSC mới. Hệ thống này quản lý việc điều chỉnh và phân phối mô-men xoắn và sức mạnh động cơ đến cả bốn bánh xe trên ba thông số chính.


Ferrari SSC (3).jpg

Hệ thống này điều chỉnh các yếu tố bao gồm kiểm soát lực kéo, phanh Brake-by-Wire và công nghệ vectơ mô-men xoắn quản lý lực tác động lên bánh xe bên ngoài và bên trong khi vào cua nhằm đem lại lực kéo tối đa.

Tham khảo: Ferrari

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận