Chỉ có tổng cộng 4 chiếc Bugatti 57SC Atlantic từng được sản xuất. Tính đến nay, sau hơn 80 năm được sản xuất, chiếc xe vẫn là một tác phẩm nghệ thuật cơ khí hấp dẫn với phong cách thiết kế đặc trưng cũng như một chứng nhân cho thời hoàng kim của Bugatti ngày ấy. Những nhà sưu tập xe cổ hiện nay vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đô để có thể có cơ hội sở hữu mẫu xe này, tuy nhiên điều này quả là không hề dễ dàng. Ở thời điểm hiện tại, ta chỉ còn có thể có cơ hội chiêm ngưỡng 3 chiếc Atlantic còn tồn tại trên toàn thế giới. Một chiếc còn lại với màu đen mang tên “La Voiture Noire” gắn liền với sự mất tích bí ẩn chưa có lời giải cho tới tận ngày nay.
Bugatti Aerolithe Concept – Ý tưởng đầu tiên về dòng 57SC huyền thoại
Vào năm 1935, Jean Bugatti đã chắp bút thiết kế nên mẫu Aerolithe Concept. Chiếc xe được thiết kế theo phong cách “SuperProfile coupé” của Jean. Khác biệt vơi những chiếc xe cùng thời, Aerolithe Concept thanh mảnh hơn cùng những đường nét mềm mại, phần đầu xe kéo dài cũng như phần đuôi xe được kéo nhọn về phía sau. Aerolithe cũng đã được thiết kế với kiểu cửa mở ngược mà về sau này đã trở thành biểu tượng của 57SC Atlantic. Ở thời bấy giờ, Aerolithe được mệnh danh là chiếc xe đẹp nhất từng được thiết kế.
Chiếc xe được chế tạo từ một vật liệu hiếm khi được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô hoặc trong sản xuất công nghiệp nói chung. Aerolithe được chế tạo từ Elektron – một vật liệu tổng hợp dựa trên magiê. Chất liệu này có ưu điểm rất bền và nhẹ. Chính vì Elektron dễ cháy khi gặp nhiệt độ cao nên các kỹ sư không thể thực hiện việc hàn các tấm vỏ xe nên chính vì vậy họ phải sử dụng tới các đường đinh tán chạy dọc thân xe nhằm liên kết các tấm thân vỏ, đồng thời tạo cho chiếc xe một vẻ đẹp hoàn toàn độc đáo mà không chiếc xe nào có được.
Aerolithe được ra mắt trước công chúng lần đầu tiên tại triển lãm Paris Motorshow vào năm 1935. Thoạt đầu, thiết kế đi trước thời đại của chiếc xe phần nào trở nên khá lạ lẫm nên chính vì thế mà nó không thu hút được quá nhiều sự chú ý cho đến khi họ được lái thử Aerolithe và hoàn toàn bị thuyết phục bởi khả năng vận hành cũng như tốc độ của chiếc xe. Chính tên gọi “Aerolithe” của chiếc xe cũng được bắt nguồn từ một cụm từ tiếng Pháp, “Rapide comme une aérolithe”, tạm dịch: “Nhanh như một thiên thạch.”
Bugatti 57SC Atlantic – Sự ra đời của mẫu xe mang tính biểu tượng
So với nguyên mẫu concept Aerolithe, Atlantic không có quá nhiều sự khác biệt. Về ngoại thất, Atlantic sở hữu một sô thay đổi nhỏ nhằm tạo cho chiếc xe một vẻ đẹp trau chuốt hơn cũng như là tối đa hóa khả năng vận hành cho chiếc xe. Có một điểm khác biệt nhất chính là dòng Atlantic đã được trang bị phần vỏ xe bằng nhôm thay cho chất liệu Elektron trước đó. Tuy nhiên, những đường đinh gắn vỏ vẫn được giữ nguyên và sử dụng trên tất cả 4 chiếc Atlantic như một biểu tượng riêng cho dòng xe đầy hấp dẫn này.
Tên gọi “Atlantic” bắt nguồn từ một thảm kịch xảy ra đối với một người bạn của Jean Bugatti – phi công người Pháp Jean Mermoz. Ông là người tiên phong trong ngành hàng không Pháp đồng thời cũng chính là phi công đầu tiên trên thế giới vượt đại dương Nam Đại Tây Dương. Tuy nhiên vào năm 1936, Mermoz và phi hành đoàn của ông đã rơi xuống Đại Tây Dương sau khi chiếc máy bay của ông không may gặp phải sự cố về động cơ. Ban đầu, chiếc được đặt tên là Bugatti Aéro Coupé. Tuy nhiên, sau khi nghe được hung tin, Jean Bugatti đã đổi tên chiếc xe thành Bugatti Atlantic Coupé để tưởng nhớ người bạn đã khuất của mình.
