Trang chủ » Lịch sử Ferrari – hãng siêu xe lừng danh nhất thế giới

Chia sẻ bài đăng này

Siêu Xe

Lịch sử Ferrari – hãng siêu xe lừng danh nhất thế giới


Lịch sử Ferrari – hãng siêu xe lừng danh nhất thế giới

Ferrari – thương hiệu siêu xe nổi tiếng nhất thế giới hiện nay luôn là cái tên hàng đầu mỗi khi nhắc đến những mẫu xe thể thao với kiểu dáng quyến rũ và hiệu năng vận hành vượt trội. Lịch sử Ferrari gắn liền với đua xe và hàng loạt thành công trong bộ môn Công thức 1 khiến hãng xe này trở thành niềm tự hào của người Italia.

Nguồn gốc của hãng xe Ferrari bắt đầu với việc nhà sáng lập Enzo Ferrari, sau một thời gian dài tham dự các giải đua xe thể thao dưới màu áo đội đua Alfa Romeo, dần rút lui và chuyển hướng sang quản lý kinh doanh. Năm 1929, ông thành lập nên một nhóm các tay đua với tên gọi Scuderia Ferrari, chủ yếu sử dụng xe Alfa Romeo 8C và đặt trụ sở ở Modena. Trong tiếng Ý, "scuderia" có nghĩa là "chuồng ngựa đua" và do đó cũng có thể hiểu với nghĩa "đội đua". Lúc này, thành phần của Scuderia Ferrari có cả những tay đua chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư và đi thi đấu với tâm thế đam mê nhiều hơn là đặt nặng chuyện tiền bạc.


enzo-ferrari-00.jpg

Ảnh thời trẻ của Enzo Ferrari


enzo-ferrari-01.jpg

Giai đoạn đầu sự nghiệp Enzo Ferrari gắn liền với hãng Alfa Romeo

Dẫu vậy, đội Scuderia Ferrari lại thu được nhiều thành tựu ấn tượng trong các cuộc đua, dần trở nên nổi tiếng và được hãng Alfa Romeo công khai ủng hộ nhiệt liệt. Đến năm 1933, do gặp khó khăn tài chính nên Alfa Romeo quyết định dẹp luôn đội đua sẵn có từ trước và đưa Scuderia Ferrari vào thay thế để làm đội đua chính thức đại diện cho hãng, sử dụng những chiếc xe Alfa Romeo P3 đình đám đương thời cũng như được bổ sung vào đội hình một số tay đua cứng cựa nhất. Logo Prancing Horse – Ngựa Chồm cũng xuất hiện từ thời kỳ này, được bố trí trên những tấm che động cơ xe đua.


enzo-ferrari-03.jpg

Một tay đua Scuderia Ferrari đang tranh tài trên chiếc Alfa Romeo 8C


scuderia-ferrari-modena.jpg

Trụ sở Scuderia Ferrari tại Modena những năm 1930

Năm 1935, xưởng của Enzo Ferrari chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế và lắp ráp chiếc xe Alfa Romeo Bimotore, qua đó đặt nền móng đầu tiên trên con đường trở thành một nhà sản xuất xe trong tương lai. Năm 1937, một mẫu xe khác của Alfa Romeo là chiếc Alfetta 158 cũng được lắp ráp tại Modena dưới sự giám sát của Enzo.

Năm 1938, Alfa Romeo thành lập lại một đội đua xe thể thao của riêng họ mang tên Alfa Corse, đặt trụ sở ở Milan và đưa Enzo Ferrari lên vị trí giám đốc quản lý đội, đồng thời cho giải tán nhóm Scuderia Ferrari. Đến năm 1939, Enzo Ferrari chính thức rời Alfa Romeo, quay trở lại Modena và thành lập công ty mới có tên Auto Avio Costruzioni chuyên sản xuất máy móc thiết bị và linh kiện cho máy bay. Năm 1940, công ty của Ferrari sản xuất thành công chiếc xe đầu tiên mang tên Auto Avio Costruzioni 815, là một mẫu xe đua dựa trên nền tảng của Fiat 508C.


auto-avio-costruzioni-815.jpg

Auto Avio Costruzioni 815 – chiếc xe đầu tiên do Enzo Ferrari tự thiết kế

Sau đó, do ảnh hưởng của Thế chiến II nên xưởng sản xuất của công ty bị hư hại nặng nề và phải đến sau 1945 mới hoạt động trở lại, sau khi chuyển đến Maranello vào năm 1943. Trong khoảng thời gian "tạm nghỉ" này, Enzo Ferrari nung nấu ý định tạo nên một chiếc xe hoàn toàn mới, sử dụng động cơ V12.

