Bằng một phương pháp đột phá, các kỹ sư tại Aston Martin đã tìm ra cách xác định thiết kế tối ưu nhất dành cho khu vực bảng điều khiển trung tâm bên trong xe của họ, với đầy đủ các nút bấm vật lý truyền thống chứ không phải dùng đến các loại bề mặt cảm ứng.
Trong những năm qua, xu hướng thiết kế nội thất xe theo hướng “tối giản”, chỉ dùng màn hình cảm ứng và lược bỏ hết các nút bấm đã khiến nhiều người không hài lòng. Phản ứng tiêu cực từ phía khách hàng tạo nên sự mâu thuẫn với các hãng xe, vốn cho rằng phong cách “full cảm ứng” là đúng đắn bởi các lý do như nhìn cabin đẹp hơn, hợp với xu thế chuyển sang xe điện, tiết kiệm chi phí sản xuất…
Tuy nhiên vẫn còn một số ít hãng xe không nghĩ như vậy, tiêu biểu nhất là Aston Martin. Nhà sản xuất xe thể thao thượng lưu tại Anh Quốc cho biết họ đã có thể tránh việc “chọc giận” khách hàng bằng cách làm cho chính đội ngũ thiết kế và kỹ sư của mình cảm thấy khó chịu trước, ngay trong quá trình phát triển sản phẩm.
Theo như Giám đốc thiết kế Miles Nurnberger chia sẻ, bí quyết của Aston Martin được gọi với cái tên “yếu tố gây khó chịu”. Quá trình bắt đầu từ một nhóm nhỏ nhân viên hãng, được tập hợp lại để lái thử vài mẫu xe cùng lúc, rồi đưa ra nhận xét về cấu trúc cabin của những chiếc xe đó. Mỗi người đều có tiêu chí riêng về một số tính năng mà họ cho là “bắt buộc phải hiện diện trong xe”, nên nếu như tính năng đó bị thiếu hoặc không thể thao tác dễ dàng, cảm giác khó chịu sẽ xảy ra.
Ông Nurnberger nói: “Khi bạn muốn thực hiện một thao tác nào đó, bạn sẽ muốn thực hiện nó ngay lập tức. Những thứ như tăng/giảm âm lượng của dàn loa hay điều chỉnh nhiệt độ của hệ thống điều hòa, nếu khách hàng phải mò mẫm trên màn hình cảm ứng để làm, họ sẽ thấy khó chịu ngay. Mà thực tế thì bất cứ ai cũng vậy. Chúng tôi thì không muốn mất khách”.
Sau công đoạn lái thử và trải nghiệm hệ thống điều khiển, nhóm nhân viên của Aston Martin sẽ nhớ lại các “yếu tố gây khó chịu” như cảm giác thiếu tính năng cần sử dụng trên vô-lăng, hoặc cảm giác phải tìm kiếm một tính năng ẩn sâu bên trong nhiều lớp menu của giao diện hệ điều hành trên màn hình cảm ứng. Họ sẽ liệt kê ra các chức năng nào cần có các nút bấm và công tắc vật lý, kèm theo thang điểm đánh giá mức độ “khó chịu” với người dùng nếu không thể thao tác nhanh.
Kết quả của quá trình này được thể hiện rõ nhất trên chiếc Aston Martin Vantage 2025 mới nhất hiện nay. Trên bảng điều khiển trung tâm của mẫu xe này, ngay phía dưới màn hình 10,25 inch là hơn 20 nút bấm vật lý với đầy đủ mọi chức năng, từ điều khiển âm lượng, nhiệt độ và tốc độ quạt của điều hòa, làm mát/sưởi ghế… cho đến các hệ thống liên quan đến vận hành của xe. Nhờ vậy, người lái có thể tận hưởng chiếc xe và không bị phân tâm bởi việc tìm kiếm các cài đặt trên màn hình cảm ứng.
Kể từ khi tỷ phú Lawrence Stroll tiếp quản Aston Martin với vai trò chủ tịch, đội ngũ thiết kế cabin xe đã tăng từ 5 người lên khoảng 20 người, cho thấy quyết tâm chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm người dùng. “Trong vòng nhiều năm qua, ngành công nghiệp ô tô cứ loay hoay giữa nút bấm và cảm ứng vì muốn vượt qua giới hạn của công nghệ, chứ không phải vì nghĩ đến khách hàng. Khi chúng tôi thiết kế cabin để con người có thể sử dụng thuận tiện nhất, nút bấm là thứ không thể thiếu”, ông Nurnberger kết luận.
Tham khảo Aston Martin