Chỉ có tổng cộng 4 chiếc Atlantic từng được sản xuất và giao tới tay những vị khách hàng đặc biệt. Tuy nhiên, đằng sau mỗi chiếc xe là mỗi câu chuyện đầy ý nghĩa khác nhau, trong đó có cả câu chuyện còn dang dở về chiếc 57SC mất tích La Voiture Noire.
- Bugatti 57SC Atlantic với số khung #57374
Đây chính là chiếc Bugatti 57SC Atlantic đầu tiên lăn bánh ra khỏi dây chuyền sản xuất vào tháng 9 năm 1936, đánh dấu bước đầu thành công trong việc phát triển mẫu siêu xe vượt thời đại của thương hiệu siêu xe Pháp. Chiếc xe được bán cho Victor Rothschild, một giám đốc của Royal Dutch Shell. Sau một vài năm vận hành, chiếc xe đã được đưa trở lại nhà máy Bugatti tại Molsheim, Pháp để chỉnh sửa, hoàn thiện một số đặc điểm kỹ thuật nhằm đồng bộ với 3 chiếc còn lại.
Sau khi một bộ siêu nạp bị trục trặc và phát nổ, chiếc xe đã bị “bỏ rơi” giữa cánh đồng hoang vào năm 1941. Sau đó, chiếc xe đã được bán cho một thợ máy và được ông được sửa chữa rồi bán lại. Năm 1945, nó được bán cho một bác sĩ giàu có và được đưa tới Mỹ. Sau đó, chiếc xe đã được bán cho người đam mê Bugatti Mike Oliver và được ông lựa chọn sơn lại trong màu đỏ sẫm. Sau khi ông qua đời vào năm 1970, chiếc xe đã được bán lại cho phi công Briggs Cickyham và ngay sau đó được sang tay cho nhà sưu tập xe Peter Williamson. Chính Peter Williamson đã quyết định đưa chiếc xe trở lại trạng thái ban đầu với màu sắc nguyên bản và được vinh danh với Giải thưởng Chiếc xe đẹp nhất trong sự kiện Pebble Beach Concours năm 2003.
Không may, Peter Williamson đã mất sau đó 1 năm. Chiếc xe sau đó đã được gia đình ông đưa lên sàn đấu giá và thu lại được một khoản tiền kỉ lục lên tới 30 triệu Đô. Chính nhà sưu tập xe Peter Mullin đã mua lại chiếc xe này và lựa chọn trưng bày tại bảo tàng ô tô Peter Mullin cho tới nay.
2. Bugatti 57SC Atlantic với số khung #57473
Chiếc 57SC Atlantic thứ hai lăn bánh ra khỏi nhà máy vào tháng 12 năm 1936 và sớm được bàn giao tới vị chủ nhân đầu tiên là ông Jacques Holzschuch. Một năm sau, Jacques mang chiếc xe của mình tới cho sự kiện “Juan-Les-Pins Concours d’Elegance” và chiếc xe đã nhận được giải thưởng “Grand Prix d’Honneur”. Năm 1939, vẻ ngoài của chiếc xe đã được sửa đổi một số chi tiế do nhà thiết kế người Ý Giuseppe Figoni thực hiện. Đây cũng chính là lý giải cho việc #57473 có vẻ ngoài khác biệt so với những chiếc Atlantic khác.
Không lau sau đó, ông Holzschuch và vợ đã bị giết trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sau khi chiến tranh tàn lụi, doanh nhân Cannes Robert Verkerke đã mua chiếc xe cùng căn biệt thự mà trước đây thuộc sở hữu của ông Holzschuch. Chiếc xe đã được vị chủ nhân sử dụng trong giải đua xe International Speed Circuit lần thứ 3 được tổ chức tại Nice, Pháp. Sau đó Verkerke đã bán chiếc xe và #57473 đã trải qua ít nhất 3 đời chủ trước khi được bán cho người đam mê Bugatti René Chatard vào năm 1952.
Tuy nhiên, #57473 đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn khi bị một đoàn tàu gần Glen, Pháp đâm phải. Chatard và một người nữa đã thiệt mạng trong khi điều khiển chiếc xe này. Phần còn lại của chiếc xe đã được bán dưới dạng kim loại phế liệu. Tuy nhiên, một nhà sưu tập người Pháp đã mua phần phế liệu còn lại và quyết định phục hồi chiếc xe vào năm 1977.
Vào năm 2006, một nhà sưu tập xe bí ẩn đã mua chiếc xe. Ông quyết định tìm đến chuyên gia phục hồi xe cổ Paul Russell nhằm thực hiện việc khôi phục chiếc xe trở về nguyên trạng. Vào năm 2010, chiếc xe đã tham gia trưng bày tại Pebble Beach Concours. Tuy nhiên, chiếc xe không giành được bất kỳ giải thưởng nào bởi vì nó được coi là một chiếc xe đã được phục hồi toàn bộ với đa số các chi tiết đều đã được thay mới. Kể từ đó đến nay, chiếc xe được lưu trữ trong một bảo tàng xe thuộc sở hữu tư nhân tại thành phố Torrota ở Tây Ban Nha.