Cuối năm 1946, Enzo Ferrari chính thức công bố bản vẽ kỹ thuật và thông số chi tiết về dự án xe đua đầu tiên mang trên mình nhãn hiệu Ferrari. Chiếc xe hoàn tất vào năm 1947, có tên gọi 125 S và vận hành bằng động cơ V12 dung tích 1.5L. Công ty của Ferrari sản xuất 2 chiếc và cho chúng tham gia giải đua chính thức đầu tiên ở Piacenza vào tháng 5/1947.


Ferrari125s.jpg

Ferrari 125 S trong một cuộc đua

Năm 1950, trong lần đầu tiên Giải vô địch đua xe Công thức 1 (F1) thế giới được tổ chức, Ferrari quyết định cho đội đua của mình tham gia kể từ chặng thứ 2 ở Monaco. Đội Ferrari giành chức vô địch một chặng Grand Prix F1 đầu tiên vào năm 1951, sau đó năm 1952 có tay đua đầu tiên giành chức vô địch thế giới là Alberto Ascari.

Năm 1957, công ty của Ferrari đổi tên thành Auto Costruzioni Ferrari. Cùng năm đó, một dòng sản phẩm phụ mang tên Dino ra đời, lấy theo tên người con trai của nhà sáng lập Enzo. Khác với những chiếc xe nhãn hiệu Ferrari dùng động cơ V12, dòng xe Dino lắp động cơ V6, có thiết kế nhỏ nhắn hơn và giá rẻ hơn, phần nào dễ tiếp cận hơn đối với người mới. Dòng Dino duy trì đến năm 1976 thì được sáp nhập trở lại danh mục Ferrari.


enzo-ferrari-02.jpg

Enzo Ferrari (thứ hai từ phải sang) cùng con trai Dino (ngoài cùng bên trái) và các cộng sự đang nghiên cứu động cơ

Đây cũng là thời kỳ Enzo đối mặt với nhiều mất mát. Nhà vô địch Alberto Ascari, cũng là bạn thân của Enzo, rời khỏi Ferrari vì mâu thuẫn tiền bạc vào năm 1954 và qua đời năm 1955 trong một buổi chạy thử tại Monza. Người con trai Dino ra đi năm 1956 vì bệnh tật khi mới chỉ 24 tuổi. Hàng loạt tay đua F1 của đội Ferrari tử nạn cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động công ty như thảm họa Mille Miglia năm 1957 khiến tay đua Alfonso de Portago, người trợ lái cùng 9 khán giả thiệt mạng; sau đó vào năm 1958 là những tai nạn của Luigi Musso tại trường đua Reims và Peter Collins tại Nurburgring.

Những sự cố liên quan đến yếu tố an toàn khi đua xe khiến Ferrari hứng chịu chỉ trích rằng đã quá đặt nặng thành tích mà không quan tâm đến các tay đua. Ông Enzo thậm chí còn bị cáo buộc tội danh giết người, đứng trước làn sóng phản đối dữ dội cùng sức ép pháp lý chưa từng có, trái ngược hẳn so với quãng thời gian thành công trước đây.


ferrari_drivers.jpg

Alfonso de Portago (áo đen) và Peter Collins (ngoài cùng bên phải) đều là những tay đua tài hoa nhưng bạc mệnh của đội đua Ferrari

Mất phương hướng, Enzo lui dần vào hậu trường và để cho người vợ Laura nắm lấy phần lớn quyền điều hành công ty. Bản thân bà Laura trước đó cũng nổi tiếng là người có cá tính mạnh mẽ, khắt khe, cầu toàn và không khoan nhượng chẳng kém chồng là bao, lại thêm nỗi đau mất con càng khiến tâm lý bà thêm bất ổn. Những cơn giận vô cớ liên tục được trút lên đội ngũ nhân viên Ferrari, môi trường làm việc ngày càng ngột ngạt hơn còn doanh số tụt dốc thê thảm.

Đứng trước tình hình tồi tệ, các thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo Ferrari như kỹ sư trưởng Carlo Chiti, giám đốc mảng xe thể thao Giotto Bizzarini, giám đốc bán hàng Girolamo Gardini hay giám đốc Scuderia Ferrari Romolo Tavoni… đồng loạt gửi thư phản đối cho Enzo, yêu cầu truất quyền lãnh đạo của bà Laura. Một buổi họp được tổ chức và sau chỉ 45 phút, Enzo quyết định cho tất cả thôi việc, dù rằng họ là những nhân sự quan trọng bậc nhất và có thể coi như là "linh hồn" của công ty.


enzo-ferrari-laura.jpg

Enzo Ferrari và vợ Laura


ferrari-factory-1960.jpeg

Nhà máy Ferrari những năm 1960

Sự kiện này, diễn ra năm 1961, về sau được mệnh danh "The Great Walkout" và tưởng chừng đã là dấu chấm hết cho Ferrari. Lúc đó, các đối thủ Jaguar, Lotus hay Shelby đang ngày một mạnh lên, còn dự án xe 250 GTO vốn được đặt nhiều kỳ vọng thì bị gián đoạn vì thiếu vắng Tavoni cùng đội ngũ kỹ sư quen thuộc.

