Trong nỗ lực nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, chính phủ Singapore đưa ra quy định nghiêm khắc và buộc người dân phải đấu giá để giành quyền mua xe, khiến chúng trở thành những món hàng siêu xa xỉ.
Để sở hữu một chiếc xe ô tô ở Singapore vào thời điểm hiện tại, người dân phải đấu giá để có được giấy phép mua xe với chi phí lên đến 146.000 SGD (tương đương 106.000 USD và 2,6 tỷ đồng). Đây là kết quả của hệ thống “chứng nhận quyền được sở hữu phương tiện” (Certificate of Entitlement, hay COE) có thời hạn 10 năm dành cho người muốn mua xe hơi được chính phủ Singapore ban hành lần đầu năm 1990.
Do diện tích Singapore có hạn trong khi thu nhập của người dân nước này đứng đầu Đông Nam Á, chính phủ phải sử dụng đến COE như một biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát lượng ô tô lưu hành trên đường phố của Đảo quốc Sư tử này. Người mua xe hoặc nhân viên đại lý bán xe thay mặt khách hàng phải tham gia các phiên đấu giá COE được cơ quan giao thông vận tải đường bộ Singapore tổ chức rộng rãi hai lần một tháng để sở hữu được giấy chứng nhận. Số lượng COE được xác định bởi một hệ thống hạn ngạch.
Reuters cho biết, phí COE cao khiến chi phí sở hữu xe ô tô tại Singapore trở nên đắt đỏ nhất thế giới. COE cho một chiếc xe gia đình bình thường tính đến ngày 4/10/2023 đã đạt mức kỷ lục là 146.000 SGD (2,6 tỷ đồng), tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Số tiền này đủ để mua được tận 4 chiếc Toyota Camry Hybrid ở Mỹ.
Nếu tính tổng chi phí bao gồm COE, phí đăng ký và thuế, một chiếc Toyota Camry Hybrid đời mới ở Singapore sẽ có giá lăn bánh khoảng 251.000 SGD (4,466 tỷ đồng), gấp hơn 6 lần so với mức giá niêm yết 29.000 USD (707 triệu đồng) của mẫu xe cùng loại tại Mỹ. Một căn hộ nhỏ được chính phủ trợ cấp ở Singapore có giá khoảng 125.000 SGD (2,22 tỷ đồng), tức là vẫn thấp hơn một chút so với giấy phép mua xe hơi.
Năm 2020 là thời điểm số người lái xe ở Singapore ít hơn hiện nay, giá COE giảm xuống còn khoảng 30.000 SGD (533 triệu đồng). Hoạt động kinh tế gia tăng sau đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc nhiều người muốn mua xe hơi hơn, trong khi tổng số phương tiện trên đường bị giới hạn ở mức khoảng 950.000 xe. Số lượng COE mới hiện có tùy thuộc vào số lượng xe cũ bị hủy đăng ký.
Giá tăng vọt khiến xe hơi nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Singapore. Theo nhà xã hội học Tan Ern Ser, điều này ảnh hưởng đến “Giấc mơ Singapore”, khái niệm dùng để chỉ cuộc sống đủ đầy của một người khi có tiền mặt dư dả, một căn hộ chung cư và một chiếc ô tô.
Lạm phát dai dẳng và kinh tế trì trệ đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Singapore. Một số người quyết định bán xe đã mua ở thời điểm phí COE thấp để ăn chênh lệch. Anh Jason Guan là một ví dụ. Người đàn ông 40 tuổi đang làm việc tại một đại lý bảo hiểm cho biết anh đã mua chiếc ô tô đầu tiên của mình, một chiếc Toyota Rush, với giá 65.000 SGD (1,156 tỷ đồng) vào năm 2008, bao gồm cả giá COE. Hiện Guan sống không có ô tô, tập trung vào những phúc lợi khác mà Singapore mang lại cho gia đình anh. Thu nhập trung bình của 1 hộ gia đình ở Singapore là 121.188 SGD/năm (2,155 tỷ đồng).
Có 6 yếu tố chính quyết định giá của một chiếc xe hơi mới ở Singapore: giá trị thực của xe, phí đăng ký bổ sung, thuế tiêu thụ đặc biệt, giấy COE, phụ phí phát thải xe cộ và lợi nhuận của các đại lý. Những khoản trên đều do đại lý bán xe nộp, vì vậy giá bán cho người tiêu dùng cuối luôn cao hơn từ 4-5 lần so với giá trị thực của xe. Giá xe cũ trên thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này.
Không chỉ có vậy, theo khảo sát của Seedly (cộng đồng tài chính cá nhân lớn nhất Singapore), chi phí sử dụng xe trung bình mỗi tháng ở đất nước này cũng khá cao, vào khoảng hơn 1.500 SGD (27 triệu đồng), chủ yếu đến từ bảo hiểm, nhiên liệu, phí đỗ xe…
Mới đây, chính phủ Singapore còn tăng phí đăng ký bổ sung đối với ô tô trị giá hơn 40.000 SGD (711 triệu đồng), một động thái dự kiến sẽ tăng thu thêm 200 triệu SGD (3,558 nghìn tỷ đồng) vào ngân sách nước này trong năm tới đồng thời tác động đến 1/3 số ô tô mới đăng ký theo giá trị thị trường.
Tham khảo Reuters