3. Bugatti 57SC Atlantic với số khung #57591
Có một số những thắc mắc về sự tồn tại của một chiếc Bugatti 57SC Atlantic với màu xanh truyền thống của Bugatti. Đó cũng chính là màu sắc nguyên bản của chiếc xe mang số khung 57591 cho tới khi được phục chế về sau này và được khoác lên mình một lớp áo đen bóng bẩy.
Chiếc Bugatti 57SC Atlantic thứ ba được chế tạo vào tháng 5 năm 1938 và được bán cho tay vợt người Anh Richard Pope. Chiếc xe sở hữu một số điểm khác biệt khi so sánh với những chiếc Atlantic khác trên đường như phần đầu xe được thiết kế lại với lưới tản nhiệt mới cũng như phần đèn chiếu sang được thiết kế dạng rời thay vì đi liền vào thân xe như hai chiếc xe trước đó. Đồng thời, xe cũng được loại bỏ phần ốp bánh phía sau giống như hai chiếc được sản xuất trước đó.. Chiếc xe đã được gửi trở lại Molsheim, Pháp để nâng cấp một số trang bị kĩ thuật tương tự như chiếc đầu tiên. Trong thời gian sở hữu, Pope thường cho chuyên gia Bugatti Barrie Price mượn chiếc xe của mình.
Cuối cùng, Price đã mua lại chiếc xe vào năm 1967. Trong thời gian Barrie Price sở hữu, chiếc xe đã từng gặp phải một vụ tai nạn nhẹ và khiến chiếc xe bị kẹt trong một con mương. Ngay sau đó, chiếc xe đã được bán lại cho doanh nhân Anthony Bamford, và được bán lại cho một nhà sưu tập khác.
Sau một số lần đổi chủ, cho đến cuối cùng, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới Ralph Lauren đã mua chiếc xe vào năm 1998. Sau đó, ông quyết định giao phó chiếc xe của mình cho chuyên gia phục hồi xe cổ Paul Russell cho một đợt phục hồi hoàn toàn. Sau khi quá trình phục hồi và sửa chữa hoàn tất, chiếc xe đã được sơn một lớp sơn đen mới theo yêu cầu của chính Ralph Lauren.
Chiếc xe đã giành được hai giải thưởng, giải thưởng “Best of Show” tại sự kiện Concours năm 1990 và giải thưởng “Best of Show” tại Villa d’Este năm 2013. Chiếc xe từ lau đã gắn liền với tên tuổi của Ralph Lauren cũng như thường cùng ông xuất hiện trong các sự kiện khác nhau. Đây cũng là mẫu xe đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập xe đồ sộ của nhà thiết kế thời trang Ralph Lauren. Cho tới thời điểm hiện tại, chiếc xe vẫn thuộc sở hữu của ông và vẫn được sử dụng và vận hành một cách trơn tru.
4. Bugatti 57SC Atlantic với số khung #57453 “La Voiture Noire” – Chiếc xe mất tích
La Voiture Noire (dịch là Chiếc xe màu đen) là chiếc xe thuộc sở hữu của Jean Bugatti – Cha đẻ của dòng Atlantic. Lý lịch của chiếc xe này đã bị che giấu trong suốt thời gian phát triển của dòng xe này. Chính vì vậy mà đây là chiếc xe đầu tiên được trang bị các thông số kỹ thuật cũng như các nâng cấp một cách đầy đủ nhất. Tuy nhiên, chiếc xe đã trở thành chiếc xe xuất hiện trên các tấm áp phích quảng cáo của Bugatti và được trưng bày tại Triển lãm ô tô Nice và Lyon trong năm 1937.
Bugatti đã tặng La Voiture Noire cho tay đua Robert Benoist như một giải thưởng sau khi giành chiến thắng tại giải đua Le Mans năm 1937. Sau một thời gian, anh đã đưa chiếc xe cho người bạn thân và đồng đội đua của mình là William Grover-Williams. Mặc dù La Voiture Noire được sử dụng một cách khá thường xuyên nhưng chiếc xe vẫn chưa từng được đăng kí lưu hành. Năm 1939, Williams và vợ trốn sang Anh sau khi Thế chiến 2 nổ ra. Chiếc xe được bắt gặp lần cuối sau khi được đưa trở lại nhà máy Bugatti ở Molsheim, Pháp. Lần cuối cùng La Voiture Noire xuất hiện trên giấy tờ là khi chiếc xe được ghi nhận nằm trong danh sách những chiếc xe được gửi tới Bordeaux, Pháp trong cuộc Xuất hành Pháp năm 1941, với số khung gầm được đổi thành 57454 cùng biển kiểm soát 1244W5. Kể từ khi ấy, La Voiture Noire biến mất một cách bí ẩn và cho tới nay, chiếc xe khộng xuất hiện thêm một lần nào nữa và số phận của chiếc xe vẫn là một dấu hỏi lớn cho những người mê xe trong nhiều năm vừa qua.