May sao, những nhân tài khác đã xuất hiện kịp lúc. Các kỹ sư trẻ Mauro Forghieri cùng Sergio Scaglietti góp sức hoàn tất chiếc 250 GTO, để chiếc xe đạt thành công ngoài sức tưởng tượng trong vô số giải đua năm 1962. Cả Forghieri và Scaglietti từ đó cũng trở thành trụ cột mới của Ferrari, tạo nền móng cho sự ra đời dòng P-Series dựa trên những chiếc Dino với động cơ đặt giữa và nhiều dòng xe ấn tượng khác.


01-1962-ferrari-250-gto.jpg

250 GTO trở thành chiếc xe đình đám bậc nhất trong lịch sử Ferrari

Những năm 1963 – 1967 chứng kiến Ford nổi lên cạnh tranh trực tiếp với Ferrari và thậm chí còn vượt qua với chiếc Ford GT40 giành chiến thắng tuyệt đối tại giải Le Mans 24 giờ vào năm 1966. Trước đó, hãng xe Mỹ cũng cố gắng mua lại Ferrari nhưng rốt cuộc thương vụ này không đi đến đâu. Sự kiện này từng được Hollywood dựng thành phim Ford v Ferrari (2019).


ford-v-ferrari-movie.jpg

Một cảnh trong bộ phim Ford v Ferrari, phim được đánh giá bám khá sát thực tế

Sau khi vắng mặt hoàn toàn trong các giải đua xe thể thao năm 1968 để phản đối những quy định mới không hợp lý của tổ chức FIA, đội đua Scuderia Ferrari trở lại năm 1969 và ngay lập tức đối mặt với những chiếc Porsche có hiệu năng hết sức ấn tượng, từ chiếc 908 động cơ 3 lít đến chiếc 917 dùng động cơ 5 lít. 1969 cũng đánh dấu thời điểm hãng Fiat mua lại 50% cổ phần của Ferrari và trở thành cổ đông chính, qua đó tăng cường đáng kể nguồn vốn cho quá trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển xe mới.

Năm 1973, sau khi mất dần sự thống trị ở các giải đua xe thể thao, Ferrari quyết định cắt bỏ hết và chỉ tập trung vào Công thức 1. Không còn phải dàn trải ra quá nhiều, Ferrari trở thành thế lực trên đường đua F1 trong hơn một thập kỷ, với 3 chức vô địch thế giới của Niki Lauda (1975, 1977) và Jody Scheckter (1979). Tuy nhiên thời kỳ này cũng có những nốt trầm khi tay đua Gilles Villeneuve tử nạn ở Bỉ còn Didier Pironi suýt mất mạng ở Đức, đều trong năm 1982.


Niki-Lauda-Ferrari.jpg

Tay đua lừng danh Niki Lauda cùng Ferrari lên đỉnh vinh quang

Năm 1988, nhà sáng lập Enzo Ferrari qua đời ở tuổi 90, toàn bộ 40% cổ phần công ty của ông đều được Fiat mua lại, còn giám đốc gắn bó lâu năm với hãng là Luca di Montezemolo lên đảm nhận vị trí Chủ tịch vào năm 1991. Ban lãnh đạo công ty tiếp tục đầu tư vào đua xe Công thức 1 khi đưa Jean Todt về làm giám đốc thể thao năm 1993 và tuyển mộ tay đua Michael Schumacher năm 1996. Kể từ đó, Schumacher giúp Ferrari thống trị đường đua F1 trong suốt một khoảng thời gian dài.


schumacher_ferrari_f1.jpg

Thời kỳ thành công nhất trong kỷ nguyên hiện đại của Ferrari trong bộ môn đua xe F1 gắn liền với Michael Schumacher

Năm 2015, Ferrari IPO trên Thị trường Chứng khoán New York với giá trị gần 10 tỷ USD. Hai năm sau, giá trị của công ty này tăng gấp đôi, lên 21 tỷ USD. Giờ đây Ferrari là một trong những thương hiệu xe hơi có giá trị nhất và phổ biến nhất trên thế giới, khi biểu tượng Ngựa Chồm của họ đại diện cho sự quyến rũ, tiền bạc và cuộc sống cao sang.


ferrari-1947-2022-75-years.jpg

Năm 2022, Ferrari kỷ niệm 75 năm hoạt động với vị thế dẫn đầu trong giới xe thể thao và siêu xe. Tương lai của thương hiệu này còn ẩn chứa nhiều thú vị khi sắp tới đây họ sẽ cho ra mắt chiếc xe gầm cao đầu tiên mang tên Purosangue, hứa hẹn tiếp tục gây chấn động toàn thế giới.

Tham khảo Ferrari

Chia sẻ bài đăng này

Đăng bình luận